Tác giả: TS. NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng
Nói đến cải lương, khán giả mộ điệu sẽ nghĩ ngay đến nội dung vở diễn, nhớ đến các diễn viên, những người đã hóa thân vào các nhân vật trên sân khấu để mang đến cho khán giả những giây phút vui tươi hay buồn thương, bi lụy. Người ta có thể kể vanh vách tên vở tuồng, tên của cô đào, anh kép… đi cùng với những vai diễn để đời của họ. Biết bao nhiêu bài ca từ sân khấu đã đi vào cuộc đời để mỗi lần rảnh rỗi người ta lại có thể nghêu ngao những lời ca quen thuộc.
Ai cũng biết rằng, bài bản của cải lương phần lớn là bài bản của đờn ca tài tử Nam Bộ, các tác giả vận dụng những bài bản phù hợp với tình huống trong vở mà sử dụng cả bài hay chỉ lấy một đoạn, do vậy, phần âm nhạc trong cải lương là một bộ phận rất quan trọng, những người đệm cổ nhạc cho các vở cải lương là những nhân vật không thể thiếu được.
Thông thường, các nhạc công chơi cổ nhạc cũng thường là các “thầy đờn”, những người giữ nhiệm vụ huấn luyện phần ca cho các diễn viên. Họ đã có công tạo ra những giọng ca thành danh sau này. Có thể kể đến các thầy như: Út Trong, Văn Vĩ, Hai Khuê, Viễn Châu (Bảy Bá), NSƯT Ba Tu, Năm Vinh… với các tên tuổi lừng danh như: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hữu Phước, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… Các thầy vừa dạy ca, đồng thời cũng là người dạy đàn, đào tạo các nhạc công đệm đàn trong dàn cổ nhạc.
Trong thời cực thịnh của sân khấu cải lương, các đoàn đều có những ban nhạc riêng, đoàn lớn thì có từ 8 – 10 nhạc công, đoàn nhỏ cũng bảo đảm 3, 4 nhạc công cổ nhạc, 1 tân nhạc. Thời điểm đó, nhiều gánh hát cải lương có thành phần dàn nhạc mạnh mẽ, chia làm hai ban: ban cổ nhạc và ban tân nhạc. Ban cổ nhạc gồm có: Kìm, Cò, Tranh, Guitar phím lõm… giữ nhiệm vụ đệm cho tất cả các nhân vật trên sân khấu khi người diễn viên cất tiếng ca. Ban tân nhạc cũng có 4 nhạc công: Trống, Organ, Guitar, Kèn làm nhiệm vụ tạo không khí cho buổi diễn bằng các đoạn, các bài nhạc mới. Ban tân nhạc thường giữ nhiệm vụ chính trong phần mở màn (để kéo màn), phần chào kết của đoàn, các đoạn nhạc chuyển cảnh, các đoạn nhạc tạo hiệu ứng sân khấu, hay mô tả tâm lý nhân vật.
Trong thời điểm năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh có một đoàn trực thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao, là đoàn Trần Hữu Trang. Đoàn Trần Hữu Trang được chia thành 3 đoàn nhỏ: Trần Hữu Trang 1, Trần Hữu Trang 2 và Trần Hữu Trang 3. Biên chế dàn nhạc của cả 3 đoàn là 9 nhạc công, tức là 3 nhạc công cho 1 đoàn. Gồm có 2 người đàn cổ và 1 người đàn Organ. Rõ ràng, với biên chế ít ỏi như thế thì phần âm nhạc không thể nào đủ đáp ứng cho toàn bộ yêu cầu của một vở tuồng, nhất là không thể đầy đủ âm sắc của các nhạc khí làm nhiệm vụ nâng đỡ cho lời ca trong vở diễn. Điều này dẫn đến việc âm nhạc trở nên đơn điệu và ngày càng đánh mất sự thu hút của chính mình.
Trong khi các hội diễn quần chúng, các chương trình biểu diễn quần chúng hiện nay và ngay cả trong các vở cải lương của các đoàn tư nhân, các đoàn được thành lập từ chủ trương xã hội hóa cải lương, đang hướng đến sự chuyên nghiệp với dàn nhạc đầy đủ, hạn chế sử dụng nhạc máy, thì tại sao các đoàn chuyên nghiệp lại ngày càng ít dần biên chế dành cho nhạc công?
Theo ý chủ quan của chúng tôi, để lý giải cho điều này, chúng ta có thể xem xét một số nguyên nhân:
Phần lớn nhạc công đều xuất phát từ các lò đào tạo tư nhân, học trực tiếp với các nghệ nhân nên không có bằng cấp như những học viên từ các trường văn hóa nghệ thuật nói chung. Điều này gây ra sự khó khăn về mặt thủ tục pháp lý cho các đơn vị nhận nhạc công về làm thành viên của đơn vị mình. Tuy nhiên, như sự linh động trước đây, các nhà hát vẫn có thể sử dụng nhạc công với cách giải thích “đây là nghề nghiệp đặc thù” để có cơ chế tuyển dụng người. Tuy vậy, những lớp nhạc công đã có thâm niên nghề nghiệp, tay nghề cao, đã cống hiến rất nhiều cho nhà hát thì rồi cũng sẽ nghỉ hưu theo quy chế. Lứa nhạc công kế thừa có tuổi đời trẻ hơn thì lại không mặn mà với việc vào nhà hát vì chế độ đãi ngộ cho nhạc công không cao, thậm chí có người không vào vì không còn biên chế.
Nơi đào tạo chính quy cho những người yêu nhạc dân tộc, nhất là giới chơi cổ nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có thể cấp những văn bằng, chứng chỉ cho những người nghệ sĩ, nhạc công sau này được đứng một cách đàng hoàng trong các đoàn nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, toàn quốc nói chung, chính là các cơ sở đào tạo như Nhạc viện TP.HCM và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.
Trường Đại học Sân khấu – Điện Ảnh TP.HCM là địa chỉ uy tín đào tạo nhạc công cho ngành cổ nhạc nói riêng. Có các bộ môn như: Guitar phím lõm, Kìm, Tranh, Bầu, Cò, Sến… thu hút khá đông người theo học. Khoa Kịch hát dân tộc đã đào tạo được nhiều thế hệ nhạc công sân khấu có vị trí vững vàng trong giới chơi cổ nhạc thành phố như: NSƯT Văn Môn, Huỳnh Tuấn, Xuân Huyện, Duy Kim, Quang Dũng, Văn Ngọc, Nhứt Dũng, Thành Niên, Hoàng Kha… Mặc dù những năm gần đây số lượng người học có giảm sút nhưng vẫn còn đó những bạn trẻ yêu nghề và mong muốn được ngồi trong dàn nhạc đệm cho các vở tuồng.
Tuy nhiên từ năm 2018 trường đã không còn tuyển sinh nữa vì lý do không còn hệ Trung cấp, như vậy là những bạn trẻ lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bằng cấp phù hợp với tiêu chuẩn của cơ chế tuyển dụng hiện hành.
Cái vòng luẩn quẩn cứ nối tiếp nhau: nhạc công lớn tuổi – nghỉ đàn; lớp trẻ – không có chỗ học, không bằng cấp; các đoàn thì loay hoay với việc tìm người đệm cho đoàn…
Tôi còn nhớ trong những vở diễn đạt Huy chương vàng như Cô đào hát và Rồng Phụng, dàn nhạc của Nhà hát Trần Hữu Trang từng là niềm mơ ước của các đoàn bạn. Với dàn nhạc cổ 4-5 người do nghệ sĩ Mai Hoàng Thành dẫn dắt và ban nhạc mới do nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch chỉ huy, những giai điệu âm nhạc đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cho các nghệ sĩ thăng hoa, tỏa sáng trên sân khấu, làm cho khán giả hòa mình vào vở diễn, sống cùng vở diễn. Khán giả hôm nay được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc mới, với các hình thức thể hiện mới mẻ, với các chương trình hoành tráng, âm thanh ánh sáng hiện đại… nên sự đòi hỏi trong việc thưởng thức cải lương cũng nâng cao. Những sự so sánh giữa cải lương với các loại hình khác đòi hỏi những người làm âm nhạc chuyên nghiệp nói chung, những người làm nghề cải lương nói riêng phải có những sự nghiêm túc trong việc tạo ra những sản phẩm nghe nhìn có giá trị, vừa đáp ứng thẩm mỹ vừa mang tính giải trí cao…
Người ta thường hay nói: “Âm nhạc là linh hồn của cải lương”. Có thể đó chỉ là một lối nói đề cao nghề nghiệp của giới nhạc sĩ nói chung. Thế nhưng không thể phủ nhận vai trò của âm nhạc trong cải lương khi mà âm nhạc đóng vai trò nâng đỡ giọng ca của các vai diễn, tạo những cao trào để đẩy cảm xúc của diễn viên cũng như khán giả lên cao, tạo nên thành công của vở diễn. Do vậy, những nhạc công đệm tuồng diễn cũng nên được có vị trí xứng đáng như các diễn viên viên thủ vai trên sân khấu.
Cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các vị nghệ nhân và kế hoạch đầu tư để đào tạo những đội ngũ kế thừa, hòng giúp cho cải lương vẫn giữ được sự thu hút từ kịch bản đến lối ca diễn và sự thu hút từ âm nhạc, góp phần làm cho cải lương xứng đáng là một sự lựa chọn của khán giả trong thời đại công nghệ nghe nhìn hiện nay.
“Phi vọng cổ bất thành cải lương”. Mỗi khi người diễn viên “xuống Xề” khán giả lại được một phen xuýt xoa, vỗ tay rân trời, khen ngợi câu nói lối thiệt mùi, thiệt đắt. Người ta nhìn lên sân khấu sáng rực rỡ, lung linh và say mê với những giọng ca, liệu có mấy ai nhìn xuống để cảm thông với những người thầy đờn lặng lẽ làm bệ đỡ để nâng những cánh sao lên thành ngôi sao sáng lung linh dưới ánh đèn sân khấu.
Mỗi nghệ nhân là một “kho báu” khi vừa nắm vững ngón nghề qua nhiều năm tôi luyện, vừa có độ chín chắn đủ thổi hồn vào chữ đờn và nâng đỡ các giọng ca. Do vậy, phải cần rất nhiều năm để tạo nên một nghệ nhân, một thầy đờn có đủ tài như vậy.
Biết rằng quy luật của muôn đời là tre già măng mọc, các thầy rồi cũng sẽ nhường chỗ lại cho những lứa học trò trẻ hơn. Thế nhưng, nếu chúng ta không có kế hoạch nuôi dưỡng, nâng đỡ để những ngọn măng mạnh mẽ phát triển thành tre thì đến một ngày nào đó chúng ta sẽ chỉ còn lại những ký ức về sự hoành tráng, lộng lẫy của một sân khấu cải lương, sự ấn tượng về dàn đờn cải lương của ngày hôm qua.
_____
* Giảng viên Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn/)