Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang chủLý LuậnCần tôn trọng tác giả Trịnh Công Sơn

Cần tôn trọng tác giả Trịnh Công Sơn

21
Tác giả: Lê Minh Quốc

Thời sự mới nhất liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người quan tâm có lẽ là trường hợp một video clip ghi lại cảnh cô gái hát một ca khúc của ông với nhạc đệm guitar mộc thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ và bình luận; nhiều báo, trang mạng điện tử cũng đưa tin mấy ngày qua.

Có điều tựa ca khúc này được ghi khác nhau: “Ta đã thấy gì trong đêm nay”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Ta đã thấy gì đêm nay”. Tra Google cũng cho ra nhiều cách ghi khác nhau: “Ta thấy gì đêm nay”, “Ta đã thấy gì đêm nay”, “Ta đã thấy gì trong đêm nay”.

Nhạc sĩ Trịnh Cồng Sơn. Nguồn ảnh: internet

Vậy tựa nào mới đúng của tác giả?

Xét về ngữ nghĩa, “Ta đã thấy gì đêm nay” là nói đến một sự việc đã diễn ra, do chứng kiến nên tác giả ghi nhận được, đó là: “Cờ bay trăm ngọn cờ bay”, “Hòa bình bay về muôn hướng”, “Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên”, “Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng”… Những hình ảnh khái quát của sự đoàn tụ, sum vầy, không còn hận thù ngăn cách. Nói cách khác đây là sự việc đã diễn ra với tất cả hình ảnh, thông tin cụ thể.

“Ta đã thấy gì trong đêm nay” là cũng một ngụ ý tương tự vừa nêu trên, có điều với từ “trong” như một cách nhấn mạnh về một khoảng thời gian cụ thể với những gì đã diễn ra trong đêm ấy.

Cả 2 tựa này đều không hợp lý ở chỗ xét về thời điểm sáng tác cụ thể, Trịnh Công Sơn viết vào năm 1968 (hoặc cũng có thể trước đó 1-2 năm). Bấy giờ, chiến tranh đang ngày một dữ dội, khốc liệt, chưa có dấu hiệu ngày kết thúc đến gần để từ đó, có thể diễn ra hoàn cảnh “đã thấy” với các dữ kiện như “Mặt đất rung rinh bước triệu người. Phá ngục tù đi dựng ngày mới”… Xét từ thời sự, từ thời điểm bấy giờ, những hành động cụ thể này chưa thể diễn ra. Do đó, nếu nói “đã thấy” là không có thật.

Căn cứ vào tập ca khúc “Kinh Việt Nam” của Trịnh Công Sơn do Đinh Cường vẽ bìa, Bửu Chỉ minh họa, Nhân Bản xuất bản năm 1970, ta thấy bài hát đề tựa “Ta thấy gì đêm nay”.

Đó là đêm ông chờ đợi ngày mai và viết rõ suy nghĩ của mình: “Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình. Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một Tổ quốc đích thực. Xin hãy dừng tay để được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan. Ðể cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa. Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ”.

Thế thì, “Ta thấy gì đêm nay” là nói đến sự việc sẽ diễn ra. Nó diễn ra thế nào? Đừng lấy bất kỳ một sự kiện cụ thể nào để so sánh, đối chiếu, đơn giản chỉ vì nó chưa diễn ra trong hiện thực. Cái sự “thấy” trong tựa ca khúc này chính là tác giả “thấy” từ trong nội tâm, “thấy” từ tâm tưởng, từ nhận thức của chính mình mà ông đang hướng đến, hy vọng nó sẽ đến. Nói cách khác, “thấy” ở đây là thấy trong trí tưởng tượng và thấy từ niềm tin của tác giả. Nếu “đã thấy” như đã phân tích thì hoàn toàn không hợp lý, làm gì đã diễn ra mà tác giả miêu tả lại?

Vì lẽ đó, khi Trịnh Công Sơn đặt tựa “Ta thấy gì đêm nay” là hợp lý, hợp tình hơn cả. Hợp ở đây vì nó đã nói lên được ước vọng của ông đang hướng đến ngày mai sẽ như thế, sẽ là thế.

Tóm lại, một khi đặt từ “đã thấy” trong ca khúc này là hiểu sai lệch cảm hứng sáng tác của Trịnh Công Sơn. Phải nói thêm rằng dù tựa “Ta thấy gì đêm nay” nhưng toàn bộ ca từ, kể cả câu mở đầu vẫn là “Ta đã thấy gì trong đêm nay”, vì rằng trong sáng tạo nghệ thuật, cho phép người nghệ sĩ có quyền bay bổng, ước mơ với điều chưa xảy ra, còn nằm ở phía tương lai. Và trong quá trình sáng tác bằng sự linh cảm, họ đã nhìn thấy điều sẽ xảy ra, thông qua trí tưởng tượng của mình. Chính Trịnh Công Sơn đã nói rõ trong phần mở đầu tập nhạc “Kinh Việt Nam” có in ca khúc “Ta thấy gì đêm nay”: “Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ”.

Cuốn nhạc “Kinh Việt Nam” của Trịnh Công Sơn xuất bản năm 1970 và bài “Ta thấy gì đêm nay” in trong cuốn nhạc này. (Ảnh chụp từ văn bản)

Không riêng gì ca khúc “Ta thấy gì đêm nay”, tình trạng ghi sai tên ca khúc, sai lời ca khúc là khá phổ biến hiện nay, khi những bản nhạc gốc không còn được phổ biến, thay vào đó là những ca khúc số hóa với rất nhiều dị bản tồn tại ở nhiều phương tiện tìm kiếm trên internet. Ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhà thơ Đằng Giao có ít nhất 3 tên khác nhau trên công cụ tìm kiếm Google: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Câu hò trên bến Hiền Lương”…

Thiết nghĩ, về tựa một ca khúc hoặc ca từ sau khi đã công bố, người duy nhất có quyền chỉnh sửa, thay đổi vẫn chính là tác giả. Quyền này đã được luật định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Người sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng bản quyền của tác giả, không thể thay đổi tùy hứng.

Một bài viết khác viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên: (http://cucnghethuatbieudien.gov.vn/), xin được ghép chung vào nội dung của bài viết này:

Trịnh Công Sơn và những dấu ấn nghệ thuật của một nhạc sĩ tài hoa

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nổi tiếng mà không một khán giả nào lại không biết tới, nhưng ít ai hiểu sâu hơn về dấu ấn nghệ thuật trong sự nghiệp của ông.

Nhạc sĩ tài hoa có tầm ảnh hưởng 

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi có sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới. Được biết, khoảng 2 triệu băng đĩa nhạc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được bán tại Nhật Bản.

Không những vậy, ông cũng là nhạc sĩ Việt được người Nhật yêu thích nhất. Họ viết cả lời Nhật cho những ca khúc của ông để ca sĩ của họ được biểu diễn, điển hình như ca khúc Diễm xưa. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Nhật đã hát lại ca khúc này như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu…

Nhạc Trịnh Công Sơn còn thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen – chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK trước hàng triệu khán giả và hàng loạt sân khấu lớn nhỏ khác.

Trịnh Công Sơn: Người nhạc sĩ tài hoa và những dấu ấn nghệ thuật đặc biệt - Ảnh 1.

Các trường đại học âm nhạc, văn hóa của Nhật và Việt Nam cũng liên tục thực hiện các đề tài, luận văn cao học, luận án tiến sĩ về nhạc Trịnh.

Có thể nói, Trịnh Công Sơn là tác giả hiếm hoi được nghiên cứu đầy đủ dưới nhiều bình diện như âm nhạc, văn hóa, ngôn ngữ, văn học… Ở mảng nào, ông cũng có đóng góp và gây dựng tầm ảnh hưởng to lớn.

Sở dĩ người Nhật yêu thích Trịnh Công Sơn đến như vậy vì âm hưởng chất nhạc, nội dung, tinh thần của nhạc Trịnh rất đậm hồn Đông phương và gắn chặt với văn hóa, thể hiện triết lí Á Đông đậm đặc.

Trịnh Công Sơn cũng được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam”, “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post)

Tại Việt Nam, hiếm có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều như Trịnh Công Sơn, với 600 ca khúc. Trong đó, có tới 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Người dân Việt Nam không ai là không biết nhạc Trịnh vì nó len lỏi vào từng ngõ ngách, tầng lớp công chúng.

Ca sĩ Việt hầu như đều từng hát nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh năm nào cũng được hoặc mở lên ở mọi sân khấu, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là loại nhạc duy nhất dung hòa được từ bác học tới bình dân, khiến ca sĩ mọi thế hệ, dòng nhạc đều hát được.

Trịnh Công Sơn: Người nhạc sĩ tài hoa và những dấu ấn nghệ thuật đặc biệt - Ảnh 2.

Trình độ sử dụng ca từ đạt tới nghệ thuật bậc cao

Khác với nhiều nhạc sĩ khác, ngoài giai điệu đẹp, nhạc Trịnh Công Sơn nổi bật hơn hẳn ở phần ca từ. Ca từ trong nhạc của ông đậm chất thơ, đa dạng về từ vựng, độc đáo về ngữ pháp, phong phú về thanh điệu và ẩn chứa nhiều mã nghệ thuật khác nhau.

Nói cách khác, nếu tách bỏ phần nhạc, thì phần lời của nhạc Trịnh thực sự đã làm nên những bài thơ xuất sắc, có đóng góp không nhỏ vào nền thi ca Việt Nam và làm giàu đẹp tiếng Việt.

Nhạc sĩ Văn Cao từng nói: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ…

Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra” (Nguồn: Nguoilaodong).

Trong ca từ nhạc Trịnh thể hiện đầy đủ mọi nghệ thuật ngôn ngữ tiếng Việt, từ việc sử dụng từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, từ lạ hóa tới điệp ngữ, điệp vần, hài thanh, câu hỏi tu từ, câu đặc biệt, ẩn dụ, hoán dụ… Tất cả đều đạt tới trình độ cao.

Chẳng hạn, có một nghiên cứu từng chỉ ra trong 139 ca khúc nhạc Trịnh thì có 210 câu hỏi tu từ, mỗi câu là một hình thức tu từ khác nhau với dụng ý nghệ thuật riêng.

Trịnh Công Sơn sử dụng rất nhiều ẩn dụ lạ hóa, độc đáo. Trong ca khúc Diễm xưa, đoạn “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” vừa chỉ chiếc tháp cổ kính, lại vừa ẩn ý về tháp cổ trắng ngần  của người con gái vướng phải bụi trần.

Hay, trong ca khúc “Chiều một mình qua phố”, từ “nắng khuya” dùng để chỉ ánh trăng, hoặc ánh đèn đường.

Trịnh Công Sơn: Người nhạc sĩ tài hoa và những dấu ấn nghệ thuật đặc biệt - Ảnh 3.

Tư tưởng lớn mang tầm thời đại

Ở nước ngoài, người ta gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam cũng có lí do của nó. Cả hai nhạc sĩ này đều viết nhạc với tinh thần hiện sinh chủ nghĩa đậm đặc.

Chủ nghĩa hiện sinh là một khuynh hướng triết học, mỹ học, một phong trào văn hóa thịnh hành, từng gây bão trong giới trẻ phương Tây nửa cuối thế kỉ XX, được phản ánh rộng rãi trong văn học Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Cùng với sự phát triển của văn hóa đại chúng (Pop Culture) trong những thập niên cuối của thế kỉ, nó đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới và gây dựng một tầm ảnh hưởng lớn trên nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ.

Tại Việt Nam, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ hiếm hoi tiếp thu và thể hiện tinh thần hiện sinh chủ nghĩa một cách sớm nhất qua các sáng tác của mình như Để gió cuốn đi, Ngẫu nhiên…

Trịnh Công Sơn: Người nhạc sĩ tài hoa và những dấu ấn nghệ thuật đặc biệt - Ảnh 4.

Trong nhạc của ông còn tiếp thu sâu sắc triết học Phật giáo nguyên thủy, từ vô thường, sự sống, cái chết tới an nhiên, tự tại. Tinh thần Phật giáo được thể hiện rõ nhất qua Cát bụi, Một cõi đi về…

Đây đều là những thứ tư tưởng lớn, mang tầm vóc nhân loại. Bởi vậy, người ta mới nói, nhạc Trịnh là cả một mã văn hóa.

Không những vậy, nhạc Trịnh còn là chứng nhân lịch sử cho một thời kì bão táp, thăng trầm của dân tộc. Nhưng trên hết, đó vẫn là tiếng nói yêu hòa bình, yêu con người.

(Nguồn: https://nld.com.vn/ & http://cucnghethuatbieudien.gov.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN