Thứ Năm, Tháng Mười Một 14, 2024
Trang chủLý LuậnĐưa Chèo vào trường học

Đưa Chèo vào trường học

20

Tác giả: Hải Bình

Không chỉ được gọi tên đầy thân thương là quê hương “năm tấn”, Thái Bình còn nổi tiếng là “đất Chèo”.

Nhiều năm trở lại đây, đưa hát Chèo vào giảng dạy được các cơ sở giáo dục Thái Bình triển khai rất hiệu quả, góp phần làm sống dậy một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đang có chiều hướng bị quên lãng trong lớp trẻ.

“Món ăn” tinh thần đặc biệt

Dù mới triển khai giới thiệu và dạy hát Chèo từ tháng 9/2019, nhưng đến nay, biểu diễn Chèo đã trở thành “món ăn” tinh thần của thầy trò Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình) trong mỗi dịp lễ, hội, sinh hoạt tập thể.

Chia sẻ về cách làm, Bí thư Đoàn trường Phạm Thị Hải Yến cho biết: Nhà trường phối hợp nhiều hoạt động đa dạng, trong đó chú trọng những hoạt động gắn với thực tiễn sinh động, tạo hứng thú cho HS. Trường đã mời nghệ sĩ Hằng Nga – Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, nghệ sĩ Văn Tuấn – Trưởng khoa Sân khấu, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, NGƯT Đình Cương – Nhà hát Chèo Thái Bình về dạy, sau đó HS tự tập luyện thêm. Nhà trường cũng tổ chức tìm hiểu, dã ngoại tại các làng Chèo, như Hà Xá, làng Khuốc, Sáo Đền; cho HS giao lưu với các câu lạc bộ Chèo tại phường, xã và giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, NSND Văn Mởn.

Theo cô Phạm Thị Hải Yến, Chèo được tổ chức biểu diễn, lồng ghép trong các ngày lễ hội của trường. HS được tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa môn nghệ thuật này qua những buổi chào cờ đầu tuần…

Những hoạt động này giúp HS hiểu và từ đó yêu hơn tiếng hát chèo. Tuy nhiên, không phủ nhận việc đưa hát chèo vào trường học còn có những khó khăn. Trước hết do đặc trưng khó hát, khó biểu diễn, lại không hợp xu hướng giới trẻ nên không dễ thu hút HS tham gia. Cùng với đó là kinh phí cho đạo cụ, phục trang, các hoạt động biểu diễn; thiếu giảng viên có chuyên môn, kinh nghiệm về chèo để duy trì tính liên tục trong dạy và luyện tập. Các lứa HS ra trường, không có sự tiếp nối cũng là một rào cản.

“Để khắc phục, tôi cho rằng, cần xã hội hoá tạo nguồn kinh phí cho hoạt động này. Đồng thời, kết hợp với các ban ngành, tổ chức hoạt động gắn với sinh hoạt Chèo; cải biên lời mới cho phù hợp với chủ đề, gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại. Nhà trường cũng có thể kết hợp với Trung tâm Thanh Thiếu niên và Trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật, mời giảng viên dạy thỉnh giảng, hoặc đào tạo GV để chủ nhiệm Câu lạc bộ và dạy hát Chèo” – cô Phạm Thị Hải Yến chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình), việc đưa Chèo vào giảng dạy được tiến hành từ khá lâu và hiệu quả thấy rõ bắt đầu từ năm 2018. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, nhà trường kết hợp với nghệ sĩ hát Chèo của huyện, trung tâm văn hóa huyện biên soạn các bài hát, sau đó về dạy cho một số cán bộ, GV, HS nòng cốt. Cán bộ, GV, HS này tiếp tục triển khai tới các lớp. Trường cũng chỉ đạo liên đội có bài hát múa Chèo do tập thể GV, HS biểu diễn trong giờ ra chơi.

“Hoạt động dạy hát Chèo được bố trí đan xen với các tiết âm nhạc, trong buổi ngoại khóa, tiết sinh hoạt tập thể. Đến nay, nhiều GV, HS của trường đã biết hát, múa chèo, hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Thái Bình. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì tổ chức dạy hát Chèo, giới thiệu nhiều hơn nữa các làn điệu Chèo để thầy trò hiểu biết và thêm yêu quý loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương”– Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh cho hay.

Biểu diễn hát múa chèo tại Trường Tiểu học – THCS An Vũ, Thái Bình.

Phấn đấu 100% trường học dạy hát Chèo

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, cho biết: Năm 2019, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết 04 về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Một trong những chỉ tiêu được Nghị quyết đưa ra: Giai đoạn 2020 -2030, 100% các trường học trong tỉnh đưa hát Chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy.

Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, chỉ đạo của ngành Giáo dục, thời gian qua, cơ sở giáo dục, GV, HS nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo. Nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nhất là trường ở huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng.

Các nhà trường đã đưa nghệ thuật Chèo vào giảng dạy dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó có việc mời nghệ sĩ, nghệ nhân dạy hát, múa, diễn Chèo, truyền tình yêu môn nghệ thuật truyền thống này tới HS. Một số cơ sở giáo dục thành lập và duy trì câu lạc bộ Chèo. Ngoài đưa hát Chèo vào giảng dạy, nhiều cơ sở giáo dục còn sử dụng hát Chèo trong hoạt động giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giao lưu văn hóa văn nghệ trong và ngoài nhà trường; tổ chức thành công chương trình múa hát Chèo toàn trường…

“Sở GD&ĐT cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng về hát Chèo cho GV dạy Âm nhạc. Để tiếp tục gìn giữ, khơi dậy và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống của dân tộc, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và chỉ đạo cơ sở giáo dục đưa hát Chèo vào dạy học một cách phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trường học gắn với cuộc sống, trong đó có hát Chèo.

Tỉnh đoàn Thái Bình đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đưa làn điệu Chèo, trích đoạn Chèo vào trong một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Thực hiện đề tài này, Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên tỉnh đã chủ động, thường xuyên phối hợp với trường tiểu học, THCS khảo sát và thành lập câu lạc bộ hát Chèo trong trường. Đồng thời, trực tiếp giảng dạy, trao các băng đĩa ghi lại 50 bài hát Chèo của các em thiếu nhi để nhà trường hướng dẫn học sinh thực hành.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN