(Tác giả: Minh Khuê)
Phim tài liệu “Màu cỏ úa” khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến vừa ra mắt khán giả sau 5 năm nỗ lực của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thúy Lan.
“Màu cỏ úa” có thời lượng 80 phút, khắc họa nhạc sĩ Trần Tiến qua giọng kể của ông, của người thân, bạn bè và những ca khúc đậm chất tự sự đan xen các đoạn phim tư liệu cũ được lồng ghép khéo léo. Tất cả vẽ ra trước mắt khán giả một Trần Tiến lãng tử, say mê ca hát từ thời trẻ cho đến Trần Tiến trung niên vẫn mải mê bước du ca và một Trần Tiến khi sang tuổi thất thập. Một điểm chung là dù ở bất kỳ độ tuổi nào, sự thay đổi hoàn cảnh sống ra sao, Trần Tiến vẫn là một “gã du ca” hiếm có của làng nhạc Việt, có sức thu hút rất riêng ở mỗi nơi ông xuất hiện.
Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim tài liệu “Màu cỏ úa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trong “Màu cỏ úa”, nhạc sĩ Trần Tiến tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển qua hành trình đến nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng… những nơi in dấu chân du ca của nhạc sĩ. Đạo diễn Nguyễn Thúy Lan nhấn mạnh vào ba yếu tố trên vì theo cô, ba yếu tố này dường như là những điều đậm đặc nhất, cũng chính là những yếu tố “tạo nên” con người Trần Tiến và âm nhạc của ông. Phim tài liệu mang đến sự hoài niệm khi nghe nhạc sĩ kể chuyện bằng âm nhạc, những ca khúc đại chúng mà chỉ cần vài nốt nhạc mọi người cũng sẽ biết và hát theo như: “Mặt trời bé con”, “Điệp khúc tình yêu”, “Tạm biệt chim én”… Chúng thường vang lên mộc mạc ở vỉa hè, những buổi lửa trại, ở quán ăn hay bất kỳ nơi nào trên đường phố.
Xem phim, khán giả còn cảm nhận được tình cảm, sức ảnh hưởng lớn mà Trần Tiến truyền tải cho người thân, bạn bè, đồng đội cùng những người trẻ say mê âm nhạc. Qua lời của nữ ca sĩ Trần Thu Hà – cháu gái của ông, khán giả càng hiểu rõ chân dung âm nhạc của Trần Tiến, một người nhạy cảm đến mức sợi tóc rơi cũng có thể tạo nên một ca khúc thì cớ gì tình yêu, mùa thu, dòng sông… lại không phải trở thành câu chuyện trong hàng loạt ca khúc khác của ông.
“Màu cỏ úa” không có quá nhiều kỹ thuật thuộc về điện ảnh bởi nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thúy Lan chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy. Cô cùng những người bạn của mình thực hiện bộ phim với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm bằng tất cả sự ngưỡng mộ nhạc sĩ Trần Tiến. Với tông màu đen trắng, những thước phim được thực hiện bằng nhiều loại máy quay khác nhau, đúng nghĩa “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, nhờ vào sự mộc mạc, chân thật và hiểu được nhạc của Trần Tiến từ chính sự yêu mến của mình, Thúy Lan tạo ra tác phẩm dễ thương, chạm được cảm xúc người xem, giúp khán giả hiểu hơn về “gã du ca” của làng nhạc Việt.
(Nguồn: https://nld.com.vn/)