Tác giả : MAI THỊ TRANG
Văn hóa cồng chiêng (VHCC) là di sản quý báu của dân tộc, được coi là biểu tượng tâm linh của các đồng bào khu vực Tây Nguyên. Giá trị độc đáo của di sản này đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của VHCC góp phần gìn giữ những nét độc đáo trong nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
VHCC được hình thành, phát triển gắn liền với cuộc sống tự nhiên và các hoạt động của cư dân vùng Tây Nguyên. Từ xa xưa, họ đã biết sử dụng công cụ lao động để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. VHCC không chỉ là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất mà còn phản ánh cuộc sống bình dị, yêu thương lẫn nhau của con người Tây Nguyên. Mỗi động tác, điệu nhảy là sự tinh tế, điêu luyện, hòa trong không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng, thể hiện mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó, VHCC còn là phương tiện để khẳng định tính cộng đồng, gắn kết con người, thể hiện sức sống, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
Chủ nhân của không gian VHCC là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Họ đã nâng giá trị của sản phẩm hàng hóa thành công cụ trình diễn tuyệt vời, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tiếng nhạc cụ, tiếng suối và tiếng lòng của con người nơi đây. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 1.400 đội cồng chiêng, trong đó 991 đội trẻ biết diễn tấu, nhiều bài chiêng cổ được đánh giá cao qua các hội thi, hội diễn. Các tỉnh Tây Nguyên cũng phục dựng lại nhiều lễ hội truyền thống, biểu diễn lại các bài chiêng cổ, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn như buôn vui chơi, buôn ca hát… Cứ 2 – 5 năm lại tổ chức liên hoan VHCC, liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh… Các tỉnh đều lập đề án bảo tồn, phát huy di sản VHCC, đầu tư mua sắm các dàn cồng chiêng mới để cung cấp cho các nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đánh chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn, bon, làng đã được tổ chức. Tỉnh Đắc Lắc đã đầu tư trên 6 tỷ đồng để mua 150 bộ cồng chiêng, cấp cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân là người Ê đê, M’nông về truyền dạy kỹ thuật chơi cồng chiêng cho con em đồng bào. Một số buôn làng tự nguyện liên kết với các trường tiểu học mời nghệ nhân về dạy học sinh. Nhờ những biện pháp trên, toàn tỉnh hiện có 700 đội cồng chiêng, trong đó có 200 đội trẻ.
Những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự du nhập của văn hóa phương Tây, cùng âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch đã làm cho VHCC Tây Nguyên bị mai một đi ít nhiều. Một bộ phận đồng bào nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, xúi giục đem bán cồng chiêng, không tham gia vào những hoạt động lễ hội hoặc có những hành động quấy rối lễ hội. Bên cạnh đó, việc lưu truyền VHCC cho thế hệ sau ít được quan tâm; cán bộ làm công tác văn hóa ở một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm, còn yếu về mặt chuyên môn nên làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát lớp học. Ở một số địa phương, việc nắm bắt và tổ chức lễ hội chưa đúng với phong tục, tập quán; chưa chủ động trong tổ chức thực hiện khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội.
Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy VHCC cần làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức trách nhiệm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tầm quan trọng của VHCC. Đây là việc làm cần thiết, mang tính thường xuyên, liên tục để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hiểu được những giá trị tinh thần to lớn mà VHCC mang lại. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về văn hóa ở các buôn làng phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tổ chức những hoạt động thực tiễn cho cán bộ ở các thôn, bản vào từng gia đình để nắm bắt những đặc điểm tâm lý, cùng đời sống của cộng đồng, từ đó có những giải thích, hướng dẫn dễ hiểu. Quá trình đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng, có sự phân công cụ thể, rõ ràng cho cán bộ ở từng địa bàn. Hiện nay, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang lưu giữ trên 9.880 bộ cồng chiêng. Trong đó, Gia Lai có trên 5.650 bộ, tiếp đó là tỉnh Đắc Lắc với 2.307 bộ. Các bộ cồng chiêng còn lại chủ yếu là của người Gia rai, Ba na, Ê đê, M’nông. Công tác tuyên truyền giáo dục càng chủ động bao nhiêu thì tính hiệu quả và sự thẩm thấu, lan tỏa của VHCC trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên càng lớn bấy nhiêu.
Để việc tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả thì việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương là rất cần thiết. Nên cử cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu VHCC, biết tiếng nói dân tộc, gần gũi, cởi mở để tiến hành tuyên truyền, giáo dục, nói chuyện với đồng bào. Có như vậy, đồng bào mới hiểu, tin tưởng và có thể nói hết những kiến thức, tâm huyết của mình trong bảo tồn, phát triển VHCC. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đóng vai trò là chủ thể văn hóa, không thể đứng ngoài công cuộc gìn giữ, bảo vệ văn hóa dân tộc. Họ cần phát huy sức mạnh đoàn kết trong việc sưu tầm, ghi chép các hình ảnh, tư liệu về cồng chiêng và VHCC. Đó chính là kho báu quý giá để trao truyền cho thế hệ sau.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức những hoạt động biểu diễn VHCC Tây Nguyên. Những giá trị của VHCC Tây Nguyên chỉ được bảo tồn, lưu truyền khi sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức thường xuyên, chặt chẽ, có hệ thống. Các hoạt động biểu diễn có tác dụng tích cực trong việc khơi dậy truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng. Đồng thời còn là nơi để mọi người thể hiện sự khát khao giao hòa với thiên nhiên hùng vĩ. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chương trình văn hóa diễn ra để quảng bá, giới thiệu VHCC. Có thể kể đến: Đắc Lắc – âm vang đại ngàn, Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thi Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên, Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật Cà phê Buôn Ma Thuột và không gian VHCC Tây Nguyên, Hành trình di sản… Để có được những chương trình như vậy, Sở VHTTDL các tỉnh cần đầu tư kinh phí, xây dựng nội dung chương trình, dàn dựng các tiết mục biểu diễn, đầu tư thời gian, phối hợp với nghệ sĩ ở buôn làng… Hoạt động biểu diễn VHCC cần huy động được đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia, không phân biệt già, trẻ, gái, trai bởi họ chính là người sáng tạo, hưởng thụ, lưu truyền VHCC. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiết trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các mô hình hoạt động văn nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu vừa sáng tác vừa hưởng thụ của công chúng. Kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động VHCC. Thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác này chưa được đào tạo bài bản, chưa hiểu hết những giá trị của VHCC trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách tâm huyết, yêu nghề, hiểu được văn hóa, con người Tây Nguyên thì công tác gìn giữ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chỉ hiểu được giá trị của VHCC khi họ biết được tầm quan trọng, ý nghĩa của nó trong đời sống, cũng như trong các hoạt động du lịch khác. Để có được đội ngũ cán bộ như vậy tốt nhất là lựa chọn con em của đồng bào các dân tộc đi đào tạo, để nắm bắt được ngay công việc sau khi về công tác. Đồng thời có kế hoạch đào tạo dài hạn, cơ bản đối với đội ngũ cán bộ khoa học am hiểu về âm nhạc truyền thống, văn hóa, lịch sử Tây Nguyên, chú trọng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mở lớp truyền dạy kinh nghiệm đánh chiêng, chỉnh chiêng, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phải nắm bắt được đặc điểm của từng buôn làng. Từ đó mới tạo được sự gần gũi, thân thiện trong giao tiếp, ứng xử, niềm tin và tạo động lực cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân nói chuyện và tìm mọi cách để truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ mai sau về VHCC Tây Nguyên.
Ngoài những giải pháp trên thì vấn đề phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân trong các buôn làng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đầu tư kinh phí để bảo tồn, phát huy VHCC Tây Nguyên.
Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa như hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động nắm bắt những xu hướng phát triển của thế giới để có những tiếp biến văn hóa làm giàu thêm bản sắc dân tộc, để VHCC không chỉ là biểu tượng tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà còn đại diện cho con người và dân tộc Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018