Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủLý LuậnTừ câu chuyện "Những người bạn"

Từ câu chuyện “Những người bạn”

9

Như vậy đã 25 năm kể từ ngày lần đầu tiên nhóm nhạc sĩ Những người bạn với 7 thành viên ra đời và sống trong lòng công chúng. Những gì họ đã làm trước hết cho chính nhóm và đời sống âm nhạc đã góp phần tạo nên một giai đoạn mà không thể nào quên đối với người yêu nhạc. Từ những thành công mà nhóm Những người bạn đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nhạc Việt những năm tiếp đó. Nhưng, câu chuyện âm nhạc của những con người tài hoa và tâm huyết này dường như đã không được tiếp nối trọn vẹn bởi thế hệ một bộ phận các nhạc sĩ trẻ hôm nay! Phải chăng, các nhạc sĩ trẻ đã có hướng đi khác, đủ để tạo nên mốc son mới như chính những người anh trong nghề đã làm được cách đây 25 năm?

(Nguồn: internet)

Chúng ta đang băn khoăn và tự đặt câu hỏi cho chính mình, diện mạo của ca khúc Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây như thế nào? Khi khán giả trẻ, đặc biệt lứa tuổi teen, đang thắng thế trên nhiều “mặt trận” thì bắt đầu xuất hiện cái gọi là “nhạc teen”. Thời nào cũng có nhạc teen, khi nhóm nhạc sĩ Những người bạn được thành lập, mối quan tâm lớn nhất vẫn là tìm ra hướng sáng tạo mới, tìm tòi những ca từ hay, có nội dung lẫn nghệ thuật, cộng với giai điệu đẹp để sáng tác nên những bài hát hay dành cho đa số các bạn trẻ lúc bấy giờ. Thế là họ thành công, mỗi người mỗi vẻ, không hòa lẫn vào nhau. Và đến hôm nay, khi nghe lại những tác phẩm thành công ấy đã mang đến cho người nghe một cảm giác xao xuyến lạ kì. Tại sao, cách đây gần 25 năm, các nhạc sĩ của chúng ta đã có thể sáng tác những ca khúc hay đến vậy, trong khi đó các bạn trẻ hôm nay lại chưa làm được?

Đó là những ca khúc gắn liền với 7 nhạc sĩ như: Hai mươi mùa nắng lạ (Trịnh Công Sơn), Tình yêu mãi mãi (Tôn Thất Lập), Xin làm người hát rong (Trần Long Ẩn), Hát với chú ve con (Thanh Tùng), Ngày em đến, Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy), Thôi em hãy về (Nguyễn Ngọc Thiện), Ngày xưa còn bé (Nguyễn Văn Hiên),… Với sáng tác của mình, những nhạc sĩ này đã góp phần tạo nên không khí âm nhạc sôi nổi, nhiều màu sắc cho cả một giai đoạn tiếp theo. Khi chương trình Làn sóng xanh ra mắt và trở thành một kênh giải trí có tính tương tác đầu tiên với khán giả, cũng là lúc nhạc Việt khởi sắc, có được khán giả của mình.

Chưa khi nào nhạc trẻ trong nước lại có sức bậc mạnh mẽ đến như vậy! Khán giả quan tâm, ủng hộ, ca sĩ chuyên tâm trau dồi thanh nhạc để hát hay hơn, nhạc sĩ nghiêm túc trong từng sáng tác. Bên cạnh đó, các cuộc thi Tiếng hát truyền hình ra đời, như chắp thêm đôi cánh cho âm nhạc vươn xa hơn. Những gương mặt ca sĩ xuất hiện từ thời điểm đó đến nay đã có được vị trí khá vững chắc như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Phương Thanh, Cam Thơ, Thu Minh, Lam Trường, Mỹ Tâm,…

Người ta thường nói “thời thế tạo anh hùng”, phải chăng đó là lý do mà trong giai đoạn khó khăn, khi nhạc trẻ trong nước cần chứng minh sự tồn tại cũng như sức sáng tạo mới mẻ của mình thì cũng là thời khắc chúng ta có được những nhạc sĩ như vậy? Hay các nhạc sĩ trẻ hôm nay, không muốn “lặp lại” những đỉnh cao ấy để tìm cho mình một “vùng đất hứa”? Những thực tế đã chứng minh, nhiều ca khúc hiện nay không thể tồn tại và chỉ là sự sáng tạo vay mượn. Cũng là mối quan tâm về dòng nhạc Pop, Rock cho các bạn trẻ nhưng nhóm Những người bạn đã có được thành công, ca khúc đẹp về ca từ lẫn giai điệu, còn hiện nay khá mờ nhạt và hao hao giống nhau. Đó có phải là một “luận điệu” mới cho cái gọi là hội nhập và vươn ra thế giới của một số nhạc sĩ trẻ hiện nay?

Rõ ràng, nhạc trẻ trong nước đã có hẳn một giai đoạn bị chững lại. Sau đó lại rầm rộ với phong trào nhạc teen. Từ khi các website âm nhạc phát triển nhanh, cộng đồng trẻ có cơ hội lấn sân và tham gia ca hát ngày một đông. Như một hạt nhân nảy mầm từ cộng đồng mạng đó, chính là cụm từ “nhạc teen”. Nhưng bản chất nó chẳng có gì xa lạ với những sáng tác mà các nhạc sĩ trong nhóm Những người bạn đã sáng tác cách đây hơn mươi năm.

Nhiều nhạc sĩ trẻ hôm nay tự “chối bỏ” sứ mệnh sáng tạo của mình, để chạy theo lối sáng tác dễ dãi. Nghe và chọn những ca khúc nước ngoài đang thịnh hạnh rồi “sửa sang” phần hòa âm, giai điệu lại một ít, đặt ca từ tiếng Việt sao cho “chạy chữ”, thế là xong! Từ sự dễ dãi với chính mình, người nghe cũng loáng thoáng, ca sĩ nóng vội ra album mà tạo nên những ca khúc dễ nghe mà cũng dễ quên. Nhiều nhạc sĩ trẻ hôm nay cho rằng, ca từ không nhất thiết là thơ, hãy lấy những câu nói hằng ngày để tạo sự gần gũi cho ca khúc, điều đó không hoàn toàn sai nhưng chưa đủ nếu vạ đâu lấy đó, nghệ thuật không thể là sự tùy tiện! Nghệ thuật âm nhạc có cái đẹp của giai điệu âm thanh, tiếng hát và cả những ca từ có nội dung, giàu hình ảnh. Nếu không cần ca từ thì hãy viết những bản hòa tấu, những ca khúc thuộc thể loại khí nhạc, tuy nhiên đây là lĩnh vực không hề đơn giản. Mấy nhạc sĩ trẻ làm được!

Tuy nhạc Việt hiện nay vẫn có những mảng sáng và tối khác nhau. Nhưng vẫn cần bầu khí quyển trong lành để giá trị nghệ thuật “ban đầu” của âm nhạc được tôn trọng và gìn giữ. Điều này đã được nhóm nhạc sĩ Những người bạn làm khá tốt, chúng ta có quyền chọn hướng đi khác để có thể cống hiến nhiều hơn cho khán giả nhưng không thể tạo nên những ca khúc ca từ rỗng, giai điệu ăn cắp và thiếu sự nghiêm túc. Có lẽ, cũng cần thêm nhiều năm nữa để các nhạc sĩ trẻ hôm nay khẳng định cái mà họ đang tìm kiếm và định hình, nhưng trên con đường chinh phục đỉnh cao luôn cần từng “viên gạch” có chất lượng và giá trị. Đó là nền tảng vững chắc để xây nên tòa lâu đài âm nhạc nguy nga cho ngày sau.

(Nguồn: http://hoiamnhactphcm.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN