Trong một lần đi thực địa đến một bảo tàng âm nhạc ở quê hương Thụy Điển, Jinton, 12 tuổi, và các bạn học đã được người giới thiệu hướng dẫn nhắc để tay áp vào tai.
Hướng dẫn viên du lịch đột nhiên thét lên một thứ âm thanh lanh lảnh có phần ma quái, bài hát cao vút đó đã làm xao động cả căn phòng. Một số học sinh có vẻ bịt chặt tai họ để tránh nghe thứ âm thanh đó, nhưng Jinton lại có vẻ khoái nghe nó và không ngừng tò mò vì nó. Jinton nhớ lại cảm giác khi đó: “Nó rất ấn tượng!” Sau này, Jonna Jinton đã rất thành thạo bài hát Scandinavia được biết đến dưới tên gọi là kulning đó và chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội.
Bài hát gọi gia súc từ cổ xưa
Với các khán thính giả toàn cầu, những video của Jinton là một bài giới thiệu về Kulning. Nghệ thuật thanh nhạc này có nguồn gốc xa xưa. Kulning là một tiếng gọi gia súc chăn thả cổ xưa mà người phụ nữ Thụy Điển đã áp dụng để gọi gia súc ngoài đồng về chuồng trong suốt hàng trăm năm qua. Nhưng trong những thập niên gần đây, theo Jinton thì thứ thanh nhạc này đã phần lớn bị lãng quên.
Cô Jonna Jinton, người luyện nghệ thuật thanh nhạc Kulning rất lão luyện.
Cách đây không đầy một thế kỷ, những thảo nguyên miền sơn cước và rừng già hẻo lánh của đất nước Thụy Điển từng tràn ngập âm thanh của những nữ mục đồng vào mỗi dịp hè về. Khi hoàng hôn chập choạng bủa tới, thứ âm thanh kulning ma quái vang lên xuyên qua các thân cây rừng, ngân nga vang lên theo từng nhịp khác nhau. Bài hát là một thông điệp chuyển tới cho một “khán giả” duy nhất: những loài gia súc hung hăng. Kulning là cách chắc chắn nhằm thúc giục cả đàn gia súc nhanh bước về nhà vào cuối ngày.
Theo bà Susanne Rosenberg, giáo sư và là người đứng đầu khoa Âm nhạc dân gian tại Đại học âm nhạc hoàng gia (RCM) ở thủ đô Stockholm, cũng là một chuyên gia về Kulning, rằng kỹ thuật thanh nhạc này đã có niên đại ít nhất là từ thời đại Trung Cổ.
Vào mùa Xuân, nhà nông lùa gia súc đến fabod (một khu chăn thả gia súc nằm ở nơi hoang dã của vùng núi non) để bò, dê có thể nhẩn nha gặm cỏ. Phụ nữ cả già lẫn trẻ cùng đồng hành với bầy gia súc, họ sống xa nhà từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 10. Các nữ mục đồng này sẽ tận tụy chăm sóc gia súc, dệt quần áo, bện chổi, vắt sữa bò, làm phô mai, lao động chăm chỉ suốt 16 tiếng mỗi ngày. Cuộc sống ở fabod khá nặng nhọc, nhưng cũng là lúc tự do nhất.
Các đàn gia súc lang thang kiếm ăn vào ban ngày và cách xa các khu lều cỏ, vì thế cần phải gọi chúng nhập đàn mỗi khi đêm về. Các nữ mục đồng luyện thanh Kulning nhằm khuếch đại sức mạnh từ thanh âm của họ để nó vang xa khắp núi rừng, tạo ra một tiếng hú dị thường đủ sức để dụ hoặc gia súc đang lang thang đây đó phải quay trở về chuồng.
Phần lớn các nữ mục đồng thường hát Kulning một mình theo cách của riêng họ. GS Rosenberg, người đã nghiên cứu về âm lượng của Kulning, bà nói rằng nó có thể đạt tới 125 decibel và thứ âm thanh này đủ làm ù tai những ai đứng kế cạnh người hát. Âm lượng của Kulning có thể so sánh với âm lượng của bài hát opera giọng cao đầy kịch tính, Kulning có thể khiến cho những con gia súc ở cách người hát tới 5km vẫn có thể nghe được tiếng. Điều này giải thích tại sao mà bài hát lại có thể rót vào tai gia súc kiếm ăn ở nơi xa xôi, nhưng làm sao mà động vật đồng loạt bị dụ hoặc để quay về chuồng bởi thứ âm thanh này thì vẫn còn là một bí ẩn.
Thanh nhạc truyền miệng độc đáo
GS Rosenberg tếu táo: “Muốn hiểu điều đó, chúng ta phải hỏi các con bò! Nhưng thứ âm thanh này có vẻ kỳ lạ vượt xa việc chúng tôi gọi con chó”. Giống như thú cưng được huấn luyện, giống bò sẽ trung thành với những ai đã chăm sóc chúng.
Theo GS Rosenberg, sự chăm sóc đã tạo ra một mối dây tình cảm giữa nữ mục đồng và con bò và từ đó giúp kéo cả đàn bò về chuồng. GS Rosenberg nhấn mạnh: “Luôn có ít nhất 1 con bò thông minh trong cả đàn bò. Đó cũng là con bò thủ lãnh. Một khi con bò thông minh này nghe được tiếng gọi của chủ, nó sẽ đi về phía chủ và giúp “giác ngộ” cho những con bò khác cùng đi theo. Để dụ gia súc được, đòi hỏi phải trải qua một kỹ thuật thanh nhạc phù hợp, hóa ra nó khác xa so với lối hát cổ điển hay hát đại chúng. Nó là một lối gọi, như thể quý vị nhìn thấy ai đó bên kia đường và muốn cất một âm thanh gì đó thật lạ để gây sự chú ý từ phía họ”.
Kulning được dạy theo lối truyền miệng. Các thiếu nữ Thụy Điển thường học Kulning từ các bà già, và dần dần thêm sự tinh tế của cá nhân cũng như luyến láy bài hát gọi gia súc theo cách riêng của mình.
Theo GS Rosenberg: chìa khóa để luyện thành công Kulning nằm ở chỗ mang tính ngẫu hứng. Bà Rosenberg giải thích: “Người gọi phải thay đổi khẩu độ âm thanh vì họ sẽ không biết mình cần gọi trong bao lâu. Nói cách khác người gọi cần phải liên tục giữ hơi gọi cho tới khi lũ bò “rủ” nhau về chuồng”.
Tuy nhiên, bò không phải là động vật duy nhất hiểu được Kulning. Tiếng hát còn khiến các loài dã thú hoảng sợ mà tránh xa gia súc, và còn dùng làm công cụ giao tiếp giữa các nữ mục đồng với nhau. Nếu một con bò bị thất lạc, nữ chủ nhân ở trang trại này có thể cất tiếng hát để nhờ nữ chủ nhân ở trại gia súc bên cạnh tìm kiếm giùm, và nếu tìm thấy con bò đó thì sẽ có một bài hát cất lên nhằm giúp cho chủ nhân đích thực của con bò tìm lại được tài sản của mình.
GS Rosenberg nhấn mạnh: “Hát được Kulning là niềm kiêu hãnh của các nữ mục đồng”. Bà Rosenberg cũng khẳng định rằng Kulning không chỉ là một thứ công cụ để gọi bò mà còn là dạng thức biểu thị tình cảm thông qua âm nhạc cá nhân. Bà Rosenberg giải thích: “Nhiều nhà nghiên cứu và các nhà âm nhạc học dân tộc cố gắng tách chức năng và nghệ thuật của Kulning. Nhưng cá nhân tôi nhận thấy rằng, chức năng và nghệ thuật của Kulning thật ra là 2 mặt của cùng một thứ”.
Chính giai điệu đa cảm xúc của Kulning mà đã giúp nó tồn tại cho tới tận thời hiện đại ngay cả khi môi trường fabod đã dần thoái trào trong xã hội Thụy Điển. Từ các thập niên 1960 đến thập niên 1980, ngày càng mất dần đi loại hình khu chăn thả mùa hè, còn Kulning bị mai một dần. May thay, đã có vài sử gia và nhạc sĩ bao gồm cả GS Rosenberg đã tìm cách tích hợp Kulning vào văn hóa Thụy Điển trong các bối cảnh mới, dùng các dạng nền tảng mới.
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/)