Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩHồ Hữu Thới - Giọng nhạc Nghệ mới

Hồ Hữu Thới – Giọng nhạc Nghệ mới

Tôi gặp Hồ Hữu Thới lần đầu vào mùa thu 1985. Khi ấy, có cuộc Hội diễn ngành Thương nghiệp ở Vinh.

Tôi mang đến Hội diễn “gánh hát” của cửa hàng may mặc số 5 Điện Biên – Hà Nội. Thi thố xong, tôi ở lại Vinh chơi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong một cuộc nhậu ở nhà Phan Hồng Khánh (ở Vinh thường gọi là Khánh Tây vì là lai Pháp), Tạo giới thiệu với tôi về Hồ Hữu Thới “nhạc sĩ quê hương”. Thới cười – nụ cười rất lành.

Thời đó, rượu Tây còn khan hiếm. Hai chai vốt-ka Ba Lan tôi kì cạch mang từ Hà Nội vào có lẽ cũng gây được cảm giác lạ cho các chàng nghệ xứ Nghệ. Hơi men nồng dần, ai đó đề nghị, vậy là Thới hát, Tạo phụ họa theo: “Ai đi xa tới nơi núi cao biển rộng / Chợt nghe câu hát quê hương / Có thêm thiết tha yêu quê mình / Núi Hồng và dòng sông Lam…”. Khánh Tây ghé tai tôi: “Ca khúc của Thới đấy. Tạo làm lời”. Hay và lạ.

Tới lúc đấy, tôi chưa thấy nhạc sĩ nào “chơi” ví dặm mà lại “dìm” âm hưởng Nghệ lùi xuống một khoảng tám đúng như Thới. Vốn đã mê ví dặm từ thời chiến tranh, gặp Tạo rồi gặp Thới, tôi càng mê đắm hơn. Ấn tượng ban đầu khiến tôi nhiều cảm tình với Thới. Sau này, đi lại Vinh nhiều lần, tôi càng hiểu “giọng nhạc Nghệ mới” của Hồ Hữu Thới và hiểu sự lặng lẽ dâng hiến cho quê hương những sáng tạo âm nhạc đậm chất “bản xứ” của anh.

Hồ Hữu Thới vào học trung cấp sáng tác âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội năm 1964. Tốt nghiệp trung cấp lại học tiếp đại học đến khi ra trường là năm 1971. Ai mê Hà Nội là có thể tìm cách trụ lại được. Thới thì ngược lại. Khao khát của anh là mang cái “vốn âm nhạc” có được về quê hương xứ Nghệ, đi “tìm cái nửa cho riêng tôi, tìm câu hát cuộc đời… khát khao làm mới câu ví, điệu hò xứ sở” như anh từng tự bạch.

“Câu hát quê hương” với lời của Nguyễn Trọng Tạo, đã khiến Hồ Hữu Thới tự tin khi trình làng với xứ Nghệ cái riêng của mình sau biết bao những “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Tiếng hát sông Lam” (Đinh Quang Hợp), “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận)… Thới và Tạo sau đó lại đưa ra “Xôn xao trời nước quê mình”. Lại thêm một đặc sản đặc chất Nghệ nhưng cũng rất mới mẻ “giọng nhạc Nghệ mới”. Chơi với nhau, cái chất của nhau ngấm sang nhau, cộng hưởng với nhau và làm mới lên từng người.

Từ sau khi Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng với “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách) và nhất là cuộc định cư ở Huế 10 năm, cặp bài trùng chỉ còn thân thiết ở sự truyền lửa, truyền ý tưởng. Tất nhiên, trong sự nghiệp sáng tác ca khúc, ngoài cặp bài trùng, người nhạc sĩ vẫn phổ những bài thơ hay của các tác giả khác khi mình bắt gặp. Hồ Hữu Thới cũng không là ngoại lệ. Anh phổ thơ Hải Như, Đặng Hồng Thiệp, Mường Mán, Cát Vận … Cho đến khi Hồ Hữu Thới lại có cuộc “phải lòng” với thơ của Hồ Xuân Hùng. Nhưng cuộc “phải lòng” này có những “thực tế” phải vượt qua. Cái khó cho Hồ Hữu Thới vì lúc ấy Hồ Xuân Hùng lại đang đương nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, còn Hồ Hữu Thới là giám đốc Sở văn hóa – Thông tin. “Phải lòng” gì thì “phải lòng”.

Lơ mơ là “tình ngay lý gian” ngay. Sẽ có người nhìn nhận không mấy “vị nghệ thuật” là ông nhạc sĩ này làm nhạc “nịnh xếp”. Vậy mà Hồ Hữu Thới đã vượt qua bằng bản lĩnh âm nhạc đích thực của mình. Hồ Hữu Thới phổ thơ Hồ Xuân Hùng “Vinh thành phố nghĩa tình”, “Vui tết cùng lính đảo”, “Mưa đêm thành Vinh”, “Sông Hương bến đợi”, “Kiên Giang một thời để nhớ”, “Tây Nguyên ơi hãy nổi trống lên”, “Nếu Hà Nội không có mùa đông”… Vẫn thấy ở đấy chẳng có nốt nhạc “nịnh” nào cả. Vẫn là chất cấu trúc chắc chắn. Vẫn là chất lạ hóa bất ngờ giai điệu. Vẫn là chất Nghệ luồn trong cảm xúc dù ở ngoài xứ Nghệ như xứ Huế, Kiên Giang, Tây Nguyên, Hà Nội. Nếu Hồ Hữu Thới không vượt qua những “xầm xì này nọ”, chắc chắn sẽ không có được chùm ca khúc khẳng định sự nghiệp của mình như thế. Bằng bản lĩnh của mình, với chất liệu ví dặm, Hồ Hữu Thới là một trong không nhiều nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về Bác Hồ. Đó là “Xôn xao bến cảng nhà Rồng”, “Giọng hò Nghệ”, “Rừng cây của Bác”, “Về Kim Liên nhớ Bác”, “Nhớ về một kỷ niệm”, “Quê hương ngày ấy Bác về”, “Ở làng Sen” (thơ Hải Như), “Chúng con hát về Người”.

Anh viết về tình Việt Lào, về một chiều bên sông Volga. Ca khúc “Chiều Volga” vừa mang đầy âm hưởng Nga, vừa mang đậm chất riêng của Hồ Hữu Thới. Những chuyển điệu bất ngờ làm lấp lánh hơn ánh hoàng hôn trên dòng sông đã có biết bao ca khúc ngợi ca. Một mảng sáng tạo quan trọng bên cạnh sáng tạo ca khúc của Hồ Hữu Thới là mảng viết nhạc cho kịch nói là kịch dân ca. Vở kịch dân ca “Mai Hắc Đế” đoạt huy chương vàng Hội diễn kịch toàn quốc là một đóng góp lớn cho quê hương khi đưa dân ca xứ Nghệ lên sân khấu. Có những Aria trong kịch hát đã đứng riêng thành một ca khúc như “Người con gái ấy” (ca kịch “Mắt Bão”), “Sao chàng sai hẹn” (ca kịch “Tiếng khèn xuân”).

Đóng góp âm nhạc của Hồ Hữu Thới với quê hương suốt hơn 40 năm qua quả là một đóng góp đáng kể. Anh trở thành linh hồn âm nhạc xứ Nghệ đương đại. Đến bây giờ khi đã về hưu, anh vẫn tham gia làm việc với Hội Di sản Việt Nam và vẫn liên tục sáng tác âm nhạc. Một cuộc “phải lòng” mới giữa Hồ Hữu Thới với nhà thơ Mai Hồng Niên đã tạo ra một loạt ca khúc phổ thơ gần 10 bài, được Nhà hát kịch Dân ca Nghệ An ủng hộ, tạo điều kiện trình diễn vào đêm 12.10.2012 tại Vinh.

Ấn tượng của chùm ca khúc này ở chỗ Hồ Hữu Thới đã “thuần phục” được những ngôn từ thơ khá táo bạo, khá gai góc của Mai Hồng Niên, làm ngời lên vẻ đẹp trữ tình, thuần khiết trong sâu thẳm những ý thơ, tứ thơ của Mai Hồng Niên bằng nhiều tiết tấu nhạc phong phú, trẻ trung và mới lạ. Lại thêm một cột mốc trong sự nghiệp sáng tạo lặng lẽ, không ít thiệt thòi của một nhạc sĩ như Hồ Hữu Thới.

NGUYỄN THỤY KHA
BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN