Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩNghệ sĩ nhân dân Trung Kiên qua đời

Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên qua đời

13

(Tác giả: Thu Huế)

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên mất tại nhà riêng ở Hà Nội sáng 27/1, thọ 82 tuổi. Một tháng trước, nghệ sĩ Trung Kiên bị tai biến mạch máu não. Tang lễ ông dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Nhạc sĩ Quốc Trung viết trên Facebook lời từ biệt: “Cảm ơn bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn bố đã dành cho con và hai cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến. Nguyện vọng vun đắp hạnh phúc cho Xiu (biệt danh của Thiện Thanh) của bố đã được thực hiện để bố yên tâm lên một hành trình mới. Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó, con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa”.

Dù không theo dòng nhạc cổ điển như nghệ sĩ Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung thừa hưởng tình yêu âm nhạc từ bố. Sau khi Quốc Trung và Thanh Lam chia tay, nghệ sĩ Trung Kiên và vợ ông – bà Thu Hà – nuôi dạy hai cháu. Bà Thu Hà dạy đàn piano cho Đăng Quang trong khi ông Trung Kiên dạy Thiện Thanh thanh nhạc.

Nghe tin buồn, Trần Hiếu cho biết lần cuối ông gặp Trung Kiên là khi chấm thi kết thúc học kỳ một cho sinh viên nhạc viện cách đây ba tháng. Khi ấy, nghệ sĩ vẫn khỏe mạnh, hào hứng bàn luận về đề thi, chất lượng học tập của sinh viên. Tháng trước, nghe tin bạn bị tai biến mạch máu não, Trần Hiếu định qua thăm nhưng lại bị tai nạn, chưa kịp tới.

Trần Hiếu và Trung Kiên gắn bó với nhau từ thời đi hát trong phong trào thanh niên Hà Nội. Hai người hợp tính, yêu âm nhạc nên có thể trò chuyện cả ngày không dứt. Trần Hiếu có chất giọng nam trầm, còn Trung Kiên giọng ca tenor (nam cao), mỗi khi hát chung, cả hai bổ trợ, bè phối nhịp nhàng. “Tam ca 3C tức ba cụ mà giờ hai cụ Quý Dương, Trung Kiên đều đi rồi. Cả một đời ông ấy tận hiến cho âm nhạc cũng coi như không còn gì tiếc nuối. Hy vọng kiếp sau, ba chúng tôi sẽ gặp lại và cùng hát với nhau”, nghệ sĩ Trần Hiếu nói.

Nghệ sĩ Trung Kiên miệt mài giảng dạy, nghiên cứu âm nhạc cho đến những năm cuối đời. Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam.

NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong.

Tháng 4/1975, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nghệ sĩ Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng. Ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) được ông thu trong đêm 30/4, thu chỉ một lần. Trong một bài phỏng vấn, NSND Trung Kiên cho biết cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. “Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần Đất nước trọn niềm vui, tôi cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc ở thời khắc đặc biệt ấy. Với tôi, khi cất cao khúc khải hoàn ca của đất nước là cảm xúc òa vỡ sau rất nhiều năm dồn nén, ngóng trông”.

Nghệ sĩ Trung Kiên hát “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà. Video: Nhạc cách mạng tiền chiến.

Ngoài Đất nước trọn niềm vui, nghệ sĩ Trung Kiên còn nổi tiếng với các nhạc phẩm Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt)… Ông còn là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là học trò của ông như: NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương…

NSND Trung Kiên hát “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân. Video: Youtube.

Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật. Nghệ sĩ đương chức trong 10 năm liên tục cho đến khi về hưu năm 2011. Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade và viết sách.

Ông trải qua hai cuộc hôn nhân. Vợ đầu là Thanh Nga – ca sĩ, giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Cả hai có một con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Sau khi bà Nga qua đời vì ung thư, ông kết hôn với nghệ sĩ piano, nhà giáo Trần Bạch Thu Hà. Bà là con gái nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, và là chị gái nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN