Chủ Nhật, Tháng Mười 13, 2024
Trang chủLý LuậnLý luận phê bình âm nhạc - thực trạng và giải pháp

Lý luận phê bình âm nhạc – thực trạng và giải pháp

13
Trong hàng chục thập kỷ qua, để có được sự phát triển lớn và mạnh của nền âm nhạc Việt Nam là có phần đóng góp không nhỏ cả tâm lực, tài năng của nhiều thế hệ những người làm công tác âm nhạc, trong đó có các nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác đào tạo và những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc. Trong bốn nhà âm nhạc thì dường như người làm công tác nghiên cứu âm nhạc mà ta gọi là lý luận phê bình âm nhạc ít được biết đến, ít được quan tâm và hiểu một cách đúng nghĩa.

Với tư cách của một người được đào tạo và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận phê bình âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), đồng thời tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành báo chí. Từ hiểu biết của bản thân, tôi cũng mạo muội xin được chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh vấn đề về lý luận phê bình âm nhạc.

 1. Đôi điều mạn đàm về lý luận phê bình âm nhạc

Có hay không một nhà lý luận phê bình âm nhạc? Phải hiểu thế nào cho đúng về nhà lý luận âm nhạc?

Có người đã hiểu chưa thật đầy đủ về nghề lý luận phê bình âm nhạc. Và bản thân tôi nghĩ rằng không phải cứ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận là tự gắn mình với tên gọi “nhà lý luận phê bình âm nhạc”.

Đã là một nhà lý luận phê bình âm nhạc, ngoài bằng cấp, còn cần phải có một quá trình nghiên cứu, sưu tầm và tham gia viết dưới nhiều hình thức khác nhau. Và tuy nhiên để làm được điều đó cần phải có thời gian, sự tâm huyết và rất nhiều yếu tố khác nữa. Thực tế trong nhiều năm qua, tại các cuộc tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, nhiều người nhận định rằng: “Công tác nghiên cứu lý luận phê bình chưa có tiếng nói, thiếu vắng những cây phê bình sắc bén” và có cả những nhận xét: “Công tác lý luận phê bình yếu kém”. Riêng cá nhân tôi cho rằng việc đánh giá này chưa đầy đủ và chưa rõ ràng, bởi đã là công trình nghiên cứu thì không thể đặt bút là viết, mà cần phải có quá trình đi thu thập tư liệu, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, chứng minh mới có một bản thảo tốt và từ bản thảo chuyển sang thành sách là cả một vấn đề. Vậy mà hàng năm chúng ta vẫn có những công trình lý luận lớn, nhỏ được công bố, nghĩa là công tác nghiên cứu lý luận phê bình không hề vắng bóng.

Chúng ta ai cũng biết, để quảng bá một ca khúc đã là một việc làm khó đối với đời sống của rất nhiều nhạc sĩ, thì đối với một công trình nghiên cứu còn khó hơn nhiều. Đó là một thực tế đau lòng khi làm nghề mà những đứa con tinh thần của mình đã không thể ra mắt đồng nghiệp, bạn đọc.

Như vậy, ở đây đã cho thấy đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng còn chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của công tác nghiên cứu lý luận. Và vì thế, chỉ một số rất ít công trình được xuất bản, trong khi còn biết bao công trình nghiên cứu đang nằm trong ngăn tủ tại các tư gia.

Một khía cạnh khác của người làm công tác lý luận phê bình là: bên cạnh những công trình lý luận, thì họ còn góp sức trong việc sưu tầm, làm công tác khoa học tại các viện nghiên cứu, trong các tổ chức chính trị nghề nghiệp, nhưng vì tính chất công việc mà họ ít được công chúng biết tới, chỉ có người trong nghề, nói đúng hơn là những đồng nghiệp biết đến họ và công việc của họ mà thôi. Điều này được minh chứng bởi tất cả những di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận trong những năm qua đều có phần đóng góp tích cực của những nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc, những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ và có những bản thuyết trình đầy sức thuyết phục để nhận được sự đồng thuận của các thành viên bỏ phiếu cho các di sản của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với đó là số lượng lớn những người làm công tác lý luận trong môi trường sư phạm. Có thể họ không có nhiều công trình nghiên cứu nhưng họ lại đóng góp vào những đề tài khoa học, có sáng kiến, cải tiến trong việc biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ những nhà lý luận phê bình tương lai.

Một lực lượng cũng đáng kể nữa hiện đang công tác tại các cơ quan phát thanh và truyền hình. Họ đã và đang thực hiện các chương trình âm nhạc chuyên đề mang tính học thuật, không chỉ là định hướng thẩm mỹ cho người nghe, người xem mà còn hướng tới đối tượng là những người làm âm nhạc chuyên nghiệp.

Như vậy, đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc không phải là ít, họ trải đều trên các mặt trận. Tuy nhiên điều tôi trăn trở, suy nghĩ chính là lực lượng những người viết báo trong lĩnh vực âm nhạc.

 2. Báo chí và âm nhạc – nên hiểu thế nào cho đúng về nhà báo viết về âm nhạc hay nhà lý luận âm nhạc

Nếu là người làm nghề thì không phải giải thích về cụm từ này, nhưng thực tế của đời sống xã hội, người ta đã gộp hai nhà này làm một. Chính điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng dư luận, định hướng về nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ đối với công chúng thưởng thức trong xã hội đầy biến động.

 Thực trạng cho thấy, tại nhiều tòa soạn báo, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có rất nhiều người chuyên viên về văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng lại không có chuyên môn, chứ chưa nói gì đến việc có được đào tạo để viết lý luận phê bình hay không? Thậm chí họ cũng chẳng được đào tạo báo chí, có khi viết báo chỉ là tay ngang, lâu dần thành quen và cứ bạt mạng viết, bạt mạng phán những gì mà bản thân họ thấy thích và cho là đúng (từ quan niệm và nhận thức của chính bản thân họ).

Điều đáng nói, lực lượng những người viết báo về âm nhạc lại là một lực lượng hùng hậu. Họ thỏa sức viết về âm nhạc, bàn luận về âm nhạc mà không hề nghĩ đến hậu quả để lại từ những bài báo thiếu tính lý luận, không có chút hiểu biết về học thuật, thậm chí không có cả nghề báo nhưng họ vẫn viết, vẫn làm vì công tác quản lý buông lỏng, lãnh đạo cơ quan chủ quản quan liêu, các tổ chức chính trị nghề nghiệp chưa hoặc có lên tiếng cũng không gay gắt do sợ động chạm khi có nhiều vấn đề được các nhà báo không chuyên nghiệp đưa ra mổ xẻ một cách lố bịch trên các diễn đàn báo chí, các trang mạng xã hội. Chính vì thế, mảng âm nhạc trên báo chí với một lực lượng nhà báo trẻ, hùng hậu (thậm chí chỉ là những sinh viên thực tập, những cộng tác viên) cứ tha hồ tung hoành với những chuyện giật gân, những scandal, đời tư ca sĩ, nghệ sĩ được bê cả lên mặt báo). Vậy cái tâm của nhà báo ở đâu? Và như thế có thể coi đó là phê bình âm nhạc được hay không? Như vậy, báo chí không những không làm tròn sứ mệnh của mình mà còn đang làm phức tạp, làm xấu thêm tình hình và làm lũng loạn thị trường, thổi bùng lên những tị hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ của một bộ phận giới trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, gây hiệu ứng không tốt tới đời sống xã hội.

Ranh giới giữa nhà báo viết về âm nhạc và nhà phê bình âm nhạc rất rõ ràng, nhưng có lẽ chỉ những người làm nghề chuyên nghiệp nhận biết rõ ràng điều này, còn thì vô hình trung họ đã quy chụp những cái gì viết về nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng là phê bình âm nhạc và những nhà báo viết về âm nhạc là lý luận phê bình âm nhạc.

Những người làm lý luận phê bình đích thực không phải vì không được đào tạo báo chí nên ngại viết báo, nhưng hầu như họ mới chỉ dừng lại ở những bài nghiên cứu, hoặc những bài viết nặng về tính học thuật được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành, một số cơ quan phát thanh, truyền hình. Cá biệt có một số nhà lý luận phê bình cho rằng họ ở “một tầng lớp khác” và vì thế họ có nhiều việc để làm, để viết, họ không thừa thời gian dành cho những điều “mà họ cho là” vớ vẩn, vô bổ, thậm chí thiếu văn hóa trên báo chí. Trong khi đó, những người làm báo viết âm nhạc thì lại nhiều vô kể và số này hầu hết là không được đào tạo âm nhạc nhưng vẫn lao vào viết vì âm nhạc và giới văn nghệ sĩ là mảnh đất họ dễ kiếm sống. Họ chỉ cần có bài viết, có nhuận bút chứ không nghĩ đến việc mình làm gì, làm như thế nào mang lại ý nghĩa xã hội tích cực. Đáng tiếc thay, nhiều nhà báo lại nghĩ mình tài giỏi hơn người, dám viết vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi cho rằng “điếc không sợ súng” đã khiến họ tha hồ tự tung, tự tác trên các diễn đàn và giở những chiêu, trò, thủ thuật báo chí làm lũng loạn thị trường âm nhạc, dẫn đến lệch chuẩn về nhận thức, thẩm mỹ của công chúng, nhất là lớp trẻ. Những bài báo chưa có, hoặc ít có bề dày về lý luận, về học thuật, không có cơ sở lý luận vững chắc trong phê bình, mà chỉ phê bình bằng cảm tính – chủ quan, nên khen, chê cũng cũng còn nhiều điều cần bàn, nhiều khi sử dụng ngôn từ đời thường thiếu văn hóa và tính nhân văn đang ngày càng phổ biến, tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là lý do khiến cho vì sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, những vấn đề liên quan đến âm nhạc mang tính lý luận, thực tiễn gắn với đời sống xã hội ít được quan tâm đúng mức.

3. Thực trạng và giải pháp

Lĩnh vực âm nhạc trên báo chí cho thấy một thực tế báo động về công tác quản lý hết sức lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đang góp phần để cho thị trường âm nhạc nói chung, báo chí viết về âm nhạc và cả thị trường băng đĩa không lành mạnh tràn lan. Nếu không có sự buông lỏng, không có sự bao che, liệu các nhà báo có tự tung tự tác trên các diễn đàn được như thế hay không? Các nhà mạng có thỏa sức đăng tải những video clip thiếu văn hóa như thế lên các trang mạng, chứ chưa nói gì đến tính nghệ thuật? Vì không có sự kiểm duyệt gắt gao, không có chế tài đủ mạnh nên họ ngày càng coi thường bạn đọc, coi thường dư luận xã hội, tha hồ tâng bốc, tôn vinh bất cứ ai họ muốn lăng xê cho dù người đó không có tài năng, thậm tệ hơn là có những “thành phần” nghĩ những thứ “rác rưởi” ấy coi đó là nghệ thuật, là văn hóa, là sự cống hiến… và đưa lên các phương tiện truyền thông mà chủ yếu là các trang mạng. Và cứ thế đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”, bài viết của họ được đăng tải lâu dần họ tự đặt mình vào giới phê bình âm nhạc.

Các cơ quan xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ tuyên truyền, cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, ấy vậy mà, nhiều đơn vị, nhiều chương trình, công việc kiểm duyệt, thẩm định gần như thả nổi. Trong khi trình độ chuyên môn của một số cơ quan phát thanh, truyền hình còn rất hạn chế, nhất là ở các đài địa phương. Có những bài báo, chương trình kém chất lượng, thiếu định hướng và không có sự công tâm của người viết tại sao vẫn được đăng tải? Lỗi ở nhà báo một phần nhưng trách nhiệm cũng thuộc về những người quản lý tòa soạn. Đặc biệt hiện nay khi công nghệ thông tin bùng nổ, phương tiện kỹ thuật hiện đại đã kéo theo một trào lưu sáng tác mới nào là nhạc sàn, nhạc chế, nhạc chuông, nhạc chờ mà toàn những thứ được làm từ công nghệ, máy móc chứ không phải sản phẩm làm ra bằng trái tim, khối óc và bằng xúc cảm nghệ thuật. Nhiều khi khiến người nghe “sởn da gà” bởi thứ âm nhạc giật gân, lời lẽ thô tục, thiếu tính văn học.

 Đáng lẽ âm nhạc phải khiến con người ta thăng hoa khi cảm xúc được cộng hưởng, đằng này nghe nhạc mà nó khiến con người không thể xích lại gần nhau bởi chỉ toàn thấy gươm, đao, giáo, mác với những lời lẽ thô thiển, kệch cỡm …Vậy thử hỏi, vai trò của những người lãnh đạo văn hóa ở đâu??? Họ đã và đang làm gì để định hướng dư luận, để góp phần vào sự phát triển của đất nước, hay chỉ đưa ra những quy chế, quy định làm rối ren, trong khi chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính. Chính sự quan liêu, buông lỏng quản lý nếu không muốn nói quá “là vô trách nhiệm” của một vài cá nhân ở những vị trí lãnh đạo quan trọng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy môi trường âm nhạc ngày một “ô nhiễm” thêm trầm trọng.

Vì thế tôi xin đề xuất mấy kiến nghị:

– Thứ nhất: Bộ Thông tin – Truyền thông cần có chế tài xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh. Cần xây dựng lộ trình và lập ban thanh tra để xử lý tình huống khi cần.

– Thứ hai: Cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, không hạn chế số lượng, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian. Vì điều này rất cần cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

– Thứ ba: Cần xử phạt nghiêm, thậm chí cấm phát hành nếu tờ báo, trang báo điện tử nào vi phạm luật báo chí, xuất bản và quảng bá các sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng không tốt tới việc định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhận thức, lối sống của đại bộ phận công chúng trong xã hội.

– Thứ tư: Trong lĩnh vực đào tạo, cần có sự can thiệp, hoặc liên kết chặt chẽ giữa các trường để môn âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nó chung trở thành một chuyên ngành lựa chọn của các nhà báo tương lai. Vì chỉ khi họ được học, được tiếp cận một cách đầy đủ thì khi ra trường họ mới hiểu và có cái nhìn đúng.

– Thứ năm: Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban lý luận phê bình. Có sự liên kết của các khối lý luận phê bình ở các cơ quan đơn vị hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Tôi cũng rất vui vì sự ra đời của Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng vì là mới thành lập nên trong hoạt động cũng còn nhiều điểm còn cần bổ sung mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng đối tượng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ nhưng cũng cần có chế tài và quy trách nhiệm và phạm vi hoạt động, tránh trường hợp mượn danh là Hội viên của Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí của Hội để lộng hành trên các diễn đàn.

Thay cho lời kết

Rất cần có những cuộc hội thảo, mặc dù, các hội thảo mới chỉ dừng lại ở việc nêu lên vấn đề và những thực trạng tồn tại cần được giải quyết. Vẫn biết không phải một sớm, một chiều là có thể giải quyết tận gốc vấn đề vì có nhiều nguyên nhân mà mấu chốt vấn đề chính là cơ chế. Từ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức v.v… đã có tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của xã hội chứ không chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc. Và những cuộc Hội thảo chẳng khác nào “muối bỏ bể” nhưng có vẫn còn hơn không. Vì nếu không có hội thảo, những người hoạt động âm nhạc và báo chí như chúng tôi sẽ chẳng biết chia sẻ cùng ai…

Tác giả: Trần Lệ Chiến

(Nguồn: https://vienamnhac.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN