Giáo sư Trần Văn Khê từng nói về nghệ sĩ Đức Dậu như sau: “Chỉ có niềm đam mê âm nhạc dân tộc cháy bỏng và tuyệt đối mới có thể vẽ ra chân dung một nghệ sĩ Đức Dậu như ngày nay – người dám mạnh dạn tự bỏ tiền bạc, công sức của bản thân để nuôi dưỡng niềm đam mê không ngừng lớn mạnh trong việc sưu tầm nhạc cụ, nhất là bộ sưu tập khổng lồ nhạc khí từ Tây Nguyên.
Đồng thời, niềm đam mê âm nhạc cũng thể hiện một cách nghiêm túc trong việc chịu khó tìm tòi học hỏi để nắm vững kỹ thuật biểu diễn từ những nghệ nhân sành sỏi các nhạc cụ mà Đức Dậu sưu tầm được”.
Hiện bộ sưu tập nhạc cụ cổ của người nghệ sĩ này đã có đến hàng trăm loại trống và bộ gõ lớn nhỏ, từ trống Tây Sơn, trống H’go Êđê, trống Cao Lan, trống chầu, trống vỗ đến mõ chùa, mõ trâu…
Có những chiếc trống cổ Tây Nguyên đã hơn 200 năm tuổi, được làm bằng da trâu rừng và vẫn còn lưu vết máu trong lễ hội đâm trâu tế thần.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với nghệ sĩ Đức Dậu bằng một câu hỏi: “Bộ sưu tập nhạc khí cổ đồ sộ của ông được hình thành trong bao lâu?” và ông trả lời:
Tranh: Hoàng Tường |
– Tôi đã mày mò, tìm kiếm và làm thành bộ sưu tập nhạc khí cổ hiện tại trong ba mươi năm qua. Những nhạc cụ này đều được chủ nhân (đa số đã qua đời) xem như bảo vật thiêng liêng, là phương tiện giao tiếp với thần linh, với đất trời nên không phải cứ có tiền là mua được. Tôi may mắn có được cái duyên mới thỉnh được những bảo vật này về.
* Hẳn mỗi nhạc cụ như vậy đều khiến ông phải mất nhiều thời gian và công sức?
– Đúng vậy! Nhiều khi, để có một chiếc trống cổ, tôi phải lưu lại các buôn làng đến năm, bảy năm trời, cố gắng thuyết phục các già làng, già bản.
Tôi phải sống và học cách chơi một cách chăm chỉ để chứng tỏ tấm lòng, nhiệt huyết và khao khát của một người yêu âm nhạc dân tộc cháy bỏng, đồng thời nắm cho được linh hồn nhạc khí đó, thấm nhuần âm sắc của nó như chính người con của làng bản. Sau đó, khi đã được phép của chủ nhân, tôi mới làm lễ rước vật báu về.
* Có khi nào ông bị từ chối, không được chủ nhân truyền nghề hoặc không thỉnh được loại nhạc cụ mà ông thích?
– Có chứ, vì có những nhạc cụ là kỷ vật linh thiêng của một dòng họ hay một tộc người, gắn bó với mấy trăm năm sinh tồn của dòng họ, mang trong mình giá trị lịch sử lớn lao nên bà con đâu dễ gì cho tôi thỉnh về.
Với những trường hợp ấy, tôi luôn tỏ thái độ trân trọng. Đến lúc chủ nhân nhận thấy rằng trong dòng họ không còn ai có khả năng gìn giữ bảo vật tốt bằng tôi, khi ấy họ sẽ trao cơ hội cho tôi. Để “đến lúc chủ nhân nhận thấy…” ấy, chắc chắn ông đã phải bỏ công tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc, lịch sử và cả cách diễn tấu các nhạc cụ đó…
Như tôi đã nói, đồng bào các dân tộc xem những chiếc chiêng trống, đàn cổ là phương tiện giao tiếp với thiên nhiên, với thánh thần, nên những bài diễn tấu của họ chính là văn hóa tâm linh, là tinh thần, là lịch sử nguồn cội của họ.
Mỗi nhạc cụ là cả một chuỗi những câu chuyện văn hóa, tâm linh. Nhạc cụ phải thể hiện được tất cả những ý nghĩa như vậy thì mới đúng là bảo vật, nếu không chỉ là những vật vô tri vô giác.
Âm nhạc sinh ra từ cuộc sống tinh thần, từ đời sống tâm linh. Người nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc phải cho người xem, người nghe thấy được tinh thần, tình cảm, hồn thiêng trong những tác phẩm diễn tấu. Đó không chỉ là tiếng kẽo kẹt võng đưa trưa hè, tiếng vó ngựa lốc cốc trên rẻo cao, tiếng suối chảy róc rách…, mà còn mùi hương trầm, mùi xác pháo ngày tết…
* Có lẽ vì vậy nên nhiều người nước ngoài có dịp nghe ông biểu diễn đã nhận xét rằng ông mang được cả thiên nhiên núi rừng đến với người nghe?
– Đó chính là yếu tố tâm linh trong âm nhạc dân tộc. Mỗi khi biểu diễn, tôi không chỉ đơn thuần gõ trống, gõ cồng chiêng, đánh đàn, thổi sáo, mà cố gắng mang lại một không gian với mưa, gió, chim hót, tiếng giã gạo trong đêm khuya, cả những mùi khói, mùi rơm rạ cho người thưởng thức.
Cây đàn Cha pi trong bộ sưu tập của NS Đức Dậu |
Tôi muốn khán giả trong nước và nước ngoài không chỉ nghe, mà còn nhìn thấy, còn ngửi được không gian đó thông qua cách thể hiện của mình.
Cái hồn của âm nhạc dân tộc kỳ diệu lắm. Nếu lắng nghe, âm thanh của tiếng lạc ngựa sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một đôi vợ chồng trẻ xuống chợ buổi sớm.
Sau một ngày vui vẻ uống rượu với bạn, người chồng say đến ngủ quên. Cô vợ sẽ dìu chồng nằm vắt vẻo trên lưng ngựa để đưa về nhà. Tiếng lạc ngựa đều đều như tình yêu dịu dàng của người vợ với chồng vậy.
* Giáo sư Trần Văn Khê nói rằng ông biết làm cho những vật vô tri vô giác bình thường trong thiên nhiên tưởng chừng vẫn ngủ vùi lặng im nay trở mình thức giấc, cất lên giọng nói, giọng ca đặc trưng, đầy hơi thở tự nhiên của chính nó mà không cần có sự phụ họa của bất kỳ nhạc cụ nào. Đó phải chăng là nhờ yếu tố tâm linh?
Đúng vậy! Tâm linh ở đây có nghĩa là tinh – khí – thần của con người. Văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa của một tộc người, bao gồm tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, cảm hứng sáng tạo…
Âm nhạc dân tộc mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm, thể hiện lòng yêu thương con người, cầu mong quốc thái dân an, mở rộng lòng bác ái, từ bi, hỷ xả, triết lý sống gắn bó với thiên nhiên…
Những nhạc khí dù đơn sơ, xù xì, gồ ghề bằng tre nứa, đá tảng nhưng vẫn mang trong mình tiếng nói của núi rừng, của sức mạnh dân tộc bốn ngàn năm văn hiến.
Tôi tin rằng chỉ có người sống đúng với chữ “đạo” mà ông cha ta răn dạy thì mới nắm bắt được yếu tố tâm linh trong âm nhạc dân tộc, mới có thể biểu diễn và hòa âm nhạc của các dân tộc lại với nhau.
* Và ông cùng Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đã hòa nhập được âm nhạc của 54 dân tộc Việt Nam?
Gia đình NS Đức Dậu |
– Cho tôi được giới thiệu một chút về Đoàn nhạc gõ Phù Đổng – đoàn nhạc dân tộc đầu tiên ở Việt Nam do các nghệ sĩ anh chị em ruột trong một gia đình cùng nhau xây dựng.
Chúng tôi thành lập đoàn từ năm 1980 và bắt đầu vào TP. Hồ Chí Minh biểu diễn từ năm 1986. Thật may vì các anh em trong gia đình chúng tôi đều mê nghệ thuật dân tộc, nhất là các nhạc cụ cổ. Nhờ đó, chúng tôi có thể mang âm nhạc dân tộc đi khắp mọi miền đất nước và ra nước ngoài.
Mỗi loại nhạc cụ của mỗi dân tộc có một nét độc đáo riêng. Nét độc đáo đó khi được biểu diễn đơn lẻ thì tạo nên âm sắc đặc trưng của từng tính cách, từng nét sinh hoạt của một dân tộc, còn khi biểu diễn trong một dàn nhạc thì lại tạo một không gian văn hóa vô cùng sống động.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu tôi và các anh em trong đoàn nhạc không tập hợp các nhạc khí của 54 dân tộc anh em để tạo thành những tác phẩm âm nhạc rất Việt Nam!
* Cách đây không lâu, ông đã khiến nhiều khán giả trẻ bất ngờ khi cho các nhạc cụ dân tộc hòa thanh với các nhạc cụ hiện đại. Nhiều người thắc mắc làm sao ông có thể kết hợp nhạc cụ cổ với guitar, organ linh hoạt đến thế?
– Ông cha ta ngày trước đã có kiểu đánh ngẫu hứng, mạnh mẽ trong các bản đờn ca tài tử rồi đấy chứ. Ngày nay, tôi chỉ góp nhặt và biểu diễn với tất cả tâm tư tình cảm của mình mà thôi. Tôi cho rằng tất cả các nhạc khí dân tộc đều có thể kết hợp với các dụng cụ âm nhạc hiện đại.
Cả dàn nhạc với sự biến đổi khôn lường của cường độ, tốc độ, bên cạnh đó là sự pha trộn màu sắc thông qua sự kết hợp các bộ (bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng, bộ gõ…) sẽ từng bước hình thành nên một trường phái âm nhạc đề cao các tư tưởng lớn của thời đại.
Trách nhiệm của những người nghệ sĩ là hòa trộn chúng để mang quá khứ lịch sử về với hiện tại và gắn hiện tại với tương lai. Nhiệm vụ này dĩ nhiên không thể làm trong ngày một ngày hai, mà phải theo từng bước, tuy nhiên cũng không thể chậm trễ vì âm nhạc dân tộc đóng vai trò lớn trong văn hóa dân tộc.
* Ông có tin tưởng rằng âm nhạc dân tộc sẽ giúp Việt Nam giữ vững văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc?
– Chắc chắn như vậy. Mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng, một cốt cách riêng được phản ánh thông qua những giá trị tinh thần và vật chất cụ thể, đó chính là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Âm nhạc làm cho sức mạnh con người của từng dân tộc bền vững, từ đó bản sắc dân tộc không những không phai mờ theo thời gian, mà còn trở nên đậm đà hơn.
Từ ngàn xưa đến nay, từ trong những trận đánh hào hùng của dân tộc, hào khí trong con người Việt vẫn bộc lộ qua hồn của tiếng trống, tiếng chiêng.
Ngày nay, tôi cố gắng sưu tầm nhạc khí của 54 dân tộc vì muốn lưu giữ lại cái hào khí một thời của cha ông, cũng là nét tâm linh không thể thay thế được của từng vùng miền, từng dân tộc.
Tiêu chí để có thể giữ được bản sắc văn hóa quốc gia là tìm ra được nét riêng, nét độc đáo của một nước. Nếu hỏi văn hóa Việt Nam độc đáo nhất là gì, tôi sẽ trả lời ngay đó là trống và bộ gõ. Chẳng phải cố nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói rằng Việt Nam là một quốc gia tỉ phú về bộ gõ đấy sao? Trống và bộ gõ nói chung là một trong những nhạc cụ ra đời sớm nhất.
Sau đó, con người thổi hồn mình, lòng mình vào tiếng trống. Con người trò chuyện với thần linh, hô mưa gọi gió nhờ tiếng trống. Bởi tiếng trống là “siêu giai điệu”, “siêu hòa thanh”, màu âm của trống vang lên có thể mô tả được tất cả hỷ, nộ, ái ố, ai, lạc dục…
Không ai có thể phủ nhận được giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nền âm nhạc dân tộc. Liệu Việt Nam có thể vượt qua khỏi đêm trường ngàn năm Bắc thuộc, vượt qua những khúc quanh cam go, khắc nghiệt của chiến tranh nối tiếp chiến tranh và lịch sử dựng nước và giữ nước của dòng dõi Lạc Hồng nếu không có những hồi trống giục giã ba quân, không có những làn điệu hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát mừng nhà mới, mừng được mùa… của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc?
* Liệu tâm hồn của mỗi người có trong trẻo, đẹp đẽ nếu chưa từng được nghe qua những giai điệu tinh tế của tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, chầu văn, quan họ?
Một góc “Bảo tàng” của NS Đức Dậu |
– Chính những điệu hò, ví, lý, vè đặc sắc của mỗi vùng đất đã tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, hun đúc nên hồn thiêng dân tộc. Đó chính là ý chí Việt Nam, tâm hồn Việt Nam qua mọi thời đại, qua mọi thăng trầm mà vẫn giữ được cốt cách của dân tộc mình.
Ở âm nhạc dân tộc có đầy đủ các chuẩn mực nghệ thuật làm cho người nghe rung động, đầy đủ các thể loại cho từng lứa tuổi cảm nhận, có tiếng nói riêng, đặc trưng ngôn ngữ riêng.
Âm nhạc dân tộc xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, chúng ta tự hào đứng cùng thế giới một phần lớn là nhờ âm nhạc dân tộc đầy bản sắc của chúng ta.
Như vậy, âm nhạc là tiếng nói thiêng liêng của giống nòi, là sự sinh tồn, hưng thịnh của ngày mai. Tiếc là có vẻ như giới trẻ hôm nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến âm nhạc dân tộc, đang để âm nhạc dân tộc mai một dần.
* Nhiều người cho rằng âm nhạc dân tộc rất khó học và không được dạy phổ biến…
– Không phải muốn học âm nhạc thì phải vào nhạc viện. Hơn nữa, nhiều nhạc cụ lại không thể dạy trong trường nhạc. Nếu muốn học kèn lá, cồng chiêng, nhất định bạn phải lên Tây Nguyên, phải lắng nghe hơi thở đất trời, đặt tai mình trên đất để nghe tiếng nói từ đất mẹ…
Âm nhạc dân tộc thật ra không khó. Nếu người học chịu đầu tư nghiên cứu, có đủ thời gian và tâm huyết để nắm được hồn, hương vị và cả yếu tố tâm linh thì sẽ thành công.
* Ông đã rất tâm huyết trong việc mang âm nhạc dân tộc đến với thế hệ trẻ, trong đó đặc sắc nhất là bài Trống hội khai trường mà ông đang phổ biến cho các trường học. Phản ứng của học sinh đối với các chương trình ấy ra sao, thưa ông?
– Trẻ em chỉ yêu âm nhạc dân tộc khi được sống trong không gian âm nhạc dân tộc. Bản thân tôi cũng vậy, tôi mê nhạc dân tộc từ nhỏ vì quê hương Hà Tây của tôi là vùng đất của lễ hội đình làng với kèn, trống vật…
Ngày trước, ngay bên cạnh nhà tôi là một nhà hát chèo. Tiếc là hiện nay trẻ em ít được cha mẹ cho nghe những giai điệu đẹp của nhạc dân tộc nữa, mà thay vào đó là âm nhạc hiện đại, dễ dãi thường thấy.
Mấy năm qua, tôi vẫn thường xuyên được một số trường học mời đến biểu diễn và giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc để các học sinh có thêm sự hiểu biết và niềm yêu thích. Khi chúng tôi biểu diễn, các em rất thích thú, chăm chú theo dõi nên người nghệ sĩ cũng cảm thấy phấn khởi.
Nhưng có điều, số trường chú trọng việc đưa âm nhạc truyền thống vào học đường còn chưa nhiều. Chúng tôi cũng chủ động đưa những loại nhạc cụ dân tộc độc đáo đến các tụ điểm, sân khấu và cũng được khán giả yêu thích.
Trống là một nhạc khí có ý nghĩa lịch sử lớn của dân tộc, có thể là phương tiện để giáo dục về văn hóa lịch sử cho học sinh. Vì vậy, tôi đang khuyến khích mỗi trường xây dựng một bộ trống (tối thiểu là mười cái) để tiếng trống góp phần vào sự nghiệp giáo dục đạo lý cho các em.
Bài Trống hội khai trường là một phần trong chương trình này. Tôi đã biên soạn thành công và được các học sinh Trường Thực nghiệm Tây Ninh, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist áp dụng biểu diễn sau lễ chào cờ.
* Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều nhạc cụ quý hiếm từ Tây Nguyên, đặc biệt là những chiếc chiêng, trống hàng trăm năm tuổi. Ông mất bao nhiêu thời gian để có thể hiểu và biểu diễn nhuần nhuyễn các nhạc khí đó?
Bộ nhạc cụ trong “Bảo tàng” của Đức Dậu |
– Cồng chiêng không chấp nhận những ai chưa từng sống ở núi rừng, chưa biết hồn của núi rừng, chưa biết hồn cây, hồn trâu, hồn lúa… Tôi phải sống nhiều năm với người Êđê, Bana, Brâu, Giarai, Sêđăng, T’riêng… để học và cảm nhận cách ứng xử cồng chiêng của từng dân tộc.
Tiếng chiêng của người Êđê làm ma quỷ không hại người, tiếng cồng chiêng của người Brâu là tiếng nói của thần linh, tiếng cồng chiêng của người T’riêng lại là hiện thân của Mặt trăng…
Cồng chiêng là một sinh hoạt văn hóa nguyên hợp có tính chất tín ngưỡng, tâm linh và nghệ thuật cộng đồng. Tiếng cồng chiêng đi cùng năm tháng với niềm vui vụ mùa và nỗi lo hạn hán, mất mùa. Ngoài giá trị âm nhạc, cồng chiêng tự nâng mình lên thành tâm thức với những bí ẩn về quan niệm, tư duy, mô thức ứng xử cộng đồng và với tự nhiên, với thế giới siêu nhiên.
Mỗi khi tiếng cồng chiêng vang lên là lúc từng thành viên trong cộng đồng có thể nghe thấy được những điều không nói ra và nhìn thấy, cảm nhận được những thứ vô hình.
* Có phải vì giá trị tín ngưỡng và tâm linh như vậy nên năm 2005, cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ?
– Cái chúng ta cần bảo vệ chính là không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi núi rừng hùng vĩ với bến nước, nhà sàn, những phiên chợ vùng cao… hơn là những chiếc chiêng, chiếc cồng cổ mà chúng ta cho là quý giá.
Nếu không còn không gian sinh sống, không còn những lễ tục gắn liền với đời người, cây trồng thì nền văn hóa cồng chiêng cũng sẽ mất đi, bởi sẽ không còn nền tảng nơi chúng sinh ra và được nuôi dưỡng qua bao thế hệ.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
TÁC GIẢ: XUÂN LỘC