* SERENADE
Trong âm nhạc, một serenade (hay đôi khi là serenata) với ý nghĩa phổ biến nhất của nó là một tác phẩm âm nhạc hoặc là một buổi biểu diễn âm nhạc để thể hiện sự kính trọng, tôn vinh ai đó. Có ba loại serenade trong lịch sử âm nhạc.
1/ Trong cách dùng cổ nhất, tồn tại ở hình thức không chính thức, một serenade là một tác phẩm được biểu diễn cho một người được yêu chuộng, người bạn hay một người nào đấy được tôn vinh, với thời gian đặc trưng là vào chiều tối và thường ở dưới cửa sổ nhà người đó. Phong tục chơi serenade theo kiểu này bắt đầu từ thời Trung cổ hoặc Phục hưng và từ “serenade” với cách dùng thông thường nhất trong ngôn ngữ hiện hành liên quan đến phong tục này. Âm nhạc được biểu diễn không theo một hình thức đặc biệt nào, ngoại trừ nó được một người hát tự đệm đàn bằng nhạc cụ có thể mang theo được, chẳng hạn như flute hoặc guitar. Những tác phẩm thuộc dạng này cũng xuất hiện ở những thời đại về sau, nhưng thường là trong tình huống có liên quan một cách đặc biệt đến thời trước, chẳng hạn như một aria trong một vở opera (một ví dụ nổi tiếng là trong opera Don Giovanni của Mozart).
2/ Trong thời Baroque, và thường được gọi là một serenata (từ tiếng Ý của serenade – vì hình thức này xuất hiện thường xuyên nhất ở Ý), một serenade là một loại cantatađược biểu diễn ngoài trời, vào chiều tối với những nhóm nhạc khí và giọng hát. Một vài nhà soạn nhạc của loại serenade này là Alessandro Stradella, Alessandro Scarlatti, Johann Joseph Fux, Johann Mattheson và Antonio Caldara. Thường thì có những tác phẩm quy mô lớn được biểu diễn với sự dàn dựng tối thiểu, chen giữa một cantata và một vở opera. Theo một số nhà chú giải, sự khác nhau chủ yếu giữa một cantata và một serenata, vào khoảng năm 1700, là serenata được biểu diễn ngoài trời và vì vậy có thể sử dụng những nhạc cụ tạo âm thanh quá to nếu ở trong một khán phòng nhỏ – ví dụ như trumpet, horn và trống.
3/ Loại serenade quan trọng nhất và thịnh hành nhất trong lịch sử âm nhạc là một tác phẩm viết cho hòa tấu khí nhạc quy mô lớn ở nhiều chương, có liên quan đến divertimento và chủ yếu được soạn ở những thời kì Cổ điển và Lãng mạn, mặc dù một ít hình mẫu tồn tại từ thế kỉ 20. Thông thường thì tính chất của tác phẩm nhẹ nhàng thanh thoát hơn các tác phẩm nhiều chương khác viết cho hòa tấu lớn (ví dụ như giao hưởng), với tính chất du dương quan trọng hơn việc phát triển chủ đề hay sức mạnh kịch tính. Phần lớn các tác phẩm này xuất xứ từ Ý, Đức, Áo và Bohemia. Những ví dụ nổi tiếng nhất của thể loại serenade từ thế kỉ 18 chắc chắn là những serenade của Mozart, là những tác phẩm có hơn 4 chương nhạc và đôi khi lên đến 10 chương. Hòa tấu điển hình nhất cho một serenade là một hòa tấu nhạc cụ hơi cùng với bass và viola: các nhạc công có thể đứng, bởi vì tác phẩm thường biểu diễn ngoài trời. Những serenade thường bắt đầu và kết thúc bằng những chương nhạc mang tính chất hành khúc – vì các nhạc công thường phải diễu hành đến và rời khỏi nơi biểu diễn. Những serenade nổi tiếng của Mozart bao gồm Haffner Serenade (mà về sau ông soạn lại thành Haffner Symphony No. 35) và một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Eine Kleine Nachtmusik, mà chỉ viết cho những nhạc cụ dây một cách không theo thông lệ.
Đến thế kỉ 19, serenade đã chuyển thành tác phẩm hòa nhạc, ít liên quan đến việc biểu diễn ngoài trời trong những dịp lễ lạt tôn vinh, và các nhà soạn nhạc bắt đầu viết những serenade cho hòa tấu khác. Hai serenade của Brahms khá giống những bản giao hưởng nhỏ, trừ việc chúng sử dụng một dạng hòa tấu mà Mozart đã thừa nhận: một dàn nhạc nhỏ không có violin. Dvořák, Tchaikovsky, Josef Suk và những nhà soạn nhạc khác đã viết serenade chỉ cho đàn dây, Hugo Wolf cũng vậy, ông đã viết một tứ tấu đàn dây (Italian Serenade). Những nhà soạn nhạc khác viết serenade theo phong cách Lãng mạn bao gồm Richard Strauss, Max Reger, Edward Elgar và Jean Sibelius.Một số ví dụ về serenade thế kỉ 20 bao gồm Serenade cho Tenor, Horn và đàn dây của Benjamin Britten, Serenade cho pianocủa Stravinsky, Serenade cho baritone và bẩy nhạc cụ Op. 24 của Arnold Schoenberg và chương nhạc có tiêu đề “Serenade” trong tứ tấu dây cuối cùng No. 15 (1974) của Shostakovich. Một ví dụ về serenade thế kỉ 21 là Serenade cho đàn dây được Nigel Keay sáng tác vào năm 2002.
* SYMPHONIC POEM (THƠ GIAO HƯỞNG)
Một bản thơ giao hưởng hay một thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ (tone poem) là một tác phẩm viết cho dàn nhạc, có một chương nhạc, trong đó một chương trình (programme) nào đó ngoài âm nhạc mang lại cho tác phẩm yếu tố kể chuyện hoặc minh họa. Chương trình này có thể bắt nguồn từ một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một bức họa hay từ một số nguồn khác. Thể loại âm nhạc dựa trên những nguồn ngoài âm nhạc thường được biết tới với tên gọi âm nhạc chương trình (programme music), trong khi thể loại âm nhạc không có những liên tưởng khác được biết tới với tên gọi âm nhạc thuần túy (pure music) hay âm nhạc tuyệt đối(absolute music). Một loạt những thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ có thể kết hợp với nhau trong một tổ khúc (suite), theo nghĩa của thời kỳ Lãng mạn hơn là nghĩa thời Baroque: “Con thiên Nga vùng Tuonela” (1895) là một bản thơ giao hưởng rút từ tổ khúc Lemminkäinen của Jean Sibelius.
Nhà soạn nhạc Franz Liszt đã sáng tạo thể loại thơ giao hưởng trên quy mô lớn, trong một loạt những tác phẩm âm nhạc một chương được sáng tác từ những năm 1840 và 1850. Liszt đã viết 13 bản thơ giao hưởng, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bản thơ giao hưởng số 3 – Les Préludes (Những khúc dạo đầu) dựa theo thơ của Alphonse de Lamartine. Bên cạnh những thơ giao hưởng dựa theo những thi phẩm của các thi hào như Lamartine, Hugo (Ce qu’on entend sur la montagne – Tiếng nghe trên núi, Mazeppa), Byron (Tasso: lamento e trionfo- Tasso: Lời than thở và chiến thắng)… Liszt cũng sáng tác thơ giao hưởng dựa trên kịch (Hamlet của Shakespeare) và dựa trên nguồn ngoài âm nhạc khác như hội họa (Du berceau jusqu’au tombeau – Từ chiếc nôi đến nấm mồ). Những tiền thân gần gũi của những thơ giao hưởng kiểu Liszt là những overture hòa nhạc, những chương viết cho dàn nhạc dành cho sân khấu, nhiều màu sắc và gợi liên tưởng mà được sáng tác để biểu diễn độc lập trong bất cứ một vở opera hay tác phẩm sân khấu nào: ví dụ như Fingal’s Cave của Felix Mendelssohn hay overture Roman Carnival (Ngày hội La Mã) của Hector Berlioz. Một overture độc lập thời kỳ đầu là Der Beherrscher der Geister (“The Ruler of the Spirits” – “Người cai trị những Linh hồn”, 1811) của Carl Maria von Weber, một overture gợi không khí ở mức độ cao mà không kèm một vở opera. Những tác phẩm hòa nhạc này đến lượt mình đã xuất hiện từ những overture của Ludvig van Beethoven chẳng hạn như những overture “Egmont”, “Coriolan” và “Leonore” No. 3, mà trong nội dung âm nhạc của chúng tiên liệu câu chuyện của tác phẩm sân khấu mà chúng giới thiệu (các vở kịch trong trường hợp “Egmont” và “Coriolan”, vở opera Fidelio trong trường hợp “Leonore”). Thậm chí những tác phẩm cho dàn nhạc được minh họa bằng những khúc nhạc theo bộ “cơn bão” mà là một thể loại được thiết lập trở lại với cơn bão mùa hè trong Bốn mùa của Antonio Vivaldi và một vài entr’acte (khúc trung gian, chuyển cảnh) buồn bã giữa các cảnh của opera Pháp thời kỳ Baroque.
Cũng có một số những tác phẩm một chương không viết cho dàn nhạc mà cho hòa tấu thính phòng hoặc nhạc cụ độc tấu, dựa trên một vài nguồn ngoài âm nhạc. Do tính chất phi dàn nhạc của chúng, những tác phẩm đó không được coi là “thơ giao hưởng”, mặc dù về mọi khía cạnh khác ngoài phối khí, chúng tương đồng nhau. Một trong những tác phẩm nối tiếng nhất như vậy là Verklärte Nacht (Đêm rạng rỡ) của Arnold Schoenberg, dựa trên một bài thơ, vốn được viết cho lục tấu đàn dây (mặc dù về sau được chuyển soạn cho hòa tấu quy mô lớn hơn).
* SUITE (TỔ KHÚC)
Tổ khúc (Suite) là một bộ các tác phẩm khí nhạc được sắp xếp theo thứ tự nhằm để biểu diễn riêng một mạch. Trong thời kỳ Baroque, tổ khúc là một thể loại khí nhạc bao gồm một số chương có cùng điệu thức, một vài hay tất cả dựa trên các hình thức và phong cách vũ khúc (các thuật ngữ khác dành cho nhóm các vũ khúc thời Baroque gồm có Partita, Overture, Ordre và Sonata da camera).
Việc ghép đôi các vũ khúc ít nhất cũng đã có từ thế kỷ 14 nhưng các nhóm tác phẩm được gọi là tổ khúc được biết đến sớm nhất là suyttes de bransles của Estienne du Tertre (1557). Tuy nhiên chúng chỉ tạo thành chất liệu thô cho một chuỗi các vũ khúc hơn là một chuỗi thực sự được chơi trên thực tế. Phần lớn các nhóm vũ khúc từ những năm 1840 tới cuối thế kỷ đó đều là những cặp tác phẩm, một điệu pavan hay passamezzo đi cùng một điệu galliard hay saltarello. Sự thôi thúc ghép nhóm kiểu tổ khúc có vẻ như bắt nguồn từ nước Anh tại thời điểm bước ngoặt thế kỷ, với William Brade và Giovanni Coprario, nhưng xuất bản phẩm đầu tiên của nhóm các tác phẩm kiểu tổ khúc với tư cách là các tác phẩm được ghép lại một cách đồng bộ là Newe Padouan, Intrada, Däntz und Galliarda (1611) của Peuerl mà bốn vũ khúc trên tiêu đề trở đi trở lại trong mười “suite” được thống nhất bằng điệu thức và chất liệu chủ đề. Banchetto musicale (1617) của Schein bao gồm 20 chuỗi paduana, gagliarda, courente, allmande và tripla được thống nhất một cách tương tự.
Sự phát triển của tổ khúc “cổ điển”, gồm có allemande, courante, sarabande và gigue theo trình tự đó (A-C-S-G), diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn đấu đối với nhóm A-C-S có lẽ được thực hiện bởi những người chơi đàn lute ở Paris hay những bậc thầy nhạc vũ khúc ở triều đình Pháp, những nhóm đầu tiên mà có thể xác định ngày tháng một cách chắc chắn kiểu như thế xuất hiện trong Tablature de mandore de la composition du Sieur Chancy (1629). Vũ khúc gigue chỉ được chấp nhận một cách thưa thớt khi nó bắt đầu xuất hiện trong những cách sắp xếp tổ khúc sau năm 1650 và ban đầu nó hiếm khi có được vị trí cuối cùng cổ điển. Froberger chỉ để lại duy nhất một tổ khúc A-C-S-G thật sự; cấu trúc A-G-C-S thông thường của ông được các nhà xuất bản đầu tiên của ông thay đổi trong các năm 1697 -98 cùng thời gian mà quy tắc được Buxtehude, Böhm và Kuhnau xây dựng cho các nhà soạn nhạc Đức. Ở nước Anh, tổ khúc với vũ khúc gigue rất hiếm (chẳng hạn như vũ khúc gigue không xuất hiện trong các tổ khúc của Purcell) và ở nước Pháp trong thời trị vì của Louis XIV, thường thì các tổ khúc cho đàn viol và harpsichord đi theo nhóm A-C-S-G cùng các vũ khúc khác. Các đặc trưng trong tổ khúc cho đàn harpsichord của L. Couperin, D’Angelbert và các nhà soạn nhạc khác bao gồm Prélude không nhịp và xu hướng xếp các tác phẩm đã có với nhau (đôi khi do các nhà soạn nhạc khác nhau viết). Chỉ có năm tổ khúc cổ điển hoặc ít hơn thế trong số 27 ordres của François Couperin – trong mỗi ordre số 1, 2, 3, 5 và 8 bao gồm năm hoặc mười khúc nhạc. Các ordre khác gồm các nhóm liên kết theo chương trình và pha tạp.
Người Pháp cũng sử dụng tổ khúc cho hòa tấu và dàn nhạc. Tổ khúc cho dàn nhạc thường được tạo bởi một nhóm tác phẩm từ các nguồn thể loại khác (đặc biệt là các opera và ballet của Lully). Nhiều tổ khúc bắt đầu bằng một overture và “overture-suite” (tổ khúc overture) được các nhà soạn nhạc Đức như J.S. Kusser, J.C.F. Fischer và Georg Muffat tiếp quản một cách hăng hái. Telemann khẳng định đã sáng tác không ít hơn 200 tổ khúc, nhưng bốn tổ khúc cho dàn nhạc của Bach và các tác phẩm “Nhạc nước” và “Âm nhạc dành cho các lễ hội pháo hoa hoàng gia” của Handel tỏ ra là minh chứng hay nhất của thể loại này.
Trong các tổ khúc khác của mình, cả Bach và Handel thường theo mô hình Prelude-A-C-S-X-G (trong đó X là một hay nhiều vũ khúc hoặc cặp vũ khúc thêm vào). Các tổ khúc cho đàn phím của Handel, lên tới khoảng 22 tổ khúc, phần lớn được soạn từ các tác phẩm đã có. Bach tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến thể loại này, với 6 tổ khúc cho cello, 3 partita cho violin solo và các bộ 6 tổ khúc Anh, tổ khúc Pháp và partita cho harpsichord. Bach sử dụng tổ khúc như một khối kiến trúc theo một tổng thể lớn hơn, sắp xếp từng tổ khúc để tạo ra khác biệt nào đó – hoặc tạo ra cùng loại tổ khúc nhưng theo một cách khác – vì thế bộ tác phẩm là một kiểu liệt kê tổ khúc dành cho phương tiện diễn đạt cụ thể đó.
Sau năm 1750, các thể loại sonata, giao hưởng và concerto bắt đầu lất át các chức năng của tổ khúc. Việc viết một tổ khúc trở thành một bài luyện tập cổ xưa, như các tổ khúc K399/385i của Mozart và các tổ khúc à l’antique mãi về sau của Ravel, Debussy, Strauss, Hindemith và Schönberg. Trong thế kỷ 19 tiêu đề ‘tổ khúc” ngày càng được sử dụng nhiều hoặc là đối với một bộ tuyển chọn cho dàn nhạc từ một tác phẩm lớn (đặc biệt là ballet và opera) hoặc là đối với một chuỗi các khúc nhạc kết nối với nhau một cách lỏng lẻo bằng một chương trình mang tính mô tả (ví dụ như tổ khúc “Những hành tinh” của Holst) hay bằng một chương trình ngoại lai hoặc mang tính dân tộc chủ nghĩa (như trong một số tổ khúc của Grieg, Sibelius, Tchaikovsky và Rimsky-Korsakov).
Sự độc lập đối với các hình thức vũ khúc có nghĩa là thể loại này có thể được cho là bao gồm các tác phẩm không được gắn tiêu đề “tổ khúc”, kể cả các bộ liên khúc cho piano của Schumann, “Năm tác phẩm cho dàn nhạc” của Schönberg và Momentecủa Stockhausen.
(còn nữa…)
(Nguồn: nhaccodien.info)