Trước ngày bộ đội ta vào tiếp quản (10/10/1954) thì Hà Nội thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc Gia Việt Nam do ông Đỗ Quang Giai kế nhiệm ông Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng.
Tuy Hà Nội lúc ấy không phải là thủ đô, nhưng là thành phố lớn nhất miền Bắc mang đầy đủ tính chất của một thành phố phồn hoa. Không kể các hoạt động thường nhật của các công sở, nhà máy, xí nghiệp, nhà ga, công ty, trường học… Hà Nội có nhiều khu phố, cửa hàng, chợ buôn bán sầm uất như dọc ngang các trục đường Hàng Đào – Hàng Than, Cầu Gỗ – Cửa Nam, Hàng Khay – Tràng Tiền, Bờ Hồ – Bạch Mai, Quán Thánh – Bưởi, Hàng Bột – Ngã Tư Sở, Khâm Thiên – Cầu Giấy… và các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Hôm, Chợ Mơ… Buổi tối là các quán bar, restaurant, dancing, phòng trà, cao lâu, tửu điếm nhộn nhịp phục vụ sinh hoạt giải trí chủ yếu cho sĩ quan, viên chức trung lưu Pháp Việt và tầng lớp giàu có; các rạp chiếu bóng, cải lương Kim Chung, Kim Phụng phục vụ giải trí hầu hết cho tầng lớp bình dân. Cùng phát triển với các hình thức giải trí này là một đội ngũ đông đảo ca sĩ, nhạc công, tiếp viên, gái nhảy… Thu hút tài năng của giới ca nhạc còn phải kể đến các đài phát thanh. Thời kỳ đó chính quyền Quốc gia Việt Nam có hai đài phát thanh dân sự là Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Sài Gòn (lấy tên địa phương để đặt tên đài) ngoài ra, tại Hà Nội còn có đài L’Hirondelle của quân đội Pháp ở phố Hàm Long, tại thủ đô Sài Gòn còn có đài phát thanh Pháp Á của người Pháp. Là nơi tiêu thụ và truyền bá âm nhạc lớn nhất, các đài phát thanh này thường luân phiên tổ chức các cuộc thi hát ở từng miền, qua đó tìm kiếm các danh ca mới, phục vụ công việc phát thanh.
Mùa hè năm 1953, công chúng Hà Nội chứng kiến một sự kiện âm nhạc lớn, đó là buổi chung khảo cuộc thi hát do đài phát thanh Hà Nội tổ chức tại Nhà hát lớn. Đài phát thanh Hà Nội đóng trụ sở tại 58 Quán Sứ, lãnh đạo đài là hai nhạc sĩ Vũ Khánh và Thẩm Oánh, chủ sự ban âm nhạc đài là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (đều là thành viên sáng lập nhóm Myosotis – một trong ba, bốn nhóm trong thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam) đã chỉ đạo, tổ chức, dàn dựng nghệ thuật cho cuộc thi này cùng với ban giám khảo trong đó có nhạc sĩ Hùng Lân, Vũ Văn Tuynh… đều là các nhạc sĩ tài danh. Sau khi nghe phần trình diễn của nữ thí sinh Thanh Hằng với chất giọng soprano đặc sắc, thể hiện hết sức thành công bài Đêm xuân dạ khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, đã quyết định như sau:
Giải nhất: Thanh Hằng (nữ)
Giải nhì: Trần Ngọc (tức nhạc sĩ Tuấn Khanh sinh năm 1933)
Giải ba: Thanh Hiếu
Giải tư: Nguyễn Năng Tế
Giải năm: Thục Hiền (nữ)
Ngày hôm sau các nhật báo ở Hà Nội đã hết lời ca ngợi và tôn vinh Thanh Hằng là thủ khoa của cuộc thi, là ngôi sao mới trên bầu trời ca nhạc Việt Nam.
Thanh Hằng tên thật là Lê Lệ Hào, sinh ngày 22/10/1935 tại làng Giáp Nhị – Thanh Trì – Hà Nội trong một gia đình dân nghèo thành thị, từ 11 tuổi chị đã phải vừa đi học vừa lao động kiếm sống. Sự gian khó trong cuộc sống ở một thành phố tạm bị chiếm không làm chị mất đi những khát vọng và niềm tin của tuổi trẻ vào tình yêu ca hát, chị đã vừa tự rèn luyện theo năng khiếu vừa tìm thầy học hỏi vươn lên. Khi phát hiện tài năng, nguyện vọng và ý chí của Thanh Hằng, chính nhạc sĩ Tu My đã vận động gia đình chị cho phép chị tham dự cuộc thi này.
Sau khi đoạt giải là những ngày hoạt động sôi nổi của Thanh Hằng, chị được mời biểu diễn ở nhiều sự kiện, tụ điểm ca nhạc, đài phát thanh… Chương trình nào chị cũng được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh, cổ vũ, lần đầu tiên bước ra sân khấu rạp Olympia trong chương trình của Tráng đoàn Hướng đạo sinh Việt Nam ngày 13/6/1953 chị đã được tôn vinh như một đỉnh cao của tài năng ca hát. Thời đó, các rạp chiếu bóng lớn ở Hà Nội thường có chương trình ca nhạc 30 phút trước giờ chiếu để khuyến khích người đến mua vé xem phim, nên các nghệ sĩ – nhất là các danh ca – thường xuyên được mời tham gia những chương trình này. Thanh Hằng đã được mời biểu diễn ở nhiều rạp như Majestic (nay là rạp Tháng Tám), Eden (nay là rạp Công Nhân), Olympia (nay là rạp Hồng Hà), Ciro’s (nay là rạp Kim Đồng), về sau chủ yếu là biểu diễn ở rạp Long Biên (phố Hàng Chiếu).
Nội dung chương trình thường xuyên của chị hầu hết là những bản tình ca như: Khúc nhạc chiều mơ (Ngọc Bích) Tình xuân (Phạm Duy), Hương lúa đồng quê (Hoàng Giác), Quê hương (Hoàng Giác), Khúc ly ca (Châu Kỳ), Tan tác (Tu My) Đêm xuân dạ khúc (Phạm Duy), Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Thu tàn (Đặng Văn An – Vũ Nhân), Chiều đợi chờ (Đặng Văn An), Tình mơ (Đặng Văn An – Thanh Hằng), một đoạn trong nhạc kịch Quán giang hồ (Thẩm Oánh)…
Đặc biệt, chị còn là đồng tác giả với nhạc sĩ Đặng Văn An bài Tình mơ xuất bản 1953 và là thành viên của ban nhạc Thanh Bình (do nhạc sĩ Vũ Nhân và nhạc sĩ Văn Huy kế tiếp nhau phụ trách).
Hoạt động nghệ thuật khoảng một năm cùng với các đàn chị và các bạn cùng trang lứa như các danh ca: Tâm Vấn, Thanh Huyền, Thanh Huê, Thu Tâm, Thục Hiền, Kim Nga, Diễm Tuyết và các danh ca của Đài Phát thanh Sài Gòn như: Kim Tước, Mai Hương, Tuyết Hằng và của Đài Pháp Á như: Lệ Thu…, Thanh Hằng đã cùng đồng nghiệp để lại ấn tượng tốt đẹp và sự mến mộ trong lòng công chúng.
Thực hiện hiệp định Genève, quân Pháp cùng với chính quyền và quân đội Quốc Gia Việt Nam phải rút khỏi Hà Nội ngày 9/10/1954 và Hải Phòng ngày 12/5/1955 để ngày hôm sau quân ta tiếp quản hai thành phố này. Từ tháng 7 năm 1954 tình hình Hà Nội đã có nhiều biến động, kẻ địch bằng cách tuyên truyền xuyên tạc, mua chuộc, dụ dỗ, khống chế, cưỡng ép nhiều gia đình, nhân vật trí thức, văn nghệ sĩ trong đó có cả đồng nghiệp của Thanh Hằng phải di cư vào Nam. Trước sự xáo trộn đó, được sự giúp đỡ của người thân, Thanh Hằng đã quyết định ở lại miền Bắc.
Sau ngày tiếp quản, Hà Nội lại trở về vị thế thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước mọi bộn bề của một thành phố vừa tiếp quản, những hoạt động xã hội vẫn không ngừng trệ, trừ những tụ điểm ăn chơi, các hoạt động văn nghệ cổ vũ, động viên nhân dân xây dựng xã hội mới vẫn được khuyến khích. Đầu năm 1955, Thanh Hằng gia nhập ban nhạc Lúa Vàng cùng với các danh ca Minh Đỗ, Huyền Nga, Thanh Hiếu…, thường xuyên biểu diễn vào thứ bảy và chủ nhật tại rạp Đại Đồng phố Hàng Cót. Chương trình gồm những bài ca cách mạng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và ca ngợi chế độ mới tươi đẹp.
Tháng 12/1955, Thanh Hằng được tuyển vào Đội văn công sư đoàn 312 và chính thức đổi nghệ danh là Lê Hằng. Ngay từ những ngày đầu gia nhập đoàn nghệ thuật của quân đội cách mạng, danh ca 20 tuổi của Hà Nội đã sớm làm quen với quân phong, quân kỷ, với hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn của một nửa nước vừa được giải phóng, mau chóng ổn định tư tưởng và cuộc sống, chấp hành sự phân công của cấp trên, hăng hái thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đội văn công sư đoàn 312 với nhiệm vụ đem nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân, chị đã cùng đồng đội đi biểu diễn phục vụ các đơn vị trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc và nhân dân trên các địa bàn sư đoàn đóng quân. Lời ca tiếng hát, vở kịch của đội đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong bộ đội và nhân dân.
Năm 1957, quân đội đã sáp nhập một số đội văn công sư đoàn, lữ đoàn thành một đơn vị mới là Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc (tiền thân của Đoàn nghệ thuật Quân khu I), chị đã cùng đoàn đi phục vụ chiến sĩ, đồng bào khắp các tỉnh phía bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu…) cho đến chiến trường B3 – Trường Sơn, Tây Nguyên. Sau tháng 4/1975, chị tiếp tục đi biểu diễn phục vụ Tây Nguyên lần thứ hai và khắp các tỉnh miền Nam (thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau…). Khán giả cực kỳ yêu mến giọng hát và con người của chị, anh chị em trong Đoàn cũng hết lòng quý mến người đồng đội, đồng nghiệp xinh đẹp, duyên dáng, đoan trang và trung hậu. Do sự lớn mạnh không ngừng, nhiệm vụ của toàn Đoàn và các nghệ sĩ, diễn viên càng nặng nề hơn, tuy quân số không nhiều nhưng bằng quyết tâm của lãnh đạo và tài năng của nghệ sĩ, riêng về phần ca nhạc Đoàn đã có một dàn nhạc một quản, đủ các bộ nhạc cụ dây, hơi, gõ… do ba nhạc trưởng: Lê Vân, Phi Vân và Cao Xuân Trứ chỉ huy. Về thanh nhạc có các solist nữ như các chị: Lê Hằng, Thúy Hà, Như Quỳ… và các solist nam như các anh: Trần Tiệp, Ly Sơn, Trịnh Quý, Ngô Đại…, cùng các ca sĩ hát tốp ca, đồng ca… Riêng Lê Hằng đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm như: Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi – Huyền Tâm), Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp – Đằng Giao), Gửi anh lính bờ Nam (Vĩnh An), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Trước ngày hội bắn(Trịnh Quý), Chim Poongkle (Nhật Lai), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký), Thắm hoa núi rừng (Đỗ Nhuận), Lời anh vọng mãi ngàn năm(Vũ Thanh), Hà Nội của ta (Vĩnh Cát), Thanh niên vui mở đường (Đỗ Nhuận), Bế Văn Đàn sống mãi (Huy Du – Trinh Đường), Nổi lửa lên em (Huy Du – Giang Lam), Nổi trống lên rừng núi ơi (Hoàng Vân), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Bên hàng dương tôi hát (Đôn Truyền), Từ hơi ấm lòng bàn tay (Nguyễn Lầy – Tuấn Long), Bảy sắc cầu vồng (Nguyễn Lầy – Tuấn Long), Dừng chân bên suối (Nguyễn Lầy – Tuấn Long), lĩnh xướng trong hai bản hợp xướng: Sóng Cửa
Tùng (Doãn Nho), Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương (Nguyễn Lầy – Tuấn Long), vai Sùng Hoa – cô gái H’Mông trong ca cảnh Suối ngàn đổ về sông rộng (Nguyễn Lầy – Tuấn Long).
Thống kê tên các bài hát tiêu biểu chị đã biểu diễn nhiều lần để thấy một điều: phải là một nghệ sĩ tha thiết yêu nghề, có trách nhiệm và sự tôn trọng tác phẩm, tác giả và công chúng mới có thể nhớ đầy đủ lời và giai điệu, nghiên cứu tìm tòi nghệ thuật thể hiện với riêng từng bài để trực tiếp biểu diễn thành công trên sân khấu hàng chục bài hát của hai giai đoạn (thời trước không có chuyện hát nhép dễ dãi, đánh lừa khán giả) đó không những là bản lĩnh mà còn là lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính.
Thành tích nghệ thuật của chị được đánh giá cao trong các hội diễn: tại Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1961, chị đã được nhận Huy chương vàng với ba tác phẩm: Xuân về hoa nở, Ru con (dân ca H’Mông), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý); tại Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1965, chị được nhận Huy chương bạc bài Trăng sáng đôi miền (An Chung). Ngoài ra, chị và đồng đội còn được đoàn cử đi biểu diễn ở một số nước như Nga, Indonesia, Nhật Bản (1968), Chilê (1971).
Kể từ lần đầu tiên bước ra sân khấu rực ánh đèn của rạp Olympia ngày 13/6/1953 đến khi nghỉ hưu năm 1985 chị đã có 32 năm liên tục ca hát. Do công lao suốt 30 năm hoạt động nghệ thuật trong quân đội, chị đã được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Năm 1984 chị là một trong 28 nghệ sĩ quân đội được nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đợt đầu.
Là một nghệ sĩ khởi nghiệp và thành danh trong chế độ cũ, trưởng thành và tỏa sáng trong chế độ mới, với khối lượng lớn tác phẩm chị đã biểu diễn ở cả hai giai đoạn, có thể nói Lê Hằng là nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, sinh ra để ca hát, và chính sự thành công mỹ mãn trong nghệ thuật đã đưa chị đến vinh quang là một trong những danh ca nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XX.
Trên con đường nghệ thuật quanh co, việc chị từ bỏ những cám dỗ trong cuộc sống của những thành phố phồn hoa để rẽ theo con đường cách mạng với sự nghiệp thành công rực rỡ, con đường nghệ thuật của Lê Hằng thực sự là một khúc quanh ngoạn mục.