Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩNSND Quý Dương - một tấm gương nghệ sĩ

NSND Quý Dương – một tấm gương nghệ sĩ

NSND Quý Dương, một giọng ca vàng, nghệ sĩ opera hàng đầu. Và là người thầy đáng kính.

NSND Quý Dương Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tốt nghiệp trung học Chu Văn An, Hà Nội năm 1956, Quý Dương cùng những người bạn – sau này đều trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Hiếu, Hồ Quang Bình… thi vào khoa Thanh nhạc trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Tốt nghiệp năm 1959, Quý Dương được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc, sự nghiệp ca hát của ông bắt đầu từ đấy.

Có thể nói Quý Dương là một của hiếm, người đã dùng phương pháp Bel canto kết hợp với cách xử lý của nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc chung của người Việt. Ông sở hữu bốn yếu tố căn bản nhất, làm nên đẳng cấp nghệ sĩ ca hát, đó là: Có kỹ thuật thanh nhạc, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.

Chưa đầy 20 tuổi, Quý Dương cùng bè bạn lập ban nhạc Tuổi Xanh đi hát phục vụ đồng bào. Sang trọng, trầm ấm, mượt mà, nhớ đến Quý Dương là nhớ những bài hát hay về quê hương đất nước: Tình ca, Đàn chim Việt, Trương Chi, Thiên thai, Tấm áo mẹ vá năm xưa… Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, Quý Dương thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tại trận địa pháo, hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào

Ông mở đường cho công tác đào tạo thanh nhạc, là người hát opera đầu tiên, đóng các vai chính những vở opera đầu tiên của Việt Nam và những vở kinh điển thế giới trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Người đầu tiên hát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ông mang opera đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho bệnh nhân ở đây.
Cũng chính ông vào giữa những năm 1980, và giữa những khốn khó của Văn Cao về nhiều phương diện, trong cương vị Phó giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, với tấm lòng tri âm giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, đã cùng nghệ sĩ piano Hoàng My và nhiều người bạn khác, đề xướng “Đêm nhạc Văn Cao”. Có thể nói, đó là sự khởi đầu trong việc đặt các giá trị về đúng chỗ. Hơn 60 “Đêm nhạc Văn Cao” được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành thời gian đó. Đêm đầu tiên trong chuỗi đêm nhạc Văn Cao ở Hàng Bạc, ai nấy rưng rưng nước mắt.

Hát và diễn opera từ khi còn chưa được học bài bản, Quý Dương làm cho các ông thầy- chuyên gia, nghệ sĩ của Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc kinh ngạc với những vở diễn opera kinh điển thế giới. Giai đoạn 1979 – 1983 Quý Dương học Thanh nhạc ở Bungari, từ đó ông đạt tới tầm của một nghệ sĩ đẳng cấp.

Ngoài dạy trong trường, ông còn dạy tất cả những ai muốn học. Câu lạc bộ đơn ca của Thành Đoàn Hà Nội được thành lập nhờ sáng kiến của ông. Những người học ở đó ban đầu chỉ là dân không chuyên mà sau đó tên tuổi khiến giới chuyên nghiệp phải nể vì: Ngọc Bé, Kim Khuyên, Phi Yến, Bích Hậu, Đức Bình, Văn Sáu, Quốc Đông, Trọng Nghĩa, Huy Túc, Doãn Tần. Có người sau đó lại trở thành thầy.

Dạy không lấy tiền, không kể giờ giấc, thầy và trò trở thành bạn- đó là Quý Dương. Nói không ngoa, cứ nghe và nhìn ca sĩ ngày đó hát sẽ nhận ra có phải học trò Quý Dương hay không. Đó là cách lấy hơi, khẩu hình tròn, nhả chữ nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Thời gian lâm bệnh, ngoài những lúc chạy chữa, ông vẫn ngồi bên cây đàn piano, vẫn dạy, vẫn không lấy tiền, vẫn giữ cái tình của những người bạn vong niên. Đến với ông, người học không chỉ tiếp cận kỹ thuật thanh nhạc, hiểu biết và trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực mà còn cảm nhận niềm đam mê nghề nghiệp, tình yêu cuộc sống, nghị lực phi thường.

Nếu bây giờ mọi thứ đều được tính bằng tiền cho gọn và nhanh thì “thời của Quý Dương” dường như chỉ có lòng biết ơn là sống động trong lòng. Vì thế, lớp lớp học trò của ông luôn bên thầy trong thời gian ông lâm bệnh. Họ đến để tri kỷ, để thấy thầy vẫn làm việc, để nghe tiếng đàn tiếng hát của thầy, để thấy tình chồng vợ, cha con. Các con của ông là những nghệ sĩ Chí Trung (nghệ sĩ kịch nói), Quỳnh Trang (nghệ sĩ piano) có tài năng, tâm hồn và đạo đức nghề nghiệp.

Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà nhà nước phong tặng Quý Dương vào đầu những năm 1990, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng. Phục hồi nhà hát opera, đào tạo lớp nghệ sĩ opera trẻ tuổi, sáng tác những vở opera phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam hiện nay- là ước mong lớn nhất của NSND Quý Dương và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ. Mong sao điều đó sớm thành hiện thực.

Xin tưởng nhớ ông, bậc thầy nghệ thuật, tấm gương nghệ sĩ.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN