Năm 2019, âm nhạc Việt Nam chứng kiến hiện tượng sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ thịnh hành được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học.
Mở đầu là “Để Mị nói cho mà nghe” của DTAP (ca khúc đoạt Giải Mai Vàng 2019). Ngay từ tên gọi, ca khúc đã gợi nhắc khán giả đến truyện ngắn quen thuộc “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Mang âm hưởng sôi động, với ca từ vui nhộn, bài hát đã thoát khỏi cái không khí hiện thực nặng nề của truyện ngắn viết từ năm 1952 này. Với ê-kíp thực hiện đều là những người trẻ, từ câu nói cửa miệng: “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”, bài hát nhanh chóng được ưa chuộng và câu “để Mị nói cho mà nghe” lập tức có đời sống trong lời ăn tiếng nói thường nhật của giới trẻ.
Trước đó, với ca khúc “Bánh trôi nước” (sáng tác của Hồ Hoài Anh, phổ thơ Hồ Xuân Hương), Hoàng Thùy Linh đã đưa khán giả vào một không khí quyến rũ khác thường của một bài thơ quen thuộc.
Sức hút của văn học có thể thấy ở hàng loạt bản “hit” (ăn khách) của các nghệ sĩ trẻ như MV “Anh ơi ở lại” của Chi Pu, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám”. MV “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Chí Phèo” và những ngày cuối năm, ca sĩ Jun Phạm cho ra mắt MV “Đây là một bài hát vui” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.
Khoan bàn đến chất lượng của từng ca khúc này nhưng rõ ràng khi một sản phẩm âm nhạc dựa trên các tác phẩm văn học ra đời, đã có một điểm nhấn để truyền thông. Đồng thời gợi được sự tò mò từ phía khán giả khi thấy những nhân vật đã quen thuộc từ lâu, bỗng từ trang sách bước ra, ca hát, nhảy múa… Cho nên dẫu ca từ của bài hát, đứng độc lập, khó có thể gợi nhắc đến tác phẩm văn học nhưng được sự hỗ trợ của các câu chuyện trong MV đã gây được hiệu ứng thích thú đối với khán giả. Những người thực hiện các sản phẩm âm nhạc cũng ý thức được điều này. Nhìn qua các bài hát kể trên, có thể thấy tất cả có điểm chung là chọn lựa các tác phẩm văn học trong “nhà trường”, với những nhân vật kinh điển, chỉ cần vài nét tạo hình hay một câu nói là khán giả có thể nhận ra ngay.
Nhìn ra thế giới, những MV lấy cảm hứng âm nhạc đã khá phổ biến trước đây. Điển hình nhóm nhạc thần tượng K-pop đình đám BTS đã có những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học. Như “Blood, Sweat & Tears” chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiểu thuyết kinh điển “Demian” của Hermann Hesse. Hay ca khúc “Butterfly” dựa trên tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” của nhà văn Haruki Murakami.
Cảnh trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Việc khai thác các hình tượng “văn học nhà trường” trong MV nhạc Việt đến một lúc nào đó cũng sẽ cạn ý tưởng và những nghệ sĩ phải mở rộng tìm tòi, hướng ra những tác phẩm ngoài phạm vi nhà trường để tạo ra những thử thách mới cho bản thân cũng như cho công chúng nghe nhạc.
Ca khúc phổ thơ không phải là trường hợp cá biệt trong âm nhạc. Thậm chí, có nhiều ca khúc hay đến mức khiến khán giả quên mất bài thơ gốc. Cuộc “hôn phối” giữa thơ và nhạc đã sinh ra nhiều ca khúc bất hủ như “Khúc thụy du”, “Đưa em tìm động hoa vàng”… Tuy nhiên, khi thực hiện các sản phẩm âm nhạc trên, ca sĩ đứng trước những lựa chọn phải làm sao để sản phẩm của mình không bị cái bóng quá lớn của nhân vật văn chương lấn át, khiến cho bài hát chỉ còn là minh họa cho tác phẩm.
Các ca khúc này còn hướng đến cuộc đối thoại với tác phẩm văn chương, một hình thức liên văn bản, cho khán giả góc nhìn mới để tiếp cận các tác phẩm văn học. “Mị” của Hoàng Thùy Linh đang trò chuyện xuyên thế kỷ với “Mị” của Tô Hoài, bằng những tâm tình thuộc về hai thời đại khác nhau. Hay như nhân vật Cám của Chi Pu đã có tiếng nói với thế hệ hôm nay để không còn lẻ loi trong sự khinh rẻ của người đời. Đến Đức Phúc càng táo bạo hơn khi để cho Lý Cường mang mối tình thầm kín với Thị Nở.
Nhìn chung, những sáng tạo của các ca sĩ đã góp phần tạo ra đời sống khác bên ngoài tác phẩm văn học, khẳng định tính vận động của nghệ thuật. Tuy nhiên, trong tương lai, các sản phẩm đi sau càng phải sáng tạo hơn nữa để tránh sa vào lối mòn, trở thành những “chiêu” không còn khả dụng.
Tác giả: Chung Bảo (Nguồn: https://nld.com.vn/)