Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnXU HƯỚNG MỚI CHO NHẠC KỊCH VIỆT NAM

XU HƯỚNG MỚI CHO NHẠC KỊCH VIỆT NAM

18

Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh

Mezinárodní hudební festival Český Krumlov 2007, foto: Libor Sváček; box@fotosvacek.cz
  1. Khái niệm về Opera

Thể loại âm nhạc Opera ra đời vào TK XVI tại vùng Florence nước Ý. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm: kịch bản văn học, âm nhạc, thơ, ca, hành động kịch được thể hiện bằng nghệ thuật sân khấu có hóa trang, múa, hát, hội hoạ, kiến trúc… tất cả được kết hợp với nhau dưới vai trò dẫn dắt chủ đạo của âm nhạc, gồm có mảng thanh nhạc và khí nhạc, đặc biệt là vai trò của dàn nhạc giao hưởng.

Trong cuốn sách “Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây” do nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La biên soạn, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa phát hành năm 2005, có viết: “Opera còn là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp văn học, âm nhạc, biểu diễn, kiến trúc, hội họa… của tập thể nghệ sĩ bao gồm ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, chỉ huy dàn nhạc, thiết kế mỹ thuật, nhân viên kỹ thuật, quản lý sân khấu với đội hợp xướng, đội vũ đạo…”.

Trong cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” của TS. NSND Đỗ Quốc Hưng do Nhà xuất bản Sân khấu phát hành năm 2021, có trích dẫn ý kiến của nhà lý luận âm nhạc I. Vaninkop: “Opera là tác phẩm nhạc kịch, đôi khi đưa vào cả các màn múa Ballet dùng cho sân khấu biểu diễn. Lời của vở hoàn toàn hoặc một phần được thực hiện bằng nghệ thuật hát, thường với phần đệm của dàn nhạc…”.

Trong lịch sử hình thành và phát triển đã có những trường phái Opera khác nhau: Opera Florence với tư tưởng hồi phục âm nhạc cổ Hy Lạp; Opera Rome sử dụng đề tài thần thoại, tôn giáo; Opera Venice thường diễn trong nhà hát nhỏ cung đình quý tộc; Opera Napoli; Opera Pháp; Opera Anh; Opera Đức…

Đến cuối TK XVIII, xuất hiện thể loại Opera hài kịch hay còn gọi là Opera Buffa – thể loại này trong âm nhạc cổ điển Đức – Áo gọi là Opera Singspiel. Opera Buffa phát triển song song với thể loại Opera nghiêm trang còn gọi là Opera Seria. Opera Buffa chuyên đề cập tới những vấn đề hài hước, châm biếm trong xã hội thời bấy giờ, tạo nên những tiếng cười mỉa mai đầy trào phúng.

Vào giữa TK XIX, trên thế giới đã hình thành một thể loại âm nhạc mới, kế thừa Opera cổ điển châu Âu, đó là thể loại Operetta được xuất hiện năm 1850 lần đầu tại Pháp, nhạc sĩ đại diện là Jaccques Offenbach, đến năm 1874 nhạc sĩ Johann Strauss đã mang operetta đến với người dân thành Vienna.

  1. Khái niệm Nhạc kịch

Trong cuốn sách “Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây” do nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La biên soạn, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa phát hành năm 2005, có viết: “Thời kỳ trung cổ, từng xuất hiện kịch mục đồng với hình thức vừa hát vừa diễn, nội dung nói về tình yêu trai gái của người chăn cừu. Giữa thế kỷ XII – XIII bắt đầu xuất hiện “kịch điền viên” có phong cách trữ tình thơ mộng. Diễn viên lên sân khấu có trang phục, hóa trang… Thế kỷ XVI xuất hiện một loại kịch gọi là “Gian mộ kịch”, sáng tác của các nhà soạn nhạc mục ca. Kịch gian mộ kịch, tức “kịch hát” giữa các màn kịch, nó gần với Opera sau này…”.

Đến đầu thế kỷ XX, xuất hiện một thể loại mới là sự kết hợp giữa nhạc và kịch, một dạng “biến thể” của operetta với sự kết hợp của sân khấu và âm nhạc phổ thông đại chúng, có nội dung kịch, có nhảy múa và phong cách diễn xuất tương tác với khán giả. Đó là Nhạc kịch Broadway hay Musical theatre, xuất hiện tại Anh và Hoa Kỳ sau đó lan tỏa khắp thế giới. Thế kỷ XX có thể coi là thời kỳ vàng của âm nhạc sân khấu đương đại – Musical theatre và nó vẫn được phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Thời kỳ đó có 2 vở Nhạc kịch là: “The Naiad Queen” (1841) và “The Seven Sisters” (1860). Tuy nhiên chỉ tới năm 1866, vở “The Black Crook” được biểu diễn tại Nhà hát Niblo’s Garden, nằm tại khu phố Broadway (New York, Hoa Kỳ) thì phong cách Nhạc kịch Broadway mới chính thức hình thành và được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Chủ đề, ý tưởng của Nhạc kịch Broadway rất phong phú, có thể được chuyển thể từ truyện, phim, thậm chí từ các vở nhạc kịch cổ điển châu Âu… Âm nhạc đơn giản, gồm một số các ca khúc hoặc có thể cover lại một số ca khúc, giai điệu âm nhạc thịnh hành khác. Một số vở nổi tiếng nhất như: “The Phantom of the Opera – Bóng ma trong nhà hát” trình diễn lần đầu tiên năm 1986, “The Lion King – Vua Sư tử” mở màn vào năm 1997, “Romeo and Juliet”, “Notre Dame de ParisThằng gù ở nhà thờ Đức Bà”, “Mamma mia!”, “Beauty and the Beast – Người đẹp và quái vật”

  1. Sự du nhập của Opera và Nhạc kịch Broadway vào Việt Nam
    • Opera Việt Nam

Cả hai thể loại: Opera kinh điển châu Âu và Nhạc kịch Broadwway đã du nhập vào Việt Nam và nó đã được công chúng đón nhận, với ba lý do chính.

– Thứ nhất: vào khoảng thế kỷ XVI (cùng thời kỳ xuất hiện Opera kinh điển tại châu Âu) thì tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số thể loại âm nhạc có hóa trang và hành động kịch trên sân khấu như: hát Tuồng, hát Chèo rồi sau này là hát Cải lương… Đặc biệt được dẫn dắt dưới vai trò chủ đạo của âm nhạc Việt Nam với dàn nhạc dân tộc, đã trở thành nét đẹp trong âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam.

– Thứ hai: Tại nước ta, các vở Opera và Nhạc kịch mang phong cách Broadway đã ra đời dựa trên những câu chuyện về sử thi, dân gian, lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng hoặc chuyển thể từ những tác phẩm văn học, thơ của Việt Nam. Người viết kịch bản văn học, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, dàn nhạc giao hưởng, đặc biệt là các dàn nhạc dân tộc Việt Nam, đạo diễn, diễn viên, trang phục, bày trí trên sân khấu, họa sĩ, âm thanh, ánh sáng… hoàn toàn là người Việt Nam, gắn liền với văn hóa truyền thống mang tâm hồn của người Việt Nam.

– Thứ ba: Sự xuất hiện của những vở ca cảnh, ca kịch trước đó là bước đệm cho sự xuất hiện của Opera tại Việt Nam. Vở Ca kịch đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 1943, do nhà thơ Thế Lữ sáng tác vở kịch thơ “Tục lụy”, âm nhạc Lưu Hữu Phước; Năm 1943 nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã phổ nhạc cho vở kịch thơ “Chiến sĩ và Hằng Nga” của Vương Gia Khương Năm 1944 nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết ca cảnh thiếu nhi “Con thỏ ngọc”…

Năm 1965 vở Opera đầu tiên của Việt Nam được đưa lên sân khấu, đó là Opera “Cô sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chất liệu được khai thác là âm nhạc của dân tộc Thái, thuộc loại sử thi trữ tình; Năm 1968 vở Opera “Bên bờ K’rông Pa” của nhạc sĩ Nhật Lai được Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng, khai thác chất liệu âm nhạc Tây Nguyên với phong cách sử thi. Năm 1967 vở Opera “Bông sen” của nhóm nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyên Vũ và Hoàng Việt ra đời. Năm 1971, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác vở Opera thứ hai, đó là “Người tạc tượng” được đưa lên sân khấu. Năm 1980 vở Opera “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” dựa trên kịch thơ của Nguyễn Đình Thi, âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được hoàn thành. Năm 1981 vở Opera “Tiếng hát xanh”, kịch bản Nguyễn Đình Tấn, Hải Như, Văn Hà, âm nhạc Nguyễn Đình Tấn. Năm 2010 nhạc sĩ Ca Lê Thuần cho ra mắt vở Opera “Người giữ cồn”. Năm 2016 vở Opera “Lá đỏ”, kịch bản văn học của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, âm nhạc của NS Đỗ Hồng Quân được trình diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.

Opera Lá đỏ

  • Nhạc kịch Việt Nam

Từ những năm 2000 cho đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện một số tác phẩm được gọi là nhạc kịch, về nội dung và trình diễn có nhiều điểm giống thể loại Opera, cũng được chia thành các màn, nhiều cảnh. Cùng với sự hội nhập và phát triển âm nhạc trên thế giới thì ngôn ngữ âm nhạc trong các vở Nhạc kịch của Việt Nam cũng được các nhạc sĩ chuyển tải những chất liệu mang xu hướng của thời đại, thoát khỏi những niêm luật, hình thức, thể loại và nguyên tắc của Opera truyền thống. Có thể nhắc tới những tác phẩm như: nhạc kịch “Đất nước đứng lên” của nhạc sĩ An Thuyên được công diễn vào năm 2005. Trong cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” của TS. NSND Đỗ Quốc Hưng do Nhà xuất bản Sân khấu phát hành năm 2021, có đoạn viết “Vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” có dáng dấp của kịch hát mới, tức là kịch kết hợp với hát, hay kịch có lời hát, thoại bằng âm nhạc, do các ca sĩ đảm nhận các vai thể hiện. Dẫu không phải là một vở opera theo đúng nghĩa thì sự có mặt của vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” cũng là một gợi ý cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp một khuynh hướng sáng tác nhạc kịch mới thiên về âm nhạc đại chúng”.

Một số tư liệu cho rằng thể loại Nhạc kịch Broadway cũng đã xuất hiện taị Việt Nam với các vở như: “Tấm Cám”, “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối”, “Majoin – Cô bé phép thuật”, “Mộng ước không xa vời”, “Bầy chim thiên nga”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, Trại hoa vàng … Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng đã dựng nguyên bản Broadway tiếng Anh vở Những người khốn khổ theo cốt truyện của đại văn hào Victor Hugo (Pháp).

Đặc biệt gần đây có những vở nhạc kịch mới như: Nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ, kịch bản Kim Thùy, âm nhạc Minh Đạo, Tường Văn, Nam Lee, do nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh làm Tổng đạo diễn; Ca kịch “Khát vọng Đam San”, biên kịch Hồng Hoa, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Minh Đạo; Nhạc kịch “Người cầm lái” của Nhà hát Công an nhân dân do nhà biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn; nhạc sĩ sáng tác Đình Thắng, Hoàng Huy, Duy Minh; Nhạc kịch dành cho lứa tuổi thiếu nhi “Ông lão đánh cá và con cá mập“, biên kịch Đinh Tiến Dũng, âm nhạc Văn Phong và Minh Phương…

 Nhạc kịch Sóng

Sự xuất hiện những dự án về Nhạc kịch thuần Việt đã tạo nên một một hướng đi mới cần khích lệ, một mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng cho cả những người làm sân khấu, âm nhạc và công chúng yêu nghệ thuật.

  • Một số hạn chế của Nhạc kịch tại Việt Nam hiện nay
    • Thế nào là Nhạc kịch thuần Việt?

Nhiều tác phẩm đã được chuyển thể từ sân khấu, điện ảnh, văn học, thơ kết hợp với nghệ thuật sân khấu, diễn xuất, đặc biệt là sự dẫn dắt, liên kết của dàn nhạc giao hưởng đã tạo nên những sắc mầu đa dạng trong hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên phần lớn công chúng vẫn chưa có khái niệm rõ ràng giữa các thể loại Opera kinh điển, nhạc kịch Broadway, ca kịch – kịch hát…và xu hướng phát triển nhạc kịch ở Việt Nam trong thời gian hiện nay.

Cụm từ “Nhạc kịch thuần Việt” đã được nhắc tới trong nhiều bài báo, do đó chỉ cần vào Google tìm kiếm “nhạc kịch thuần Việt” là ra rất nhiều bài báo về đề tài này. Những vở nhạc kịch gần đây được gắn thêm chữ “thuần Việt” là bởi nhiều nhà báo cho rằng đây là những tác phẩm được dàn dựng từ kịch bản, âm nhạc, đạo diễn, diễn viên đều là người Việt Nam, tác phẩm nói về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam… nên được gọi là “thuần Việt”.

Tuy nhiên, điều này cũng đã gây ra những tranh luận khá sâu sắc như những đợt sóng ngầm về cách gọi này. Bởi theo một số nhà lý luận âm nhạc có tên tuổi cho rằng từ “thuần Việt” chưa hoàn toàn chính xác, vì trong các vở nhạc kịch đó vẫn có những khúc thức, cấu trúc, hình thức, đặc biệt là âm nhạc là vẫn có sự xuất hiện của các nhạc cụ phương tây hay dàn nhạc giao hưởng của phương tây… do đó không thể gọi là “thuần Việt”, trừ khi chúng ta sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam, sử dụng nhạc cụ và dàn nhạc dân tộc Việt Nam trong vở diễn thì có thể gọi là “thuần Việt”.

  • Những khó khăn và thách thức mới

Để dựng được một vở Nhạc kịch tại Việt Nam là một thách thức lớn đối với những nhà hoạt động về chuyên môn. Cần có sự đầu tư về trí tuệ, nhân lực, kinh phí và thời gian dài hơi và phải đảm bảo 3 vấn đề cơ bản: Nội dung (tác phẩm), Biểu diễn và Tổ chức.

Về phần nội dung – tác phẩm: Trước tiên để có một tác phẩm nhạc kịch chất lượng cần phải có một kịch bản văn học hấp dẫn với nhà biên kịch có chuyên môn sâu. Phần âm nhạc cần có nhạc sĩ với bề dày kinh nghiệm, đủ nội lực để viết dài hơi cả mảng khí nhạc và thanh nhạc. Sử dụng ngôn ngữ dàn nhạc giao hưởng với vai trò chủ đạo, dẫn dắt nội dung, kết nối các mạch chảy trong kịch bản văn học và diễn tả những nội dung sâu sắc. Âm nhạc trong một vở nhạc kịch, đặc biệt là phần khí nhạc còn giữ vai trò độc lập và xuyên suốt toàn bộ vở diễn chứ không chỉ đơn thuần là đệm hát hay minh họa.

Biểu diễn: Bên cạnh vai trò quan trọng của đạo diễn thì đội ngũ những nghệ sĩ, diễn viên là những người thổi linh hồn cho tác phẩm. Trên thực tế khó khăn lớn khi dàn dựng nhạc kịch ở Việt Nam là diễn viên không đồng bộ cả ba kỹ năng cùng một lúc: hát, múa và diễn xuất. Rất hiếm khi có được một diễn viên vừa hát hay, múa đẹp và diễn xuất giỏi. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo diễn viên nhạc kịch một cách có hệ thống mà nguồn diễn viên phải lấy từ những môi trường khác nhau như: Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện múa Việt Nam, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam…cùng với đó là họa sĩ, thiết kế trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng… Tuy nhiên, với sự hội nhập hiện nay, mỗi ca sĩ, nghệ sĩ diễn viên đã ý thức được sự quan trọng và tự nỗ lực làm mới mình bằng sự trau dồi, nâng cao các kỹ năng tổng hợp trên sân khấu. Điều này góp phần tích cực để trở thành những nhân tố cho những vở nhạc kịch.

Tổ chức: Bên cạnh những cơ quan của nhà nước như Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam… thì hiện nay đã xuất hiện những Dàn nhạc Giao hưởng mới như: Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam… Hy vọng có thể sẽ xuất hiện thêm những Nhà hát mới, và đặc biệt các doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc, trong đó có lĩnh vực nhạc kịch. Hướng tới sự phát triển đồng bộ, da dạng của nền âm nhạc trong sự hội nhập của nền công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp của Nhạc kịch Việt Nam, đóng góp chung cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

 

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN