Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủLý LuậnCó một dòng ca khúc lay động lòng người về đề tài...

Có một dòng ca khúc lay động lòng người về đề tài thương binh, liệt sĩ

8

(Tác giả: Minh Tuấn)

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, dòng ca khúc truyền thống cách mạng vẫn có một sức sống bền bỉ và một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc. Mỗi ca khúc như một trang lịch sử bằng âm thanh tái hiện lại một thời đau thương mà anh dũng của cả dân tộc. “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nét đạo lý ấy đã được biểu hiện sinh động trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam với một số lượng đáng kể các bài hát về đề tài thương binh, liệt sĩ, về những người con trung hiếu đã chịu nhiều mất mát, hy sinh để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Có một đặc điểm chung bao trùm trong những bài hát về mảng đề tài thương binh, liệt sĩ đó là: Nét giai điệu trầm lắng, tha thiết, mỗi ca từ đều toát lên thái độ thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng. Đó không chỉ là nỗi niềm xúc động riêng của người nhạc sĩ mà còn là tiếng lòng đồng điệu của bao người. Dễ lý giải điều này bởi những hy sinh, thiệt thòi, mất mát của những người thương binh, liệt sĩ và những người thân của họ là vì sự bình yên của Tổ quốc, vì vận mệnh của cả dân tộc. Chính lý tưởng sống đẹp đẽ, đáng trân trọng ấy đã thổi vào âm nhạc không khí vừa bi tráng vừa lạc quan. Để rồi những thế hệ của ngày hôm nay có thể cảm nhận được phần nào những trang sử hào hùng của dân tộc được thấm bằng mồ hôi, máu xương và nước mắt của các thế hệ cha anh. Đồng thời ý thức được cái giá của cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà mỗi người đang thụ hưởng.

Ra đời từ năm 1958, cách đây đã 56 năm nhưng ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vẫn được đánh giá là một ca khúc hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người về hình ảnh người nữ anh hùng của lực lượng Công an nhân dân – chị Võ Thị Sáu. Không giáo huấn về sự hy sinh, không hô hào cứng nhắc, cũng không bi lụy trước cái chết, chị Võ Thị Sáu hiện lên qua những giai điệu sâu lắng và gần gũi. Bằng một loạt nốt luyến, tác giả đã sáng tạo nên những giai điệu thiết tha, sâu lắng, thể hiện nỗi xót thương, nghẹn ngào trước sự ra đi đầy kiêu hùng của người con gái đất đỏ: “Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng…”. “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được ví như ca khúc mặc niệm người nữ anh hùng bất khuất, can trường. Nhiều người có dịp ra viếng mộ chị Sáu, dưới bầu trời xanh Côn Đảo, trong vi vút gió hàng dương và lắng nghe giai điệu của ca khúc này, trong lòng ai cũng dâng lên một nỗi niềm xúc động rưng rưng.

Bài thơ “Thời hoa đỏ” được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết ra vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau này, đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và đổi tên thành “Màu hoa đỏ”. Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhiều bài thơ thành nhiều ca khúc hay, nhất là những bài thơ viết về chiến tranh và người lính. Với “Màu hoa đỏ”, ông đã phổ nên một giai điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo, có người lính mùa thu ấy, ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che. Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Việt Nam ơi! Việt Nam! Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con. Việt Nam ơi! Việt Nam! ngọn núi nơi anh ngã xuống rực cháy lên, màu hoa đỏ phía rừng xa, rực cháy lên, màu hoa đỏ phía hoàng hôn”. Ca từ đẹp, trong sáng, hình ảnh giản lược nhưng gợi lên nhiều xúc động: Mái tranh nghèo, người lính trẻ, người mẹ già, ngọn núi đá, màu hoa đỏ… Giai điệu không vương nét u uất, bi thiết, thê lương của một bản nhạc truy điệu mà buồn chậm rãi, làm nao lòng người nghe. Thoáng có chút bùi ngùi nhưng phần hồn của “Màu hoa đỏ” là niềm tin tất thắng vào ngày mai.

Cũng viết về đề tài những người liệt sĩ đã không tiếc thân mình ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, nhạc sĩ Tân Huyền đã rất thành công với ca khúc “Cỏ non thành cổ”. Để rồi mỗi dịp tháng 7 về, giai điệu mượt mà của bài hát lại làm cho lòng người xốn xang. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã chinh phục người nghe bằng sự xúc động chân thành trong từng nét giai điệu, ca từ. Nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác ca khúc này vào ngày đầu xuân năm 1990, khi đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài nỗi đau trong chiến tranh cùng các nhạc sĩ: Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh…

Nói đến Quảng Trị là nói đến mảnh đất từng diễn ra những trận đánh ác liệt gắn liền với những vùng đất anh hùng như: Khe Sanh, Vĩnh Linh, địa đạo Vĩnh Mốc… đặc biệt, thành cổ Quảng Trị là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa giữa ta và địch. Khi tác giả sáng tác bài hát này, thành cổ Quảng Trị chưa có tượng đài, bảo tàng như bây giờ, chỉ có một màu cỏ xanh non tơ phủ khắp xung quanh. Cũng chính vì vậy mà màu cỏ xanh mướt nơi đây đã là cái “tứ” để những giai điệu đầu tiên của ca khúc vang lên: “Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi đàn con không trở về…”.

Những ca từ giản dị, tha thiết, sâu lắng mà gợi nên trong lòng người những nỗi niềm suy tư, trăn trở: Có những sự hy sinh đã ươm mầm cho sự sống cũng như xương máu các chiến sĩ đã ngã xuống cho lớp cỏ non mọc lên xanh mướt và trong cuộc sống hối hả của ngày hôm nay, nhiều lúc chúng ta đã vô tình quên đi quá khứ hào hùng một thời, quá khứ hào hùng ấy đã được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người. “Cỏ non thành cổ” thực sự là một ca khúc đặc sắc, tỏa sáng sự tri ân đối với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt là những người vợ, người mẹ có chồng, con ngã xuống trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, cũng có những người con trung hiếu trở về với cuộc sống đời thường khi đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Họ sống bình dị, có ích ở giữa quê hương trong sự ngưỡng mộ, biết ơn của cộng đồng, làng xóm khi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy. Đó cũng là nội dung được biểu hiện trong nhiều ca khúc được công chúng mến mộ. “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số đó. Năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến đã bắt gặp những dấu nạng in hằn trên nền cát biển. Sau đó, ông đã dò hỏi dân làng xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân đang đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu chân trên cát ngỡ như bình thường mà đầy sức ám ảnh ấy, tác giả đã sáng tác bài hát này. Hình ảnh người thương binh chống nạng, cứ mỗi bước đi là để lại một dấu chân tròn của đế nạng trên bãi cát có cái gì đó làm trĩu nặng lòng người. Nhưng rồi khi hát lên: …“Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi, quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò…” thì còn đọng lại trong lòng người là một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản xen lẫn niềm kính phục người thương binh giàu nghị lực.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những ca khúc hay về đề tài thương binh, liệt sĩ được nhiều người yêu thích. Dẫu trực tiếp hay gián tiếp, dù đề cập đến những người đã ngã xuống hay còn sống trở về trên mình còn mang theo những vết thương, di chứng của chiến tranh, những ca khúc về những người con trung hiếu cống hiến cho dân tộc đều mang một âm hưởng lạc quan, ngợi ca, tha thiết. Vẻ đẹp lãng mạn và sự bi tráng trong những nhạc phẩm về mảng đề tài này không những vẽ nên những bức tranh bằng âm thanh về một quãng thời gian hào hùng của lịch sử dân tộc, mà qua đó, các nhạc sĩ còn gửi gắm những thông điệp nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mỗi người, sống sao cho xứng đáng với những gian khổ, hy sinh của bao người vì sự thanh bình của cuộc sống hôm nay.

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN