Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủLý LuậnBàn về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc

Bàn về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc

11

Như vậy, giữa nhạc sĩ và công chúng phải có một mối quan hệ khăng khít, theo cách gọi của các nhà chuyên môn là sự “Giao cảm nghệ thụật”. Thật vậy, nếu người nghe không nắm bắt được tư tưởng nghệ thụât của tác giả, tác phẩm thì khó lòng cảm thụ được giá trị chân chính trong tác phẩm âm nhạc đó.

Sự cảm nhận giá trị nội dung và nghệ thụât của một tác phẩm âm nhạc, trước hết phải thông qua hình tượng nghệ thụật. Nếu ở văn học, hình tượng nghệ thuật được xây dựng bởi trực quan sinh động và điển hình thì trong âm nhạc, hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng cảm quan sinh động và trừu tượng.

Với đặc điểm đó, người nhạc sĩ phải nắm bắt được đặc trưng biểu hiện của âm nhạc. Trong đó, khả năng tưởng tượng của nhạc sĩ phải thật sự phong phú, cùng với sự so sánh tương đối giữa hiện thực khách quan với hình tượng mà nhạc sĩ muốn tạo dựng trong tác phẩm âm nhạc của mình .

Nhạc sĩ Beethoven đã dùng hiệu kèn đồng hùng tráng trên nền tiết tấu hành binh để xây dựng hình tượng người anh hùng, cùng với việc xây dựng chủ đề Promete để người nghe cảm nhận được tư tưởng của người anh hùng là đấu tranh cho công lý và bình đẳng bác ái (Giao hưởng số 3 Anh hùng)… Còn nhạc sĩ Văn Dung diễn đạt tình cảm của nhân dân với lãnh tụ đã thông qua việc tả cái sắc, cái hương, cái dịu dàng mát rượi của những bông hoa trong vườn Bác (Ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác). Như vậy, cùng với cảm quan sinh động và tư duy trừu tượng, hình tượng âm nhạc còn được xây dựng bằng tính tượng trưng không hoàn nhất (tương đối, ước lệ).

Sử dụng đặt thù giai điệu cũng là một cơ sở đảm bảo để nhạc sĩ xây dựng thành công hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc của mình. Nhac sĩ Rímskicorxacop dùng giai điệu dân gian của Ả Rập, Ấn Độ để vẽ nên bức tranh sinh động về những miền đất phương Đông xa lạ và huyền bí (Tổ khúc Giao hưởng Xêhêradát). Bằng việc khai thác chất liệu bài Lý con Sáo – dân ca Nam Bộ, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nêu bật được tình cảm sắt son, chung thủy của nhân dân hai bờ giới tuyến Bắc Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương)….

Có thể nói rằng, đặc thù giai điệu (nói rộng ra là tính dân gian và dân tộc của giai điệu) là điều kiện tiên quyết thuận lợi cho việc xây dựng hình tượng nghệ thụât của tác phẩm âm nhạc. Lịch sử âm nhạc thế giới đã từng ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của các nhạc sĩ tiền bối mà con đường sáng tác của họ luôn luôn gắn liền với dân ca, dân vũ và nền nghệ thuật âm nhạc dân gian.

Để hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc được nổi bật, có sức truyền cảm và thuyết phục mạnh mẽ, thì nghệ thuật phối khí cũng đóng một vai trò đáng kể. Chúng ta từng biết, khối âm thanh khổng lồ và âm sắc của các lọai nhạc cụ trong dàn nhạc, có khả năng tạo được những hiệu quả đa dạng, phong phú, ví như: một cuộc chiến dữ dội, một khung cảnh thiên nhiên sinh động, hoặc một nội tâm day dứt, một niềm vui sướng hân hoan… Và điều lớn lao hơn cả của nghệ thuật phối khí đối với việc xây dựng hình tương nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc, là cùng lúc nói lên được những nội dung mang tính tổng hợp, tính quân chúng sâu sắc, vĩ đại.

Nếu đặc thù giai điệu vẽ nên một hình tượng nghệ thuật nhất định, thì khối âm thanh khổng lồ của dàn nhạc thông qua nghệ thuật phối khí sẽ diễn đạt được một nhóm hình tượng nghệ thuật hoặc nhiều hình tượng nghệ thuật khác nhau. Bởi vậy, tác phẩm âm nhạc phối cho dàn nhạc có khả năng tạo nên một bức tranh toàn cảnh của hiện thực sinh động, đồng thời, nêu bật được những nội dung tư tưởng mang ý nghĩa thời đại.

Để hiểu được hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc, trước hết cần phải nhận thức rằng, bản thân nghệ thuật âm nhạc với tính trừu tượng và tính khái quát của nó không phải bao giờ cũng có thể xây dựng được một chân dung mang tính cụ thể, sống động. Đặc trưng cơ bản của nghệ thụât âm nhạc là đưa đến cho người nghe một cảm xúc chung nhất về không khí và bối cảnh của hiện thực .

Tuy nhiên, không phải vì thế mà nghệ thuật âm nhạc xa rời chức năng phản ánh hiện thực. Ngay cả nhạc không lời, người nghe cũng có thể cảm thụ được nội dung của tác phẩm. Lê Nin khi nghe bản Sô nát số 23 – Apasionata của nhạc sĩ Beethoven đã phải thốt lên rằng: “ …Tôi luôn luôn tự hào có thể là ngây thơ mà nghĩ rằng, con người có thể làm được những điều kỳ diệu…”. Bởi trong tác phẩm này, Beethoven đã phản ánh được chân dung người anh hùng thời đại và không khí cuộc đấu tranh sục sôi của quần chúng nhân dân Châu Âu cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.

Ngoài sự cảm thụ khái quát, người nghe còn có thể cảm nhận được các hình tượng nghệ thuật đặc tả, thông qua các thủ pháp khắc họa chân dung bằng âm nhạc của Nhạc sĩ. Nghe tiểu phẩm “Ngày Hội hóa trang” của nhạc sĩ R.Schumann, ta như nhìn thấy không khí tưng bừng ngày hội của các hội viên Đavítbun chống lại bọn bảo thủ nghệ thụât. Hoặc khi nghe tiểu phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” của nhạc sĩ Muxorxky, ta như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của nghệ thuật hội họa ấn tượng Pháp .

Lọai âm nhạc có lời (thanh nhạc) lại có điều kiện thuận lợi hơn để người nghe cảm nhận được nội dung mà nhạc sĩ muốn phản ánh. Ở đây có sự kết hợp tinh tế giữa nhạc và lời, nhạc chắp cánh cho lời bay cao và lời thuyết minh cho ý nhạc thêm sáng tỏ. Có thể nói, trong tất cả thể loại âm nhạc, ca khúc tỏ ra có một lợi thế mà nhạc sĩ dùng để phản ánh trực tiếp và nhanh nhạy hiện thực sinh động của cuộc sống.

Nghệ thụât âm nhạc ngày một phát triển và sẽ tiến tới những đỉnh cao chói lọi. trong tác phẩm âm nhạc của mình, ngày nay các nhạc sĩ đã sáng tạo thêm nhiều phương pháp biểu biện mới mẻ. Việc xây dựng hình tượng nghệ thuật không chỉ dừng lại ở những cách thức vừa nêu, nó thật phức tạp và đa dạng. Tuy nhiên, dù âm nhạc phát triển đến mức độ nào đi nữa thì cái cốt lõi nhất của sự biểu hiện tác phẩm vẫn là hình tượng nghệ thuật. Không xây dựng được hình tượng nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc rơi vào tính giải trí đơn thuần, nhiều khi không mang lại chức năng giáo dục tình cảm và thẩm mỹ.

Cuối cùng, để đạt được thành công trong một tác phẩm âm nhạc, người nghệ sĩ (sáng tác và biểu diễn) cần có một thực tế phong phú, sinh động, một tâm hồn lành mạnh và cảm xúc dồi dào, một khả năng lao động nghệ thuật không mệt mỏi và có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình để phục vụ đông đảo công chúng.

(Nguồn: https://redsvn.net/)

Trao đổi thêm về đề tài này và để đưa ra dẫn chứng cụ thể hơn, xin giới thiệu bài viết của Nhạc sĩ Dương Viết Chiến với tựa đề “Hình tượng người chiến sĩ trong ca khúc “Người chiến sĩ ấy” của Hoàng Vân”, như sau:

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại rất nhiều ca khúc nổi tiếng cho công chúng trên các lĩnh vực, ngành nghề, các mặt trận và các địa phương. Có thể kể ra một số ca khúc tiêu biểu: Quảng Bình quê ta ơi!, Hát về cây lúa hôm nay và bài Tình yêu đất và nước, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Hai chị em và Chào anh Giải phóng quân – Chào mùa xuân đại thắng… Đặc biệt bài Người chiến sĩ ấy, có thể nói là một tác phẩm âm nhạc dạng chính ca đầy đặn, trọn vẹn viết về người chiến sĩ.

Vào đầu bài hát, hình tượng người chiến sĩ đã được nhạc sĩ khẳng định với mọi người rằng: “Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh, không thể nào quên! Không thể nào quên!”. Hình tượng người chiến sĩ nổi bật, lớn lao, cao thượng, nhưng lại rất giản dị, gần gũi, mà ai trong chúng ta như cũng đã gặp trên con đường đấu tranh cách mạng: “Bao nhiêu năm trường trên đường Cách mạng anh vẫn đi đi mãi không ngừng”…

Theo dòng lịch sử, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, người chiến sĩ là nhân vật trung tâm của cuộc chiến. Trên khắp mọi miền đất nước, ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người con tạm biệt người thân, tạm biệt quê hương để lên đường cầm súng đánh giặc. Họ đã chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh để chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thực hiện lý tưởng cao quý của Đảng, Bác Hồ và nhân dân.

Hình tượng người chiến sĩ được nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng trong ca khúc Người chiến sĩ ấy-sáng tác năm 1969, khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dụng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nà Ngần, Phay Khắt đến Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là những người con của nhân dân, mang dòng máu yêu nước và khí phách hào hùng bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau cầm súng chiến đấu với quân thù xâm lược, giành lại Tổ quốc giang sơn.

Người lính trên thao trường.                      Ảnh: T.H
Người lính trên thao trường. Ảnh: T.H

 

Trong những năm mặc áo lính, người chiến sĩ Quân đội nhân dân đã xuất hiện thần kỳ trên những con đường cách mạng. Các anh đã cầm súng chiến đấu từ vùng núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn và trên cả hai miền đất nước khi Tổ quốc còn bị chia cắt: “Bao nhiêu năm trường lên rừng xuống biển, trên núi cao hay dưới đồng bằng, không có nơi nào anh vắng mặt”… “Rừng cây nào trên chiến trường anh nghỉ? Thành phố nào ánh sáng điện thức trắng đêm? Dâng cả cuộc đời anh cho hai miền đất nước”…

Người chiến sĩ luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, làm tốt công tác dân vận, tình cảm quân dân – tình cảm cá nước: “Anh ở bà con thương, anh đi bà con nhớ”. Anh đã dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nhân dân thương nhớ và biết ơn các anh ví như “Rừng bao nhiêu lá thương anh biết mấy! và “Đồng bao nhiêu nước thương anh biết mấy! Lớp lớp đời sau nguyện nhớ suốt đời!”…

Trong suốt những năm cầm súng đánh giặc, người chiến sĩ cũng đã từng bị “Đạn quân thù đã mấy lần rách áo anh”, hoặc có khi bị địch bắt, tra tấn, tù đày: “Vào ra tù đã mấy lần anh nhỉ?”… Nhưng tất cả những khó khăn, gian khổ ấy không thể nào làm lung lạc ý chí kiên cường và bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, mà càng làm cho nghị lực người chiến sĩ cách mạng cao cả, phi thường và càng thêm vĩ đại.

“Người chiến sĩ ấy”, nhạc sĩ Hoàng Vân không viết về một người chiến sĩ cụ thể nào, nhưng chúng ta cảm thấy như đã gặp gỡ, gần gủi, thân thuộc với anh trên khắp các chiến trường và trong suôt cả quá trình đấu tranh cách mạng, kể từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam  22-12-1944.

Hình tượng người chiến sĩ-hiện thân lý tưởng cách mạng tiến công của Đảng, Bác Hồ và của dân tộc. Người chiến sĩ ấy là một ca khúc về truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân. Bài hát viết ở cung mi trưởng, trên hoá biểu có 3 dấu giáng là si giáng (sib), mi giáng (mib) và la giáng (lab). Câu vào đầu, tác giả sử dụng nhịp 3/4 tốc độ chậm vừa, sau đó vào nhịp 2/4 hùng tráng, tự hào cho toàn bài. Với 2 lời ca, bài hát đã xây dựng khá hoàn chỉnh hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân gần gũi, mộc mạc mà cao quý và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Qua bài hát, chúng ta thấy được niềm lạc quan cách mạng, lòng kiêu hãnh biết bao khi được làm người chiến sĩ Quân đội nhân dân cầm súng đánh giặc, giữ nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự thương yêu đùm bọc của nhân dân.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, còn có bút danh là Y- na, sinh ngày 24-7-1930 tại Hà Nội. Từ năm 1946 ông đã từng tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên Tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, tham gia tuyên truyền, làm báo và công tác địch vận trung đoàn, sư đoàn, sau đó phụ trách nghệ thuật văn công Sư đoàn 312. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học ở tại Nhạc viện Bắc Kinh – Trung Quốc. Tốt nghiệp ông được cử về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (cho đến năm 1989). Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại hội cho đến năm 1996. Hiện ông đã được nghỉ hưu tại quận Hoàn Kiếm Hà Nội.

Bài hát Người chiến sĩ ấy cùng với các bài Quảng Bình quê ta ơi!, Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân,… đã xứng đáng để nhạc sĩ Hoàng Vân nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật do Nhà nước phong tặng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác ca khúc Người chiến sĩ ấy, khi ông 39 tuổi. Đã 45 năm ra đời, bài hát vẫn luôn vang mãi trên các sân khấu chuyên nghiệp cũng như nghệ thuật quần chúng khắp cả nước. Hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ còn sống mãi, trẻ mãi cùng với tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân và ca khúc Người chiến sĩ ấy.

Tác giả: Thân Văn
BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN