Thứ Sáu, Tháng Mười Một 8, 2024
Trang chủLý LuậnLắng nghe “Khúc hát từ trái tim hồng”

Lắng nghe “Khúc hát từ trái tim hồng”

22
Tác giả: Bình Thanh
Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Những tưởng bị lỡ hẹn nhưng cuối cùng chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” số 15 với chủ đề “Khúc hát từ trái tim Hà Nội” vẫn kịp trở lại với khán giả yêu âm nhạc trước khi năm 2022 khép lại.

Sáng 1/12, Hội Âm nhạc Hà Nội gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 15, sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lúc 20 giờ ngày 7/12.

Theo đó, ba nhạc sĩ được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và cùng là những người con Hà Nội, cùng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam: Lê Việt Hòa, Thanh Phúc và Trọng Đài là những “chủ nhân” của đêm nhạc “Khúc hát từ trái tim hồng” thuộc seri chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” luôn được khán giả yêu nhạc ở Thủ đô chờ đón.

“Gặp” tác giả “Gửi em chiếc nón bài thơ”

Lắng nghe 'Khúc hát từ trái tim Hà Nội' ảnh 1

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa.

Có lẽ nhiều người biết đến và yêu thích ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” qua tiếng hát Kiều Hưng rồi đến Trọng Tấn… nhưng không hẳn đã biết về người đã viết nên những giai điệu trữ tình, ngọt ngào ấy – nhạc sĩ Lê Việt Hòa.

Dịp này, đến với “Khúc hát từ trái tim hồng”, khán giả sẽ được “gặp” người nhạc sĩ tài hoa quê ở xứ Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội qua những ca khúc đã cùng với “Gửi em chiếc nón bài thơ” làm nên tên tuổi của ông như: “Gửi sông La” (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh), “Mùa xuân trên sông Tô”, “Về lại làng xưa”, “Nhớ xứ Đoài”…

Và, dù ông đã về với miền mây trắng năm 2014 nhưng tiếng nói, câu hát, nụ cười của nhạc sĩ Lê Việt Hòa vẫn còn lưu lại trong thước phim tư liệu do chính con gái ông – NSND Việt Hương đạo diễn.

Như chia sẻ của NSND Việt Hương, những thước phim tư liệu về nhạc sĩ Lê Việt Hòa hé lộ không ít câu chuyện thú vị về cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ sống đôn hậu và luôn đắm say với âm nhạc dân tộc.

Cũng trong thước phim tư liệu này, khán giả sẽ được nghe nhà văn Sơn Tùng nói về giây phút ông bất chợt nghe thấy thơ của mình cất cánh trong nhạc – ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” (nhạc Lê Việt Hòa, phỏng thơ: Sơn Tùng) – rằng: “Giai điệu đẹp quá” và “cái thằng cha này nó giỏi là khơi từ dân ca xứ Nghệ, không dừng ở dân ca mà nâng lên, sang trọng lắm!”…

Hay như được nghe nhạc sĩ Lê Việt Hòa chia sẻ vì sao ông viết ca khúc “Mùa xuân trên sông Tô” mang đậm âm hưởng âm nhạc dân ca quan họ Bắc Ninh mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội 2010…

“Vì được ở bên cha từ nhỏ hễ ông thai nghén ca khúc mới nào là tôi liền thuộc ca khúc ấy. Sau này nối nghiệp cha học về âm nhạc dân tộc, tôi hiểu rằng ông là người rất quan tâm đến văn hóa dân tộc. Những giai điệu ông viết đều mang hơi thở âm nhạc dân gian trên nguyên tắc dựa vào hơi thở truyền thống để phát triển, nâng cao…”, NSND Việt Hương chia sẻ.

Nối nhịp thế hệ

Lắng nghe 'Khúc hát từ trái tim Hà Nội' ảnh 2

Nhạc sĩ Thanh Phúc.

Cùng với nhạc sĩ Lê Việt Hòa, trong đêm nhạc “Khúc hát từ trái tim hồng”, khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc nổi tiếng cũng như hiểu thêm về cuộc đời âm nhạc của cố nhạc sĩ Thanh Phúc (1932 – 2020) và nhạc sĩ Trọng Đài.

Là người con của làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, nhạc sĩ Thanh Phúc đã từng gia nhập quân đội khi mới 13 tuổi và tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, diễn viên Thanh Phúc của đoàn văn công Đại đoàn 312 vinh dự được khoác đàn accordeon lên cử bản nhạc “Tiến quân ca” mở đầu buổi lễ mừng công.

Và, những nhiệt huyết, tình yêu quê hương đất nước của người lính Điện Biên năm xưa thêm một lần lan tỏa đến thế hệ hôm nay qua các ca khúc đi cùng năm tháng được trình diễn tại đêm nhạc như: “Nhớ giọng nói Bác Hồ”, “Người Mèo ơn Đảng”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, “Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, “Hà Giang quê hương tôi”.

Trong đó, ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” đoạt giải Nhì, (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Còn ca khúc “Nhớ giọng nói Bác Hồ” được nhạc sĩ Thanh Phúc viết năm 1969 dành cho thiếu nhi và ca khúc “Hà Giang quê hương tôi” được chọn làm nhạc hiệu của Đài PTTH tỉnh Hà Giang…

Lắng nghe 'Khúc hát từ trái tim Hà Nội' ảnh 3

Nhạc sĩ, NSND Trọng Đài.

Nhạc sĩ, NSND Trọng Đài – được mệnh danh là người chuyên viết nhạc cho phim – dịp này trở lại với khán giả bằng những ca khúc rất đỗi quen thuộc từ những bộ phim, vở kịch như “Hà Nội đêm trở gió” (phỏng thơ Chu Lai), “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo), “Cổng làng”, “Hà Nội nhiều điều hay thế” (thơ Uông Ngọc Dậu) cùng những ca khúc thiếu nhi tươi mới như: “Đất nước hình cánh cung” (thơ Lê Lam Hồng), “Hạt phù sa” (thơ Trương Quang Thứ), “Mẹ trái đất” (thơ Nguyễn Văn Sông)…

Sinh năm 1958 và thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ, NSND Trọng Đài là nhịp nối thế hệ tài năng. Cùng với việc viết ca khúc, nhạc sĩ, NSND Trọng Đài còn sáng tác nhiều tác phẩm cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền; tác phẩm thính phòng giao hưởng như: Giao hưởng 1986, “Ký ức 75 (1995), “Tiếng rao” (2003); giao hưởng “Những ô cửa” (2012), “Giao mùa” (2014)…

Đến số thứ 15 này, ban tổ chức đã không chỉ tiếp tục lựa chọn phối khí, dàn dựng công phu các tác phẩm nổi tiếng qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng như: NSƯT Tố Uyên, NSƯT Mai Hoa, NSƯT Hoàng Tùng, Trọng Tấn, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Thành Lê… mà còn mở một không gian âm nhạc tươi mới với sự trình diễn trực tiếp của Ban nhạc Âu Cơ.

Đây là sự bền bỉ và gắng gỏi của Hội Âm nhạc Hà Nội để tiếp tục đem đến cho khán giả chương trình nghệ thuật đã trở thành thương hiệu và được khán giả yêu mến trong gần 20 năm qua.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN