I. Thực trạng âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay
Có thể khẳng định được rằng trong 35 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhiều nhà giảng dạy âm nhạc, nhiều nhà lý luận phê bình tài năng. Mặt khác, Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những trung tâm đào tạo có uy tín trong cả nước với hàng ngàn học viên thuộc các chuyên ngành biểu diễn, sáng tác, lý luận và đào tạo…đã ra trường, cung cấp cho Thành phố một lực lượng hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp không hề nhỏ. Nhưng về thực chất thì bức tranh toàn cảnh của các hoạt động âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây phát triển chưa cân đối, có nhiều biểu hiện rất không bình thường, “lệch pha”.
- Thực trạng về sáng tác và biểu diễn
Với một lực lượng sáng tác hùng hậu thuộc nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, hầu hết có tay nghề vững vàng, luôn gắn bó với cuộc sống, gắn bó với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, vẫn đang miệt mài sáng tạo không ngừng. Từ khi có Nghị Quuyết Trung Ương 5 Khóa VIII (năm 1998) và đặc biệt là có sự hỗ trợ đầu tư sáng tạo của Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành phố, của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Trung Ương, đã đem lại một luồn sinh khí mới cho các nhạc sĩ và nhiều tác phẩm có giá trị thật sự đã ra đời, với ước ao là được đem đến cho công chúng những giai điệu và tiết tấu mới từ cuộc sống sinh động, muôn màu, muôn vẻ, đang diễn ra chung quanh ta hôm nay, góp phần đắc lực xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có một thực trạng rất đáng buồn là khâu phổ biến, quảng bá những tác phẩm chuyên nghiệp thuộc nhiều thể loại bị ngưng trệ, đình đốn. Tình trạng “cát cứ, phô trương, địa phương, cục bộ” và tư tưởng bản vị là những lực cản quá lớn đối với “đầu ra” cho dòng âm nhạc chính thống, chủ lưu của Thành phố, ngoại trừ các loại ca khúc chỉ thiên về giải trí một chiều. Nếu nói văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng là những kênh giao tiếp quan trọng và đắc lực của xã hội, giữa con người với con người, giữa Đảng và chính quyền với nhân dân; là những phương tiện hữu hiệu nhất để giáo dục nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn con người, thì những phương tiện này, những kênh giao tiếp này đang bị nghẽn mạch trầm trọng.
Chẳng lẽ Đảng và Nhà nước sắm ra 64 Đài phát thanh truyền hình trong 64 tỉnh thành chỉ để cho một số đơn vị cá nhân chuyên làm quảng cáo? Hoặc chỉ để kinh doanh những sản phẩm văn hóa kém chất lượng theo cơ chế thị trường, nên mới phụ rẫy, dị ứng với các loại tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật? Nên xem lại năng lực và tư cách của một số người có trách nhiệm trong các cơ quan biên tập âm nhạc của các Đài phát thanh, truyền hình. Vì họ vẫn đang tiếp tục “chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng” (Chương Trình Hành Động số 45-CTrHĐ/TU của Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị Quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị).
Nói về thực trạng sáng tác và biểu diễn xô bồ hiện nay, như Nhà lý luận phê bình Trịnh Đình Khôi đã bức xúc: “Nó (truyền hình) là một cơ quan tư tưởng văn hóa chứ không phải chỉ là một sân chơi, một thị trường để mang lại danh lợi cho tổ chức, cho cá nhân nào”(1).
Tuy phải thường xuyên đối mặt với thực trạng ảm đạm về mặt trái của cơ chế thị trường như vậy, nhưng các nhạc sĩ từ lão thành đến các nhạc sĩ trẻ mới trưởng thành sau này cũng luôn hăng say sáng tác. Đối với các nhạc sĩ lão thành, đề tài về chiến tranh cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ…vẫn là những đề tài luôn còn đang sống động trước mắt họ. Đối với các nhạc sĩ thuộc lớp trẻ thì luôn gắn bó với các đề tài về xây dựng quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa trong cuộc sống mới hôm nay. Nhưng rất đặc biệt, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, lứa tuổi nào thì đề tài về Thành phố mang tên Bác vẫn luôn hấp dẫn, cuốn hút họ. Chỉ rất tiếc một điều là việc quảng bá, in ấn, thu băng đĩa, xuất bản…còn gặp nhiều trở ngại, chướng ngại nên nhiều tác phẩm tốt chưa đến được với công chúng. Từ đó, tính chiến đấu, tính chủ động vượt qua mọi trở ngại vững tin vào con đường sáng tác mà mình đã chọn của một số nhạc sĩ cũng có phần giảm sút. Chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng có hàm lượng về cuộc sống mới, về sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập chưa cao. Tâm tư, tình cảm và tâm trạng của văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ nói riêng về cuộc sống vật chất và tinh thần chưa được ổn định. Về đường lối văn nghệ, Đảng nói thì rất đúng đắn, rất khoa học trong các Nghị quyết, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước thì chưa thể chế hóa, chưa triển khai, thực hiện được bao nhiêu. Công tác thi đua, khen thưởng, các chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, nhạc sĩ có công còn lắm nhiêu khê, phiền toái.
Một thực trạng đáng buồn khác là không hiểu vì lý do gì các phương tiện truyền thông của nhà nước cứ tha hồ tâng bốc, tôn vinh các “nhạc sĩ”, “ca sĩ”.trẻ, có khi còn rất trẻ lên tận chín tầng mây với những ca khúc “quái đãng”, những kiểu hát “quái đãng”, có người gọi là “rẻ tiền”, các nhà lý luận phê bìnhthì gọi đó là “những phế phẩm nghệ thuật” (1), làm cho mọi người lầm tưởng đó là âm nhạc. Trong khi đó có rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có những cống hiến lớn lao cho xã hội về mặt nghệ thuật âm nhạc với những thành tựu rất đáng trân trọng, hiện vẫn đang tiếp tục biểu diễn, sáng tác và giảng dạy, vẫn chưa một lần được nhắc đến, được tôn vinh trên các làn sóng phát thanh truyền hình! Có điều gì đó hơi xót xa! Nghĩa tình và trách nhiệm của chúng ta liệu sẽ diễn biến ra sao!
Tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác và biểu diễn trên các sân khấu, trên màn ảnh nhỏ là tình trạng phổ biến. Người chưa biết nhạc, chưa học nhạc bao giờ cũng “sáng tác”. Họ chỉ cần âm ư một số câu nhạc rồi nhờ nhạc sĩ hòa âm phối khí hoặc một nhạc công nào đó ghi thành nốt hộ, rồi họ tự đặt lời kiểu gì cũng được. Có ngày họ “sáng tác” từ một đến ba bài. Các nhạc sĩ sẵn sàng phối khí, các “ca sĩ” sẵn sàng hát miễn họ nhận được nhiều tiền. Và cứ thế đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”. Rồi một số các “nhà báo” viết bài lăng-xê (lancer: quảng cáo), vài ba lần sẽ trở thành “hot” (giật gân: hot music), rồi các nhà quảng cáo sẽ nhảy vô “tài trợ” để đưa lên các đài làm chương trình biểu diễn để quảng cáo cho một món hàng nào đó của họ. Hiện nay, hầu hết các chương trình nhạc trẻ phát trên các đài là theo kiểu, theo dạng như vậy.
Ở đây, chúng ta có thể sẽ nhận ra một điều: chính những kẻ dấu mặt trong bóng tối đang điều khiển các chương trình “ca nhạc” kiểu này. Họ là những kẻ đang ở sâu trong vùng tranh chấp thị hiếu thẩm mỹ thấp kém nhất. Gần như họ đang thủ đắc kiểu làm ăn bất chính này.
Còn về phía các nghệ sĩ biểu diễn cũng gặp những thảm trạng không khác gì các nhạc sĩ sáng tác. Nếu những ca khúc cách mạng, ca khúc nghệ thuật theo phong cách thính phòng, chỉ có thể được hát trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, trong các cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng, trong các cuộc thi tiếng hát truyền hình…Còn ngoài ra là nhạc trẻ lan tràn khắp chốn, khắp nơi, thì các nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo chính quy tại các Nhạc Viện, Học Viện, chuyên hát những tác phẩm kinh điển qua các thời kỳ sáng tạo của nền âm nhạc Việt Nam thì cũng chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ, trong các dịp phục vụ các đoàn khách ngoại giao, trong các thính phòng của Nhạc Viện, của Nhà Hát Giao Hưởng, Nhà Hát Bông Sen…hoặc trong các chương trình giới thiệu tác phẩm mới do Hội Âm Nhạc và Nhà Hát Giao Hưởng phối hợp tổ chức mà thôi. Còn lại, tất cả các trung tâm ca nhạc từ Thành phố đến các quận, huyện đều là “nhạc trẻ”, “ca sĩ trẻ” với phần hát thì ít nghe được rõ lời, mà nếu có rõ thì cũng không biết tác giả muốn nói gì, chỉ thấy gào thét, hú hí, thỉnh thoảng lại gào lớn lên “vỗ tay đi các bạn ơi. Oh yea”, chỉ có minh họa múa là rơm rả nhất, loạn xạ nhất với đầy đủ thứ trang phục quái dị, bắt chước các kiểu áo quần của các ban nhạc trẻ nước ngoài một cách lộ liễu,
chẳng ra dơi, ra chuột gì cả. Vả lại múa minh họa cũng chẳng ăn nhập gì đến nội dung bài hát. Bởi vì, thật ra bài hát cũng chẳng có nội dung, hình thức gì cả, chỉ có một số giai điệu và lời ca. Giai điệu thì cóp nhặt đủ kiểu, lời ca thì quá ư tùy tiện, dễ dãi. Nghiêm túc mà nói thì trong số rất nhiều “ca khúc” ấy, cũng có một số thuộc tính của ca khúc, chứ chưa phải là ca khúc.
Cuối cùng là chuyện “hát nhép” đang bị công chúng phản đối dữ dội nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu, vẫn chưa sáng sủa.
- Thực trạng về lý luận phê bình âm nhạc
Thực trạng về lý luận phê bình âm nhạc thì “vừa thiếu lại vừa yếu”, vừa hụt hẫng đội ngũ kế cận. Chỉ trong những năm gần đây, bằng những nỗ lực rất lớn của Hội Đồng Lý Luận, Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật Trung Ương và Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật trong đó có âm nhạc. Nhiều nhà lý luận phê bình văn học cho rằng cần phải tiếp tục tìm kiếm những phương pháp sáng tác mới phù hợp hơn với tư tưởng nghệ thuật của chúng ta hiện nay. Nếu không có phương pháp sáng tác sẽ không có phong cách sáng tác. Phải phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài để có những nhà lý luận phê bình thật sự có tài năng. Bởi vì lý luận phê bình là ý thức, là định hướng thẩm mỹ, là hướng dẫn công luận, là động lực của sáng tạo. Tuy nhiên cho đến nay, về mặt lý luận, tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng ít ra cũng đã có tư tưởng sáng tạo nghệ thuật trong mỗi một cá thể sáng tạo. Nhưng về mặt phê bình thì còn ít và yếu, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, các cây viết thường là những người không chuyên, chưa có, hoặc ít có bề dày về lý luận, về học thuật cho nên chưa có cơ sở lý luận vững chắc trong phê bình, mà chỉ phê bình bằng cảm tính-chủ quan, nên khen, chê có lúc hơi cường điệu và “lạm phát” nhiều ngôn ngữ quá ư là đời thường. Chẳng hạn như: “Đây là một bài hát rất dễ thương được mang tên…được sáng tác từ một trái tim rất dễ thương và được trình bày qua giọng hát cũng rất dễ thương của ca sĩ…Đây là một giọng hát “hot” (giật gân) nhất trên thị trường băng đĩa nhạc hiện nay”.
Trước thực trạng này, trong Chương Trình Hành Động thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học-nghệ thuật trong thời kỳ mới (số 45 CtrHĐ/TU, ngày 23 tháng 12 năm 2008) của Thành Uỷ đã nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động lý luận phê bình văn học-nghệ thuật, góp phần định hướng, điều chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật Thành phố.
Xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng làm công tác lý luận phê bình văn học-nghệ thuật. Củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lý luận phê bình của các hội văn học-nghệ thuật” (1).
- Về thực trạng giáo dục, đào tạo âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh
Đang có những xu hướng muốn đổi mới trong cách dạy, cách học. Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh đã có một số cuộc hội thảo về đào tạo cần gắn với thực tiễn ngoài xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề dạy âm nhạc từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và cả nước cần phải nghiêm túc xem xét lại. Như chúng ta đã biết, nghệ thuật âm nhạc là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, nó có khả năng đi thẳng vào bất cứ ngỏ ngách nào của tâm hồn con người, không cần thông qua bất cứ một thứ ngôn ngữ phiên dịch nào.
Nếu như mỹ học Mác-Lênin luôn coi nghệ thuật là hình thức giáo dục thẩm mỹ hiệu quả nhất, thì âm nhạc là một nghệ thuật làm phong phú trí tưởng tượng và tâm hồn con người, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức. Các nhà triết học cổ đại Trung Hoa như Khổng Tử, Tuân Tử…đều đánh giá rất cao vai trò của âm nhạc trong một chỉnh thể của quốc gia, xã hội. Khổng Tử cho rằng: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”.
Thế nhưng việc dạy âm nhạc tại các trường từ mẫu giáo đến trung học đều quá sơ sài nếu không nói là không được quan tâm đúng mức. Có những nơi, những trường ở vùng sâu vùng xa gần như bỏ trống môn âm nhạc vì không có thầy dạy. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức học đường, trong sáng tác và biểu diễn nhạc “rẻ tiền” vì tất cả họ chưa ai biết cái đẹp trong âm nhạc là gì, các nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ giao hưởng có hình dáng ra sao. Tất cả chỉ biết có cây đàn Organ loại rẻ tiền.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Đảng bộ Thành phố đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo: “tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng trong hưởng thụ văn học-nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, văn nghệ lành mạnh, tiến bộ”. Và “hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham
gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá văn nghệ truyền thống dân tộc”.
Đây là tín hiệu rất đáng được trân trọng phát đi từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Thành phố. Tuy nhiên các nội dung chỉ đạo này cần sớm được thể chế hoá và phải biến thành “Chương trình hành động” của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố thì những ý kiến chỉ đạo của Thành Uỷ mới trở thành hiện thực.
II. Một số giải pháp qua các kiến nghị
Chúng tôi xin có một số kiến nghị sau đây đối với:
- Các trường chuyên nghiệp
Đảng và Nhà Nước ta luôn khẳng định đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển Giáo dục và đào tạo phải theo hướng đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, phải theo nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, tại các trường chuyên nghiệp cần cải tiến, đổi mới, bổ sung giáo trình và đổi mới cách dạy và học cho phù hợp hơn nữa theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước và trong xu thế hội nhập quốc tế. Cần gửi giảng viên, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài. Khắc phục sự thiếu hụt giảng viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao. Cần khắc phục các phương tiện dạy và học đã quá lạc hậu, nghèo nàn. Cần quan tâm đến đội ngũ lý luận, phê bình đang rất hụt hẫng về đội ngũ kế cận…như Nghị Quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị đã đề cập.
- Các hội chuyên ngành
Trong Văn Kiện Đại Hội X của Đảng có nêu rõ: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức của các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương”.
Có rất nhiều nội dung hoạt động của Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, nhưng có hai nội dung quan trọng hàng đầu chúng ta cần đặc biệt quan tâm.
Một là, cần đổi mới, bổ sung quan niệm về “mở trại sáng tác”. Lâu nay chúng ta cứ theo thói quen cũ, hễ nói đến mở trại là nghĩ ngay đến trại sáng tác, không ai nghĩ đến “trại lý luận, phê bình”. Ngay từ bây giờ các hội chuyên ngành âm nhạc cần có ngay kế hoạch mở trại lý luận, phê bình âm nhạc “song song với việc mở “trại sáng tác” hằng năm.
Hai là, Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh cần có kế hoạch bổ sung về khâu đào tạo là bên cạnh các khoá “sáng tác nâng cao”, cần có ngay các khoá đào tạo về “lý luận, phê bình âm nhạc nâng cao”. Đây là một nhu cầu phát triển có thật trong tình hình ca nhạc hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và trong cả nước như trong Chương Trình Hành Động của Thành uỷ số 45-CtrHĐ/TU, ngày 23/12/2008 đã chỉ rõ “Thường xuyên thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng và thẩm mỹ cho văn nghệ sĩ”.
- Các cơ quan quản lý nhà nước
Trước tình hình văn học, nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều thuận lợi, đã đạt được những thành tựu to lớn, “góp phần giữ vững định hướng chính trị” rất đáng được ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: “sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với văn học-nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, bất cập, có nơi có lúc còn buông lỏng; hoạt động văn học-nghệ thuật diễn ra sôi động nhưng còn ít tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao” (Chương Trình Hành Động của Thành uỷ số 45-CtrHĐ/TU). Giới hoạt động âm nhạc Thành phố đề nghị Ban Tuyên giáo Thành uỷ nên quan tâm chỉ đạo, điều phối các hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng trên địa bàn Thành phố. Cần có sự phối hợp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao giữa Liên Hiệp Các Hội Văn Học, Nghệ Thuật, Sở Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch, Sở Thông Tin Truyền Thông, Đài Truyền Hình Thành phố , Hội Nhà Báo Thành phố , Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi Trẻ, Nhà Xuất Bản Trẻ, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Tổng Công Ty Văn Hoá Sài Gòn…dưới sự lãnh đạo trực tiếp của “tư lệnh” là Ban Tuyên giáo Thành uỷ thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp trong việc “chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, nhất là xu hướng thương mại hoá trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn học-nghệ thuật…; môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hoá” (Dự thảo Báo Cáo Chính Trị Đại Hội Đại Biểu Đảng Bộ TP. Hồ Chí Minh Lần Thứ IX (Nhiệm kỳ 2010 – 2015).
Đối với Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, chúng tôi xin đề nghị cần phải đổi mới, mở rộng, nâng cấp chương trình giáo dục âm nhạc trong các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông ngang tầm với việc giảng dạy bộ môn văn học trong nước và nước ngoài, cùng với việc phổ cập ngoại ngữ và tin học đối với học sinh phổ thông. Các giáo trình giảng dạy âm nhạc này cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia âm nhạc tại các Học Viện, Nhạc Viện, các Viện nghiên cứu âm nhạc, Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh và các Hội chuyên ngành khác…Theo Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đào Trọng Minh: “Hiện nay trên mặt bằng các hoạt động văn hoá xã hội thì âm nhạc là loại hình sôi động nhất có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thành phần và mọi lứa tuổi. Những biểu hiện vọng ngoại, lai căng, mất gốc, xa rời bản sắc dân tộc trong văn hoá nghệ thuật nói chung thì biểu hiện nóng nhất và nhạy cảm nhất cũng là âm nhạc và những hoạt động liên quan đến âm nhạc như: nhà hàng, vũ trường, tụ điểm Karaoke hoặc những biến tướng của một số lễ hội ở địa phương…Không lẽ gì khi mà những ảnh hưởng, những tác động to lớn như thế của âm nhạc đối với đời sống xã hội lại chỉ được giảng dạy một cách sơ lược và miễn cưỡng như hiện nay ở các trường phổ thông”.
- Các phương tiện truyền thông đại chúng
Chúng ta cần xác định rõ ràng rằng các cơ quan xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ tuyên truyền, là cơ quan văn hoá của Đảng và Nhà nước chứ không phải của riêng của một cá nhân hay tập thể nào sử dụng nó vào mục đích kinh doanh, vị lợi. Công tác xét duyệt, thẩm định tác phẩm hiện nay gần như thả nổi, khoán trắng cho các báo, đài, nhà xuất bản tự do xét duyệt và phổ biến. Trong khi trình độ chuyên môn âm nhạc của một số cơ quan phát thanh, truyền hình còn rất hạn chế, nếu không nói là quá yếu kém. Vai trò định hướng cho sáng tác, biểu diễn và cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, có nơi
thì quá ít, có nơi thì gần như không có gì.
Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị đối với Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch và Bộ Thông Tin Truyền Thông.
– Cần tập trung công tác xét duyệt tác phẩm âm nhạc về một cơ quan duy nhất, đó là Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch. Những tác phẩm nào được Bộ duyệt rồi thì được phép lưu hành trong cả nước dưới mọi hình thức. Còn những tác phẩm nào chưa xét duyệt thì không được phép phổ biến.
– Cần xem xét, điều chỉnh lại vấn đề nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại. Có hai khía cạnh cần chấn chỉnh:
Một là, chỉ cho sử dụng những tác phẩm kinh điển của thế giới và những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo nhân dân yêu thích và phải được Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch cho phép. Nếu không những sản phẩm kém chất lượng hoặc “những phế phẩm của nghệ thuật” cũng đem ra sử dụng để làm nhạc chuông, nhạc chờ là hoàn toàn không thể chấp nhận được, là vi phạm quyền tự do của con người trong cảm thụ cái đẹp trong âm nhạc.
Hai là, sẽ là vi phạm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp văn hoá giữa con người với con người, đặc biệt là ứng xử một cách có văn hoá trên điện thoại (“Culture on the phone”). Chúng ta không thể và không nỡ lòng nào để mời một số vị khách đáng kính của chúng ta về tuổi tác cũng như về tước vị (“in age or in position”) đi nghe một chương trình ca nhạc gồm toàn những sản phẩm độc hại, kém chất lượng nằm trong “khu vực thị hiếu thẩm mỹ thấp kém” được, thì tại sao trên điện thoại mình lại buộc người ta phải “chịu đựng” với những loại nhạc phế phẩm này? Đề nghị các công ty dịch vụ, các hãng kinh doanh thuê bao cước phí điện thoại, Bộ Thông Tin Truyền Thông nên nghiêm túc xem xét lại các vấn đề vừa nêu. Nếu không môi trường âm nhạc của chúng ta ngày một ô nhiễm thêm trầm trọng. Và những ai trực tiếp gây nên thảm trạng này thì chúng ta đã rõ.
Chúng ta cần có biện pháp hữu hiệu và nhanh chóng khắc phục tình trạng lệch lạc này để cho việc giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến được với đông đảo công chúng như tinh thần Nghị Quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính Trị Khoá X: “Các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh truyền hình phối hợp chặt chẽ với các hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng”. Bên cạnh đó, Nghị Quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng chỉ rõ các biện pháp xử lý trong việc thẩm định, công bố, quảng bá tác phẩm như “có những chế tài nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, trình diễn, truyền bá tác phẩm, đặc biệt trên hệ thống thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật”.
- Việc giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho các tầng lớp công chúng
Đặt vấn đề giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ, nhất là thẩm mỹ âm nhạc cho các tầng lớp công chúng nghệ thuật là một việc làm kịp thời và cấp bách trước các diễn biến phức tạp trong các hoạt động âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Đề nghị trong hệ thống các trường học, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, văn nghệ nên quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật âm nhạc.
Nếu như giáo dục chính trị, tư tưởng thiên về lĩnh vực triết học, về lý trí, trang bị cho con người có được một thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, đúng đắn để nhận thức đúng thế giới khách quan và nhận thức đúng ngay cả bản thân mình, thì giáo dục thẩm mỹ làm cho giáo dục chính trị, tư tưởng thấm sâu hơn, làm cho tư cách, đạo đức của một con người trở nên tốt hơn các hoạt động “cảm xúc tinh thần” trở nên tinh tế, sinh động, thế giới tinh thần trở nên ổn định, cân bằng và toàn diện hơn.
Các nhà triết học và mỹ học kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đều cho rằng lao động là nguồn gốc của mọi giá trị. Cho nên hình thức giáo dục thẩm mỹ đầu tiên là giáo dục bằng lao động và trong lao động. Hình thức thứ hai là giáo dục bằng gương người tốt, việc tốt. Phương thức giáo dục này chính là hình thức giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức là giáo dục bằng mô hình tốt, việc tốt. Lấy những cá nhân gương mẫu, tiên tiến, điển hình để người khác noi theo, làm theo. Trong trường hợp này, khái niệm “tốt” và “đẹp” là đồng nhất với nhau.
Tuy nhiên, các nhà mỹ học kinh điển Mác-Lênin cũng cho rằng giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật âm nhạc là có hiệu quả lớn nhất.
Giáo dục thẩm mỹ, về thực chất là đào tạo năng lực thẩm mỹ cho sáng tác, biểu diễn và cho công chúng cảm thụ thẩm mỹ. Trong giáo dục thẩm mỹ cần tập trung giáo dục về: tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ.
Đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975, là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của các thế lực xâm lược về nhiều mặt, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực tư tưởng, tinh thần. Cho nên, cho đến nay các tàn dư của tư tưởng phi nhân, lạc hậu, các tàn dư phi văn hoá, nhất là các kiểu thị hiếu thấp kém, hình thành từ trong lòng chế độ cũ vẫn còn đang tồn tại và đang có chiều hướng phát triển. Nếu chúng ta không có những biện pháp kiên quyết và hữu hiệu để ngăn chặn, triệt tiêu thì nguy cơ lây lan để trở thành đại dịch là điều khó tránh khỏi.
Do vậy, sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục thẩm mỹ nói riêng phải được coi là quốc sách hàng đầu. Coi “Đầu tư cho văn học, nghệ thuật là đầu tư cho phát triển” là một quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà Nước ta. Bởi vì, văn học, nghệ thuật là một bộ phận cấu thành nền văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội ngoài các chức năng nhận thức, giải trí…thì chức năng giáo dục thẩm mỹ luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trong sự nghiệp “trồng người” của chúng ta hiện nay thì văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật âm nhạc đã góp phần xứng đáng, có hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức và nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam thêm cao thượng hơn, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, dân chủ của dân tộc, góp phần xoá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nuôi dưỡng cái mới, cái tiên tiến trong lối sống và lẽ sống, trong cảm xúc và tình cảm trong thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ. Đó là những cái đẹp của mỗi một con người trong cuộc sống và ngay cả trong tâm linh. Đó là quá trình và cũng là mục đích của sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho các chủ thể thẩm mỹ trong một con người và trong một xã hội văn minh, hiện đại.
(Nguồn: https://hoiamnhactphcm.vn/)