Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnKhèn bè - nhạc cụ kết nối tình yêu

Khèn bè – nhạc cụ kết nối tình yêu

12
Tác giả: Đinh Tuấn
Khèn bè là loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) và một số địa phương trong vùng Tây Bắc. Khèn bè là nhạc cụ kết nối tình yêu, là linh hồn trong dân ca và là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe. Tiếng khèn cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây.
Nghệ nhân Lò Văn Biến ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái kể, người Thái có hẳn một truyền thuyết về cây khèn bè, chuyện rằng: xưa có chàng trai họ Lò nghèo, nhân hậu và có tài thổi sáo, con gái Tạo bản giàu có trong vùng yêu chàng tha thiết. Bị gia đình cô gái cấm cản, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Đi mãi, vào ngày nọ chàng gặp một con suối bèn ngồi thổi sáo giải sầu. Lúc này, chàng trai thấy có nhiều cây nứa tép bên bờ suối, bèn lấy các dóng nứa to, nhỏ bó lại với nhau, lạ thay khi thổi thấy có tiếng to, nhỏ, cao, thấp khác nhau rất hay. Từ đó, cây khèn của chàng trai nghèo được bạn bè bắt chước làm theo.

“Tiếng khèn bè dùng vào trong múa, xòe, vào tất cả các dịp vui như lên nhà mới, đám cưới, tất cả những cái gì vui thì đều có khèn bè. Đây cũng là nhạc cụ chủ thể cho tất cả các điệu xòe của dân tộc Thái. Từ người già đến thanh niên ai cũng thích tiếng khèn”, nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ.

Khèn bè được cấu tạo với 14 ống nứa, là loại nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp tới cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Một trong các kỹ thuật chế tác khó nhất là xử lý các lam đồng trong thân khèn, phải đảm bảo độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu. Ông Cầm Văn Hoa ở xã Hạnh Sơn, người chuyên chế tác khèn bè phục vụ cho những lễ hội lớn ở Nghĩa Lộ chia sẻ: “Làm khèn thì nó hơi lâu một tí, phải mất chục ngày, làm phải nên chiếc khèn thổi hay mới thôi”.

Khèn bè nhìn tương đối đơn sơ nhưng khi các nghệ nhân thổi sẽ cất lên nhịp điệu vô cùng mê đắm, lúc da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái; lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát… Điều đặc biệt là ở khèn bè có những âm thanh sóng đôi mà các nghệ nhân gọi là “pò mè” – tức là bố mẹ; đó cũng là triết lý âm dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế. Ông Lò Văn Chính ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Đối với dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ thì phải có cây khèn này, đây là nhạc cụ không thể thiếu được”.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, các nghệ nhân người Thái đã sáng chế ra cây khèn bè cao 2m, chiều ngang 5m được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Bên cạnh đó, để giữ gìn bảo tồn, phát huy sự độc đáo của khèn bè, nhiều lớp học chế tác, thổi khèn bè cũng được mở tại các bản làng, trường học. Anh Lê Thanh Tùng, ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Gần đây rất nhiều các bạn trong giới trẻ đã biết đến các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là khèn bè. Thị xã mở các lớp phục dụng, các lớp sử dụng nhạc cụ dân tộc giới trẻ người ta tìm đến rất là nhiều”.

Xuân về, tiếng khèn bè vang vọng khắp bản làng người Thái ở Mường Lò, nơi được coi là quê hương của người Thái đen; lúc rộn ràng, rạo rực; lúc êm ái du dương; lúc da diết mời gọi… Đó cũng là lúc vòng xòe mở rộng, chào đón du khách tới Tây Bắc du xuân./.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN