Tác giả: Mai Đức Hạnh
Beethoven: âm nhạc và cuộc đời của Lewis Lockwood là ấn phẩm nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven, khổ sách: 16 x 24 cm, gồm 736 trang, bìa cứng, do công ty OmegaPlus và nhà xuất bản Dân trí thực hiện năm 2020. Bản tiếng Việt do Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh dịch; Trang Trịnh hiệu đính. Cuốn sách gốc có tựa: Beethoven: The Music and the Life (Norton, 2002) viết bằng tiếng Anh, được đề cử giải Pulitzer hạng mục sách tiểu sử. Bản tiếng Việt được thực hiện bởi OmegaPlus có thêm giá trị thực tế bởi phần Index và danh sách bản nhạc, kèm ô quét mã QR để nghe nhạc theo danh sách.
Về tác phẩm Beethoven: âm nhạc và cuộc đời.
Tháng 3 năm 2020, thị trường sách nước nhà đón chào cuốn Beethoven: âm nhạc và cuộc đời (Lewis Lockwood) – tựa gốc Beethoven: The Music and the Life (Norton). Tác phẩm này không hề mới với thế giới, bởi cuốn sách đã được phát hành từ năm 2005 và gây tiếng vang với cộng đồng yêu nhạc cổ điển cũng như độc giả khắp các nước châu Âu, Mỹ…
Ảnh: Trần Thương Hà
Cuốn sách bắt đầu với phần Dẫn nhập, trong đó tác giả đưa ra những dòng trích từ ba lá thư do chính Beethoven đã viết ở ba giai đoạn chính trong cuộc đời: thời niên thiếu, trưởng thành và tuổi già. Ba lá thư viết cho mỗi đối tượng khác nhau – người đã giúp đỡ Beethoven khi còn là một cậu thiếu niên, một cô bé hâm mộ, và người bạn thân cũ – đã bộc lộ những khía cạnh tính cách, tâm tưởng của người viết. Beethoven có lẽ chưa bao giờ nghĩ những dòng viết riêng tư này được hậu thế tìm lại và lưu truyền, bởi vậy giá trị của chúng thực sự to lớn đối với chúng ta, để có cái nhìn khách quan khi đứng từ góc độ chủ quan của nhà soạn nhạc.
Ở lá thư đầu tiên được đưa ra, người đọc có thể mường tượng hình ảnh cậu thiếu niên mười sáu tuổi Ludwig van Beethoven trước ngưỡng cửa cuộc đời, đầy khát vọng tiến thân, ước mong được học hỏi và xây dựng sự nghiệp ở Vien, nhưng cũng bối rối vô cùng bởi hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo: bị kìm kẹp bởi người cha nát rượu, mẹ mất sớm, ba đứa em còn quá nhỏ cần trông chừng. Lá thư ở thời kỳ trưởng thành được nêu là lá thư ở tuổi bốn mươi, trong đó Beethoven đã viết những dòng như thể vừa khuyên nhủ cô bé hâm mộ phương xa, lại vừa tự nhắc nhở bản thân: “Nghệ sĩ đích thực thì không ngạo mạn”. Lá thư cuối cùng được Lockwood nhắc tới: “Tôi vẫn hy vọng sáng tác một vài tác phẩm quy mô lớn, và rồi, như một đứa trẻ già nua mà kết thúc những ngày sống trên thế gian giữa những người tốt bụng” – từ dòng thư này, người đọc có thể cảm nhận, cho đến cuối đời, Beethoven vẫn là con người luôn muốn rèn luyện bản thân cho sự nghiệp âm nhạc, và hướng tới Chân – Thiện – Mỹ cho cuộc đời.
Cách Lewis Lockwood sắp xếp đưa nội dung ba lá thư lên ngay đầu cuốn sách đã giúp cho độc giả chiêm ngưỡng chân dung nhà soạn nhạc sơ bộ trước khi lật trang sang các phần nội dung chính.
Dựa theo các mốc sự kiện chính dọc theo cuộc đời nhạc sĩ và quá trình phát triển về phong cách sáng tác, thủ pháp nghệ thuật, Lockwood chia cuộc đời của Beethoven thành bốn thời kỳ, tương ứng với bốn phần của cuốn sách. Mỗi phần không chỉ phân tích những tác phẩm mà còn thảo luận về các sự kiện chính trị xã hội mỗi thời kỳ đã ảnh hưởng đến nhạc sĩ. Đan xen trong đó có vài chương tập trung tả từng giai đoạn trong cuộc đời của Beethoven, còn lại là giới thiệu và phân tích cả sơ bộ lẫn chi tiết các tác phẩm theo số Opus.
Phần Một: Những năm đầu đời (1770 – 1792)
Đây là phần có số trang ít nhất so với các phần khác, song lại chứa đựng những thông tin quan trọng, về nền tảng xây dựng bối cảnh lịch sử – địa lý cho nhân vật chính của cuốn sách: đó là khoảng những năm 1770, tại Đế chế La Mã Thần thánh – phân nhánh Áo, cụ thể là thành Bonn, nơi đây Beethoven sinh ra và lớn lên. Trong Chương 1 Những bước khởi đầu[i] tác giả Lewis Lockwood phác thảo những nét cơ bản về đời sống xã hội thành Bonn thời bấy giờ, và cụ thể hơn là mô tả về đời sống văn hóa của quê hương Beethoven. Từ bức tranh toàn cảnh đó, người đọc được dẫn dắt thâm nhập vào ngôi nhà của Beethoven, ngắm chân dung người ông nội cùng tên với nhà soạn nhạc, và bố mẹ nhạc sĩ. Tuy nhiên, những dòng kể về đời tư của từng thành viên trong gia đình Beethoven không nhiều, Lockwood nhanh chóng chuyển sự chú ý của người đọc sang hướng quan sát đời sống âm nhạc quanh cậu bé Ludwig, với những nhận định chung về sự thịnh hành của thể loại opera, những điểm nổi trội của dàn nhạc địa phương. Các mục sau trong chương sách dành để nói về những người có ảnh hưởng sâu nặng tới tinh thần, thủ pháp sáng tác của Beethoven: phân mục Bach từ bàn tay Neefe diễn tả cách Neefe, người thầy đầu tiên của Beethoven mang học trò mình đến với thế giới của Bach; phân mục Kant, Schiller và phong trào Khai sáng, Max Franz và di sản Mozart làm rõ tác động của các tư tưởng, sức cảm hóa mà Beethoven hấp thụ khi còn ở giai đoạn trứng nước. Ở Chương 2 Âm nhạc những năm ở Bonn có chứa một phân mục khá thú vị, tiêu đề Đoạn này đã được đánh cắp từ Mozart, chính là bút tích Beethoven để lại trong bản phác thảo từ năm 1790, khi chàng nhạc sĩ ở đang tuổi hai mươi tròn. Dĩ nhiên rằng đoạn nhạc được ghi dòng chữ đó không xuất hiện trong bất cứ tác phẩm nào chính thức, nhưng điều đó cho thấy Beethoven đã tự mình phát hiện ra mức độ ảnh hưởng của Mozart với bản thân sâu sắc đến cỡ nào. Cùng với nhiều bằng chứng khác thu thập được từ các phác thảo, tác phẩm của Beethoven, từ việc quan sát cách Beethoven xây dựng vòng vận động hòa thanh, cách xây dựng chủ đề, Lockwood đã rút ra những nhận định rất sắc sảo về mối liên kết giữa Beethoven với thần đồng âm nhạc tiền bối, đại diện thiên tài tiền nhiệm.
Phần Hai: Thời kỳ trưởng thành thứ nhất (1792 – 1802)
Theo dõi từ Dẫn nhập, Phần Một, người đọc theo dẫn dắt của Lewis Lockwood càng lúc càng bước sâu vào thế giới của Beethoven, tới đây là Phần Hai của sách, nơi tập trung những thông tin về tiến bộ nghệ thuật của nhà soạn nhạc. Phần Hai gồm 6 chương (từ chương 3-8), bao gồm hai chương nói về chuyện cuộc đời, ba chương bàn luận về âm nhạc và một chương khái quát cả thời kỳ.
Chương 3 Những năm đầu ở Vienna bao quát câu chuyện về bối cảnh bầu không khí chính trị thời bấy giờ, cùng các tác động từ vua chúa và giới quý tộc, mối quan hệ với Haydn – người thầy vừa có ý nghĩa lớn lại vừa xung khắc về quan điểm sáng tác của Beethoven, và bước đầu nhạc sĩ tiến vào giới xuất bản.
Chương 4 Âm nhạc những năm đầu ở Vienna chỉ ra các tác phẩm nhạc thính phòng nổi bật của thời kỳ đầu, bên cạnh đó còn có phân mục dành riêng viết về Việc chỉnh sửa các tác phẩm đã viết từ trước, ghi nhận sự tiến bộ của Beethoven sau quá trình trau dồi kỹ năng viết phức điệu, song cũng chỉ rõ ảnh hưởng của các bậc thầy đối với các tác phẩm của nhạc sĩ trẻ.
Chương 5 Những năm khủng hoảng chứa đựng phần nội dung được nhiều độc giả đón đọc nhất, bởi ở đây Lockwood đề cập tới những chi tiết tiểu sử nổi tiếng của Beethoven, là Bệnh điếc và Chúc thư Heiligenstadt. Đối với các vấn đề đời tư này, Lockwood không quá sa đà vào diễn tả các triệu chứng bệnh tật của Beethoven và các chi tiết mối quan hệ của Beethoven với người thân, mà tập trung vào diễn biến tâm lý, khai thác chiều sâu cảm xúc của nhân vật. Cùng với đó, Lockwood chỉ ra sợi chỉ kết nối Chúc thư với các tác phẩm của Beethoven, đó là chủ đề tang tóc và cái chết trong chương kết Adagio Tứ tấu dây Opus 18 số 6, La Malinconia, hoặc chương chậm “Hành khúc tang lễ cho cái chết của một anh hùng” của Sonata piano Opus 26 và Marcia funebre/Hành khúc tang lễ của Giao hưởng số 3 Eroica.
Chương 6 Âm nhạc cho Piano và với Piano ghi dấu những sáng tác quan trọng của Beethoven thời kỳ đầu. Lockwood làm rõ các luận điểm về “Con đường mới”, làm rõ sự tách biệt giữa sự phát triển phong cách nghệ thuật theo hướng mới với cuộc khủng hoảng về đời tư của Beethoven. Lockwood chỉ ra rằng, nhờ việc quan sát từng dấu vết bút tích, các đoạn nhạc ghi lại ý tưởng trong các tờ phác thảo rời, những tập bản nhạc và Các quyển phác thảo thời kỳ đầu, người ta có thể nhận thấy sự tiến bộ của Beethoven đi con đường tiến bộ riêng, chứ không phải chỉ nhờ những đau đớn trong chuyện đời mà nhạc của ông mới có sự phát triển bước ngoặt. Đây là một khía cạnh đắt giá của cuốn Beethoven: Âm nhạc và Cuộc đời, thể hiện tính khoa học, mức độ căn cứ chính xác mà Lewis Lockwood đạt được khi biên soạn công trình đồ sộ này.
Chương 7 Âm nhạc cho dàn nhạc và các tứ tấu đầu tiên giới thiệu cho bạn đọc về công trình sáng tác các giao hưởng số 1, số 2, vở Ballet Prometheus, về ảnh hưởng từ các sự kiện chính trị, văn hóa và âm nhạc Pháp, quân nhạc và quá trình sáng tạo các tứ tấu dây thuộc op.18. Đây là một trong những chương viết chứa đựng rất nhiều phân tích tỉ mỉ của Lockwood trong tổng phổ các bản nhạc, cùng những liên hệ với các nguồn văn thơ, ca khúc của các tác giả khác để so sánh, làm rõ nguồn gốc ý tưởng, đặc biệt là La Marseillaise của Pháp quốc.
Chương 8 Thời kỳ trưởng thành thứ nhất: cái nhìn khái quát thể hiện rõ chức năng “bản lề” của âm nhạc Beethoven giữa Chủ nghĩa Cổ điển và Trường phái Lãng mạn ở khía cạnh quan điểm thẩm mỹ. Lockwood trích dẫn lời của Mozart:
“Những đam mê, dù mãnh liệt hay không, không bao giờ được thể hiện đến độ ghê gớm, và âm nhạc không bao giờ được phép xúc phạm tai nghe, ngay cả trong những tình huống khủng khiếp nhất, mà phải luôn làm vui thích…nói cách khác, luôn như thế mới là âm nhạc”.
Song, Beethoven, con người sinh ra vào thời đại giao tranh bởi các luồng tư tưởng đối lập, người bị ảnh hưởng bởi trào lưu Bão táp và Xung kích, lại viết ra thứ âm nhạc mà nhà sử học, triết gia Johann Gottfield Herder mô tả là:
“…khơi dậy một loạt những cảm xúc thân tình, chân thực mà không hiển hiện hẳn ra, thậm chí không cảm nhận được bằng các giác quan, chỉ là những cảm xúc khó hiểu nhất… bạn… đang ở trong thính phòng tối tăm của âm nhạc; âm nhạc than vãn, thở dài, la lối, hân hoan; bạn cảm thấy tất cả những cái đó, bạn rung động cùng mỗi dây đàn… Tất cả mọi thứ chỉ khuấy động trong vực thẳm tối tăm nhất của tâm hồn bạn, giống như một cơn gió đang quấy động lòng đại dương”.
Rõ ràng, Beethoven là học trò của các tiền bối trụ cột của Chủ nghĩa Cổ điển, đã tiếp thu những gì tinh hoa nhất của Bach, Neefe, Haydn, Mozart… về các vấn đề kỹ thuật sáng tác, song cái Tôi của người nhạc sĩ tài hoa đã tìm được phương cách để cất lên tiếng nói riêng mình khi thể hiện ngôn ngữ âm nhạc cá tính, qua quá trình chắt lọc và thấm nhuần các luồng tư tưởng văn hóa đương thời. Đây là chương viết sắc sảo của Lewis Lockwood, là lời giải đáp cho câu hỏi “cái Tôi của Beethoven thể hiện như thế nào?”.
Phần Ba: Thời kỳ trưởng thành thứ hai: 1802 – 1812
Tương tự với Phần Hai, Phần Ba cũng chia làm 6 chương viết tựu trung những vấn đề mang tính chất trọng đại trong thời đại của Beethoven và những đổi thay mạnh mẽ trong bút pháp sáng tác.
Chương 9 thể hiện Beethoven trong thời đại mới, chính là thời đại mà Napoleon vươn mình trỗi dậy, tự phong làm Hoàng đế, gieo rắc nỗi sợ hãi khắp châu Âu. Những chính biến của châu Âu thời gian này đã tác động đến Beethoven sâu sắc, khiến “thái độ suốt đời của Beethoven với Napoleon dao động giữa ngưỡng mộ và chán ghét, giữa tán thành và khiếp sợ, nhưng nó luôn mang một cảm giác gắn bó cá nhân mạnh mẽ với một người cùng thời, người có tham vọng khổng lồ, ý chí quyền lực và ý thức số phận, song được bộc lộ theo cách khác, dường như phản chiếu bản thân ông”.
Giai đoạn này, Beethoven đã bước vào quãng tuổi trung niên, cũng là khoảng thời gian một người bình thường để tâm lo liệu tổ ấm gia đình, đương nhiên Lockwood cũng có những dòng viết về vấn đề đó. Nếu như cuốn Beethoven: tiểu sử một thiên tài (Beethoven: Biography of a genius) của George R. Marek có chương Những người phụ nữ trong cuộc đời của Beethoven chiếm gần một trăm trang, nhưng trong sách của Lockwood, ông chỉ dành tầm 5 trang để thâu tóm chuyện tình cảm đời tư, trong phân mục Những mối quan hệ với phụ nữ.
Chương 10 chứa đựng những phân tích về một loạt các giao hưởng từ số 3 đến số 8 của Beethoven, được Lockwood coi là Những ý tưởng giao hưởng mới bởi nội dung và phong cách của các giao hưởng này, dù mỗi bản mỗi vẻ khác nhau, đều có những cách tân mang tính lịch sử đối với thể loại, vượt ra khỏi phạm vi tư tưởng, cách thức xây dựng của Haydn hay Mozart. Điều đó nằm ở Tính anh hùng và cái đẹp. Sau khi khai thác các thông tin lịch sử sáng tác của bản số 3, vốn rất quen thuộc với thời đại bởi câu chuyện về cái tên “Eroica” được thay cho “Bonaparte”, cùng các nhận định về cả hình thức, hòa âm, phối khí, Lockwood hướng mũi nhọn phân tích về phía Giao hưởng số 4, vốn bị nhiều cây bút và thính giả coi là một bước thụt lùi. Ông đưa ra những yếu tố độc đáo của tác phẩm này về quy mô các chương nhạc, diễn tiến tốc độ, cách phối khí trở lại với Mozart, Haydn thời kỳ cuối, và cuối cùng Lockwood ngợi ca đó là một tác phẩm “nổi bật nhờ nét duyên dáng, năng lượng và tính chất nhẹ nhàng, nhờ cảm giác đùa giỡn thần tiên tinh tế, giữa những lực đẩy cân bằng”. Về bản số 5, Lockwood đưa ra bằng chứng để chứng minh đây là một tác phẩm mang tính chất của thể loại fantasia, đó là sự liên hệ giữa các chương trong tác phẩm, thứ nhất do sự quay trở đi trở lại của một mô típ, thứ hai là do sự nối liền chương Scherzo và chương cuối. Viết về bản số 6 Đồng quê, Lockwood đã có những dòng diễn tả, phân tích âm nhạc vô cùng chặt chẽ, hơn nữa, đây còn là nơi chứa mạch văn hấp dẫn nhất nhì cuốn sách, bởi cách ông gắn kết những lý luận phân tích chuyên ngành cụ thể với yếu tố gợi tả hình ảnh vốn trừu tượng, đủ thuyết phục người đọc, cho phép độc giả hình dung rõ nét về một thế giới đồng nội mà Beethoven chỉ diễn tả bằng nốt nhạc. Vai trò cầu nối giữa khán giả với âm nhạc của nhà lý luận âm nhạc học thể hiện ở chương sách này vô cùng rõ ràng.
Lockwood đưa ra một nhận định quan trọng về các bản giao hưởng: bản số chẵn (4, 6 và 8) tránh lối viết phức điệu “bởi với cách viết này không tạo thời gian cho phép Beethoven di chuyển tới những ý tưởng được xác định rõ về tiết tấu trong từng chương, vì phải dành chỗ cho một đoạn diễn giải đối vị chỉ phù hợp cho một trong số những ý nhạc đó”, trái với các bản số lẻ (3, 5, 7 và 9). Từ đây Lockwood chỉ ra tính thẩm mỹ nhị nguyên của các bản giao hưởng số chẵn và số lẻ.
Chương 11 Các concerto thời kỳ trưởng thành dành cho mỗi tác phẩm concerto nổi bật của Beethoven một phân mục riêng: Concerto cho nhóm ba nhạc cụ (violin, cello, piano), Concerto Piano số 4, Bản Concerto Violin, Bản Concerto Emperor (Hoàng đế).
Chương 12 luận bàn về Âm nhạc cho sân khấu, là chương sách có giá trị đặc sắc, bởi người đời vốn biết đến Beethoven nhiều hơn cả là với các thể loại giao hưởng, tứ tấu, sonata piano… mà chưa dành đủ sự quan tâm cho các Opera Leonore và các Overture, Overture Coriolanus, Nhạc nền cho vở kịch Egmont của Goethe. Những tác phẩm đó đều được Lockwood nêu ra, vừa là giới thiệu vừa là bàn luận về bối cảnh văn học của các tác phẩm đó, và làm rõ sự phối hợp về các cấp độ sáng tối của màu sắc âm nhạc với tâm lý nhân vật qua từng màn, cảnh.
Chương 13 Thanh nhạc được tác giả phân mục theo hai dòng: dòng âm nhạc tôn giáo với Oratorio và Mass, dòng âm nhạc thế tục với Các ca khúc.
Chương 14 Beethoven bên đàn phím kể chuyện khá chi tiết về cách thức Beethoven Ứng tác và soạn nhạc bên đàn Piano, và cũng đưa ra những thông tin quý giá về Những cây đàn Piano mà Beethoven từng sử dụng để soạn các tác phẩm để đời. Đây là chương sách rất hấp dẫn và cần thiết đối với những ai đang theo học, giảng dạy chuyên ngành biểu diễn piano, bởi từ những phân tích kỹ càng về đặc tính nhạc cụ thời Beethoven, người đọc có thể xác định rõ từ khoảng thời gian nào sáng tác của ông được xây dựng trên cây đàn có ưu thế mới về âm chất, âm vực… để hiểu được cách chơi từng tác phẩm cụ thể. Trong chương 14 này, Lockwood cũng đề cập tới các tác phẩm kinh điển như Sonata Waldsteind và Sonata Appassionata, hay nhóm sáng tác khép lại thời kỳ giữa như Những bản Sonata Piano các op.78-81A, mảng Âm nhạc thính phòng trữ tình và bất hủ gồm các Sonata cello op.69, Tam tấu piano op.70, Tam tấu Archduke, Sonata violin op.96.
Lewis Lockwood có sự quan tâm đặc biệt tới thể loại tứ tấu dây của Beethoven, ở giai đoạn nào trong cuộc đời của Beethoven, trải qua các Phần Hai, Ba và Bốn của cuốn sách, Lockwood cũng dành riêng chương hoặc phân mục riêng cho thể loại này. Sự quan tâm đặc biệt này của tác giả sách xuất phát từ chính sự quan tâm đặc biệt của Beethoven, bởi tứ tấu dây là “thể loại có độ khó cao nhất và đòi hỏi khắt khe nhất trong các thể loại âm nhạc”. Ngay từ thời kỳ trưởng thành thứ nhất, giai đoạn những năm 1790, khi Haydn và Mozart vẫn là những đỉnh cao của thể loại này, Beethoven đã thể hiện khả năng đua tranh của mình qua các tác phẩm op.18. Trong Phần Ba, chương 15 Các tứ tấu dây nhắc tới những đặc điểm âm nhạc đặc sắc trong các sáng tác trứ danh như Các tứ tấu dây Razumovsky (Op.59 số 1, 2, 3), Tứ tấu đàn Harp và Quartetto Serioso.
Phần Bốn: Thời kỳ trưởng thành cuối cùng: 1813 – 1827
Nếu như Phần Ba mang nặng tính học thuật với những phân tích chuyên ngành rất sâu, chiếm nhiều trang giấy, thì Phần Bốn lại kết hợp giữa cả chuyện đời và chuyện nhạc với tỷ lệ rất hợp lý, lối viết nhuần nhuyễn giúp cho bạn đọc trở lại trạng thái cân bằng khi theo dõi cuốn sách.
Ở ngay những dòng đầu tiên của Phần Bốn, Chương 16 Những năm bỏ bê, Lockwood đã thể hiện cái nhìn khác biệt của mình đối với giai đoạn Beethoven đau khổ tâm lý và suy giảm năng lượng sáng tạo: Lockwood không tập trung vào những gì sắp kết thúc, chuyện Beethoven bớt năng suất, mà ông chú ý hơn đến mặt tích cực của vấn đề – đó là về những gì sắp bắt đầu, những nét đặc trưng tiến bộ trong vài tác phẩm quan trọng. Chỉ nhắc sơ qua về những chi tiết về đời tư như lá thư gửi Người yêu bất tử, cuốn nhật ký Tagebuch, Lockwood nhắm tới các sự kiện về chính trị như Hội nghị Vienna năm 1814, khơi mở bức tranh diễn tả vị thế Beethoven ở đó, được coi là ngôi sao sáng nhất của đời sống nghệ thuật Áo. Song, kề bên cạnh bức tranh tráng lệ ấy, là một khung cảnh khác thuộc về một Beethoven đời thường, trong câu chuyện trăm năm của những người làm nghệ thuật: đó là việc ông “luôn phải dành một phần năng lượng cho các tác phẩm mình có thể xuất bản để mưu sinh”. Các tác phẩm nhẹ ký hơn ấy được Lockwood chia thành hai kiểu dự án: thứ nhất là các tác phẩm không quan trọng về mặt nghệ thuật được viết để mưu sinh, thứ hai là các tác phẩm hồi tưởng về mặt phong cách, quay lại thành tựu của thời kỳ thứ hai. Ngoài ra, Beethoven còn phải Ăn mừng chiến thắng của Wellington bằng tác phẩm Wellington sieg, mà người đời coi là “tượng đài của những thứ tầm thường”, nhưng thực ra chính là bằng chứng cho thấy lòng khao khát được công chúng ghi nhận và mong muốn được đảm bảo tài chính của nhạc sĩ. Cũng trong năm 1814, Beethoven còn chỉnh sửa vở Fidelio, mà Lockwood nhận định phiên bản mới này là một sự lai ghép kết hợp giữa chất liệu âm nhạc của hai thời kỳ riêng biệt. Cùng quãng thời gian đó, Beethoven cho ra đời tập liên khúc An die Ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa), tuy nhiên rất tiếc rằng Lockwood chỉ ghi vỏn vẹn hai trang sách về tập ca khúc này.
Lockwood hướng sự chú ý của người đọc nhiều hơn tới bước ngoặt lịch sử trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật của Beethoven cũng như bước ngoặt của nền âm nhạc thế giới, ông luận về vấn đề Phong cách thời kỳ cuối xuất hiện ở riêng một phân mục. Tại đây, Lockwood chỉ ra sự đổi thay về cách xây dựng cấu trúc – hình thức lạ lẫm so với mẫu mực cổ điển, cách bỏ lửng vòng hòa thanh – không vận động về âm chủ suốt chiều dài chương nhạc, và bầu không khí trầm tư gần với phong cách Lãng mạn… trong Sonata piano op.101.
Chương 17 Thế giới bên trong và bên ngoài của Beethoven chứa đựng những dòng viết trĩu nặng về Sự cô lập và bệnh điếc, Cuộc chiến giành quyền giám hộ của nhà soạn nhạc. Người bình thường không ốm yếu gì cũng không thể tưởng tượng được nếu một ngày không nghe được âm thanh sự sống, người ái mộ âm nhạc cũng không biết mình có thể chịu đựng được không nếu không bao giờ nghe được âm nhạc, nhưng còn một thiên tài đã sinh ra, lớn lên, mưu sinh, nổi tiếng bằng âm nhạc mà mất đi thính giác thì nỗi đau ấy có lẽ sẽ dễ dàng tước đi cả tình yêu cuộc sống. Một người đàn ông phải chịu đủ thứ áp lực từ nhỏ, thiếu thốn tình thương yêu của người thân, và phải ra chốn pháp đình vì mâu thuẫn gia đình, có lẽ cũng khó mà còn niềm tin vào cuộc đời. Ấy vậy, trong vấn đề sự nghiệp khoảng thời gian cuối đời này của Beethoven, ta cũng thấy bức tranh không kém phần phức tạp. Càng chất chứa nhiều u uẩn và càng luyện rèn nghệ thuật lên đến mức cao, thì âm nhạc của Beethoven lại càng kén người nghe, bởi ông đã vượt ra khỏi tầm vóc thời đại mình. Lockwood nêu ra những mặt tối ấy rồi lập tức chuyển sang mặt sáng của giai đoạn khó khăn này: đó cũng chính là thời gian nhạc sĩ trở nên nổi danh với tiếng tăm lan ra ngoại quốc bằng cách khai thác các tác phẩm có thể dễ dàng tiếp nhận hơn cho khán giả đương thời, và các thế hệ nhà xuất bản mới tranh nhau giành quyền phát hành các tác phẩm của Beethoven. Lewis Lockwood đã đưa ra một đoạn trích từ bút tích của chính Beethoven, thể hiện quan điểm của nhạc sĩ đối với vấn đề bản quyền trí tuệ, một vấn đề đến ngày nay vẫn còn nhức nhối với cộng đồng trí thức. Đây là một chi tiết đắt giá trong cuốn sách mà Lockwood đã cung cấp cho người đọc – trong quá trình phải đối phó với quá trình giao dịch quanh co với các nhà xuất bản, Beethoven đã viết rõ – “Trí tuệ con người …không phải là hàng hóa có thể bán”.
Chương 18 Mang quá khứ tới hiện tại xác định rõ Thời kỳ trưởng thành thứ ba bao gồm đặc điểm quan trọng của bước đường nghệ thuật mà Beethoven tìm tòi, khám phá, đó là Kiến thức của Beethoven về Bach và Handel được nhạc sĩ vận dụng để sáng tác. Trong chương này, bên cạnh việc diễn giải cách Beethoven học tập từ các nhạc sĩ tiền bối, Lockwood còn đưa ra một khía cạnh thú vị khác ở Beethoven, đó là cách nhà soạn nhạc vận dụng hiểu biết của mình về Handel để mở rộng mối quan hệ với vị khách Anh quốc, một động thái mà Lockwood mô tả là bước đệm để Beethoven hướng tới xứ sở sương mù. Không chỉ ở chương này, ở nhiều phân đoạn khác Lockwood cũng khắc họa từng chi tiết nhỏ để thể hiện một Beethoven tinh quái, khéo léo trong xã hội nhằm tạo dựng uy tín nghề nghiệp và biết tính toán thu chi sao cho kinh tế gia đình được đảm bảo.
Chương 19 Âm nhạc cho Piano thời kỳ cuối cũng là chương sách có giá trị lớn đối với các nghệ sĩ dương cầm, bởi trong đó tác giả sách khai thác các khía cạnh khác nhau, từ bối cảnh sáng tác, đến các chi tiết về thủ pháp sáng tác như dàn ý điệu tính, cách xây dựng và phát triển chủ đề, các kỹ thuật viết fuga…rồi Lockwood so sánh với các tác phẩm khác để làm rõ sự tương đồng, khác biệt. Các phân mục trong chương sách này đi theo mỗi tác phẩm, nhóm tác phẩm, như sonata Hammerklavier op.106, các sonata piano op. 109-111, biến tấu Diabelli, các Bagatelle thời kỳ cuối.
Chương 20 luận bàn sâu rộng về hai tác phẩm lớn cuối đời Beethoven là bản Missa Solemnis và Giao hưởng số 9, được Lewis Lockwood đề tên là Chất thánh và chất người. Cái tên ấy đã nêu bật tinh thần lớn nhất của hai tác phẩm quan trọng: một tác phẩm thể loại mass (messa) vốn ở dòng nhạc tôn giáo, một tác phẩm thể loại giao hưởng ở dòng nhạc thế tục. Tuy nhiên, Lewis Lockwood chỉ ra rằng, không phải mỗi tác phẩm đều chỉ hàm chứa nội dung và phong cách dòng nhạc tác phẩm đó vốn thuộc về, mà trong từng tác phẩm lại bao hàm cả những khía cạnh liên quan tới dòng nhạc đối lập. Chứng minh cho luận điểm này, Lockwood đã đưa ra vài bằng chứng cụ thể. Ví dụ như, với tác phẩm Missa Solemnis, “trong bản thảo viết tay, phía trên phần Kyrie mở đầu bản Mass, Beethoven viết lời đề từ – một việc rất bất thường với ông – nghĩa là ‘Từ trái tim – có thể tiếp – đến trái tim !’…Từ lâu người ta đã cho rằng lời đề từ được gửi đến nhân loại, rằng nó phù hợp với mong muốn của Beethoven là biến bản Mass thành một tác phẩm nghệ thuật toàn cầu”, chứ không chỉ là một tác phẩm kính dâng Chúa. Hoặc ví dụ, Lockwood đã chỉ ra, trong chương cuối cùng Agnus dei, đoạn Dona nobis có lời đề từ “Lời cầu nguyện cho sự bình yên bên trong và bên ngoài”, ở đó Beethoven dùng những chủ đề mang âm hưởng cuộc chiến, chèn khúc interlude “chiến tranh”, là yếu tố thuộc về mặt thế tục, để mô tả về cuộc chiến cả ở bên ngoài đời sống và cả cuộc chiến bên trong tâm hồn con người. Như vậy, bản Mass là đại diện mang tính biểu tượng cho cuộc tìm kiếm hòa bình của nhân loại, được khám phá bằng cảm xúc tôn giáo, tập thể và cá nhân. Cả hai mặt chất thánh và chất người đã được chứng minh trong quá trình phân tích Missa Solemnis.
Lockwood coi Missa Solemnis là tác phẩm bước đệm để Beethoven tiến lên đỉnh cao nghệ thuật, là Giao hưởng số 9. Trong chương 20, Lockwood dành hẳn 5 phân mục nói về Giao hưởng số 9, Bối cảnh chính trị của Giao hưởng số 9, Những quan điểm thay đổi về Giao hưởng số 9, Việc sáng tác Giao hưởng số 9 và Đặc điểm của Giao hưởng số 9. Yếu tố tôn giáo, tức ‘chất thánh’ và cả yếu tố thế tục, tức ‘chất người’ trong bản giao hưởng được Lockwood gợi tả nằm ở khúc Ode to Joy. Khúc ca này trình bày cả ‘cái Tôi’ cá nhân, cả ‘chúng tôi’, và nhắc tới cả đại diện thiêng liêng của Thiên chúa giáo: “Anh em ơi, hẳn trên trời thăm thẳm/Ngự trị một người Cha nhân từ”. Trải dài 5 phân mục diễn giải về Giao hưởng 9, Lockwood đều thể hiện rất rõ sự kết hợp ‘chất thánh’ và ‘chất người’ nằm trong tác phẩm âm nhạc kinh điển của nhân loại.
Tới đây, tôi (người tham gia dịch cuốn sách này từ bản gốc sang bản tiếng Việt) xin được chia sẻ một phần trải nghiệm của mình trong quá trình làm việc với tác phẩm: theo phân công, toàn bộ các nội dung liên quan đến chuyên môn âm nhạc là do tôi chịu trách nhiệm, vì vậy khi dịch tới chương cuối cùng có mật độ nghiên cứu phân tích tác phẩm dày đặc này, tôi không khỏi bất ngờ và xúc động khi gặp những dòng viết về yếu tố cuộc đời ‘lọt’ vào giữa những diễn giải về âm nhạc của Beethoven: “Ông đã cố giữ cho ngọn lửa rực cháy. Nhưng đã quá muộn, ông ra đi vào ngày 26 tháng 3 năm 1827. Trong số các tứ tấu cuối cùng, chỉ có ba bộ đầu (127, 132, 130) được trình diễn khi ông còn sống, còn opus 131 và 135 thì không kịp nữa”. Thông tin này, cùng với suy ngẫm của Beethoven được nêu ở trước đó vài đoạn viết: “Beethoven đã xác nhận rằng ông đang suy ngẫm về việc ‘dâng hiến’ trọn vẹn mình cho thể loại sáng tác này”, đã khiến cho tôi, cũng là một độc giả, bật hiểu được tiêu đề của chương cuối cùng của cuốn sách: Âm nhạc vĩnh cửu: Các tứ tấu dây cuối cùng. Lockwood đã không dành nhiều diện tích cho việc mô tả những cơn ốm bệnh, những ngày tháng cuối cùng của Beethoven, và quan trọng là không đưa những thông tin ấy xuống tận trang cuối cuốn sách. Có lẽ đó là cách ông bày tỏ sự tôn trọng với nhà soạn nhạc, để hậu thế chúng ta tưởng nhớ đến Beethoven nhiều hơn bằng sự cống hiến cho nghệ thuật, chứ không hướng người đọc về cảm xúc bi thương sau tất cả.
Về tác giả
Lewis Lockwood (1930) là nhà âm nhạc học người Mỹ, chuyên nghiên cứu về âm nhạc Phục hưng Ý và về Ludwig van Beethoven. Ông giảng dạy ở Đại học Princeton từ 1958 đến 1980, và ở Đại học Harvard từ 1980 đến 2002. Sau khi nghỉ hưu, Lockwood được bổ nhiệm làm giảng viên danh dự tại Đại học Boston và hiện là Đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Beethoven thuộc Đại học Boston.
Ảnh minh họa: bìa sách bản tiếng Anh
Bút pháp đặc tả nhân vật
Sự đối lập, mâu thuẫn giữa các khía cạnh tính cách, suy nghĩ chính là đặc điểm quan trọng nhất ở con người Beethoven, vì thế tác giả viết tiểu sử cần có bút pháp đặc tả để làm rõ từng cặp nghịch đảo ấy: một Beethoven mang nặng tình yêu tha thiết với đông đảo quần chúng, với lý tưởng về tình huynh đệ thể hiện trong Giao hưởng 9, lại đối lập với một Beethoven tôn sùng chủ nghĩa anh hùng cá nhân trong Giao hưởng 3 Anh hùng ca; một Beethoven phải sống bằng trợ cấp của các nhà quý tộc tốt bụng, đồng thời cũng lại là người sải bước, không thèm cúi chào khi xe ngựa hoàng gia đi qua; một Beethoven yêu thương cậu cháu trai như con mà cũng lại là một ông bác khắc nghiệt đến mức cậu trai trầm cảm, tìm cách tự tử. Ống kính của Lockwood soi chiếu từ căn phòng làm việc của nhạc sĩ với đồ đạc để lộn xộn, bô tiểu ngay dưới chân đàn… đến những trang bản thảo và quyển phác thảo nháp vô cùng cẩn trọng, ngay ngắn. Nhìn rộng hơn, người đọc như được tác giả dẫn dắt đi ngắm quang cảnh cuộc đời Beethoven qua lớp nền tiểu sử đầy nỗi đau tinh thần lẫn thể chất, rồi nhìn vào giá trị lao động: Beethoven không chỉ là 1% thiên tài, mà còn 99% công sức học tập, rèn giũa qua hàng chục năm. Các tập phác thảo của ông chính là những dữ kiện lưu lại từng ý tưởng sáng tạo: từ khi chợt nghĩ ra một nét nhạc nào đó, đến lúc trăn trở bôi xóa, tẩy bỏ, viết lại, rồi triển khai thành câu, đoạn, phần, chương nhạc và thành cả tác phẩm lớn. Lockwood đã dày công nghiên cứu từng trang phác thảo ấy, đo đếm xem vòng hòa thanh nào từng dùng ở tác phẩm thời kỳ trước rồi lại được vận dụng lại ở thời kỳ sau, xét từng khâu soạn đối đề, đáp đề trong những mẩu fuga… Từ những tìm tòi chi li đó, Lockwood đã trình bày được kết cấu tác phẩm, ví dụ như Missa Solemnis, Giao hưởng 9, các tứ tấu…và vẽ được bức tranh tổng thể cho sự tiến bộ nghệ thuật của Beethoven. Ta có thể thấy tương tác qua lại giữa các biến động trong cuộc đời với thủ pháp sáng tác: những gì có ảnh hưởng và những gì ảnh hưởng sâu đậm.
Beethoven: âm nhạc và cuộc đời mang giá trị học thuật rất cao đối với những người nghiên cứu lý luận âm nhạc học, các nhạc sĩ đang mày mò tìm hiểu bút pháp sáng tác và những người theo nghiệp chỉ huy dàn nhạc, bởi cuốn sách chứa cái nhìn tổng thể, đa chiều được Lewis Lockwood xây dựng từ những dẫn chứng nhỏ nhất nằm trong tổng phổ của từng bản nhạc.
Có thể nói, Lockwood không dành một dòng nào tán tụng có cánh dành cho Beethoven – những lời văn ngợi ca lộ liễu, hoa mỹ và có phần sáo rỗng thường được người đời viết nên, nhưng qua cả công trình đồ sộ nghiên cứu về âm nhạc của nhà soạn nhạc vỹ đại, ta có thể thấy tác giả cuốn sách đã gửi một thông điệp sâu sắc, mang ý nghĩa to lớn đến tất cả những người mến mộ Beethoven, rằng đó là một con người đáng để ta ngả mũ cảm phục, biết ơn và học tập đến suốt đời.
Triển vọng xuất bản sách về nhạc cổ điển trên thị trường Việt Nam hiện nay
Beethoven: âm nhạc và cuộc đời là cuốn sách đầu tiên thuộc tủ sách Âm nhạc của công ty OmegaPlus thực hiện, đến thời điểm bài viết này được thực hiện (tháng 6 năm 2020), lần xuất bản đầu tiên đã phát hành được gần 3000 bản ra thị trường – một con số ấn tượng đối với dòng sách nặng về học thuật, đặc biệt lại là sách về âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Khi thực hiện dự án, cá nhân tôi cũng biết đây sẽ là một sản phẩm kén người thưởng thức, nhưng con số gần 3000 bản đã gây bất ngờ và khiến tôi cùng nhóm dịch thuật, hiệu đính và biên tập vui mừng cho cả chúng tôi, cũng như cho cả đông đảo khán giả yêu nhạc. Trên đà xuất bản như vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện tiếp các dự án nối tiếp cho Tủ sách nghệ thuật OmegaPlus với các tác giả khác như Mozart, a life – Maynard Solomon, Fryderyk Chopin: Life và Times – Alan Walker… Hy vọng đây là tín hiệu tốt cho công cuộc phổ biến văn hóa âm nhạc cổ điển nước nhà.
[i] Tên chương, tên phân mục của cuốn sách được in nghiêng.