Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh
Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay đang phát triển với nhiều khuynh hướng, góp phần làm phong phú, đa dạng các đề tài, thể loại âm nhạc để phục vụ thị hiếu khác nhau của đông đảo công chúng. Một trong những yếu tố góp phần làm sôi động cho thị trường âm nhạc đó là vai trò của các Nhà sản xuất âm nhạc, phối hợp với ê – kíp thực hiện trong một quy trình khép kín để tạo ra những sản phẩm âm nhạc. Chúng ta có thể coi đó chính là Công nghệ sản xuất âm nhạc.
Vậy thế nào là công nghệ sản xuất âm nhạc? nó đã có tác động một cách cụ thể đến đời sống âm nhạc hiện nay như thế nào? Vai trò của nhà sản xuất âm nhạc có ảnh hưởng gì đến chất lượng nghệ thuật của các sản phẩm âm nhạc hiện nay?
Để trả lời cho những câu hỏi trên tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với một số nhà sản xuất âm nhạc và nhà báo tại TP. HCM.
I. KHÁI NIỆM VỀ NHÀ SẢN XUẤT ÂM NHẠC VÀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT ÂM NHẠC
- Nhà sản xuất âm nhạc
Theo nhà báo Minh Đức – Giám đốc Công ty Băng đĩa nhạc MFC tại TP. HCM thì: “ Khái niệm về nhà sản xuất âm nhạc mới xuất hiện ở Việt Nam trong mấy năm gần đây. Trước kia chúng ta chỉ quen với một khái niệm là nhạc sĩ kiêm một chức danh làm biên tập cho các hãng băng đĩa. Ví dụ như nhạc sĩ Minh Châu, nhạc sĩ Nguyễn Hà…Họ làm công việc biên tập cho một album, nhưng thực chất họ chính là các nhà sản xuất âm nhạc. Như vậy, một nhà sản xuất âm nhạc là người làm ra một album, một chương trình biểu diễn…và là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho các sản phẩm âm nhạc đó. Một album có thể có nhiều ca sĩ khác nhau thể hiện, có nhiều nhạc sĩ phối khí khác nhau… nhưng phải có một nhà sản xuất chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó từ đầu đến cuối. Một nhà sản suất không nhất thiết phải biết sáng tác, biết phối khí, biết hát…nhưng một nhà sản xuất phải hiểu rõ những công việc đó để cuối cùng một sản phẩm âm nhạc làm ra là một sản phẩm hoàn chỉnh.”
Nhạc sĩ Nguyễn Hà có bổ sung thêm cho ý kiến trên: “ Một nhà sản xuất có kinh nghiệm thì họ còn đảm nhận thêm các khâu như quảng bá thế nào để các album hoặc chương trình âm nhạc đến được với đối tượng, người nghe tốt hơn, nhiều người đón nhận hơn.”
Theo nhạc sĩ Minh Châu thì: “ Hiện nay, theo mô hình của nước ngoài, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm cả về tổ chức phòng thu, tổ chức biểu diễn cho ca sĩ…bằng kinh phí họ tự bỏ ra. Tức là họ chịu trách nhiệm với sản phẩm của họ cả về mặt kinh doanh trên thị trường. Một album, một chương trình biểu diễn của ca sĩ…có thành công hay không nó gắn liền với túi tiền của nhà sản xuất. Thậm chí, các nhà sản xuất còn có phòng thu riêng và có thể thực hiện các khâu in ấn, phát hành…nó khác với nhà biên tập trước đây chỉ lo về chuyên môn không thôi.”
Nhạc sĩ Trần Đinh Lăng – Giảng viên bộ môn sáng tác tại Nhạc viện TP. HCM thì cho rằng: “Có nhiều ca sĩ khi thực hiện album đã đưa ra những yêu cầu riêng của mình. Ví dụ: ca sĩ có thể đặt nhạc sĩ sáng tác ca khúc độc quyền, ca sĩ có thể yêu cầu nhạc sĩ phối khí theo ý đồ riêng, ca sĩ có quyền lựa chọn các hình thức quảng bá khác nhau… Như vậy, đôi khi sẽ dẫn đến hiện tượng là sản phẩm âm nhạc khi ra đời sẽ không đúng như dự định ban đầu mà nhà sản xuất đề ra. Vì vậy, nhà sản xuất giữ vai trò quan trọng hàng đầu và phải là người có quyền quyết định trong tất cả các khâu để đưa một sản phẩm đi từ đầu đến cuối để có kết quả như đã dự định”.
Ngược lại, nhạc sĩ Nguyễn Hà và nhà báo Minh Đức lại cho rằng “Khi ca sĩ có ý kiến riêng, tham ra vào các khâu sản xuất như vậy, ca sĩ lúc đó sẽ là người đồng sản xuất cùng với nhà sản xuất. Bởi có nhiều ca sĩ muốn sản phẩm ra đời theo đúng định kiến của họ thì ca sĩ đó có thể cùng đóng vai trò của nhà sản xuất. Trong trường hợp đó sẽ có tới hai nhà sản xuất cùng cộng tác để cho ra sản phẩm âm nhạc.”
- Công nghệ sản xuất âm nhạc
Công nghệ sản xuất âm nhạc là một quy trình khép kín với sự điều phối của nhà sản xuất để đưa ra một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Trong đó bao gồm:
– Nhạc sĩ: Người sáng tác ra các tác phẩm âm nhạc.
– Ca sĩ: Là người lựa chọn để thể hiện tác phẩm sao cho phù hợp và hiệu quả, chuyển tải được ý đồ của nhạc sĩ đã đưa vào tác phẩm.
– Nhạc sĩ phối khí: Dựa trên tính chất của tác phẩm và giọng hát của ca sĩ, nhạc sĩ phối khí là người sáng tạo tiếp theo với sự thể hiện của các nhạc công hay sự hỗ trợ của công nghệ điện tử và máy móc, trang thiết bị âm thanh để sản xuất ra một bản phối khí phù hợp và hoàn chỉnh nhất để cho ca sĩ thể hiện tác phẩm.
– Phòng thu (Studio): Là nơi ca sĩ đến thu thanh tác phẩm với sự hướng dẫn của nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí và sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên phòng thu. Các phòng thu được đầu tư về trang thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại sẽ cho ra những sản phẩm âm thanh tốt.
– Phát hành: Sau khi có sản phẩm hoàn chỉnh, các nhà sản xuất còn nhiệm vụ quan trọng là làm sao quảng bá và phát hành được sản phẩm của mình một cách rộng rãi. Các nhà sản xuất thường dựa vào các Trung tâm Quảng cáo, các Công ty Phát hành băng đĩa nhạc, các nhà Tổ chức biểu diễn, các cơ quan Truyền thông…để quảng bá sản phẩm của mình.
Như vậy, công nghệ sản xuất âm nhạc tuân theo một quy trình bao gồm nhiều khâu. Trong đó các khâu đều có sự gắn bó mật thiết với nhau, được liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Trong quy trình của công nghệ sản suất âm nhạc thì vai trò của nhà sản xuất âm nhạc vừa là người quán xuyến toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối để một sản phẩm ra đời, đồng thời nhà sản xuất âm nhạc cũng nằm trong một khâu của quy trình sản xuất âm nhạc.
Một quy trình công nghệ sản xuất âm nhạc đồng bộ được chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng sẽ cho ra những sản phẩm âm nhạc tốt.
- Mối quan hệ của nhà sản xuất âm nhạc với quy trình công nghệ sản xuất âm nhạc
Đây là mối quan hệ hai chiều, có sự tương hỗ, tác động qua lại với nhau, bổ xung cho nhau để hoàn thiện các sản phẩm âm nhạc. Nếu một nhà sản xuất không nắm bắt được các quy trình trong công nghệ sản xuất và là người không có tầm nhìn bao quát, phông văn hóa thấp, thẩm mỹ âm nhạc kém…thì sẽ tạo ra những sản phẩm dị dạng, thiếu chuyên nghiệp và có tác động xấu tới công chúng. Ngược lại, nếu như nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm nhưng lại không thâu tóm và không được điều phối một quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn thì cũng sẽ gặp thất bại khi đưa ra sản phẩm. Ví dụ: một tác phẩm tốt nhưng nhạc sĩ phối khí chưa nâng được tác phẩm trong bản phối, ca sĩ có giọng hát không phù hợp hoặc không chuyên nghiệp, phòng thu với trang thiết bị cũ kỹ, âm thanh có nhiều tạp âm, rồi khâu quảng bá lỗi thời không hấp dẫn được công chúng…thì sẽ đưa ra sản phẩm thấp kém, không có giá trị.
- VAI TRÒ CỦA NHÀ SẢN XUẤT ÂM NHẠC VÀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT ÂM NHẠC
Như chúng ta đã biết, công nghệ sản xuất âm nhạc là một quy trình khép kín bao gồm nhiều công đoạn được gắn kết với nhau từ nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, ca sĩ, phòng thu, các khâu quảng bá sản phẩm…tất cả đều dưới sự bao quát, quản lý của nhà sản xuất âm nhạc.
Các nhà sản xuất âm nhạc luôn có vai trò quan trọng trong việc quyết định đưa ra một sản phẩm âm nhạc. Một album nhạc, một chương trình biểu diễn âm nhạc…có thật sự chất lượng mang đến cho công chúng những giá trị cao về nghệ thuật, về tinh thần hay không phụ thuộc vào sự đầu tư trong mỗi khâu của công nghệ sản xuất, đặc biệt là phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và cái tâm của nhà sản xuất âm nhạc.
Theo ý kiến của nhạc sĩ Minh Châu: “Mỗi sản phẩm âm nhạc ra đời nó gắn liền với túi tiền của nhà sản xuất”. Ở góc độ quản lý thì các nhà sản xuất không chỉ mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt, có giá trị nhưng mặt khác sản phẩm đó phải được đông đảo công chúng đón nhận và mua những sản phẩm đó. Nếu sản phẩm tiêu thụ được càng nhiều trên thị trường thì nhà sản xuất đó thành công trong lĩnh vực kinh doanh và ngược lại nếu không bán được sản phẩm thì nhà sản xuất đó thua lỗ về kinh tế.
Một nhà sản xuất âm nhạc đưa ra thị trường những sản phẩm âm nhạc mang tính nghệ thuật và tính nhân văn trong đó sẽ có những đóng góp tích cực trong việc thưởng thức âm nhạc của công chúng. Góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc và những yếu tố về giáo dục. Thông qua những sản phẩm âm nhạc nhưng lại giúp con người sống tốt hơn, nhân văn hơn và đóng góp cho xã hội nhiều hơn.
Ngược lại, nếu các nhà sản xuất điều hành một quy trình công nghệ lệch lạc, mang tính cóp nhặt, nghiệp dư, thiếu đầu tư và không đồng bộ cùng với sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp sẽ đưa ra những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, kém chất lượng. Điều này sẽ có ảnh hưởng không tốt tới thị hiếu âm nhạc của công chúng, nhất là các công chúng trẻ. Đây là hiện tượng đã gây nhiều dư luận trong thời gian qua. Những hiện tượng như: nhạc nhái, đạo nhạc, nhạc chế, ca từ gây shock, thảm họa Vpop…là kết quả của những người được đóng vai là các “nhà sản xuất” có thị hiếu, thẩm mỹ kém và phông văn hóa thấp. Nhạc sĩ nghiệp dư sáng tác ra những cái gọi là “bài hát” với ca từ dung tục, bậy bạ, thể hiện cái tôi yếu kém lại được ca sĩ nghiệp dư tìm được sự đồng cảm và hát. Điều đáng nói là những sản phẩm đó bùng phát một cách mạnh mẽ trên các trang báo mạng điện tử – Internet gây ra sự tò mò, hiếu kỳ, thậm chí đón nhận một cách thích thú của một bộ phận công chúng trẻ. Hiện nay hầu như các nhà quản lý văn hóa không thể hiện được vai trò của mình và để cho các thể loại âm nhạc phản cảm đó vẫn tồn tại.
Trên phương diện kinh doanh các nhà sản xuất âm nhạc quan tâm nhiều đến lợi nhuận hơn là chất lượng sản phẩm. Họ chỉ thấy rằng sản phẩm càng bán chạy, lợi nhuận càng cao là họ đã thành công. Điều này phụ thuộc vào sự dễ dãi của công chúng. Bởi đa số công chúng hiện nay dễ dàng chấp nhận những sản phẩm bình dân với chi phí thấp. Đánh vào tâm lý đó, một số nhà sản xuất âm nhạc đã đưa ra những sản phẩm mang tính bình dân, thậm chí là thấp kém ra đời.
Một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là các nhà sản xuất âm nhạc và một quy trình sản xuất âm nhạc đặt lợi nhuận về doanh thu lên hàng đầu hay đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu? Bởi nhiều nhà sản xuất luôn tự cho rằng sản phẩm của họ có chất lượng và đang bán chạy trên thị trường.
Trên thực tế cho thấy, tại thị trường âm nhạc của Việt Nam có đặc thù hơi khác so với các nước trên thế giới. Đó là các sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, có giá trị, những chương trình biểu diễn mang tính nghệ thuật thuật cao thì thường không có đông công chúng. Như vậy, các nhà sản xuất âm nhạc càng chú trọng đến chất lượng sản phẩm bao nhiêu thì chưa chắc đã bán chạy được trên thị trường và có nghĩa là doanh thu của họ bị lỗ vốn. Để lý giải cho điều này thật phức tạp. Có nhiều người cho rằng, một sản phẩm có chất lượng không bán chạy là do lỗi của nhà sản xuất chưa biết quảng bá sản phẩm của mình. Có ý kiến cho rằng, một sản phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật nhưng ít công chúng vì nó liên quan đến điều kiện về kinh tế và thị hiếu của công chúng. Bởi những sản phẩm tốt, những chương trình biểu diễn mang tính nghệ thuật cao đòi hỏi người thưởng thức phải có gu thẩm mỹ tốt và đầu tư một khoản tiền lớn. Với cuộc sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều người chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về nghệ thuật, chưa có khả năng về kinh tế để mua những sản phẩm nghệ thuật đắt tiền, chưa có thói quen đến những chương trình biểu diễn nghệ thuật bán vé với giá cao…Do vậy, họ chỉ tiếp nhận những sản phẩm mang tính “bình dân”, phù hợp với thị hiếu “bình dân” của đa số công chúng.
Tất cả những điều này sẽ cần có thời gian và khi mức sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu về thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng ngày càng cao. Mặt khác, việc giáo dục âm nhạc một cách đồng bộ cũng có vai trò hết sức quan trọng việc tạo ra những thế hệ công chúng biết đón nhận những tác phẩm âm nhạc có giá trị về nội dung, nghệ thuật. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ tư môi trường gia đình đến các nhà trường cho đến trách nhiệm của xã hội.
Chắc chắn với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam với các nước bạn bè trên thế giới thì các nhà sản xuất âm nhạc sẽ điều hành một quy trình sản xuất âm nhạc mang tính chuyên nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật và đồng thời được đông đảo công chúng đón nhận. Điều này sẽ góp phần tích cực trong sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà và quảng bá các sản phẩm âm nhạc của Việt Nam với các bạn bè quốc tế.