Trần Tiến đã đưa tôn giáo vào âm nhạc của mình hay tôn giáo đã bước vào âm nhạc Trần Tiến. Tôi đã tự hỏi mình như thế khi nghe ca khúc “Mưa bay tháp cổ” của ông. Trước kia ca khúc “Sắc màu” đã ít nhiều mang màu sắc tôn giáo với hình ảnh “Một màu đen đen, một màu trắng trắng, chiều hoang vắng chiếc xe tang lăn thật vội vàng…”. Nhưng không phải cứ triết lý về sinh diệt luân hồi, về cái chết với những cờ, những phướn… là có được chất tâm linh. ở “Mưa bay tháp cổ” ông đã khai mở một con đường không phải đi vào lòng những phế tích tháp Chàm xưa mà thực sự đi vào đời sống tâm linh người Chăm nơi thánh địa Mỹ Sơn.
Một lần đi thăm dải đất miền Trung, cảm hoài trước vẻ đẹp hoang phế, huyền cổ và phiêu miên của những tháp Chàm nhạc sĩ Trần Tiến đã hứng khởi viết nên Mưa bay tháp cổ. Trong điệu múa Apsara, trong tiếng niệm kinh Phật, trong sự thôi miên của những ánh mắt Chiêm, ông đã viết lên bản nhạc chứa trong nó nội lực một sức mạnh huyền bí và cổ kính. Những hạt mưa trên đỉnh tháp ướt vào lòng ông, thấm vào hồn ông trong chiều nghiêng không còn nhiều nắng… Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Trăm năm vũ điệu/ Nam mô nam mô nam mô Bụtđà / Một vòng thôi miên thôi miên Apsara/ Nhật nguyệt trên cao trên cao sáng tỏ/ Nam mô nam mô nam mô Butda… Lời tụng kinh thinh không đã thành lời hát trầm mình trong điệu Apsara. Ca từ lạ, độc đáo khác hẳn ngôn ngữ trong những bài hát trước đây của Trần Tiến, cho thấy cái phong cách âm nhạc thiên biến tài tình và khả năng sáng tạo thật sung lực của ông. Con đường âm nhạc mà ông đã đi qua in dấu nhiều miền đất và ở đâu ông cũng để lại những “nốt nhạc” của lòng mình. Khi là bình nguyên mượt xanh, khi là ngọn núi cao mây phủ – nơi chỉ có một mùa yêu, khi là bờ cát in dấu chân người lính, khi là cây cầu quê trên bờ sông nhiều gió heo may… Và giờ đây là ngọn tháp Chàm linh thiêng và cổ mặc.
Hình tượng âm nhạc trong Mưa bay tháp cổ ấn tượng như chính những ngôi tháp có một vẻ đẹp khó có thể bỏ qua. Hình ảnh tháp Chàm đã đi vào thi ca trong thơ Chế, đi vào điệu múa dân gian, đi vào hội họa, nhiếp ảnh và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác mà ít thấy trong những giai điệu âm nhạc. Thế nên tôi cứ chờ trông. Và Mưa bay tháp cổ đã ra đời trong “Bài hát Việt” như là một sự tất nhiên hay ngẫu nhiên? Tôi không trả lời được câu hỏi đó nhưng khi nghe Mưa bay tháp cổ thấy thoả niềm mong ngóng. Nghe Mưa bay tháp cổ sẽ dễ chìm sâu lắm vào không gian thánh địa, vào lòng những cổ tháp như để tưởng tượng về thánh thần, về thời gian, về ngọn lửa dưới giàn hoả thiêu… Lại thấy hiện về những linga, yoni, những tượng chim thần, bò thần. Lại thấy hiện về những hoa văn Chămpa trên những viên gạch Chàm, phiến đá Chàm, trên những ngọn dương xỉ Chàm, trong kiến trúc và điêu khắc Chàm. Lại thấy hiện về điệu múa Apsara từ cả ngàn năm, vũ điệu thắp lửa bên trời Phan Rang, Phan Rí. Những nét cười bí trầm, bộ mặt đắm đuối yêu thương, ngón tay lật ngửa cong vút, đôi chân trùng thấp chuốt căng một thế võ… Vũ điệu như bước ra từ đá và lại bước vào đá hàng trăm năm trong những hội Katê, những lễ tẩy trần… Những động tác, cử chỉ được khắc tạc từ đá trong niềm yêu mê như chim thần Garuđa đang bay, bay những đường gấp khúc quanh các vị thần Dvarapala, Galesa, Brama… Vũ điệu với “cong cong năm ngón ngũ hành”, hoang sơ và sử mặc, “trăm năm em múa ngả nghiêng ngả nghiêng ngả nghiêng” cứ thôi miên tâm trí người nhạc sĩ lãng du kia.
Âm nhạc là một phần đời sống tinh thần. Mưa bay tháp cổ sẽ là một phần đời sống tâm linh bởi nó ánh xạ tình yêu, giá trị, niềm tin của chúng ta vào những nốt nhạc, những giai điệu, những ca từ. Mưa bay tháp cổ dẫu không hoá giải điều huyền bí xưa của những viên gạch Chàm và cách thức dựng tháp nhưng nó chứa đựng sức sống của tháp Chàm, mạnh mẽ như câu thơ của nhà thơ trẻ Lê Bảo Âu Long :
Những trụ tròn vươn giữa trời xanh
Thẳng đứng thế cương từ đất đá
Đỉnh tháp vòm cong đỏ sực
Hiển hiện phồn thực linga.
(Đôi mắt Chăm huyền quyến – VNQĐ số 607/2004).
Cái sức sống phồn thực, đầy bản năng, và bản năng âm nhạc tích dồn trong mỗi ca từ nên từng con chữ cứ như ám ảnh, thôi miên những suy nghĩ của tác giả, những cảm nhận của người nghe, thôi miên chính cả những tầng tháp cổ… Bản năng âm nhạc tụ nén trong mỗi điệu nhạc nên từng nốt nhạc như mãi sâu hút vào những ám ảnh của nhạc sĩ, vào dư âm thính giả, vào trường âm lượng những cổ tháp …
Âm nhạc là cảm xúc thăng hoa. Trần Tiến nói rằng Mưa bay tháp cổ không lấy cảm hứng trực tiếp từ một ngôi tháp cụ thể nào trong quần thể thánh địa Mỹ Sơn, không từ ngọn Dương Long hay Khương Mỹ hay bất kì một ngôi tháp nào khác… Mưa bay tháp cổ là nỗi phiêu miên của ông. Ông lãng tử trong đời thực và phiêu miên trong âm nhạc. Trong niềm đam mê mình, trong trí tưởng tượng mình, trong cả giấc chiêm bao mình ông vẫn phiêu du khắp nơi. “Trăm năm bước phù du” ông đã đặt chân đến đây, cảm hoài điệu Apsara này. Cái hồn phiêu lãng bị thu hút bởi cái đẹp hay vẻ đẹp thôi miên cái hồn phiêu lãng, cũng không rõ nữa. Nhưng là người nhạc sĩ, ông phiêu miên với nghệ thuật, và là một Phật tử, ông phiêu miên với tôn giáo.
Chỉ đơn giản vậy thôi!
(Tác giả: Âu Thiên Sơn)