GS.,TS., nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Sinh ra trong vùng quê nổi tiếng với nhạc tài tử, thuở nhỏ Nguyễn Văn Nam đã chuyên “hầu” các bạn nhạc của cha. Rồi khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở thành thành viên nhí của tổ quân nhạc Quân khu 8 (sau là Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp).
Chính ở đây Nguyễn Văn Nam đã được trang bị những kiến thức căn bản về âm nhạc dưới sự kèm cặp của các nhạc sĩ nổi tiếng thời ấy là Huê Nhu, Nguyễn Hữu Trí, Phan Vân và đặc biệt là Hoàng Việt, người anh kết nghĩa có ảnh hưởng lớn trong quyết định suốt đời theo nghiệp âm nhạc của ông. Năm 1959, Nguyễn Văn Nam thi đậu vào khoa sáng tác Trường Âm nhạc VN. Ông tâm sự: “Có lẽ âm nhạc tài tử từ cha ông và những ngón đàn, tiếng đàn được nghe từ thuở nhỏ đã thấm vào hồn nên trong tôi luôn vẳng ra tiếng đàn mà không có tiếng hát”. Và với các tác phẩm Biển đêm dành cho cello và piano (1962), Rủ nhau đi gánh lúa vàng dành cho piano (1963), Trỗi dậy dành cho violon và piano (1964), tên tuổi nhạc sĩ đã được nhiều người biết đến.
Năm 1966, Nguyễn Văn Nam được cử đi Liên Xô cũ học sáng tác ở Nhạc viện Leningrad và tốt nghiệp xuất sắc năm 1973 với giao hưởng số 1 mang tên Tặng đồng bào miền Nam anh dũng. Năm 1974, ông được cử sang trường cũ để làm luận án tiến sĩ và lập gia đình với Tamara Blaeva, một cô gái người Kavkaz học chung.
Trong thời gian ở trời Tây, ông đã hoàn thành công trình Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống VN, nhận thêm bằng tiến sĩ về lý luận âm nhạc (1981), dạy học tại Trường âm nhạc Nantchic, cho ra đời một loạt tác phẩm kịch múa Việt Nam của tôi năm 1979; tổ khúc giao hưởng Tiếng sáo (dựa trên những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Bác Hồ) tại Moscow.
Với một khối lượng tác phẩm lớn, Nguyễn Văn Nam trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ) dù không mang quốc tịch Nga. Năm 1988, ông cùng vợ được cử là đại biểu của Hội Nhạc sĩ Liên Xô sang thăm VN theo lời mời của Hội Nhạc sĩ VN. Đây là chuyến về quê thăm mẹ (cha ông bị giặc Pháp giết trong chiến tranh) đầu tiên của ông kể từ năm 1954. Sau lần ấy, vợ chồng ông nung nấu quyết định về VN làm việc. Nhưng mơ ước của Tamara Blaeva đã không thành sự thật. Bà mất đột ngột vào năm 1990, để lại cho ông một đứa con gái 7 tuổi.
Năm 1991, gửi đứa con nhỏ cho bà ngoại, ông trở về VN lúc mẹ ông sắp vĩnh viễn ra đi. Người mẹ đã cấm khẩu mấy tháng, nghe tiếng gọi mẹ của con trai duy nhất bỗng bật lên: “Con đã về…”. Có lẽ tình cảm này đã được ông đưa vào bản giao hưởng số 8 Quê hương đất nước tôi, một tình cảm thương yêu da diết về mẹ. “Hỡi ai dù có đi xa. Nhớ chăng câu hát mẹ ru. Mẹ ru mẹ hát ầu ơ. Ầu ơ, ầu ơ…”.
Trong những năm sống ở quê nhà, ông đã viết nhiều tác phẩm khí nhạc và trở thành nhạc sĩ viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam hiện nay. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: 9 giao hưởng được biểu diễn thành công tại Việt Nam và Nga, Huyền thoại Kazka (Giao hưởng thơ – 1984), Tiếng sáo 1 (Tổ khúc giao hưởng 1986), Tiếng sáo 2 (Symphony – Cantate 2004), Hòa bình cho các dân tộc (Thanh xướng kịch – 1995), Việt Nam của tôi (Âm nhạc vũ kịch – 1979)… cùng nhiều tác phẩm thính phòng dành cho nhạc cụ độc tấu và hòa tấu. Năm 2003, giải thưởng duy nhất ở thể loại giao hưởng của Hội Nhạc sĩ VN đã dành tặng cho bản giao hưởng số 8 của ông. Nhạc sĩ được UBND TP.HCM trao tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật lần 4.
Viết nhiều nhưng ông cũng dành nhiều thời gian đào tạo, hướng dẫn nhiều lớp lý luận, sáng tác bậc đại học, cao học ở Nhạc viện TP HCM và Hà Nội. Ông cũng là nhạc sĩ VN đầu tiên được Mỹ đặt hàng để dàn dựng tác phẩm mới tại New York.
Ông sống cô đơn trong căn phòng không mấy gọn ghẽ và chẳng đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng Nguyễn Văn Nam lúc nào cũng yêu đời, lúc nào cũng cười vui, nhất là khi nói về các sáng tác. Trong liên khúc Tuyết rơi hứa hẹn được mùa, ông đã chọn lời thơ “Cuộc sống chẳng thảnh thơi nhưng tôi cứ yêu đời, ngợi ca đời mãi mãi”…
(Nguồn: Tuổi Trẻ)