Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Trần Tiến kể ‘Chuyện tình’

Nhạc sĩ Trần Tiến kể ‘Chuyện tình’

15

(Tác giả: Nguyên Khánh)

Nhạc sĩ Trần Tiến đàn, hát và kể chuyện đời chuyện tình. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhạc sĩ Trần Tiến như thường lệ là người dẫn chuyện dí dỏm trong chính đêm nhạc của ông. Lần này, ông trải lòng nhiều hơn trong đêm nhạc chung với nhạc sĩ Thanh Tùng trong “Chuyện tình live in concert” Trần Tiến-Thanh Tùng.

Thay vì hai đêm nhạc, nhà tổ chức quyết định dồn lại thành một đêm 27/3 tại Nhà hát Lớn. Ngay phần một, nhạc sĩ Trần Tiến xuất hiện cùng Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Quang Dũng và Hồng Nhung hát “Ngẫu hứng sông Hồng”.

Nhạc sĩ Trần Tiến khỏe mạnh dẫn chuyện, hát trong đêm nhạc “Chuyện tình” Trần Tiến-Thanh Tùng. Ảnh: Hòa Nguyễn

Lần đầu tiên làm chung đêm nhạc với nhạc sĩ Thanh Tùng, nay nhạc sĩ “Một mình” ở cõi khác thành ra Trần Tiến phải gánh cả vai kể chuyện về người đã khuất. Trong mắt nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Thanh Tùng tuổi trẻ tài cao. “Khi tôi gặp anh ấy, tôi chỉ làm ca sĩ, là một người làm hậu đài. Anh trở về nước sau khi học nhạc giao hưởng để chỉ huy ban nhạc của đoàn ca nhạc chúng tôi. Tôi nhớ mãi cái áo đẹp của anh Thanh Tùng mà Hà Nội lúc đó không ai có cái áo đẹp được như thế”, ông nhớ lại.

Ca sĩ Hồng Nhung là người đầu tiên được nhạc sĩ Thanh Tùng trao bản thảo “Một mình”. Ảnh: Hòa Nguyễn

Hai người không quá thân nhưng luôn yêu quý nhau. “Tôi luôn nghĩ đến nhạc của anh Thanh Tùng, như con người của anh ấy là một điệu trưởng sang trọng”, nhạc sĩ Trần Tiến nói. Ông cũng cảm ơn Ban tổ chức vì đã đặt tên chương trình là “Chuyện tình”. Bởi thế hệ của ông thuộc 4X (Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Thanh Tùng, Phú Quang) và lần đầu tiên có “Chuyện tình”.

“Thế hệ anh chị, những bậc thầy của chúng tôi lúc đó đâu có được viết về tình, chỉ toàn phục vụ cuộc chiến thôi. Cuộc chiến lúc đó rất tránh sự uỷ mị của tình cảm. Tôi thấy cũng đúng thôi, lúc đó là chiến đấu và chiến đấu xong rồi thì đến thế hệ chúng tôi. Và hôm nay chúng tôi rất vui khi được gặp lại bạn bè, quê hương ở đêm nhạc này”, ông nói.

Nhạc sĩ Trần Tiến có lối kể chuyện duyên dáng. Ông nhắc kỷ niệm liên quan tới “Ngẫu hứng phố”. Đó là lần ông trở lại Hà Nội gặp Nguyễn Cường, hai người rủ nhau ăn sáng nhưng trong túi có 7 nghìn đồng. Trần Tiến dẫn ông bạn đi ăn được tới 4-5 món, bởi cứ mua 1-2 nghìn đồng mỗi món rồi chia đôi cho hai người. “Tôi ăn xong tự nhiên hát “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất là mày thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có quý nhất là tình người thôi”, ông kể.

Bằng Kiều tự nhận mình là nghệ sĩ duy nhất được mời ngấm bối cảnh của Hà Nội trong “Ngẫu hứng phố”. Ảnh: Hòa Nguyễn

Bằng Kiều tự nhận trong số các nghệ sĩ tham gia chỉ mình “du thủ di thực, trèo me trèo sấu nên ngấm cái gọi là phố xá ngõ ngách rồi mưa rồi ngập lụt”. “Những ca khúc của chú Tiến không chỉ là âm nhạc đơn thuần mà nó giống như những phận đời mà ai cũng thấy mình trong đó. Với Bằng Kiều từ nhỏ được nghe âm nhạc của ông, như một món ăn tinh thần mỗi ngày”, Bằng Kiều nói.

Hai đêm nhạc nay dồn thành đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn. Ảnh: Hòa Nguyễn

Như bật mí trước đó, ca sĩ Trần Thu Hà chính là người phù hợp nhất hát “Không gục ngã”. Ca khúc ra đời khi nhạc sĩ Trần Tiến trải qua trận thập tử nhất sinh trên giường bệnh. Ca từ chính là lời nhắc nhở bản thân không thể đầu hàng tử thần, dù hoàn cảnh lúc ấy ông dường như không thể bước chân đi nổi.

Diva Hà Trần xứng đáng là người thể hiện tinh thần tốt nhất của “Không gục ngã”, ca khúc mới nhất Trần Tiến viết khi đang trên giường bệnh. Ảnh: Hòa Nguyễn

Đêm nhạc “Chuyện tình” không thể thiếu những ca khúc tình yêu gắn với tên tuổi hai nhạc sĩ này, nhất là ở phần ba với các ca khúc như “Mưa ngâu”, “Cô bé vô tư”, “Hát với chú ve con”, “Chuyện tình thảo nguyên”.

(Nguồn: https://tienphong.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN