Tác giả: Hồng Nga
Di sản Then của người Tày được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cao Bằng có những di sản văn hóa độc đáo với những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc. Đặc sắc nhất trong số những loại hình dân ca là hát Then – đàn Tính của dân tộc Tày. Những năm qua, Cao Bằng coi trọng, quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa với nhiều cách làm thiết thực.
Di sản Then trong đời sống cộng đồng
Theo quan niệm của người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Vì thế, hát Then của người Tày vừa phản ánh chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Hát Then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Thày Then đang thực hiện nghi lễ.
Theo tư liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Then nghĩa là Thiên hoặc Sliên – Trời, hát Then là khúc hát của trời xua tà quỷ cứu dân. Người Tày, Nùng quan niệm khi đau ốm thì kết hợp cả cúng bái và chữa thuốc, mời các thầy Then, Phửi đến để chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần cho người bệnh. Then là những khúc hát, điệu múa được dùng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc, mừng năm mới… của người dân tộc Tày, Nùng, Thái, do những người làm nghề Then thực hiện.
Nghi thức lẩu Then của người Tày
Nghi lễ Then đối với người Tày, Nùng, Thái xưa nay giống như một nghi thức tâm linh nối con người với đấng tối cao của mình. Nghi lễ Then phản ánh các quan niệm của người Tày, Nùng, Thái về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong các lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới… Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông… để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.
Nghệ nhân Nhân dân Then Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1922, dân tộc Tày – một trong những nghệ nhân Then cao tuổi nhất, chụp ảnh cùng đệ tử (ngồi thứ 3 từ trái sang phải)
Gắn liền với nghi lễ Then là cây đàn tính. Tính tẩu giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như một giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ sĩ diễn xướng.
Đặc điểm của Then là tính nghệ thuật gắn liền với yếu tố tâm linh. Thầy Then là người sáng tạo cả về lời ca và giai điệu. Cây đàn tính không có phím cho nên thầy Then hoàn toàn có thể ngẫu hứng tạo âm trên cây đàn. Mang yếu tố tâm linh khi gắn liền với nhiều nghi lễ cúng cầu, nhưng Then cũng hoàn toàn mang tính lễ hội khi gắn với những sự kiện trong cuộc đời con người, hoặc vào những dịp mừng năm mới….
Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị của Then đang ngày càng được quan tâm. Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Triệu Thị Thu Hằng cho biết: Những năm qua, tỉnh rất coi trọng, quan tâm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội, với nhiều cách làm phong phú, thiết thực, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa dân tộc; định kỳ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường, cán bộ làm công tác sưu tầm nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc…
Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. |
Cao Bằng đã phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng hoàn thành bộ hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái” Việt Nam trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2019, UNESCO đã công nhận Thực hành Then là Di sản văn hóa thế giới.
Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Với những nỗ lực trong công tác gìn giữ, bảo tồn, bước đầu tạo điều kiện cho di sản văn hóa dân tộc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là lớp người trẻ đã có nhận thức, ý thức hơn về bản sắc văn hóa và sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, từ đó mọi người thêm hiểu, yêu quý di sản của mình và có ý thức bảo vệ tốt hơn.
(Nguồn: https://baodansinh.vn/)