(Tác giả: Bùi Anh Tú)
Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, TS Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã vội vã rời xa cuộc đời. Anh ra đi khi sự nghiệp giáo dục, những công việc cùng biết bao niềm đam mê trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật… đang còn dài ở phía trước.
Trong cuộc sống ai cũng có những người bạn, người đồng nghiệp gần gũi thân thiết. Với Nguyễn Trọng Hoàn và tôi còn có những kỉ niệm đặc biệt riêng tư nữa. Anh là Phó Vụ trưởng, là lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công việc chuyên môn Âm nhạc của tôi, tôi là cấp dưới của anh. Nhưng anh đã từng nói với tôi: Ngoài giờ làm việc Trọng Hoàn luôn coi anh Tú là một người anh, một đồng nghiệp, một nghệ sĩ (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và Trọng Hoàn cũng là một thi sĩ).
Vì thế trong những đợt hai anh em đi công tác địa phương, anh cứ gọi anh Tú và xưng em, nhiều người ngạc nhiên vì Lãnh đạo sao gọi như thế và Trọng Hoàn cười nói: Anh Tú hơn tuổi Trọng Hoàn nên xưng thế.
Là lãnh đạo nhưng anh lại là thi sĩ nên hai anh em có những quan điểm, sở thích giống nhau. Tôi đã từng nói với anh: Bùi Anh Tú chỉ đóng 2 vai diễn thôi đã khó rồi. Vai diễn thứ nhất trong công việc chuyên môn hành chính của cơ quan và thứ hai là vai diễn của một nghệ sĩ, một người sáng tác nhạc. Trọng Hoàn phải đóng 3 vai diễn ngoài 2 vai diễn như anh Tú, Hoàn còn thêm một vai diễn khó hơn nữa là vai cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hoàn cười công nhận. Anh rất gần gũi, thân thiện với tất cả mọi người, không phân biệt trên dưới, với cơ quan cũng như các địa phương… tất cả vì công việc. Đi công tác nước ngoài hay các địa phương về anh hay tặng tôi quà như chiếc cà vạt từ nước Anh, bộ ấm chén, những chai rượu, gói chè, bao thuốc lá, điếu xì gà… và nhiều thứ nữa. Những tập thơ của anh, những tờ báo,cuốn tạp chí… có đăng bài viết của anh tặng tôi, tất cả những thứ đó vẫn hiện hữu trong nhà tôi đây.
Anh và tôi có biết bao kỉ niệm không thể kể hết được. Kỉ niệm với anh trong công việc của cơ quan, trong những chuyến đi công tác địa phương và kỉ niệm trong sự kết hợp những tác phẩm thơ, nhạc và kỉ niệm về cuộc sống riêng tư…
Tôi là người chuyển công tác về Bộ GDĐT sau anh rất nhiều năm. Anh giao cho tôi một số công việc, có những việc ngoài chuyên môn âm nhạc, lạ lẫm đối với tôi, cần phải am hiểu về tài chính, kinh tế, luật… mới làm được. Tôi đã có lần viết đơn xin phân công người khác nhưng anh không đồng ý và nói: “Anh cứ làm rồi sẽ quen dần, công việc sáng tác của anh có khi còn khó hơn nhiều anh còn làm được mà, cần gì em sẽ hướng dẫn anh Tú cụ thể“. Và tôi phải làm, lúc đầu bỡ ngỡ nên có việc làm ngô nghê, buồn cười quá. Anh đã hướng dẫn tôi làm lại và nhớ mãi, sau này anh vẫn nhắc lại việc đó và cười rất vui như một kỉ niệm. Trong công việc tại cơ quan là như thế, còn trong những đợt cùng anh đi công tác lại nhiều kỉ niệm thật khó quên. Anh và tôi đã cùng nhau rong ruổi đi khắp mọi miền của đất nước, từ biên giới đến hải đảo, từ miền núi đến đồng bằng… Nhớ lần đi công tác cùng anh tại cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang anh và tôi đã làm việc với địa phương, đến những ngôi trường, leo lên tận đỉnh cao chân cột cờ của Tổ quốc nhìn sang biên giới Trung Quốc chụp ảnh. Hết ngày làm việc, sau khi liên hoan cùng địa phương, mọi người trong đoàn đã mệt về KS ngủ, nhưng anh lại gọi anh tiếp tục đi giao lưu cùng các thầy giáo tại địa phương nhiều cuộc nữa và sau đó về một ngôi trường có thầy hiệu trưởng biết chơi đàn ghi ta, có sẵn đàn, anh và tôi tiếp tục cùng thầy hiệu trưởng hát, đàn cả đêm. Đến 2 giờ sáng lúc đó mất điện trời tối om, anh và tôi phải lần mò trong đêm tối mới về khách sạn được.
Rồi trong các chuyến đi công tác tại Cần Thơ, Tây Nguyên, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, đảo Phú Quốc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nữa. Lần công tác gần đây và là những lần cuối đi cùng anh là Thanh Hóa, Đà Nẵng và Kon Tum. Anh lại gọi tôi tối đi giao lưu ca nhạc với các anh em đồng nghiệp, học trò của anh và ngồi tâm sự cùng tôi đến khuya. Mỗi đợt đi công tác cùng anh, mỗi địa phương anh và tôi đều có những kỉ niệm đẹp với nhau.
Nhớ lần ở Đà Nẵng, sau khi tổ chức Hội thảo, tối giao lưu với lớp tập huấn xong, anh lại kéo tôi đi ngồi với các văn nghệ sĩ của Đà Nẵng. Anh và tôi còn ngồi ngắm sông Hàn, ngắm cầu Thuận Phước (lúc đó chưa có cầu Rồng) suốt đêm và sau đó anh có bài thơ để tôi phổ nhạc thành bài hát “Đà Nẵng-Một tình yêu” do ca sĩ Anh Thơ thể hiện. Bài này những lần đi công tác anh và tôi được nghe nhắc đến và trong danh mục Karaoke bài hát này được sử dụng nhiều.
Anh là một người viết nhiều, viết khỏe ở nhiều lĩnh vực: Thơ, văn, báo chí, lý luận phê bình, sách giáo khoa, kịch bản văn học, kịch bản phim ảnh, truyền hình… Rất nhiều bài thơ của anh đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành công, đã được giới thiệu trên Đài THVN, Đài TNVN, Đài TH Hà Nội, các phương tiện thông tin đại chúng, in trong sách giáo khoa từ cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, những bài hát về Mẹ, về tình yêu quê hương đất nước, về nghề dạy văn như: “Em đến trường mầm non” (Ngọc Linh-Kim Anh hát), “Lớp Một của em” (Sách GK Tiếng Việt lớp 1 mới), “Vì cuộc sống đẹp tươi” (VTV, Tốp ca THCS Chu Văn An, Hà Nội), “Lặng lẽ mẹ tôi” (VTV1, ca sĩ Lê Anh Tuấn), “Đà Nẵng-Một tình yêu” (ca sĩ Anh Thơ), “Gửi tới đảo xa” (VTV1, ca sĩ Thanh Bình) , “Gửi người yêu văn” (ca sĩ Việt Hoàn), “Thanh Xuân trường em” (Tốp ca NVH Ba Đình, Hà Nội), “Bài ca Trường THPT Đồng Đăng”, Lạng Sơn (tốp ca) và một số bài thơ của em được các nhạc sĩ khác phổ như: “Gửi từ Hà Nội” (VTV1, Nhạc sĩ Khánh Vinh, ca sĩ Lê Anh Dũng), “Từ bàn tay cô” (Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn), Hẹn hò quan họ (Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn), “Con yêu bố” (Bùi Anh Tôn), “Chiều hoa sen” (VTV1. Nhạc sĩ Ngọc Khuê-Ca sĩ Thanh Nga), “Huế xưa trở lại” (Nhạc sĩ Hoàng Long)…
Anh là người hiền lành, ít nói về gia đình, chỉ kể về người vợ mà anh rất yêu quý, các con yêu ngoan ngoãn, học giỏi và đặc biệt là người mẹ già 80 tuổi sống một mình ở quê nhà em rất yêu thương. Chủ nhật tuần nào anh cũng thuê taxi về thăm bà, có lúc đi riêng, lúc cùng vợ con (trừ lúc phải đi công tác) hoặc có việc quan trọng ở cơ quan. Bài hát “Lặng lẽ mẹ tôi” (Nhạc: Bùi Anh Tú-Bùi Anh Tôn) là từ bài thơ “Hình dung” anh viết tặng mẹ với tất cả tình cảm yêu thương chân thành nhất.
Anh thích thuốc lá, chè, rượu, bia chủ yếu là để ngồi cho vui, đàm đạo thơ, văn, nhạc, họa… Là người đam mê, trách nhiệm với công việc nên khi bị bệnh nặng đang nằm viện, nếu có cuộc họp anh vẫn đi taxi về cơ quan khi có thể.
Anh ra đi vội vã khi còn biết bao công việc nghĩa tình chưa thực hiện được. Hai nhạc sĩ Hoàng Long-Hoàng Lân là hai nhạc sĩ em rất kính trọng và yêu quý (NS Hoàng Long đã phổ nhạc bài hát: “Huế xưa trở lại” từ bài thơ của em). Hai nhạc sĩ đã cộng tác nhiều chương trình với Bộ GDĐT, các Dự án của UNICEF do anh phụ trách, trong những lần làm việc, gần đây hai nhạc sĩ đáng kính của ngành giáo dục có nói cho đến ngày hôm nay chưa đặt chân đến Điện Biên một lần. Tôi ngỡ ngàng và kể với anh. Anh cũng rất ngạc nhiên vì không ngờ là hai nhạc sĩ lớn của ngành giáo dục đã đặt chân đi khắp mọi miền đất nước mà sao lại chưa hề đến Điện Biên, trong khi đó Trọng Hoàn và tôi đã đến không biết bao lần và anh khẳng định luôn: Trọng Hoàn sẽ tổ chức một chuyến đi mời hai nhạc sĩ lên Điện Biên tham quan du lịch và giao lưu với các trường, với thầy cô giáo và các em học sinh trên mảnh đất lịch sử này. Anh bàn với tôi là sẽ tổ chức chuyến đi với tư cách cá nhân (không đi máy bay mà thuê ô tô riêng và nên đi vào mùa xuân để cho hai nhạc sĩ được ngắm phong cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, ngắm hoa đào, hoa ban, hoa mận…). Lịch trình sẽ đi qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu rồi đến Điện Biên, tiện đâu nghỉ đó. Anh còn dặn tôi lo thức ăn, nước uống, thuốc men và đồ dùng đầy đủ dùng dọc đường cho hai nhạc sĩ lão thành. Anh đã nói với hai nhạc sĩ nguyện vọng của anh, hai nhạc sĩ rất xúc động.
Anh còn nói sẽ đưa Bùi Anh Tú đi cùng anh đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà anh cho là một địa điểm lý tưởng, đẹp mà anh đã từng đến. Nhưng thật buồn sao. Bao nguyện vọng, những dự định tốt đẹp của anh và tôi đang lên kế hoạch thực hiện thì anh bất ngờ bị bệnh nặng rồi ra đi!
Ôi! Cuộc đời anh sao mà ngắn ngủi quá.
Không thể nào quên được những tháng ngày làm việc, những tình cảm và những kỉ niệm vô cùng đẹp với anh. Còn nhiều và rất nhiều nữa… nước mắt ngập tràn, không thể kể hết được. Ngồi nhớ lại những kỉ niệm, nghe những bài hát của anh và tôi đàn, hát những bài hát đó mà nghẹn lòng ko thể nghe, đàn, hát tiếp được nữa. Nhớ thương anh!
Anh đã giã từ cuộc đời vào ngày 28/4/2020.
Cầu mong anh siêu thoát và thanh thản nơi cõi Vĩnh hằng!
Bài hát “Lặng lẽ mẹ tôi”, thơ Nguyễn Trọng Hoàn, nhạc Bùi Anh Tú do VTV1 thực hiện tại làng cổ Đường Lâm, mời các quý vị và các bạn cùng nghe!
Thông tin nhạc sĩ Bùi Anh Tú:
Bùi Anh Tú
Hội viên CN sáng tác
Chỗ ở hiện nay: Số 1806, Nhà N2, CT1.2, Chung cư ngõ 183 Hoàng Văn Thái, Phường Khương Trung, QuậnThanh Xuân, Hà Nội. Điện thoại: 0903269400
Khen thưởng:
- Kỉ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” vì đã có thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng năm 2014. - Bằng khen do đã có nhiều thành tích đóng góp tích cực vào “Cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho tuổi trẻ và Thể dục Thể thao” năm 2017-2018 do Ủy ban OLIMPIC trao tặng năm 2018.
- Bằng khen do đã có nhiều đóng góp xây dựng đơn vị, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng năm 2019.
Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội từ năm 1998
Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1997
Tác phẩm, giải thưởng:
1. Giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn nghệ “Toàn xã hội chăm sóc sự nghiệp trồng người” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (năm 1990) Ca khúc: Cô giáo và mùa xuân
2. Giải thưởng Cuộc thi sáng tác ca khúc với đề tài “Tuổi trẻ - Nhà trường 92” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức (năm 1992) Ca khúc; Dòng sông tuổi thơ (Thơ: Đỗ Thị Hương Nhu)
3. Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc mang tên “Trẻ em hôm nay-Thế giới ngày mai” do Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Unicef Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (năm 1993). Ca khúc: Chim cúc cu (Phỏng thơ: Nghiêm Thị Hằng)
4. Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Người chiến sĩ biên phòng do Bộ Tư lệnh Biên phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (năm 1999). Ca khúc: Em hát tặng anh người chiến sĩ biên phòng
5. Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc về “Thầy cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức(năm 2008) Ca khúc: Khúc ca người giáo viên
6. Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc “Bác Hồ với thiếu nhi” do Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức (năm 2015) Ca khúc: Niềm vui ngày gặp mặt
7. Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2015. Ca khúc: Thầy cô là tất cả (Phỏng thơ: Nguyễn Trọng Sửu)
8. Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc cho tuổi thơdo Báo Hoa học trò và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức (năm 2015). Ca khúc: Em đến trường Mầm non (Thơ Nguyễn Trọng Hoàn)
Giới thiệu 5 tác phẩm nổi bật nhất:
1. Ca khúc Chút kỉ niệm dịu êm
2. Ca khúc Gửi tới đảo xa (Thơ: Nguyễn Trọng Hoàn)
3. Ca khúc Nghề giáo tôi yêu (Thơ Đinh Văn Nhã)
4. Ca khúc Anh hãy về quê em
5. Ca khúc Lặng lẽ mẹ tôi (Nhạc: Bùi Anh Tú-Bùi Anh Tôn-Thơ Nguyễn Trọng Hoàn)
6. Ca khúc Hà Nội, Hà Nội ơi!
Thông tin thêm về tác giả:
Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội chuyên ngành sáng tác.
- Tốt nghiệp Trường Quân Nhạc bộ môn kèn Clarinette (1979)
- Tốt nghiệp Khoa sư phạm Âm nhạc Trường CĐSP Nhạc - Hoạ TƯ (nay là ĐHSP Nghệ thuật TƯ (1984).
- Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (1991)
- Tốt nghiệp Cao học chuyên ngành sáng tác Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (2011).
- Đã từng công tác tại: Đoàn Quân nhạc Quân đoàn 4 (1979-1981), Giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TƯ (1985-1993), Biên tập Âm nhạc Nhà xuất bản Âm nhạc (1993-2000), Biên tập sách Âm nhạc Nhà xuất bản Giáo dục (2000-2006), Chuyên viên Âm nhạc Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006-2019).
Đã nghỉ hưu tại HN. Hiện đang làm biên tập SGK Âm nhạc NXB Giáo dục.
https://youtu.be/M2zoD2-sRJw https://youtu.be/_l0Fy9ik_Fg https://youtu.be/6O7lkl7xiyg https://youtu.be/_QtQ_ASrkxM https://youtu.be/39T5LYK3N1U https://youtu.be/TwifofjTtEc