Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Tô Vũ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm...

Nhạc sĩ Tô Vũ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1974-1976)

10

(Tác giả: Nguyễn Thụy Kha – Biên tập: Quỳnh Anh)

Nhạc sĩ Tô Vũ (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1974-1976)

(Nguồn: internet)

Nhạc sĩ Tô Vũ, tên khai sinh là Hoàng Phú, sinh ngày 9 tháng 4 năm 1923, tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Ông là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam. Nguyên là Viện trưởng Viện Âm nhạc cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1974-1976. Ông mất ngày 13/5/2014.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Ca khúc: Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Tiếng hát thanh xuân, Như hoa hướng dương, Những cánh buồm theo gió Đảng… Hòa tấu dàn nhạc dân tộc Nông thôn đổi mới (cùng viết với Tạ Phước), Hoàng hôn trên xóm nhỏ. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho sân khấu (Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối) và điện ảnh. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chèo, cồng chiêng, đàn đá, thang âm – điệu thức và âm nhạc dân gian Việt Nam…

Hoàng Phú hoạt động âm nhạc từ năm 1938 trong nhóm “Đồng Vọng” cùng anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng), một trong những người góp mặt từ những ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.

Trong số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên là Leprêtre – chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.

Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm Ngữ, Canh Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần ủng hộ cho nền tân nhạc Việt Nam. Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng lên sức mạnh thăng hoa của toàn dân tộc. Hoàng Phú khi đó cùng ban nhạc gia đình, căn bản là tìm cách thể hiện tốt nhất những tác phẩm của người anh cả Hoàng Quý yêu mến. Chỉ đến khi người anh cả số phận đoản mệnh Hoàng Quý sắp rời cõi đời, để lại lời trăng trối với em về việc phải cố gắng suốt đời thay anh phụng sự hết tâm huyết cho nền âm nhạc Việt Nam đã lại thêm một cú hích mạnh, khiến Hoàng Phú không còn bước lùi. Viết ca khúc “Tạ từ”, chính là Hoàng Phú muốn trút hết tâm sự, muốn vĩnh chào quá khứ ngây thơ để bắt đầu một hành trình mới: “Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh/Gió dâng khúc đàn thanh bình/Ta đi tìm thơ/Muôn phương gót in núi rừng thâm u…” . Hành trình kháng chiến và cũng là hành trình về nguồn tìm lại chính mình trong âm hưởng dân tộc.

Khởi đầu hành trình với tâm hồn mê mải tìm kiếm, Hoàng Phú còn không để ý chăm sóc tới dung mạo của mình, mới 25 tuổi mà râu đã để dài như người già, khiến nhà thơ Xuân Diệu phải tặng cho một bút danh mới là Tô Vũ.

Hoàng Phú thấy bút danh này hình như có vẻ hợp với mình nên nhận ngay. Từ đó, bắt đầu một nhạc sĩ Tô Vũ. Trong một lần cùng Nguyễn Đình Phúc đi điền đã ở vùng giáp ranh Bắc Ninh, Tô Vũ đã gặp “tiếng sét ái tình” với âm nhạc dân tộc mà đến lúc này mới được nghe thực sự.

Từ đó, Tô Vũ đã nhận ra con đường đi của mình mà chính “Đề cương Văn hóa 1943” của Đảng đã chỉ ra: “Dân tộc – khoa học – đại chúng”. Đấy là cuộc song hành của sự tìm tòi trong 2 ngôn ngữ sáng tạo âm nhạc. Một lối là tìm ra ngôn ngữ nhạc kinh viện nhưng mới mẻ trong những ca khúc trữ tình (romance). Đấy là việc cho ra đời “Tiếng chuông thiên thu” và đặc biệt là “Em đến thăm anh anh một chiều mưa” nổi tiếng. Chỉ từ một cuộc đến thăm của cô em gái Hoàng Hải mùa đông năm 1948, vậy mà với sự tưởng tượng của mình về tình yêu, Tô Vũ đã trút vào giai điệu tiếng thầm thì, da diết của lãng mạn đôi lứa. Dù ca từ vẫn viết rất trung dung: “Em đến thăm anh người em gái/Tà áo hương nồng/Mắt huyền trìu mến/Sưởi ấm lòng anh” nhưng người nghe vẫn nhận thấy đấy là câu chuyện chàng và nàng nhiều hơn là chuyện anh em ruột. Nếu ai chưa từng biết chuyện này chắc chắn đấy là câu chuyện giữa chàng và nàng. Với sức tưởng tượng của tuổi thanh xuân cùng với tài năng mẫn tiệp, Tô Vũ đã góp vào dòng ca khúc lãng mạn một nhạc phẩm bất hủ.

Năm 1948, nhạc sĩ Tô Vũ đóng vai trò là Thư ký Đoàn Nhạc sĩ Liên khu III và được chọn là đại biểu giới Văn nghệ Khu III (1948 và 1950) đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật được thành lập, ông được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban. Sau đó, ông ở lại Việt Bắc cùng nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Hữu Hiếu xây dựng Ban Âm nhạc (Vụ Nghệ thuật của Bộ Giáo dục) và sưu tầm nghiên cứu nhạc Chèo.

Khó mà tin rằng tác giả “Cấy chiêm” (thơ Quách Vinh) tràn ngập âm hưởng chèo lại cũng là tác giả “Em đến thăm anh một chiều mưa” (đã được hát vang ở các vùng tạm bị chiếm). Nhưng đó mới thực sự là tài năng, là cá tính sáng tạo của Tô Vũ. Từ “Cấy chiêm”, Tô Vũ còn đi tới “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” với vẻ đẹp âm thanh thuần khiết đến trác tuyệt: “Toàn dân ghi ân đức Người dài lâu như núi sông, như mưa rơi trên đồng khô, như ánh nắng ngày mùa …”. Tất cả những hun đúc ấy, tích tụ ấy đã đưa Tô Vũ đến tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc tiêu biểu “Nông thôn đổi mới” ngay sau hòa bình (viết cùng Tạ Phước).

Năm 1952, Tô Vũ cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên và Thế Lữ xây dựng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông lại cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc và Lê Yên về Ban Nhạc Vũ – tiền thân của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Lê Yên và Thái Thị Liên, tham gia giảng dạy kiêm Chủ nhiệm bộ môn Lý luận – Sáng tác (1959-1967). Ông là người xây dựng hệ thống giảng dạy môn âm nhạc cho trường phổ thông của Trường Sư phạm Thể dục và Âm nhạc Trung ương (sau này là Trường Sư phạm Nhạc Họa), là Phó Hiệu trưởng của Trường. Sau khi giải phóng miền Nam, ông vào làm Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, Tô Vũ cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng thế hệ sáng tác nhạc sau này. Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại TP HCM.

Nhạc sĩ Tô Vũ là người hoạt động trên nhiều lĩnh vực âm nhạc: giảng dạy, quản lý, nghiên cứu lý luận và sáng tác. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp xuất sắc.

Các cuốn sách đã được xuất bản: Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam (Nxb. Âm nhạc, 1995), Băng nhạc Tô Vũ và Tuyển chọn ca khúc Tô Vũ (DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I năm 2001.

(Nguồn: https://bcdcnt.net/, https://nld.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN