Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnĐại tá, Nhạc sĩ Trọng Loan - Hồi ức sáng tác và...

Đại tá, Nhạc sĩ Trọng Loan – Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc

14

Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhạc sĩ Trọng Loan (16.12.1923 – 16.12.2023), gia đình và bạn bè thân thiết củ nhạc sĩ đã biên soạn cuốn sách “Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc” để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến, đóng góp của nhạc sĩ đối với sự phát triển nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu quý giá để qua đó chúng ta có thể tái hiện lại được những chặng đường hoạt động âm nhạc và những dấu ấn quan trọng đã hình thành nên một phong cách riêng trong âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan.

Ca khúc đầu tay, thời kỳ chống Pháp và chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn”

Nhạc sĩ Trọng Loan sinh ngày 16.12.1923 tại Yên Bái, nhưng lớn lên và trưởng thành tại nhiều vùng đất khác nhau: Cao Bằng, Tuyên Quang, rồi cùng ông cụ thân sinh và gia đình rong ruổi đến Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Campuchia, Huế, Vinh và Hà Nội. Ông còn có bút danh là Hương Lan trong một số ca khúc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông là anh trai của GS, nhạc sĩ – NSND Trọng Bằng – nguyên Tổng Thư ký Hội NSVN. Trước năm 1945, nhạc sĩ Trọng Loan hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc. Tháng 6 năm 1945 ông tham gia vào đội tự vệ chiến đấu Việt Minh thành phố Vinh – Bến Thủy, tập hát cho công nhân những bài ca yêu nước, tham gia biểu tình và tổng khởi nghĩa cướp chính quyền thành phố Vinh – Bến Thủy ngày 21 tháng 8 năm 1945. Đến tháng 9 năm 1945, ông nhập ngũ vào Chi đội Đội Cung – Nghệ An (sau đổi tên là Trung đoàn 57). Cũng trong không khí đấu tranh đó mà ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trọng Loan là “Bài ca Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng” đã ra đời và trở thành bài ca chính thức của Đội tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong thành phố Vinh – Bến Thủy và bài hát này đã được chuyển soạn cho dàn kèn đồng thành phố Vinh trình tấu. Có thể nói, đây là dấu ấn, là điểm nhấn đầu tiên từ một chiến sĩ trở thành nhạc sĩ, sáng tác nhiều ca khúc phản ánh thực tế cuộc sống chiến đấu của chiến sĩ đồng bào. Năm 1946 ông làm Trưởng ban Ca Kịch Chi đội Đội Cung – Nghệ An và tiếp theo là nhiều vị trí vai trò quan trọng trong các hoạt động âm nhạc khác.

Trong kháng chiến chống Pháp, Khu Bốn là vùng tự do. Nhạc sĩ Trọng Loan tham gia làm diễn viên Đoàn kịch nói “Tiền tuyến”. Sau một năm ông trở về đơn vị cũ là Chi đội Đội Cung, lúc này đã đổi tên là Trung đoàn 57. Giai đoạn này ông đã có nhiều ca khúc mới ra đời mang âm hưởng ví dặm, chèo cổ. Tháng 3 năm 1949, nhiều ca khúc của ông đã được biểu diễn ở Đại hội Văn nghệ toàn quân tại Việt Bắc và được nhiều chiến sĩ đón nhận. Do đó, ông là nhạc sĩ duy nhất được chọn vào đoàn quân viễn chinh vượt Thập Vạn Đại Sơn sang Hoa Nam giúp nước bạn Trung Hoa tiêu diệt tàn quân Quốc dân đảng. Vai trò của nhạc sĩ, chiến sĩ tiếp tục được khẳng định trong 10 ca khúc mà ông viết trong chiến dịch này từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1949. Đây là thời điểm Giải phóng quân Trung Quốc đã dồn quân Quốc dân đảng xuống Hoa Nam, và bạn đề nghị bên ta điều quân sang phối hợp, giúp đỡ để xây dựng khu giải phóng tiếp giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Với cây đàn Guitar trên vai đã cùng nhạc sĩ từ những cuộc hành quân trong đội hình ca hát của Trung đoàn 57 trước kia, nay lại tiếp tục đồng hành trong cuộc viễn chinh Thập Vạn Đại Sơn. Toàn bộ quá trình chiến đấu trong chiến dịch này đã được nhạc sĩ Trọng Loan tái hiện trong 10 ca khúc. Chỉ sau ít ngày hành quân cùng đồng đội, nhạc sĩ đã viết bài “Bài ca viễn chinh” và được trình bày trước các đơn vị của Tiểu đoàn. Điều này khẳng định sự nhanh nhạy trong sáng tác, mang tính thời sự, có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái lên đường. Những bài hát khác tiếp tục ra đời như “Chiều biên cương”, “Có ai qua biên thùy”, “Em bé tha phương”, “Hoa Nam ơi!”, “Từ giã bạn quân”, Ngày về”. Trong những cuộc hành quân và những trận chiến đấu đầy gian khổ, cùng với khí hậu khắc nghiệt, cây đàn Guitar của ông đã bị vỡ hỏng, do đó ông đã phải chôn cây đàn Guitar ở dãy Thập Vạn Đại Sơn, điều này đã đánh dấu sự trưởng thành của nhạc sĩ Trọng Loan với tinh thần của người nhạc sĩ chiến sĩ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước, tháng 12 năm 1949 trong chương trình tổng kết chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, nhạc sĩ Trọng Loan đã có dịp được trình bày lại những bài hát sáng tác trong chiến dịch này, sau khi nghe nhạc sĩ hát bài “Từ giã bạn quân”, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyễn Giáp đã khen ngợi và sửa lại tên bài hát là “Chia tay quân bạn” cho phù hợp… Có thể nói, với chùm 10 ca khúc được sáng tác trong thời kỳ này đã khẳng định sự sáng tạo và sức trẻ của tuổi thanh xuân, khẳng định dấu ấn của ông trong sáng tạo âm nhạc.

Ca khúc của nhạc sĩ Trọng Loan thời kỳ chống Mỹ

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhạc sĩ Trọng Loan tiếp tục có những sáng tác mới để phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Giai đoạn này ông đã định hình một bút pháp âm nhạc rõ ràng: Sung sức, viết rất nhanh, kịp thời, mang tính thời sự, phản ánh đúng tinh thần, tư tưởng cách mạng, đồng hành theo từng trận đánh của quân đội và phổ biến ngay. Ông bám sát các đơn vị, bám sát các trận chiến đấu, đi theo các chiến dịch. Chất lính, chất chiến đấu thể hiện trong tác phẩm một cách rõ nét, và trong mỗi ca khúc đều khai thác âm hưởng dân gian một cách nhuần nhuyễn.

Sự kiện Mỹ ném bom miền Bắc ngày 5 tháng 8 năm 1964, ông đã viết hành khúc “Phải đánh lũ giặc Mỹ” như một ý chí quyết thắng bằng âm nhạc. Bài hát này đã được gửi đến Đài TNVN và được dàn dựng tại Đoàn Ca nhạc (nay là Nhà hát Đài TNVN), được phát trên sóng phát thanh. Đồng thời ca khúc này còn được chuyển soạn cho quân nhạc và trở thành khúc nhạc mở đầu cho chương trình phát thanh buổi sáng suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Khi Mỹ ném bom đảo tiền tiêu Cồn Cỏ thuộc khu vực Vĩnh Linh, ông đã viết bài hát “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” với chất liệu dân ca và hò Quảng Trị mang tinh thần ca ngợi sự kiên cường của biển đảo quê hương. Bút pháp âm nhạc mang cá tính riêng trong sáng tác của nhạc sĩ Trọng Loan càng được tỏa sáng, đặc biệt điều này được thể hiện trong ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay” được ông viết trong thời gian lên công tác tại Tây Bắc. Cuối năm 1965 khi máy bay Mỹ bị quân và dân Châu Yên bắn rơi, trong đó có chiếc máy bay rơi do khẩu đội nữ dân quân bắn hạ, với niềm vui chiến thắng, ông đã sáng tác ca khúc này. Bài hát mang âm hưởng dân ca Thái cùng với điệu xòe vòng gắn kết với giai điệu, lời ca một cách chặt chẽ. Với bút pháp thật độc đáo, mang tính chuyên nghiệp cao, vừa có tính thanh nhạc lại vừa có tính chất của khí nhạc. Nhưng điều đặc biệt hơn là không chỉ ca sĩ chuyên nghiệp mà cả các ca sĩ không chuyên cũng có thể hát bài này một cách thành công.

Khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, nhạc sĩ Trọng Loan đã từng vài lần được đi công tác vào Vĩnh Linh, đứng bên bờ Bắc nhìn sang bờ Nam, hát lên bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Lúc đó, ông đã ấp ủ một sáng tác về tinh thần chiến đấu của quân và dân nơi đây. Khi chiến dịch Đông Xuân 1966 -1967, trong tiếng vang dội chiến công của quân và dân Quảng Trị đã cho nhạc sĩ nhiều cảm hứng sáng tác. Sau những ấp ủ, dồn nén cảm xúc, đến tháng 3 năm 1967 bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” được ra đời, khi ấy nhạc sĩ lấy bút danh Hương Lan và chưa một lần được tới thăm tỉnh Quảng Trị. Chất liệu bài hát dựa vào một làn điệu hò quen thuộc của Quảng Trị, kết cấu âm nhạc ở hình thức hai đoạn đơn, bắc cầu và nối tiếp nhau bằng một câu hò được biến tấu, phát triển theo lời ca đã tạo nên sự thành công cho bài hát. Không chỉ chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị yêu mến mà bài hát đã được cả nước đón nhận khi nó được vang lên trên Đài TNVN, và điều đặc biệt nữa là Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị đã lấy bài hát này làm nhạc hiệu.

Năm 1962, phái đoàn đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Việt Nam do ông Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Bác Hồ đã tiếp phái đoàn tại Phủ Chủ tịch, Bác đã nói với mọi người: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Câu nói ấy đã thấm sâu vào cảm xúc của nhân dân cả nước và quân đội cả hai miền Nam – Bắc. Đây cũng là nguồn cảm hứng sâu sắc để nhạc sĩ Trọng Loan sáng tác ca khúc “Lời ca dâng Bác”. Bài hát đã được phát sóng lần đầu tiên trên Đài TNVN vào ngày 19.05.1968 do NSND Thanh Huyền và tốp ca nữ trình bày.

Bên cạnh mảng sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Trọng Loan đã từng phụ trách biên tập âm nhạc cho các chương trình phát thanh binh vận của Đài TNVN. Nội dung chương trình này là tuyên truyền, kêu gọi binh lính ngụy quyền từ bỏ con đường lầm lạc, trở về với cách mạng, trở về với nhân dân. Chương trình được phát sóng vào 23h00 hàng đêm. Bên cạnh công việc biên tập, sáng tác ca khúc cho mảng phát thanh này, ông còn viết hàng chục lời cho bài hát rồi nhờ các nhạc sĩ khác phổ nhạc để kịp thu âm và phát trong chương trình này.

Ca khúc của nhạc sĩ Trọng Loan giai đoạn từ năm 1975 – 2000

Theo lời kể của nhạc sĩ Trọng Lưu (con trai nhạc sĩ Trọng Loan), vào đầu năm 1975 để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhạc sĩ Trọng Loan đã nhận nhiệm vụ dẫn đầu một đội gồm các nhạc sĩ sáng tác đi thực tế theo các đoàn quân vào chiến trường miền Nam để kịp thời sáng tác các bài hát cổ vũ chiến thắng. Cứ như vậy, theo bước các đoàn quân, các nhạc sĩ đã đến Tây Nguyên, rồi vào Huế, vào Đà Nẵng và cuối cùng vào đến tận Sài Gòn giải phóng. Các nhạc sĩ đi đến đâu cũng đều có bài hát mới và gửi về để dàn dựng, kịp thời phát ngay trên Đài TNVN. Có những ca khúc chỉ sáng tác trong một đêm là xong. Có thể kể tới các bài hát như: “Theo Đảng ta đi giành mùa xuân mơ ước”, “Hát trên Tây Nguyên giải phóng”, “Hát trên sông Hương của ta”, “Quân giải phóng đã về đây”, “Vùng giải phóng đẹp thay”, “Tiếng hò trên sông quê hương”… Thời kỳ này ông tiếp tục có những thay đổi mới về tư duy và bút pháp âm nhạc. Từ những hành khúc mang tính chiến đấu đã bắt đầu chuyển sang các chủ đề về xây dựng, vẻ đẹp của các miền quê hương đất nước, các chủ đề về ngành nghề khác nhau và tính chất âm nhạc cũng trở nên sâu lắng, trữ tình nhiều hơn. Năm 1976 ông viết “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca”, “Hát về em, cô gái giao liên ngày ấy”, “Những nàng y áo trắng đẵ gặp rồi không quên”. Những ca khúc về đề tài quân đội vẫn tiếp tục được ra đời nhưng mang tính chất nhẹ nhàng, vui tươi, như bài “Thao trường tình rằng vui sao”, hay sâu lắng trong bài “Trăng”, “Nhớ về một dòng sông”…Trong những năm 1980, ông đã đưa tiết tấu âm nhạc đương đại vào những sáng tác mới như Slow – Rock và ca khúc “Em sẽ lớn lên dưới những mái trường”, rồi chất nhạc nhẹ, trữ tình được đưa vào ca khúc “Nếu em tới thăm đảo”… Có thể nói, nhạc sĩ Trọng Loan luôn tạo ra những dấu ấn trong bút pháp sáng tác ở những thời kỳ khác nhau, khai thác đề tài phản ánh cuộc sống đương thời một cách đa dạng nhiều màu sắc. Chính vì đề tài đa dạng cho nên phong cách âm nhạc và sử dụng chất liệu âm nhạc cũng hết sức phong phú, mang đặc trưng của từng vùng miền rõ ràng, nhuần nhuyễn.

Nhạc sĩ Trọng Loan đã để lại một gia tài âm nhạc với 251 bài hát được sáng tác từ năm 1945 cho đến năm 2000. Năm 2001 ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn Học Nghệ Thuật với chùm 5 ca khúc: “Phải đánh lũ giặc Mỹ”, “Người Châu Yên em bắn máy bay”, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, “Lời ca dâng Bác”, “Trăng sáng trên rừng quế”. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội NSVN, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và nhiều Huân Chương, Huy Chương… Phần thưởng lớn nhất chính là sự ghi nhận của đông đảo công chúng yêu nhạc trong cả nước đối với những tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Loan trong đời sống. Ngày 22.6.2010, nhạc sĩ Trọng Loan đã thanh thản ra đi ở tuổi 88. Hình ảnh của nhạc sĩ cùng với phong cách sống giản dị, khiêm nhường, cháy hết mình, sống hết mình và cống hiến hết mình cho âm nhạc, đã để lại sự yêu mến vô hạn đối với những người đồng nghiệp, bạn bè. Với những thành tích trong hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Trọng Loan đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng, đóng góp chung cho sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN