Thứ Sáu, Tháng Mười Một 8, 2024
Trang chủKhí nhạcKhuynh hướng sử dụng hình thức hỗn hợp trong một số tác...

Khuynh hướng sử dụng hình thức hỗn hợp trong một số tác phẩm khí nhạc Việt Nam

10

Sự hình thành của nền âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam được khẳng định vào những năm 60 TK XX dần phát triển và có những thành tựu đáng kể. Trải dài qua các thời kỳ, đến những năm 20 TK XXI, sự phong phú về ứng dụng hình thức, kết hợp giữa hình thức và thể loại âm nhạc đã khiến cho các tác phẩm khí nhạc Việt Nam trở nên đa dạng. Khuynh hướng sử dụng hình thức hỗn hợp – là sự kết hợp giữa các hình thức âm nhạc khác nhau trong cùng một tác phẩm, đã được các nhạc sĩ Việt Nam khai thác và ứng dụng trong các chương nhạc của tác phẩm lớn, cũng như trong các tác phẩm độc lập. Khuynh hướng này được vận dụng theo nhiều cách thức.

  

1. Kết hợp nhiều hơn hai hình thức âm nhạc trong tác phẩm

Hình thức hỗn hợp là sự kết hợp “những dấu hiệu của hay nhiều hơn các dạng hình thức cơ bản” và “được biểu hiện trong sự tổng hợp điển hình, độc đáo các đường nét của một vài dạng hình thức, không xuất hiện cấu trúc chắc chắn, ổn định và dấu hiệu riêng biệt” (1). Trong quá trình tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc phương Tây, các nhạc sĩ Việt Nam đã vận dụng rất phong phú và đa dạng sự kết hợp của hai hay nhiều hơn các hình thức âm nhạc vào tác phẩm khí nhạc.

Trước hết, việc vận dụng nhiều hơn hai hình thức âm nhạc cơ bản có thể thấy trong Chương III Những ngôi sao đêm, bản giao hưởng số 6 Hòn ngọc Viễn Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, chương nhạc được viết ở hình thức ba đoạn phức kết hợp với biến tấu và rondo. Chương III mang đặc trưng của thể loại Scherzo với tính chất vui đùa, dí dỏm. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã dụng công trong các thủ pháp phối khí, trong âm sắc và trong các kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ.

Chương nhạc vẫn giữ nguyên bộ khung của hình thức ba đoạn phức với ba phần chính: Trình bày – Giữa – Tái hiện, nhưng trong phần giữa lại bao gồm đoạn chen B, phần phát triển A1, đoạn chen C và phần phát triển A2 tạo thành cơ sở để hình thành nên hình thức rondo. Bên cạnh đó, mỗi lần chủ đề A được nhắc lại đều sử dụng thủ pháp biến tấu tạo nên các biến khúc A1 và A2.

Trong chương nhạc này, đoạn chen C – trung tâm của hình thức tạo ấn tượng bởi phần diễn tấu của bộ gõ trên nền hòa âm chồng quãng 4 và quãng 5 của bộ dây và bộ gỗ, sự khởi xướng đầy kịch tính của các nhạc cụ gõ kết hợp với một loạt các nhạc cụ dân tộc: chuông chùa, mõ, trống tiểu. Các âm sắc của nhạc cụ gõ đã góp vai trò đáng kể để làm nên màu sắc dân tộc cho chương nhạc.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn Nam – Chương III Những ngôi sao đêm bản giao hưởng số 6 Hòn ngọc Viễn Đông – Đoạn chen C

   

Có thể thấy, trong Chương III Những ngôi sao đêm bản giao hưởng số 6 Hòn ngọc Viễn Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam có bộ khung của hình thức ba đoạn phức, bên cạnh đó, vai trò của các đoạn chen với tính chất âm nhạc tương phản với chủ đề A vẫn được chú trọng làm nổi bật những đặc điểm của hình thức Rondo. Ngoài ra, thủ pháp biến tấu được ứng dụng gần như trong mọi cơ cấu của hình thức tạo nên hình thức hỗn hợp rất thú vị.

Cũng khai thác hình thức hỗn hợp nhưng ở một khía cạnh khác, trong Chương III Hoa bản Giao hưởng tháng mười hai được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác vào năm 2014 lại viết ở hình thức hỗn hợp giữa ba phần không tái hiện, biến tấu và đặc điểm của hình thức Sonate. Mỗi phần thể hiện một cá tính âm nhạc tương phản nhau.

Ở chương nhạc này, tác giả đã sử dụng hình thức ba phần không tái hiện, trong đó, phần trung tâm của hình thức được viết ở hình thức biến tấu. Cũng có thể lý giải các phần trong Chương III Hoa của Bản giao hưởng tháng 12 theo diễn giải của hình thức Sonate không có phần tái hiện với: Phần A – chủ đề 1; Phần B – chủ đề 2; Phần C – phần phát triển dạng đoạn chen. Coda tổng hợp lại các chất liệu của các phần, tương đương phần tái hiện.

Ví dụ 2: Trần Mạnh Hùng – Chương III Hoa trong Bản giao hưởng tháng 12 – Phần Trình bày

2. Những tác phẩm khí nhạc Việt Nam kết hợp giữa hình thức hỗn hợp với thể loại âm nhạc.

Sự kết hợp giữa hình thức hỗn hợp với thể loại âm nhạc mang lại một hiệu ứng đặc biệt cho các tác phẩm khí nhạc. Các nhạc sĩ Việt Nam đã tạo nên sự độc đáo và đa dạng, tạo nên không gian sáng tạo rộng lớn, cho phép người nhạc sĩ khám phá và kết hợp các yếu tố mới mà không tuân theo một khuôn mẫu định sẵn. Mỗi một thể loại âm nhạc thường mang theo một loạt cảm xúc và ý nghĩa riêng, khi kết hợp hình thức hỗn hợp với thể loại âm nhạc, tác phẩm sẽ tạo nên nhiều lớp cảm xúc và trải nghiệm đa chiều cho công chúng.

Một tác phẩm rất đặc sắc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được viết ở hình thức hỗn hợp giữa ba phần và biến tấu, đồng thời có sự kết hợp giữa thể loại Nocturne và thơ giao hưởng, mỗi phần đều có tiêu đề riêng, đó là bản Nocturne Tiếng vọng cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm mang âm hưởng trữ tình, lãng mạn, miêu tả vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và những cảm xúc của tác giả khi nhìn lại quá khứ chiến tranh.

Phần mở đầu – Largo với tiêu đề Cảnh đêm trăng mang đậm tính trữ tình, thuần khiết.

Ví dụ 3: Đỗ Hồng Quân – Nocturne Tiếng vọng cho dàn nhạc giao hưởng – Phần Trình bày A, đoạn chen

Phần A – Adagio Trăng tình yêu hình thức ba đoạn đơn phát triển, âm nhạc trở nên tươi sáng và rộn ràng hơn. Phần B – Allegretto Tiếng vọng chiến trường xưa thuộc dạng Episode – không hình thành hình thức, mang đậm tính kịch, tính không ổn định, thể hiện những tâm tư xáo trộn. Phần C – Andantino sostenuto với tiêu đề Khúc tưởng niệm được viết ở hình thức biến tấu hỗn hợp gồm 1 chủ đề và 7 biến khúc. Phần Tái hiện rút gọn quay trở lại âm hình mờ ảo bảng lảng của hình tượng “trăng”, giữ nguyên sơ đồ hình thức giống như phần Trình bày.

Coda với tiêu đề Mẹ Việt Nam – tượng đài thế kỷ nhắc lại nét nhạc của phần Mở đầu trên gam Toàn cung, tạo tính thống nhất cho toàn tác phẩm.

Ở tác phẩm này, sự kết hợp giữa các hình thức âm nhạc cơ bản rất phong phú, ngoài ra, còn có thể thấy sự kết hợp về thể loại giữa Nocturne – với đặc điểm ca xướng trữ tình thể hiện những ước mơ, sự yên tĩnh, những hình tượng về đêm kết hợp với thể loại thơ giao hưởng một chương.

Bản giao hưởng Khúc khải hoàn của nhạc sĩ Trọng Đài lại vận dụng sự kết hợp giữa hình thức ba đoạn phức, biến tấu và thể loại Fantaisie. Tác phẩm được sáng tác vào tháng 3-2019 và lần đầu được công diễn tại TP.HCM vào tháng 5-2019. Bản giao hưởng Khúc khải hoàn của nhạc sĩ Trọng Đài tôn vinh con người Việt Nam kiên cường qua những thăng trầm lịch sử vẫn luôn sáng niềm tin, vượt qua mọi thử thách.

Bản giao hưởng gồm nhiều phần, trong đó mỗi phần đều thể hiện một cá tính âm nhạc riêng, tương phản nhau. Phần A giữ vai trò trần thuật, giới thiệu chủ đề chính của toàn tác phẩm, các phần B, C, D thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau. Cuối cùng phần A’ và Coda giữ vai trò là phần Tái hiện động, tổng kết những hình tượng âm nhạc chính.

Phần Trình bày (A) trần thuật chất liệu chủ đề với âm hưởng hào hùng, rực rỡ bởi nét Fanfare ở bộ gỗ và bộ đồng thể hiện cá tính âm nhạc chung của toàn tác phẩm.

Ví dụ 4: Trọng Đài – Giao hưởng Khúc khải hoàn – Phần A

Phần B hoàn toàn tương phản với phần Trình bày, hình thức biến tấu. Âm hình tiết tấu có chu kỳ của bộ gõ như một lời dẫn truyện dẫn dắt người nghe khám phá nét giai điệu đậm tính trữ tình, tự sự của chủ đề do bassoon và violoncello song tấu.

Phần C mang hơi thở đương đại – là bức tranh sống động về cuộc sống, là truyện kể về niềm vui, niềm hạnh phúc của những người dân Việt Nam trên mảnh đất xinh đẹp hình chữ S. Trên nền đệm tiết tấu ngày càng dồn dập của bộ gõ, âm nhạc thể hiện khát khao hướng về tương lai.

Phần D – trung tâm của hình thức, quay trở lại với tính cân phương có quy luật. Phần D có khuôn khổ lớn nhất so với các phần trước đó và nhạc sĩ cũng sử dụng nhiều nhất các thủ pháp biến tấu, trang sức giai điệu, mô tiến, mô phỏng và canon.

Phần A’ và Coda giữ vai trò là phần Tái hiện có thay đổi sau khi đã trải qua các cá tính âm nhạc hoàn toàn tương phản nhau của các phần trước đó. Ở đây chúng ta sẽ không nhận thấy nét giai điệu của chủ đề chính mà chỉ còn chất liệu đã bị xé lẻ và làm mờ của âm điệu “khải hoàn” – chủ đề xuyên suốt trong toàn tác phẩm.

Bản giao hưởng Khúc khải hoàn của nhạc sĩ Trọng Đài là sự kết hợp giữa hình thức ba đoạn phức, biến tấu và thể loại Fantaisie bởi tính phóng khoáng của chủ đề, sự tự do trong cấu trúc.

3. Tổng luận

Nền khí nhạc Việt Nam bước đi những bước chập chững từ thập niên đầu TK XX nhưng trải qua mỗi thời kỳ, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn có ý thức tiếp thu, học hỏi tinh hoa của nhân loại. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng luôn tìm tòi, vận dụng những hình thức âm nhạc, kết hợp và sáng tạo các hình thức khác nhau tạo nên những hình thức hỗn hợp. Ngoài việc vận dụng hình thức hỗn hợp một cách phong phú, các nhạc sĩ Việt Nam còn có những biến đổi, ứng dụng các quy tắc của hình thức một cách linh hoạt và sáng tạo, kết hợp giữa hình thức và thể loại âm nhạc đã khiến cho các tác phẩm khí nhạc Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng.

Sự trao đổi các nguyên tắc và các quy luật giữa các hình thức âm nhạc là một quá trình toàn diện, đổi mới nội dung của cấu trúc, làm phong phú bằng các phương tiện mới và mở rộng hơn các hình tượng âm nhạc, từ đó mở ra viễn cảnh không giới hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu thể hiện trạng thái tình cảm đa dạng, những hiện tượng sinh động mới của cuộc sống đang diễn ra trong từng thời điểm lịch sử.

 Âm nhạc với khuynh hướng tổng hợp khả năng của nhiều hình thức âm nhạc, nhiều thể loại âm nhạc khác nhau dường như đã tiếp nhận sự phát triển và phổ cập rộng rãi hơn trong tương lai.

_______________________

1. Nguyễn Thị Nhung, Phân tích tác phẩm âm nhạc (quyển 2), Viện Âm nhạc – Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr.38-39.

Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả, Tổng tập Âm nhạc Việt Nam tác giả – tác phẩm, tập 1, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2010.

2. Nhiều tác giả, Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam, tập 1-7, Viện Âm nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, 2011.

3. Austin, William W, Music in the 20th century (Âm nhạc thế kỷ XX), Nxb W.W.Nor Norton & Company, New York, Hoa Kỳ, 1966.

4. Berry, Wallace, Form in music (Hình thức trong âm nhạc), Nxb Pearson, Hoa Kỳ, 1985.

5. Berry, Wallace, Structural Functions in music (Chức năng cấu trúc trong âm nhạc), Dover Publciation, Inc, New York, Hoa Kỳ, 1987.

6. Bennett, Roy, Form and design (Hình thức và thiết kế), Nxb Cambridge assignment in music, London, Anh, 2010.

 Tác giả: ĐỒNG LAN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN