Người dân đôi dòng sông Cầu lâu nay vẫn quan niệm, đã chơi quan họ thì phải “tinh mới tường”, tức là phải hiểu, phải chơi có lề có lối, thanh cao và phải hát bằng cả trái tim, giữ gìn được bản sắc truyền thống. Chơi cho “chỉ nổi kim chìm”, cho lở đất long trời mới xứng là trai gái Kinh Bắc. Và để có thể bảo tồn nét đẹp văn hoá ấy người quan họ có tục kết bạn hết sức độc đáo.
Bắc Giang, Bắc Ninh là vùng đất cổ của xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến. Từ xa xưa người dân đã tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa quý báu được kết tinh, lắng đọng trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Tiêu biểu là dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.
Nói đến chơi quan họ là nói đến một lối chơi có quy củ, nền nếp, buộc người chơi phải tuân thủ theo luật chơi gồm nhiều thể loại: Hát đối, hát giao duyên, hát canh, hát kết chạ, hát lễ hội, hát mời nước, mời trầu… Người quan họ quan niệm: Hát quan họ thì dễ, nhưng chơi quan họ thì không phải làng nào và không phải ai cũng hiểu và làm được. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, có lề, có lối và đắm đuối hết lòng, phải giữ cái gốc, để cho bạn bè, con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ. Nhưng không chỉ có thế, quan họ còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự phóng khoáng trong những canh hát.
Cảnh hát đón bạn trên sông Cầu ở làng Thổ Hà.
Đáng chú ý, trong sinh hoạt quan họ còn có tục kết bạn mang tính nhân văn sâu sắc. Các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định rằng, ở những loại hình dân ca khác, người hát với nhau có thể không thân quen nhau nhưng riêng với quan họ, những người chơi quan họ với nhau thì phải kết bạn. Thế nên, tục kết bạn đã trở thành tục lệ quan trọng với tất cả các liền anh, liền chị, với nhóm chơi hay còn gọi là “bọn” quan họ. Nếu không kết bạn mà ca với nhau thì chỉ được gọi là “hát ghẹo”. Do vậy, yêu cầu bắt buộc cho mỗi nhóm chơi quan họ là kết bạn với ít nhất một nhóm chơi quan họ khác.
Theo các chuyên gia, việc kết bạn giữa các làng quan họ hay giữa các “bọn” quan họ với nhau đã có từ lâu đời, nó được bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng. Việc kết nghĩa (kết chạ) giữa hai làng có tính chất truyền đời, các làng coi nhau như anh em, đặc biệt giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống. Trong gian khó, hoạn nạn họ sát cánh bên nhau “chung lưng đấu cật” để tương trợ, đỡ đần nhau vượt qua nguy nan. Lúc có việc vui, đại sự họ lại không quên mời nhau đến chung vui, gặp gỡ cho trọn vẹn ân tình. Như vậy, tục kết chạ là một tục lệ có từ lâu đời, nó nhập vào quan họ khi nào người ta không biết rõ.
Cách thức tiến hành của kết bạn quan họ gần giống với tục kết chạ. Ở một số làng quan họ vùng Kinh Bắc vẫn lưu giữ được tục kết bạn, kết chạ, kết nghĩa giữa các làng quan họ như: Làng Thổ Hà (Bắc Giang) kết bạn với làng Diềm (Bắc Ninh); làng Yên Điềm (Bắc Giang) kết bạn với làng Vát (Bắc Ninh); làng Trung Đồng (Bắc Giang) kết bạn với làng Thượng Đồng, Hạ Đồng (Bắc Ninh)… làng Tam Tầng kết bạn quan họ với làng Đô Hàn, Chắp, Diềm (Bắc Ninh)… Như vậy để thấy, kết chạ, kết bạn quan họ là một phong tục phổ biến, tạo nên nét văn hóa đặc trưng trong các làng quan họ xứ Kinh Bắc.
Quan họ không chỉ là nghệ thuật hát mà nó còn là văn hóa, là “ứng xử” của người dân Kinh Bắc, “mỗi khi khách đến chơi nhà”, không chỉ “rót nước pha trà” mời khách, mà cùng với đó là những câu hát thắm đượm nghĩa tình: “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”… Trong các dịp hội hè như hội Lim, hội Thổ Hà, hội Bổ Đà, hội Diềm, Thị Cầu… thường có lối hát đối đáp, hát giao duyên, các làng quan họ mời nhau đến dự hội làng mình, đặc biệt là các làng quan họ có mối thông giao kết chạ đến chung vui để cùng nhau khoe sắc, đua tài trong bộ trang phục khăn xếp áo the của các liền anh và bộ áo tứ thân mớ ba, mớ bẩy cùng chiếc nón quai thao duyên dáng của liền chị, để rồi cùng ca lên những làn điệu dân ca thấm được hồn quê.
Liền anh, liền chị Bắc sông Cầu với câu hát quan họ truyền thống.
Theo cổ xưa, một làng quan họ thường có nhiều nhóm chơi quan họ. Mỗi nhóm chơi là một tổ chức do ông trùm hoặc bà trùm đứng ra vận động thành lập. Người ca hát thường có 5 liền anh hoặc 5 liền chị được gọi tên theo số lượng: Anh cả, anh hai, anh ba…; một người chuyên sáng tác câu đối đáp hay những bài quan họ mới và những người phục vụ trà nước, trầu cau, cơm… Trong lễ hội, nhóm quan họ nam phải đi tìm nhóm quan họ nữ để xin kết bạn, sau đó cả hai bên cùng hát đối đáp với nhau những bài hát chúc mừng. Sau khi được bên nữ đồng ý, nhóm quan họ nam sẽ hẹn ngày đến nhà từng người quan họ nữ để xin phép bố mẹ bên nữ được kết bạn. Nếu được đồng ý, quan họ nam sắm sửa cơi trầu, lễ vật sang đình của làng quan họ nữ xin Thành hoàng làng cho phép được kết bạn với nhóm quan họ nữ. Nhóm quan họ nữ cũng sang làm lễ ở đình làng của nhóm quan họ nam (nhưng nhóm quan họ nam chuẩn bị lễ vật). Đây là nghi thức rất quan trọng để cầu khẩn thần Thành hoàng cho phép và chứng giám đôi bên thành bạn của nhau. Chỉ có như vậy thì hai nhóm quan họ mới được qua lại chơi quan họ tránh dư luận “nam nữ thụ thụ bất tương thân” sau những buổi “ca cho tàn đêm rạng ngày”.
Những nhóm đã kết bạn với nhau có mối quan hệ rất thân thiết, coi nhau như anh em trong nhà. Trong gian khó, hoạn nạn, lúc có việc hỷ, đại sự họ có mặt bên nhau trọn vẹn ân tình. Thông thường, khi các làng đã kết chạ với nhau thì các anh hai, chị hai không bao giờ lấy nhau. Hai bên luôn thể hiện sự tôn trọng, quý mến, giữ đúng khoảng cách với nhau. Mỗi khi giao tiếp, họ thường giữ gìn phong độ lịch sự từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi; từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thiết bạn… tất cả đều đúng mực, không có sự suồng sã, thô lỗ mà toát lên vẻ thanh lịch.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Hiệp làng quan họ Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) cho biết: Quan họ Thổ Hà kết bạn với quan họ làng Diềm (Viêm Xá) phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, mối thân tình gắn kết nhiều năm trở nên son sắc bền chặt. Mỗi khi hai làng có việc lại “thỉnh” đến nhau, anh hai, chị hai quan họ đôi bên có dịp giao lưu trao gửi tâm tình thỏa nỗi mong nhớ, được gặp mặt, trải lòng mình qua canh hát, quan họ đôi bờ thêm hiểu nhau hơn. Sau canh hát đón bạn trên sông, quan họ Thổ Hà chuyển về hát ở chùa, rồi lại về một nhà chứa quan họ (nhà của một liền anh, liền chị trong đội hát). Một canh hát cổ thường có ba chặng. Chặng đầu tiên, người Thổ Hà thường dùng hình thức hát mời theo kiểu lề lối. Chặng thứ hai là chặng vặt, sử dụng các điệu hát thông thường. Chặng thứ ba là chặng giã, giọng hát lưu luyến trữ tình. Càng về khuya quan họ càng bay bổng, mặn nồng tình nghĩa. Bởi về lúc ấy tâm trạng người quan họ được thăng hoa, giãi bày hết qua những câu hát, đẩy cuộc vui đến cao trào.
Ngoài Thổ Hà, ở làng quan họ Tiên Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên vẫn gìn giữ tục kết bạn, kết chạ với làng quan họ Hoài Thị ở vùng Sim – Bịu (Bắc Ninh). Mỗi năm, làng quan họ Tiên Lát đón các bạn ở Hoài Thị vào ngày mồng 6 tháng 2 và mồng 6 tháng 8 trong dịp hội làng. Ngược lại, làng Hoài Thị đón Tiên Lát vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Khi sang làng có hội, trước khi hát, các liền anh, liền chị tập trung ở Lim rồi sau đó phải vào làm lễ ở đền Vua Bà (Yên Phong). Khi đón bạn, hai bên bắt buộc phải tuân thủ theo các nghi lễ xưa quy định và khi hát thì họ phải tuân thủ theo đúng lề lối. Gặp nhau, mỗi bên ngồi một chiếu và hát theo lề lối từ giọng La rằng đến Kim Lan – Đường bạn – Gió mát – Tưởng nhớ rồi sau đi giọng vặt.
Nghệ nhân Hoắc Công Chờ, làng Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên tâm sự: Trước kia, bạn quan họ say nhau đến nỗi không quản ngày đêm, chỉ cần nhớ nhau là hai bên có thể đi bộ hàng chục cây số để được hát với nhau. Có những cặp tâm đầu ý hợp, khi bạn hát vì lý do gì không còn chơi quan họ được thì người kia cũng không thể hát tiếp. Nhưng có một quy định nghiêm ngặt là con trai và con gái trong hai làng đó không được thành vợ thành chồng.
Việc gìn giữ bảo tồn tục kết bạn trong sinh hoạt văn hóa quan họ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa trong cuộc sống của nhân dân, góp phần thắt chặt tình nghĩa xóm làng vốn có ở các làng quê.
(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)