Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩĐắm say cây đàn guitar cổ điển

Đắm say cây đàn guitar cổ điển

21

Tác giả: Nguyễn Văn Học

Ở Hà Nội từ hơn 60 năm trước cây đàn guitar đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đến hôm nay phong trào truyền dạy dòng cổ điển vẫn được các nghệ sĩ liên tục bồi đắp, lan tỏa tình yêu, khơi nguồn sáng tạo trong nhiều tầng lớp người dân Thủ đô.

Nhóm Thất cầm chơi guitar ở Hồ Gươm

Những người gây dựng

Tham dự vào một số lớp học guitar (hiện thường được ghi theo tiếng Anh, xưa ghi bằng tiếng Pháp “guitare”) và nghe các lão nghệ sĩ của nhóm “Thất cầm” (bảy nghệ sĩ guitar) mới thấy hết tình yêu của họ với loại nhạc cụ này. Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm, thành viên nhóm “Thất cầm” cũng là học trò của nghệ sĩ Tạ Tấn, cho biết, Tạ Tấn là người đầu tiên mở lớp dạy guitar tại Hà Nội. Tạ Tấn quê gốc Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), từ năm 15 tuổi đã vào Sài Gòn học đàn, sau đó về làng Ngọc Khánh (quận Đống Đa) dạy đàn đồng thời cùng em trai mở lớp ở 60 Hàng Bồ. “Nhóm chúng tôi bảy người thì bốn người học Tạ Tấn. Ông là một trong những người góp phần thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Suốt cuộc đời giảng dạy ông đã góp phần hình thành một thế hệ guitar sau này nổi tiếng như Nguyễn Văn Dị, Lê Hùng Phong, Trần Văn Thân, Đặng Ngọc Long, Ngô Ðăng Quang…”, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm chia sẻ.

Cơ duyên nào đã hình thành nhóm “Thất cầm”? Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm kể lại, từ năm 1954 ông và Đỗ Trường Giang đã gắn bó với nhau và thường cùng đi học. Ngoài học Tạ Tấn, các ông còn tìm đến học Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Xuân Khoát… Chẳng bao lâu hai ông đã gặp nghệ sĩ Hải Thoại từ Nam Định ra Hà Nội. Ý định thành lập một nhóm cùng chơi dòng guitar cổ điển (classic) nhen nhóm từ đây. Vũ Bảo Lâm tự hào: “Chúng tôi thường có những buổi chơi đàn ở công viên, rồi các ông Nguyễn Tỵ, Quang Tôn ở gần đó nghe tiếng, cùng bắt quen và chúng tôi thân với nhau. Ông Quang Tôn lúc đó có cuốn những tác phẩm của nhạc sĩ J. S. Bach (Đức) và học cơ bản nên kỹ thuật khá điêu luyện. Thời gian đó, nhóm lại gặp Đặng Quang Khôi ở miền Nam ra học Trường học sinh miền Nam. Quang Khôi có lối chơi lạ hơn tất cả, với tốc độ nhanh, ấn tượng. Rồi như cái duyên trời, nhóm lại gặp Phạm Văn Phúc – con của một nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội – có một lối chơi khá tài tử. Nghe theo tiếng gọi của tình bạn và niềm đam mê, Phạm Văn Phúc đã vui vẻ nhập nhóm”.

Cuối năm 1955, nhóm bảy nghệ sĩ đã quyết định lấy “Thất cầm” là tên chung của nhóm, với mong muốn tạo sân chơi chung cho những người chuyên dòng guitar cổ điển. Dù mỗi người có cuộc sống khác nhau, song họ luôn đoàn kết và chơi cùng nhau ở các công trường tại Thủ đô trước hàng nghìn công nhân, hoặc biểu diễn bên hồ Hoàn Kiếm. Người yêu âm nhạc, đặc biệt là các cô gái cứ vây quanh những chàng trai trẻ tuổi, hào hoa để nghe đàn và xin chữ ký. Nhiều cô gái thích các nghệ sĩ cũng thích luôn đàn và học đàn. Có gia đình hai chị em gái rủ nhau học chung thầy. Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc nhớ lại: “Có một niềm vui nữa, là năm 1956 Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, đó cũng là ngày khai sinh bộ môn guitar cổ điển Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Ngữ làm chủ nhiệm. Chương trình giảng dạy đã mang tính hệ thống, trở thành dấu mốc vô cùng quan trọng, vì cây guitar đã được đưa lên vị thế mới, từ nghiệp dư trở thành chuyên nghiệp, cũng từ đây đã tạo ra nhiều phong cách chơi độc đáo”.

Từ năm 1962 đến năm 1972 là những ngày tháng của tuổi trẻ sôi nổi của nhóm “Thất cầm” và nhiều nghệ sĩ khác, bởi họ không chỉ biểu diễn, mà tiếp nối thế hệ trước, các nghệ sĩ đã tích cực truyền dạy guitar. Nhìn vào những lớp học phân bố ở hầu khắp các quận, huyện của Thủ đô ngày đó sẽ thấy phong trào học sôi động ra sao. Nghệ sĩ Quang Tôn mở lớp dạy tại nhà tại 70 Cầu Gỗ; Vũ Bảo Lâm dạy ở 22 phố Hai Bà Trưng và làm gia sư cho nhiều gia đình yêu nhạc; Nguyễn Tỵ vừa dạy võ thuật, vừa dạy guitar cho nhiều lớp trong khu vực quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai ngày nay. Nhiều nghệ sĩ không là thành viên nhóm “Thất cầm” cũng tích cực mở lớp, như nghệ sĩ khiếm thị Văn Vượng sau khi học Văn Cao, Tạ Tấn đã mở lớp dạy ở 44 Hàng Bồ và B9 phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân); nghệ sĩ Trần Nhất dạy ở 132 Đường Láng, hay Trịnh Đình Thi dạy ở số 212 Khâm Thiên…

Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc

Đến năm 1985 nghệ sĩ Bảo Lâm xin vào Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Nội, có trụ sở tại 19 Hàng Buồm, để có cơ hội sáng lập CLB Guitar cổ điển Hà Nội và hoạt động ngay tại Hội. Một thời gian sau, CLB do Vũ Bảo Lâm làm Chủ nhiệm được chuyển đến hoạt động tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Khi Bảo Lâm được cử đi làm chuyên gia nước ngoài, công việc giao lại cho Phạm Văn Phúc. Các nghệ sĩ liên tục truyền dạy cho học trò và gửi gắm CLB cho những người trẻ như nghệ sĩ Như Dũng, Đặng Tuất và giờ là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Hà tiếp quản, mở rộng phong trào, mỗi năm dạy cho cả chục lớp với hàng trăm người học.

Anh Hoàng Chí Dũng, hiện là giảng viên dạy guitar cổ điển ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cho biết, có thể nói ở giai đoạn nhiều nhạc cụ khác còn hiếm, thì cây guitar với lợi thế là có thể chơi được ở bất cứ đâu, đã có sức lan tỏa rộng rãi, được chơi nhiều hơn vào những dịp mùa xuân, lễ hội. Và những chàng trai biết chơi guitar đã trở thành tiêu chí để các cô gái lựa chọn làm người yêu.

Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm

Tình yêu mới nhân lên

“Thất cầm” đã có công khơi nguồn cảm hứng, tình yêu, làm nên những tài năng guitar cổ điển giàu sáng tạo như Đặng Tuất, Hoàng Chí Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Tuấn Khang, Cao Sỹ Anh Tùng, Trần Việt Thắng… và ảnh hưởng tích cực đến tinh thần học đàn của thế hệ trẻ hôm nay. Tại Hà Nội đã có hàng chục CLB học guitar, từ các trường đại học, cao đẳng đến các nhóm công nhân trong doanh nghiệp, công trường xây dựng… Nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X có kỹ năng cũng đã đi làm gia sư cho các em học sinh. Anh Trần Việt Thắng đang dạy cho các em nhỏ ở KĐT Times City, tự hào: “Thế hệ các bác hiện còn bốn người đang sống và dạy ở Hà Nội, là Phạm Văn Phúc, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Tỵ, Quang Tôn vẫn miệt mài dạy đàn, dù tuổi đã cao. Là học trò của các bác, tôi cũng muốn đóng góp sức mình vào phong trào chung. Quả thật, học được guitar cổ điển, làm chủ cây đàn, mỗi người có thể nhân lên được những giai điệu cực kỳ tuyệt vời của cuộc sống này. Khi các em nhỏ chơi được nhạc, tinh thần cũng sẽ phấn chấn, ngoan ngoãn, hướng thiện hơn”.

Guitar có hai loại dây sắt và dây ni-lông tạo nên hai chất âm khác nhau. Do khát vọng chơi một chất nhạc đến đỉnh cao, cây guitar được cải tiến, bổ sung để phù hợp với từng dòng nhạc. Kỹ thuật chơi và nghệ thuật cũng có nhiều phát triển linh hoạt giúp cho từng phong cách âm nhạc ngày càng nên hoàn thiện và có đặc trưng riêng. Xét theo dòng nhạc, guitar được phân chia thành các dòng chính thống: guitar cổ điển (classic), guitar nhạc nhẹ, bass và đệm. Chiếc guitar cổ điển thường là đàn gỗ, có sáu dây, đôi khi được thiết kế thành 12 dây. Trong nhạc nhẹ, có nhiều thể loại phong phú hơn nên người ta cũng đồng thời chia guitar thành các dòng như guitar flamenco, jazz hay rock.

Tiến sĩ guitar Nguyễn Văn Phúc, người có nhiều năm học guitar tại Nga, nhờ tinh thần và nghị lực của các lão nghệ sĩ, TS Phúc thấy mình được truyền lửa. Hiện nay ngoài việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia, TS Nguyễn Văn Phúc còn tổ chức các lớp dạy thường xuyên ở ba cơ sở và sẽ còn mở rộng hơn nữa. Anh đang có hai học trò còn rất trẻ và xuất sắc, giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế là Nguyễn Hoàng Minh và Nguyễn Thanh Thảo.

Các lão nghệ sĩ vẫn đi, giao lưu, biểu diễn và truyền cảm hứng sáng tạo, nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. “Ở mỗi khung cảnh, mỗi mùa, tiếng guitar đều có cái hay riêng. Nhưng trong mùa xuân ấm, được chơi đàn, giao lưu cùng khán giả và các nghệ sĩ trẻ cũng là cách đón xuân vui vẻ và rất gợi hứng sáng tạo”.

(Nguồn: https://www.tienphong.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN