Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩNên có con đường mang tên NSND Lê Dung

Nên có con đường mang tên NSND Lê Dung

16

Tác giả: Phạm Học

NSND Lê Dung là một trong những người tham gia CLB Thiếu nhi Hạ Long đầu tiên (năm 1963), người cùng với NSND Quang Thọ làm rạng danh âm nhạc Vùng mỏ. Vì vậy, thiết nghĩ, Quảng Ninh nên chăng có một con đường mang tên Lê Dung?

Cố NSND Lê Dung.

Cố NSND Lê Dung (1951-2001) là giọng hát soprano huyền thoại của Việt Nam. Không chỉ là giọng nữ hàng đầu, sinh thời NSND Lê Dung còn kết hợp ăn ý với NSND Quang Thọ, đồng hương Quảng Ninh, đồng hành suốt nhiều thập kỷ.

NSND Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung, sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực lao động nghèo cầu 1, Cao Xanh, TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long).

Lê Dung nửa ngày đi học còn nửa ngày phụ mẹ làm ruộng, gánh rau ra chợ bán. Lúc đó, Lê Dung là một cô bé lớp 8 nhỏ thó, gầy gò xanh xao mà đã gánh được gánh rau rất nặng. Mê ca hát và có năng khiếu, dung mạo lại ưa nhìn nên Lê Dung sớm được mọi người chú ý.

Nhạc sĩ Bùi Đức Huyên lúc đó làm công tác Đoàn ở Quảng Ninh đã đến lớp học của Lê Dung và phát hiện ra tài năng này. Ông đưa Lê Dung vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long. Có một lần, cả đội của bà được báo đi hát phục vụ đoàn khách quý. Hát xong rồi, thấy 2 người đàn ông lịch thiệp đến xoa đầu khen hát hay, nhưng bảo các cháu gầy và xanh lắm, phụ trách phải quan tâm đến các cháu. Sau đó, mọi người mới biết đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Lê Dung bắt đầu năm 17 tuổi khi học hết lớp 10 phổ thông (hệ 10/10), bà đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học y, nhưng lại không theo học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, hát trên thao trường, dưới hầm mỏ, hát cho chiến sĩ vững tay súng chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc. Mỗi khi được lắng nghe tiếng hát Lê Dung, những người chiến sĩ như uống lấy từng lời, khắc ghi hình ảnh người ca sĩ quân đội xinh đẹp ấy trong trái tim mình trên đường ra trận.

Thậm chí có một đơn vị bộ đội vì mê tiếng hát của ca sĩ Lê Dung đã gửi từ chiến trường Nam Bộ ra một chiếc khăn nilon, chiến lợi phẩm của đơn vị, để ca sĩ quàng cổ giữ gìn sức khỏe và giọng hát mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Chiếc khăn gửi kèm bức thư có 11 chữ ký với mong muốn được nghe Lê Dung hát tại miền Nam. Mãi đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lê Dung mới vào được để đi hát cho các chiến sĩ nghe, nhưng cả 11 người lính ấy đã lần lượt ngã xuống anh dũng dọc đôi bờ Vàm Cỏ Đông.

Ca sĩ Lê Dung là người luôn cháy hết mình với nghệ thuật, với nhiệm vụ của một người chiến sĩ văn công. Lê Dung mải đi diễn theo đoàn đến nỗi cha mất cũng không về được, dù cha mẹ bà chỉ có bà là người con duy nhất. Lê Dung ngậm ngùi nhờ bạn mình ở nhà lo hậu sự cho cha. Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và sau đó 1 năm, bà theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

Đến năm 1982, bà tốt nghiệp thủ khoa và được công chúng yêu nhạc biết đến nhiều hơn. Càng ca hát, Lê Dung càng dần khẳng định là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam. Không chỉ thành công với dòng nhạc opera của Việt Nam, NSND Lê Dung cũng là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ và nhạc tiền chiến. Bà hát rất hay nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ… Với kỹ thuật điêu luyện, chất giọng cao mà rất ấm áp, truyền cảm, những nốt cao được giữ hơi nhả chữ rất mượt mà và dạt dào tình cảm, những bài hát do bà thể hiện đều thực sự là những kiệt tác còn mãi với thời gian, như: “Bài ca hy vọng”, “Mẹ yêu con”, “Bài ca Hà Nội”, “Chiều Hạ Long”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông”,  “Em ơi mùa xuân đến rồi đó,” ” Đêm đông”,  “Con kênh ta đào”…

Sự đồng điệu về dòng nhạc, đồng hương lại cùng hoàn cảnh trưởng thành của giọng hát từ hầm lò đến thao trường, giảng đường đã giúp Lê Dung và Quang Thọ luôn là cặp đôi ăn ý và mẫu mực, tạo nên những dấu ấn mãi mãi với thời gian trong dòng nhạc thính phòng nói riêng và nhạc cổ điển Việt Nam nói chung.

NSND Lê Dung đã đoạt một số giải thưởng cao quý như: Giải tư cuộc thi quốc tế những nghệ sĩ hát opera trẻ, tổ chức tại Sofia (Bulgaria); Giải thưởng Toulouse (Pháp); Giải Mùa xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ). Năm 1984, Lê Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Năm 1986, Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô (cũ), nay là Liên bang Nga. Năm 1990, ca sĩ Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bà cũng là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Năm 1991, ca sĩ Lê Dung được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà phải dừng cuộc rong chơi với âm nhạc đột ngột khi sự nghiệp và tài năng đang ở đỉnh cao. Lê Dung mất ngày 29/1/2001 do tai biến mạch máu não.

Sinh thời, NSND Lê Dung đã nhiều lần về Quảng Ninh tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh. Bà luôn tự hào là người con của Quảng Ninh. Vì vậy, thiết nghĩ Hạ Long nên có một con đường mang tên Lê Dung. Ở tỉnh ta đã có những trường hợp văn nghệ sĩ được đặt tên đường như đường Võ Huy Tâm ở Cẩm Phả, đường Nguyễn Tuân ở Cô Tô. Trường hợp Nguyễn Tuân, nhà văn này không sinh ra, lớn lên và gắn bó với Quảng Ninh mà chỉ có một bút ký về Cô Tô sau chuyến thực tế sáng tác nhưng đã được ghi nhận, tôn vinh đặt tên đường. Nếu đặt tên đường cho NSND Lê Dung tại Hạ Long thì chẳng những tôn vinh được những đóng góp lớn lao của nghệ sĩ cho quê hương mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với giới văn nghệ sĩ, những người đang ngày đêm sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, làm giàu có bản sắc văn hóa của một vùng địa đầu Tổ quốc.

(Nguồn: https://baoquangninh.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN