(Tác giả: Khắc Tuế – Biên tập: Quỳnh Anh)
(Nguồn: internet)
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Quế Trác, sinh ngày 3 tháng 7 năm 1928, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I, thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Là Đại tá Quân đội, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1966-1968. Ông mất ngày 8/5/2013.
Thuở nhỏ tự học nhạc, học thêm đàn violon và piano. Năm 1944, ông là người đàn piano, accordéon chuyên nghiệp của những phòng trà, tiệm nhảy, rạp hát tại Hà Nội, tham gia biểu diễn từ thiện.
Năm 1945, ông đã sáng tác bản nhạc không lời Vũ khúc tưng bừng, được sử dụng trong chương trình ca nhạc chào mừng Ngày Độc lập đầu tiên của đất nước (ngày 2 tháng 9 năm 1945).
Nhạc sĩ quyết tử quân Lương Ngọc Trác với các em Vệ út Trang Công Lũy (phải), 10 tuổi và Phạm Đình Luận (trái), 9 tuổi – những chú bé liên lạc gan dạ trên chiến lũy Liên khu 1
Khi thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội, ông gan dạ cùng đồng đội vượt qua đường, hướng tới ụ súng của địch ở phố Hàng Hòm, tung lựu đạn diệt địch. Trác bị thương vào chân, được đồng đội kịp thời cõng về Trạm Quân y Trung đoàn Thủ đô đặt ở phố Hàng Buồm điều trị. Trên giường bệnh, ông đọc được bài thơ của Mạc Tần đăng trên báo Sao Vàng của Vệ quốc quân. Tâm đắc với bài thơ, ông đã sáng tác bài hát “Mơ đời chiến sỹ” mang bút danh Lương Ngọc Trác. Bài hát đã lan nhanh khắp trận địa của những người đầy hào khí lạc quan quyết tâm giữ Hà Nội!
Giáo sư Mao Vĩnh Nhất, Vũ Trọng Hối, Văn Chung, Lương Ngọc Trác
Nhân đón xuân Đinh Hợi (1947) Bác Hồ gửi thư cho bộ đội Thủ đô, trong đó có câu: “Các em thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lương Ngọc Trác đã cảm tác bài ca: “Thủ đô huyết thệ”. “Thủ đô huyết thệ” và “Mơ đời chiến sĩ” đã có vai trò lịch sử thiêng liêng của quân – dân Thủ đô suốt 60 ngày đêm với những hành động quả cảm tuyệt vời: ôm bom ba càng xông vào xe tăng quân giặc!
Sau khi làm tròn nhiệm vụ với kỳ tích 60 ngày đêm quả cảm, Lương Ngọc Trác bằng đôi nạng gõ đã cùng đồng đội; đồng bào tiến hành cuộc thoái binh kỳ diệu, bảo toàn lực lượng lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục cuộc hành binh mới.
Trong môi trường mới, hình thái chiến tranh mới, Lương Ngọc Trác tiếp tục cho ra đời: “Trường chinh ca” và “Lô Giang”. Với 2 tác phẩm âm nhạc này, không chỉ các chiến sĩ, đồng bào Thủ đô mà toàn quân, toàn dân đồng tâm, đồng cảm với ông, họ sống và mang theo những tác phẩm ấy vào trận mới!
Nơi chiến khu, Lương Ngọc Trác tâm đầu ý hợp với nhà thơ Chính Hữu, đã tác thành bài ca “Ngày về”. Thật là chí lớn gặp nhau – “Ngày về” đã song sinh cùng bài ca “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao; hai bài ca ra đời từ mệnh lệnh “Tổng phản công” của Bác Hồ và Chính phủ kháng chiến – Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Lương Ngọc Trác là một nhạc sĩ gắn bó với quân đội, có kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy bộ đội. Khi ông còn là đội trưởng Văn công đại đoàn 308, tiến vào mặt trận Điện Biên Phủ, ông đã cùng bộ đội và dân công làm đường cho xe qua, cho những vũ khí mới tiếp cận chiến trường và cho cả những sự kiện đặc biệt: Kéo pháo vào, Kéo pháo ra. Lời ca, điệu múa mà ông cùng đội văn công đã góp phần động viên các cán bộ, chiến sĩ thêu cờ quyết chiến – quyết thắng để cho bộ đội sẵn sàng cắm trên nóc hầm Đờ Cát.
Năm 1954, hòa bình lập lại, công tác ở Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi về phụ trách Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị. Lương Ngọc Trác làm một trong ba trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, Đỗ Nhuận trưởng đoàn I, Lương Ngọc Trác trưởng đoàn II, Trọng Loan trưởng đoàn III. Vốn sống từ trước cách mạng và 9 năm kháng chiến đã cho Lương Ngọc Trác đủ tự tin làm nghệ thuật, làm tổ chức chỉ huy một đoàn văn công lớn của quân đội.
Suốt cả cuộc đời hoạt động, ông có cả thảy 7 lần làm trưởng đoàn: Trưởng đoàn nghệ thuật Việt Nam dự festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 4 tại Bu-ca-rét thuộc Cộng hoà Ru-ma-ni 1953. Trưởng đoàn chuyên gia nghệ thuật giúp quân đội nước bạn Căm-pu-chia; Đội trưởng văn công đại đoàn 308 – Quân tiên phong. Đặc biệt là 5 lần làm trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có thể ghi vào Guinness chức Trưởng đoàn nghệ thuật, bởi ngoài ông, chưa ai phá được kỷ lục này.
Còn gì quý hơn tấm lòng vị tha của vị đoàn trưởng luôn động viên cổ vũ cấp dưới tự do sáng tạo và biết khơi gợi và bảo vệ sáng tạo của cấp dưới: Một lần, ca sĩ Tường Vy tìm cách vận dụng đưa một đoạn Stắc ca- tô vào tiếng hót chim rừng trong “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp, ông khuyên Tường Vy: “Cứ đưa ra biểu diễn để xin ý kiến bộ đội”. Quả nhiên được bộ đội nhiệt liệt hưởng ứng. Nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình trong giới nghệ sĩ… Cuối cùng thì nhạc sĩ Hoàng Hiệp – tác giả của “Cô gái vót chông” – hết sức đồng tình… chấp nhận. Cho đến nay, “Cô gái vót chông” mà Tường Vy thể hiện một cách sáng tạo với sự động viên của Trưởng đoàn – nhạc sĩ Lương Ngọc Trác vẫn sống trong lòng khán, thính giả!
Rồi mùa đông năm 1958, giữa nông trường Điện Biên, đoàn tổ chức buổi duyệt một số sáng tác mới, trong đó có “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho và “Sao cô em chưa về” của Lê Lan. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng chuyên môn đồng thời là trưởng đoàn, ông đã trực tiếp đệm piano và cho hát nhiều lần để mọi người thấm – ngấm rồi mới phát biểu nhận xét. Thật ra, ông đã tổ chức chu đáo như một buổi biểu diễn nên mọi người hỷ hả nhiệt liệt hoan nghênh “Tiến bước dưới quân Kỳ” và “Sao cô em chưa về”.
Có thể thấy, chỉ nhắc đến 5 lần làm Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, đủ thấy tài năng, đức độ của ông như thế nào! Chưa kể đến ông cũng đã từng giữ nhiều chức vụ quản lý cao như: Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I – là một trong những nhạc sĩ gạo cội đặt nền móng cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1966-1968.
Về tài năng, Lương Ngọc Trác đã có một bề dày tác phẩm ra đời đúng lúc đúng chỗ, có tác động mạnh mẽ đến 2 cuộc kháng chiến của quân dân ta. Ngoài những bài ca danh tiếng, ông còn có nhiều tác phẩm về nhạc khí, nhất là sau khi tu nghiệp ở Liên Xô về. Ngay trước cách mạng, ông cũng đã có tác phẩm viết cho múa. Sau này ông dành thời gian chiếu cố đến những biên đạo trẻ tuổi để nâng đỡ, khuyến khích họ. Ông tham gia cùng viết nhạc cho vở vũ kịch đầu tiên của Việt Nam “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” với một số nhạc sĩ quân đội khác (Huy Thục, Nguyễn Thành, Nguyên Nhung) – tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. Những ca khúc Bài ca gửi đất liền, Đường lên phía trước, Công nông liên minh, Ta đi trong nắng mới, Ô cửa sổ, Tâm sự với mùa xuân… của ông giàu chất trữ tình, trong sáng, lãng mạn, lạc quan, hùng tráng. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho phim, nhạc múa.
Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã được Nhà nước phong tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cùng nhiều huân huy chương, bằng khen của Quân đội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các ngành trao tặng.
(Nguồn: https://bcdcnt.net/)