Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnHình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc

Hình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc

Âm nhạc vốn là sự hợp nhất giữa thiên nhiên hoà cùng những cảm xúc tinh tế và trí tuệ của con người. Bằng những hình thức thể hiện khác nhau, những ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, thiên nhiên đã trở thành nhân tố quan trọng trong những tác phẩm âm nhạc. Có thể nói, từ âm nhạc dân gian đến những tác phẩm âm nhạc kinh điển qua các thời kỳ: Trung cổ (1100 – 1400), Phục hưng (1400 – 1600), Baroque (1600 – 1750), Cổ điển (1750 – 1820), Lãng mạn (1820 – 1910), hay âm nhạc thế kỷ 20 đã có nhiều tác phẩm phác họa hình tượng thiên nhiên và cuộc sống con người. Đó là những tác phẩm có sức sống vượt thời gian, vượt không gian và tồn tại trong đời sống của nhân loại.

Hình tượng thiên nhiên được tái hiện trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ thường mang tính khái quát. Vì vậy, khi nghe một tác phẩm không ai có thể đưa ra một cách cụ thể là những câu nhạc nào đang diễn tả một hình ảnh thiên nhiên cụ thể mà chỉ có thể bao quát chung toàn tác phẩm để thấy tinh thần của thiên nhiên trong đó. Nhìn chung, chỉ nhạc sĩ sáng tác mới có thể nói chính xác được những hình tượng thiên nhiên trong các tác phẩm của mình. Đôi khi cũng có những tác phẩm của các nhạc sĩ sau này được người khác đặt tên hoặc gắn nó với với một vẻ đẹp nào đó trong thiên nhiên.

Chủ đề “Hình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc” trong bài viết này xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của một số nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới qua các thời kỳ: Âm nhạc tiền cổ điển (Baroque), âm nhạc Cổ điển, âm nhạc Lãng mạn, và âm nhạc thế kỷ 20.

1. Thiên nhiên trong âm nhạc thời kỳ Baroque

Thời kỳ âm nhạc Baroque, hay còn gọi là Tiền cổ điển (1600 – 1750) đã có nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Johann Sebastian Bach của nước Đức (1685 – 1750), George Frideric Handel người Anh gốc Đức (1685 – 1759), Alessandro Scarlatti của nước Ý (1660 – 1725)… nổi bật là nhạc sĩ Аntoniо Vivaldi của nước Ý (1678 – 1741) đã có tác phẩm viết về thiên nhiên.

Trong các tác phẩm viết về thiên nhiên thì Tổ khúc âm nhạc là hình thức biểu hiện tốt nhất. Mỗi chương nhạc trong các tổ khúc đó còn được coi như một tác phẩm độc lập. Có thể kể đến bản Tổ khúc Concerto viết cho bộ dây “The Four Seasons” – Bốn mùa của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đàn Violon của nước Ý, đó là Antonio Vivaldi (1678 -1741). Tác phẩm đã phác hoạ bức tranh toàn cảnh về các mùa trong một năm. Tác giả đã giới thiệu ý đồ của từng chương nhạc với phần giải thích ngắn. Trong nhiều tài liệu âm nhạc đã viết về chương I với tên gọi Mùa Xuân như sau: “Mùa xuân đến, chim muông vui mừng ca hát chào Xuân. Những con suối reo róc rách. Mây đen kéo đầy trời. Sấm sét cũng báo hiệu mùa xuân về. Và rồi chim non lại ca hát ngọt ngào. Trên bãi cỏ, chú bé chăn dê ngủ ngon dưới gốc sồi xào xạc lá xanh… Những nàng tiên nhảy múa với điệu nhạc đồng quê…”.

2. Thiên nhiên trong âm nhạc Cổ điển

Thời kỳ âm nhạc cổ điển vào khoảng năm 1750 – 1820. Trên thực tế đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm âm nhạc cổ điển trong đó có khắc họa những hình tượng từ thiên nhiên, đặc biệt là các nhạc sĩ thuộc Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên.

Một trong những đại diện tiêu biểu của Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên phải kể đến nhạc sĩ người Áo, đó là Franz Joseph Haydn (1732 -1809). Ông đã sáng tác nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đặc biệt thành công với những tác phẩm giao hưởng. Với 104 bản giao hưởng, nhạc sĩ Haydn đã chuyển tải vào trong đó những suy nghĩ, khát vọng, tình cảm của nhạc sĩ và tái hiện cả cuộc sống thiên nhiên hay cuộc sống đời thường vào trong những giai điệu âm nhạc.

Đại diện nữa của Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên phải kể đến thần đồng âm nhạc nước Áo: Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Hình tượng thiên nhiên khi mùa xuân đến đã được nhắc tới ở chương I mang tên “Mùa Xuân” trong tác phẩm “Symphony No.40” (Giao hưởng số 40) của W.A. Mozart mà ông viết xong vào ngày 25/7/ 1788. Tác phẩm trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có lẽ với tính chất âm nhạc đầy cảm xúc nội tâm của con người trước thiên nhiên tươi đẹp đã khiến người nghe liên tưởng tới những hình ảnh phong phú khác nhau và đặt cho nó một tiêu đề nào đó. Trong cuốn sách “Mozart” của nhà thơ Bằng Việt đã có đoạn mô tả Chương I bản giao hưởng số 40 của Mozart như một cảm xúc về Mùa Xuân: “Âm nhạc mang tính kịch, không chỉ đơn thuần ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà nó còn gần với số phận con người trước bao điều bất công, trở lực trong cuộc đời. Giai điệu bi thương hết sức gần gũi với nỗi đau khổ của con người đang cần có sự đồng cảm sâu xa… Đồng thời bản nhạc vẫn có nét chìm trầm tĩnh, tuy dịu dàng nhưng rắn rỏi, không khuất phục, nó là mầm sống bền bỉ, lòng phản kháng dũng cảm còn ẩn náu đến cùng trong mọi nỗi đau và không cho phép con người tuyệt vọng, mà tin tưởng vào Mùa Xuân mới đang đến. Những giai điệu mang nỗi buồn man mác được giải thoát trong ánh nắng ám áp của Mùa Xuân và trong đó có niềm hy vọng, nó trải rộng dần theo những tia nắng dọi loang xuống cánh đồng, như những búp chồi xanh mọc lại trên thân cây trụi. Mùi hương đồng nội chất phác toả đến và xoa dịu đi bao nỗi buồn. Đó là quy luật vĩnh cửu và thiêng liêng của cuộc sống mỗi khi Xuân về!”.

Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên còn có nhạc sĩ thiên tài nước Đức: Ludwig van Beethoven (1770 – 1827). Hình tượng con người với thiên nhiên đã được khắc hoạ rõ nét trong bản “Symphony No.6” – Giao hưởng số 6 còn có tên gọi: “Đồng Quê”. Trong giáo trình “Lịch sử âm nhạc Thế giới” của Nhạc Viện Hà Nội – nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có đoạn viết về tác phẩm này như sau: “Đây là sự truyền đạt những cảm xúc của Bethoven khi ông luôn sống gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống thôn dã, điều này đã cho ông cảm xúc để vẽ nên bức tranh phong cảnh bằng âm thanh, với sự kết hợp hài hoà và cân đối của con người với thiên nhiên. Ở đây đã phản ánh rõ nét những tình cảm riêng tư thầm kín, sự thanh thản cao độ của tâm hồn được kết hợp với cuộc sống sôi nổi mãnh liệt. Ngoài tiếng chim hót dịu dàng (chim cu, hoàng anh, hoạ mi) và tiếng suối reo róch rách trong Chương II có tên gọi “Cảnh bên suối”, với những giai điệu gợi lên cảm giác yên tĩnh, nhẹ nhàng trong tiếng lao xao của cây rừng, tiếng suối reo, tiếng chim hót, và những ý thức về sự vĩnh cửu trong vũ trụ. Ta còn nghe thấy Chương III “Cuộc vui tập thể của dân làng” là những nét nhạc mộc mạc của các nhạc cụ dân gian, những điệu múa. Đặc biệt là Chương IV với tên gọi là “Giông tố” là sự khai thác tính năng các nhạc cụ trong Dàn nhạc giao hưởng để tạo nên những âm thanh trong cơn giông tố kéo đến làm tan cuộc vui. Ta có thể ghe thấy tiếng đàn Violon Cell và Contrabasse gầm rú, nhóm Violon miêu tả tiếng mưa rơi tí tách bằng những âm thanh ngắt quãng, tiếng sáo và trống định âm bắt chước ánh chớp và tiếng sấm vang rền – đây thực sự là bức tranh giông tố nổi bật với những nét nhạc thấm đượm tâm trạng hồi hộp của con người trước sức mạnh tự phát hùng vĩ của thiên nhiên… Cơn giông tố mạnh dần, nếu nhắm mắt lại người nghe sẽ thấy cảm giác lạnh run, chơi vơi trong cơn mưa với từng đợt gió mạnh. Sau cơn bão tố, tiếng sáo trong “Bài ca mục đồng” lại vang lên thanh bình…”.

3. Thiên nhiên trong âm nhạc Lãng mạn

Âm nhạc Lãng mạn xuất hiện khoảng năm 1820 đến năm 1910. Thời kỳ này tiếp tục có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc có tiêu đề rõ rệt, khai thác sâu sắc thế giới nội tâm con người trước cuộc sống và thiên nhiên. Những nhạc sĩ thời kỳ Lãng mạn như: Hector Berlioz, Johannes Brahms, Richard Wagner và Piotr Ilyich Tchaikovsky, Chopin , Wagner, Schubert, Dvorak, Berlioz, Bizet, Grieg, Liszt, Schuman…

Những người yêu âm nhạc chắc còn nhớ tới một tác phẩm viết về mùa Xuân của nhạc sĩ người Đức – Felix Mendelssohn, đó là tác phẩm: “Sping Song – bài ca mùa Xuân” là tiểu phẩm số 6 trong tập “Bài ca không lời” số 5, Op. 62 viết cho piano của Mendelssohn. Bằng những giai điệu âm nhạc dịu dàng, Mendelssohn đã mang đến cho người nghe cảm thấy mùa Xuân đang hiện hữu, trở mình tỉnh giấc như những cành cây non đang đâm chồi, nẩy lộc, đó là lúc thiêng liêng trong giây phút hồi sinh. Tác phẩm đã chứa đựng những lời ca về mùa Xuân, thể hiện tình yêu bao la với thiên nhiên và tình yêu đối với con người còn rộng lớn hơn nữa.

Một tác phẩm nổi tiếng nữa của Mendelssohn, đó là: “Giấc mộng đêm hè” viết nhạc nền cho vở kịch “A Midsummer Night”s” của William Shakespeare, trong Op. 61 của Mendelssohn được hoàn thành 16 năm sau khi ông viết bản Overture Giấc mộng đêm hè, Op. 21. Trong đó đã khai thác thế giới nội tâm sâu sắc của con người và cảm nhận của con người với cuộc sống thiên nhiên.

Cũng là những bức tranh về thiên nhiên trong các tác phẩm âm nhạc, bên cạnh đó còn nổi bật lên Tổ khúc “The seasons – Bốn mùa” – P.I. Tchaikopski (1840 – 1893). Đây là Tổ khúc viết cho đàn Piano gồm 12 khúc nhạc, mỗi khúc nhạc tượng trưng cho từng tháng trong năm, và được nẩy sinh từ ý thơ của các nhà thơ của Nga như: Puskin, Maicôp, Phiet, Côlxôp…

Trong tài liệu “giảng nhạc” của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã giới thiệu về tác phẩm này: “Bốn mùa, Tchaikopski đã mô tả những cảnh thơ mộng của thiên nhiên nước Nga, và đồng thời diễn tả tâm trạng, tình cảm của ông. Hình ảnh những tháng của mùa Xuân được khắc hoạ rõ nét. Xuân về trên cánh đồng, những bông hoa hé nở trong khúc hát của chim sơn ca, những bông hoa tuyết cuối cùng rơi trên cành. Mặt trời chiếu sáng, thiên nhiên bừng thức dậy. Trên những cành cây xù xì đang chuẩn bị đâm chồi, chờ đợi những khoảng khắc, những giây phút thiêng liêng trong sự hồi sinh. Những tháng của mùa Hạ là những đêm trắng, những nhịp chèo thuyền. Mùa thu với những cơn gió mát và tiếng xe chở lúa chạy suốt đêm của mùa gặt, hay tiếng tù và vang lên khúc nhạc đi săn. Trong những tháng của mùa Đông là bài ca cuối cùng của mùa Thu, rồi đến không khí vui tươi của ngày lễ giáng sinh…”.

Với tôi đặc biệt ấn tượng khi nghe khúc nhạc về tháng 5 có tên gọi “Những đêm trắng” với đoạn thơ trích dẫn của A. Phêt:

“…Ôi đêm trắng! Một màu bạc trắng!
Ta cám ơn miền đất yêu thương
Từ thế giới giá băng lạnh lẽo
Đã bay về tháng Năm tinh sương…”

Trong cuốn “P.I. Trai-Cốp-Xki” do Nhà xuất bản Văn hóa in 1978 đã có đoạn viết như sau: “Đây là sức quyến rũ của những đêm trắng ở Prêtecpua. Đó là những màu bàng bạc của bầu trời, những chuyển động huyền bí trong đêm trắng luôn mang lại cho con người cảm giác man mác buồn, chờ đợi điều gì đó mơ hồ rồi lắng xuống vào những ước vọng trên bầu trời dần sáng của bình minh. Giai điệu âm nhạc mềm mại, đầy tư lự như nghe tiếng gió thổi”.

Những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp còn được tái hiện trong âm nhạc của nhạc sĩ người Áo: Johannes Brahms (1833 – 1897) với tác phẩm “The Blue Danube”. Khởi đầu của tác phẩm này vốn có lời ca do Josef viết và đặt tên là “On the beautiful blue Danube” nhưng sau khi nó được chuyển soạn cho dàn nhạc trình tấu thì đã được động đảo công chúng yêu mến. Như vậy, với những hình ảnh thơ mộng của một dòng sông trong xanh, quanh co uốn lượn như dải lụa, có ngàn hoa đua nở và tiếng chim hót đã đi vào tâm thức chúng ta một cách tự nhiên mỗi khi giai điệu của tác phẩm vang lên.

4. Thiên nhiên trong âm nhạc thế kỷ 20

Bước sang thế kỷ 20 (1900 – 2000) tiếp tục xuất hiện nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới. Trong số các nhạc sĩ Nga có tác phẩm viết về mùa Xuân chúng ta còn nhớ tới vở vũ kịch “The Rite of Spring – Mùa Xuân thần thánh” của nhạc sĩ vĩ đại Igor Stravinsky. Đây là bức tranh về nước Nga cổ, với cảnh sống đơn sơ, du mục xưa kia. Trong bài viết “Mùa xuân thần thánh” của tác giả Đỗ Vũ đăng trên trang Web: hoinhacsi.org đã có đoạn viết về tác phẩm này như sau: “Nổi lên trong những tác phẩm của các tác giả phương Tây viết về mùa xuân, người ta thường chú ý đến âm nhạc cho ballet Mùa xuân thần thánh (tên nguyên gốc tiếng Nga là Vesna Svyashchennaya, tiếng Anh dịch là The rite of Spring hoặc The coronation of Spring) của nhạc sĩ Nga nổi tiếng thế kỷ 20 – Igor Stravinsky, một tác phẩm được coi là khám phá lớn của âm nhạc thế kỷ 20. Một tác phẩm nhạc cho ballet thoạt đầu bị công chúng la ó nhưng ngày càng được tôn vinh, thán phục. Dần dần Mùa xuân thần thánh thường xuất hiện trên sân khấu hòa nhạc nhiều hơn trên sàn diễn các nhà hát Opera và ballet của thế giới”. Tác giả của nó, nhạc sĩ Stravinsky đã từng nói “Trong Mùa xuân thần thánh tôi muốn thể hiện sự hồi sinh rạng rỡ của thiên nhiên, được sống lại một cuộc đời mới, một sự hồi sinh trọn vẹn, tự phát, sự thai nghén hồi sinh của muôn loài”.

Trong âm nhạc thế kỷ 20 còn nổi bật với Trường phái Ấn tượng mà đại diện của nó là nhạc sĩ người Pháp Claude Debussy (1862 – 1918) và nhạc sĩ Maurice Ravel (1875 – 1937).

Nhắc đến tên tuổi nhạc sĩ Claude Debussy, công chúng yêu nhạc thường nhớ tới tác phẩm “La Mer – Biển cả”. Debussy gọi “La Mer” là “ba phác họa bằng giao hưởng”. Chương I của tác phẩm với nhan đề “Biển từ lúc rạng đông đến trưa” mô tả màn sương tan dần, biển mênh mông bát ngát. Biển hiền hoà đón tia nắng đầu tiên. Sóng biển long lanh phẳng lặng bắt đầu chuyển động…. Chương II: “Trò chơi của sóng”, Chương III: “Đối thoại giữa gió và biển”. Tác phẩm mang đậm tính chất hội hoạ. Debussy đã ghi lại vẻ đẹp và cuộc sống của biển cả, sự dịu hiền yên tĩnh, sự sôi nổi và mãnh liệt của nó. Biển như một cơ thể sống biết nói, cười, vui buồn và giận dữ, biết đau khổ và đấu tranh…(Trích trong cuốn “Lịch sử âm nhạc thế giới – Nhạc viện hà Nội).

Công chúng yêu nhạc chắc đã từng thưởng thức bản Serenade Rimpianto Op.6 của nhạc sĩ người Ý: E. Toselli (1883 – 1926), do nghệ sĩ André Rieu trình tấu đàn Violon, nghệ sĩ Thieu Heylijes đàn Piano cùng dàn nhạc. Với những giai điệu ngọt ngào, trữ tình do đàn Violon diễn tấu cùng màu sắc phối âm mềm mại và tinh tế của đàn Piano và dàn nhạc. Đặc biệt là tiếng chim hót điểm xuyết trong toàn tác phẩm càng làm tăng thêm tính lãng mạn với những âm thanh mang lại cảm giác như đang chìm đắm trong một khu rừng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời…

Nói chung, trong những tác phẩm âm nhạc kinh điển, các nhạc sĩ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên của mình bằng những nét nhạc mang tính khái quát cao, thể hiện tinh thần, trí tuệ sâu sắc, kích thích sự tưởng tượng phong phú khác nhau của mỗi người khi thưởng thức những tác phẩm đó. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm âm nhạc được nhạc sĩ khai thác các tính năng của nhạc cụ để mô phỏng đời sống, những âm thanh trong tự nhiên, thậm chí hiện nay đã có những tác phẩm sử dụng phần âm thanh điện tử hoặc thu âm trực tiếp từ thiên nhiên để làm nền cho tác phẩm. Vậy điều này có làm mất đi giá trị đích thực của âm nhạc. Đó là chủ đề mà chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và các bạn vào dịp khác.

Tác giả: Quỳnh Anh

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN