Thứ Bảy, Tháng Mười Một 23, 2024
Trang chủLý Luận"Phá cách" âm nhạc: Cần có giới hạn

“Phá cách” âm nhạc: Cần có giới hạn

23
Tác giả: Thùy Trang

Sáng tạo là điều cần thiết để nghệ thuật không bị sa vào lối mòn. Song, có những giá trị không thể “phá cách” quá mức khi ở đó không chỉ là nghệ thuật mà còn là lịch sử, truyền thống.

Remix (phối lại) ca khúc quen thuộc “Cô gái mở đường” theo phong cách quá khác lạ, ca sĩ Han Sara lập tức bị chỉ trích gay gắt. Ngay sau đó, Han Sara cùng ê-kíp chương trình “The Heroes” (phát sóng trên VTV3) đã lên tiếng xin lỗi và cho biết sẽ tháo gỡ tất cả dữ liệu của tiết mục này.

Kẻ thất bại, người thành công

Trong khi Han Sara bị nhiều người chỉ trích thì Hậu Hoàng lại nhận được không ít lời khen ngợi với bản “Cô gái mở đường” nhảy hip hop của mình. Trong trang phục chiến sĩ, cổ quấn khăn rằn, nhảy trên nhạc nền remix “Cô gái mở đường”, Hậu Hoàng đã chinh phục nhiều khán giả.

Từ trường hợp của Han Sara và Hậu Hoàng cho thấy làm mới một ca khúc cách mạng quen thuộc không phải lúc nào cũng được khán giả chấp nhận.

Trên sân khấu chương trình “Con đường âm nhạc” diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) mới đây, ca sĩ Thanh Lam cũng bị khán giả phản ứng khi hát “phá cách” với dân ca. “Chương trình biểu diễn ấy diễn ra ở một trường đại học tại Hà Nội. Hôm đó, tôi đã chuẩn bị guitar để hát 3 bài nhưng mới bài đầu tiên (“Bèo dạt mây trôi”) thì nghe dưới khán đài nói vọng to lên “Vào đi”. Có lẽ vì bướng từ nhỏ nên tôi vẫn cứ hát” – ca sĩ Thanh Lam nhớ lại.

Ca sĩ Thanh Lam biểu diễn trên sân khấu chương trình “Con đường âm nhạc”.

(Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Đây không phải lần đầu tiên ca sĩ Thanh Lam bị khán giả phản ứng vì sự “phá cách” của mình. Trước đó, dư luận từng dậy sóng với phần trình diễn đầy cá tính của Thanh Lam khi hát nhạc Trịnh Công Sơn qua 2 album “Ru mãi ngàn năm” và “Này em có nhớ”. Trên diễn đàn âm nhạc, nhiều ý kiến cho rằng nghe “Một cõi đi về”, “Phôi pha”… qua tiếng hát Thanh Lam, họ như “dựng tóc gáy”, vì sự vật vã quá đà trong cách phô diễn giọng hát của ca sĩ hàng đầu Việt Nam này.

Cũng làm mới nhạc Trịnh nhưng rapper Hà Lê lại tạo được dấu ấn khi làm khác đi những gì đã quá quen thuộc. Album “Ở trọ” thuộc dự án “Trịnh Contemporary” của ca sĩ Hà Lê, do Sony Music Entertainment Vietnam sản xuất, vừa ra mắt đã cho thấy một diện mạo mới lạ của nhạc Trịnh Công Sơn. Điều thú vị là những sáng tạo của Hà Lê được giới chuyên môn thừa nhận và người nghe yêu thích.

“Ở trọ” của Hà Lê gồm 7 ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc: “Diễm xưa”, “Mưa hồng”, “Biển nhớ”, “Tuổi đá buồn”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Ở trọ” và “Huế, Sài Gòn, Hà Nội”. Mỗi bài hát trong album đều có màu sắc riêng biệt. Nét trữ tình có phần trầm tư trước đây được sáng tạo thêm những gam màu mới, đặt trong không gian âm nhạc sôi nổi, hào sảng, rộn ràng hơn.

“Sự tự do thể hiện âm nhạc là điều mọi người sẽ thấy rõ nhất trong “Trịnh Contemporary”. Tổng hòa của album sẽ là trải nghiệm âm nhạc dịu mát, thư thái như cơn mưa ngọt lành đổ xuống những ngày hè oi ả” – Hà Lê bày tỏ.

Quá đà sẽ phản cảm

Thành công nhất định với nhạc Trịnh nhưng ý muốn làm mới nhạc cách mạng của rapper Hà Lê đã vấp phải sự e ngại của khán giả khi anh chia sẻ ý tưởng của mình.

Thái Thùy Linh là một trong những ca sĩ Việt Nam đầu tiên làm mới các ca khúc cách mạng khi phát hành album “Bộ đội” từ hơn 10 năm trước. Khi trình làng album “Bộ đội” gồm những ca khúc nhạc đỏ đi cùng năm tháng được phối theo phong cách rock, cô đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người. Những ca khúc như “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Dậy mà đi” của Nguyễn Xuân Tân, “Lì và Sáo” của Văn Chung… trở nên lạ lẫm khi được phối và hát theo phong cách pop rock. Với nhiều khán giả yêu nhạc, Thái Thùy Linh đã “cưỡng bức” nhạc cách mạng trong album này.

Giải thích về sự “phá cách” của mình trong album “Bộ đội”, Thái Thùy Linh cho rằng việc ca sĩ trẻ quan tâm tìm hiểu và có sáng tạo với các ca khúc vang bóng một thời là điều cần khuyến khích, động viên. “Người lớn đôi khi hơi áp đặt cho giới trẻ. Nếu sáng tạo mà không theo đúng ý thì dễ bị cho là “phá” nhạc truyền thống. Còn khi người trẻ không hát theo ý của những người đi trước thì lại bị cho là thờ ơ với âm nhạc truyền thống, với lịch sử” – cô bộc bạch.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu những bài hát ra đời cách đây 40-50 năm mà đến nay vẫn giữ nguyên cách thể hiện, không có gì thay đổi thì rất đáng tiếc. Những ca khúc này có yếu tố lịch sử và cả những ký ức của thế hệ cha ông. Tuy nhiên, không thể cứ buộc giới trẻ phải thể hiện như các thế hệ đi trước. Bởi lẽ, cảm nhận, cảm xúc của mỗi lứa tuổi về những ca khúc này có thể khác nhau.

“Nếu chúng ta không dám thử thì sẽ không tìm ra kết quả trong việc mang lại sự tươi mới trong âm nhạc theo xu hướng thời đại. Hơn nữa, ở khía cạnh nào đó, việc này sẽ bó hẹp cơ hội minh chứng cho một tác phẩm có sức sống lâu bền” – ca sĩ Tùng Dương nêu quan điểm.

Tuy vậy, hầu hết ý kiến đều cho rằng sáng tạo là cần thiết nhưng phải hướng đến mục tiêu là giữ được và nâng cao những giá trị của lời hát cũng như tinh thần của ca khúc. Theo nhạc sĩ Tiến Luân, ông không khắt khe với cái mới, với sự biến tấu nhưng mọi sáng tạo đều phải có giới hạn, khi quá đà sẽ trở nên phản cảm.

“Điển hình là trào lưu làm nhạc dance cho ca khúc boléro. Không hiểu nổi vì sao một số người lại lấy ca khúc boléro rồi làm nhạc sàn giật đùng đùng như thế. Hay đâu không thấy, chỉ thấy lạc quẻ, vô duyên” – nhạc sĩ Tiến Luân bức xúc.

(Nguồn: https://nld.com.vn/).

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN