(Tác giả: Ngô Khiêm – Quỳnh Anh biên tập)
Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8-10-1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn). Ông từng là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1971-1984. Ông mất ngày 8 tháng 2 năm 2021.
Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó Hồ Bắc vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Từ năm 1956, Hồ Bắc chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ông cũng tham gia viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Ngoài công việc sáng tác Hồ Bắc còn viết lời giới thiệu cho những chương trình ca nhạc, bình giải các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông tham gia cả giảng dạy sáng tác.
Ông là tác giả của vô vàn tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng như: Làng tôi (1949) được ông viết tại chiến khu Việt Bắc, Bên kia sông Đuống (phỏng thơ Hoàng Cầm – 1950), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc (1960), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (1965), Trên đường Hà Nội (1966), Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo (1966), Sài Gòn quật khởi (1968), Bên cảng quê hương tôi (1970)…
Nhà văn xứ Kinh Bắc Đỗ Chu đã từng đúc kết: “Người có hồn của người, đất đai có hồn của đất đai, chính những điều đó đã làm nên hồn cốt của một miền quê, nói lên cái tinh thần cơ bản của mọi vùng người, mọi vùng đất. Với quê hương chúng tôi hồn cốt của nó chính là Hồ Bắc, Hoàng Cầm, Kim Lân, Huy Du, Ngô Tất Tố, Trần Đức Thảo và nhiều danh nhân khác nữa…”.
Với những người quen biết nhạc sĩ Hồ Bắc, họ đều nhớ tới ông chính bởi đặc điểm dịu dàng, nhỏ nhẹ như chính những tác phẩm của ông. Một người mà cố nhà văn Phạm Toàn gọi là “Người đàn ông hiền hòa”.
Quả thực, những tác phẩm của Hồ Bắc đều có điểm chung là sự lãng mạn, dịu dàng như chính con người ông. Đến nỗi, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, từng có thời điểm âm nhạc của Hồ Bắc bị chê sướt mướt, tình cảm chủ nghĩa. Nhưng, ông vẫn luôn viết theo tình cảm của một nhạc sĩ cách mạng bởi theo lý giải của nhà thơ Vũ Quần Phương thì “có lẽ cái đắm đuối tình cảm trong các giai điệu của Hồ Bắc là do anh xuất phát từ con người chứ không phải vì công việc, ngành nghề hay sự kiện. Hồ Bắc khám phá lòng người (cũng là lòng mình) để diễn tả sự kiện”. Còn nhạc sĩ cùng trang lứa và cũng là người đồng hương Huy Du từng nhận xét: “Âm nhạc của Hồ Bắc giống chính con người ông, không ồn ào, nhẹ nhàng mà đẫm tình người với những nét nhạc rất riêng, sâu lắng, thấm sâu vào hồn người, trong đó có khá nhiều ca khúc đã đi cùng năm tháng bởi nó được cất cánh từ chính hiện thực sôi động của cuộc sống”.
Nhiều người nhận xét nhạc sĩ Hồ Bắc là người chép sử bằng âm nhạc bởi những ca khúc của ông ra đời đúng thời điểm lịch sử đã cổ vũ, động viên chiến sĩ, đồng bào trong cuộc chiến bảo vệ non sông đất nước. Trong đó “Sài Gòn quật khởi” viết Tết Mậu Thân 1968 là một ví dụ. Ngày ấy, giữa những chiến thắng của mùa xuân lịch sử của quân và dân ta trong các ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam Bộ kháng chiến… rồi Tết Mậu Thân 1968 như tụ lại, như hiện lên, như dồn về trong “trận cuối cùng” này. Lời bài hát và giai điệu hành khúc hào hùng đã nói lên điều đó: “Rầm rập bước chân ta đi/ Rung chuyển đường phố Sài Gòn/Khi con chim én báo mùa xuân về/ Tin vui chiến thắng bay từ quê nhà…”.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến nhạc sĩ Hồ Bắc lại không nhắc đến hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc”. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng được nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác chào mừng 15 năm ngày Quốc khánh (1945-1960). Đó chính là cảm xúc rung lên của người nhạc sĩ Kinh Bắc khi chứng kiến hình ảnh những bà mẹ già đã chăm sóc bộ đội ngay trong chiến trường với tình quân dân gắn bó, tha thiết. Nhạc sĩ từng kể: “Những dặm đường hành quân thời chống Pháp qua bao thôn làng, bao máu xương đã đổ trên mỗi thước đất quê hương. Rồi những năm hòa bình ở miền Bắc đi thực tế sáng tác, thấy quê hương đổi mới những vạt lúa vàng rực rỡ nhẹ rung trong nắng mai, những đoàn thuyền chở đầy ắp hàng dong buồm trên dòng sông. Và những bản làng đã từng qua nay các nàng áo hoa rực rỡ xuống chợ như hiện ra trong mắt mình”. Đúng như dự định, ngày 2-9-1960, Nhà hát Lớn Hà Nội lộng lẫy cờ hoa, bản hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” được dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày. Từng nốt nhạc vang lên, từng giai điệu của dàn hợp xướng vang lên và giọng nam cao tuyệt đẹp của ca sĩ Trần Khánh, một “giọng ca vàng” của đất nước, vang lên, cả khán phòng im phăng phắc. Bản nhạc kết thúc, trong mắt các nghệ sĩ và cả những người nghe cùng rưng rưng một niềm hạnh phúc. Và người nhạc sĩ mới tròn 30 tuổi khi ấy ngồi khiêm tốn ở góc khuất mà nước mắt đầm đìa, đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Sinh thời nhạc sĩ Hoàng Dương, tác giả ca khúc nổi tiếng “Hướng về Hà Nội” nhận xét: “Cùng với thời gian, tình yêu quê hương của Hồ Bắc trải rộng cùng tình yêu đất nước và hình thành một phong cách mới trong những sáng tác tiếp theo, đó là phong cách chính luận mà điển hình là hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” rung động lòng người suốt mấy chục năm kể từ khi tác phẩm ra đời”. Với ý nghĩa lớn lao, giai điệu hùng tráng, hợp xướng này thường vang lên trong những chương trình lớn của Nhà nước mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cùng với việc sáng tác những tác phẩm ngợi ca Tổ quốc, nhạc sĩ Hồ Bắc cũng để lại nhiều dấu ấn ở những vùng miền mà ông đi qua, như ở Hải Phòng, người ta vẫn gọi “Bến cảng quê hương tôi” của ông như một “Hải Phòng ca”. Thế nhưng là một người con của quê hương Kinh Bắc, ông luôn đau đáu với những ca khúc về chính mảnh đất đã sinh ra, nuôi lớn và cho mình một vốn kiến thức dày dặn về âm nhạc. Tiêu biểu trong số đó là “Làng tôi” và “Bên kia sông Đuống”. Ca khúc “Làng tôi” của ông đặc biệt ở chỗ nó trùng tên với hai ca khúc cũng rất nổi tiếng của hai nhạc sĩ Văn Cao và Chung Quân. Giai điệu đẹp, lời ca mộc mạc như một lời tâm tình của một người con xa quê nhưng một lòng luôn hướng về quê hương yêu dấu của mình: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa/ Tình quê yêu thương những nếp nhà/ Làng tôi yên ấm bao ngày qua/ Những chiều đàn em vui hòa ca…”.
“Bên kia sông Đuống” – bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm (viết năm 1948) cũng đã đi vào trong khuông nhạc của nhạc sĩ Hồ Bắc một cách tự nhiên, dung dị. Hồi ấy, Hồ Bắc chỉ là cậu thanh niên 20 tuổi trẻ măng đang là phóng viên Báo Quân khu Việt Bắc còn nhà thơ Hoàng Cầm đang là Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc. Mỗi lần sinh hoạt văn nghệ, bài thơ được ngâm trong ánh lửa trại để lại ấn tượng rất đậm trong lòng người nghe. Nhà thơ Hoàng Cầm có tặng nhạc sĩ Hồ Bắc bản chép tay. “Một hôm trên đường đến nhà in báo, đi trong rừng sâu, gặp con suối mát mình ngồi dừng chân lòng nhớ con sông Đuống quê nhà quá, giở tờ giấy của anh Hoàng Cầm chép bài thơ tặng mình. Đọc câu: “Em ơi buồn làm chi/Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống” tự nhiên cảm xúc dâng lên. Hồi đó mình lại mới cưới vợ, nỗi nhớ về người vợ hiền khiến mình càng nhớ quê nhà, cảnh dòng sông thân thương như hiện ra trước mắt với cánh đồng quê xanh ngăn ngắt bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc bình yên quá. Những hình ảnh trên đường mình hành quân với mái nhà vừa bị giặc Pháp đốt còn vương khói, những xác người chết vì bom đạn như hiện ra trước mắt. Cảm xúc ùa trong lòng, mình đi vội đến nhà in xin tờ giấy in báo ghi lại. Những nốt nhạc cứ ùa ra trên mặt giấy, vừa viết mà nước mắt cứ tràn mi, hai tiếng đồng hồ thì cũng xong nốt nhạc cuối cùng”, nhạc sĩ Hồ Bắc nhớ lại. Thế nhưng điều đặc biệt là khi bài hát được phổ biến rộng rãi thì lúc đó tác giả thơ lại đang đưa đoàn đi phục vụ ở xa. Mãi đến 1975 khi đất nước thống nhất vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Hồ Bắc mới có dịp gặp lại nhà thơ Hoàng Cầm. Lần đầu tiên ông đệm guitar hát bản nhạc này cho nhà thơ nghe và nhà thơ đã ôm lấy nhạc sĩ trong sự xúc động nghẹn ngào…
Suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, tình yêu âm nhạc của ông chưa bao giờ thôi cháy bỏng. Lúc sinh thời, khi được con trai bật cho nghe những bài hát một thời, để rồi khi nhận ra đó là sáng tác của mình, ông quay sang thủ thỉ với niềm tự hào: “Bài của bố đấy!”.
Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 2001) cho Làng tôi, Giữ mãi tuổi xuân, Ca ngợi Tổ quốc (hợp xướng), Sài Gòn quật khởi và Bến cảng quê hương tôi (2001).
Nghe nhạc của ông, ngẫm về cuộc đời ông càng thấy ở ông sáng lên một tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, một tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, tha thiết, một con người khiêm nhường, giản dị và sống rất tình cảm. Phải chăng đó chính là hồn cốt mà nhà văn Đỗ Chu đã nhắc về ông như một niềm tự hào, một đại diện tiêu biểu của người Kinh Bắc?
(Nguồn: https://bcdcnt.net/, http://baobacninh.com.vn/)