Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnTừ thơ thành bài hát - Đôi điều thú vị

Từ thơ thành bài hát – Đôi điều thú vị

22
Tác giả: Nguyễn Đình San

Trong kho tàng ca khúc Việt Nam hiện đại, số lượng những bài phổ thơ chiếm tỷ lệ đáng kể. Cần phân biệt: Nhạc sĩ phổ thơ và cùng với nhà thơ tạo nên phần lời ca là hai việc khác nhau. Phổ thơ là từ một bài thơ hoàn chỉnh có sẵn, nhạc sĩ phổ nhạc (tất nhiên hoàn chỉnh ở đây nói theo nghĩa tương đối với tư duy của nhà thơ). Còn việc sau là nhạc sĩ bàn với nhà thơ phác thảo phần lời ca rồi dựa vào đó tạo nên giai điệu hoặc làm nhạc trước rồi mời nhà thơ viết lời dưới các nốt nhạc (như trên thế giới).

Cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp – ông “vua” phổ thơ.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin bàn về việc thứ nhất: phổ thơ. Nghiên cứu lại tất cả các bài hát phổ thơ đặc sắc được công chúng ưa thích trong kho tàng ca khúc Việt Nam, thấy rõ một điều: Không phải cứ thơ hay là sẽ thành bài hát hay và ngược lại, rất nhiều khi bài thơ bình thường đã thành bài hát đặc sắc.

Tất nhiên cũng có trường hợp cả thơ và nhạc đều hay và thơ hay lại thành bài hát dở. Dễ hiểu bởi làm thơ và sáng tác bài hát là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Chuyển từ thể loại nghệ thuật này sang một thể loại khác đương nhiên là điều không đơn giản.

Nhiều thế hệ công chúng đã rất ưa thích và truyền tụng những: “Bộ đội về làng” (Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông), “Anh vẫn hành quân” (Huy Du phổ thơ Trần Hữu Thung), “Đường chúng ta đi” (Huy Du phổ thơ Xuân Sách), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp phổ thơ Anh Ngọc), “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp phổ thơ Đằng Giao), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối phổ thơ Đăng Thục), “Tiếng đàn bầu” (Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang), “Đôi dép Bác Hồ” (Văn An phổ thơ Tạ Hữu Yên)… Con số đó không thể kể hết.

Tất cả những trường hợp trên đều là nhạc sĩ phổ nhạc từ bài thơ đã có sẵn. Bài thơ này đã được nhà thơ công bố hoặc chưa nhưng được coi là đã hoàn chỉnh. Trước khi xuất hiện những bài hát trên, người ta đã không hoặc ít biết đến những bài thơ cùng tên. Những nhà thơ vừa kể (và rất nhiều nhà thơ khác) không phải là không có thơ hay, thậm chí nhiều người được coi là nổi tiếng trong lĩnh vực thơ nhưng là những bài khác, không trở thành bài hát, chứ không phải những bài được phổ nhạc.

Ngược lại, có rất nhiều bài thơ nổi tiếng được đông đảo công chúng ưa thích nhưng người ta lại không hề nhớ được tên bài hát mặc dù đã được những nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc.

Có thể dẫn ra một số trường hợp tiêu biểu: “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ (Huy Thục phổ nhạc), “Đợi anh về” của Xi – mô – nốp (Vân Đông và Văn Chung cùng phổ nhạc), “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan được rất nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc nhưng không ai nhớ được bài hát nào.

Những bài thơ hay như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Quê hương” của Giang Nam, “Núi đôi” của Vũ Cao, “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn, “Bói hoa” của Đoàn Lê, “Hoa chanh” của Nguyễn Bao… tôi cũng từng nghe nhưng chẳng thể nhớ được tên người phổ nhạc.

Tuy nhiên, cũng có một số lượng không nhiều cả thơ và nhạc đều hay như “Đóng nhanh thóc tốt” (Lê Lôi phổ thơ Huyền Tâm), “Mùa chim én bay” (Hoàng Hiệp phổ thơ Diệp Minh Tuyền), “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật), “Nhớ” (Hoàng Vân phổ thơ Nguyễn Đình Thi), “Đợi” (Huy Thục phổ thơ Vũ Quần Phương)…

Cố nhà thơ Tạ Hữu Yên – người có nhiều thơ được phổ nhạc.

Vì sao có hiện tượng như đã nói? Đã là một bài thơ hay dĩ nhiên là phải hội tụ được những yếu tố cần thiết: Ý tứ sâu sắc, độc đáo, nhiều khi là mới lạ; kết cấu chặt chẽ, hợp lý, khó có thể cắt bỏ câu, chữ nào; cách gieo vần, tạo nhịp điệu phù hợp với ý tứ; từ ngữ tìm tòi ở mức đắt nhất với hàm lượng thông tin cao nhất…

Tóm lại, bài thơ được coi là hay khi nó đã khá hoàn chỉnh mọi yếu tố cấu thành như đã nói. Và hẳn nhiên là khi xuất hiện, nó gây được ấn tượng, tạo mĩ cảm tối đa cho người thưởng thức. Nhưng khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ bắt buộc phải tổ chức lại lời lẽ trong một kết cấu, khúc thức nhất định. Điều này đặt ra việc không thể bê nguyên xi lời thơ sang bài hát mà phải cắt xén, có khi lại cần thêm vào, lúc lại đảo thứ tự các khổ thơ.

Rất nhiều khi để cho bài hát hoàn chỉnh thì bài thơ đã không còn hình hài cũ. Ở trường hợp này thì không thể gọi là phổ thơ mà là phỏng thơ. Nhưng thường là khi có được bài thơ hay, người nhạc sĩ rất thích thú, cảm thấy tiếc những lời lẽ nhà thơ làm ra nên dễ sa vào việc huy động hết thơ vào bài hát dẫn đến ca khúc lủng củng, rườm rà. Như vậy thì không thể hay được.

Nhưng những bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao hay “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ thì quả là người phổ nhạc không biết nên lược bỏ chỗ nào, phổ chỗ nào? Tôi đã thấy các nhạc sĩ cứ thế mà cho âm nhạc bám theo tất cả các câu thơ. Rốt cuộc, bài hát rất dài, luễnh loãng.

Huy Thục đã không tạo ra được bài hát hay từ “Đêm nay Bác không ngủ” nhưng lại cho ra đời bài “Đợi” thật đặc sắc. Vấn đề có lẽ ở điểm này: Bài thơ của Vũ Quần Phương vốn dĩ đã hay. Nhưng may mắn hơn là thơ không quá nhiều lời để nhạc sỹ có thể thuận tiện trong việc “nhồi” vào kết cấu của khúc thức bài hát.

Đó có lẽ là lí do để nghĩ tới một điều: Khi một tác phẩm đã định hình, tồn tại vững chắc ở một loại hình nào đó rồi, nhất là đã có đời sống, tiếng tăm, đã được khẳng định giá trị trường cửu thì hãy hết sức dè dặt trong việc chuyển nó sang một loại hình nghệ thuật khác. Vì khi ấy, mảnh đất dành cho người nghệ sĩ sáng tạo ở loại hình thứ hai sẽ rất hẹp. Nhìn sang các lĩnh vực khác cũng thấy vậy.

Từng có rất nhiều đạo diễn điện ảnh của nhiều nước đã đưa những vở bi kịch của Sếchxpia lên màn ảnh nhưng chỉ có Kôzinxép của điện ảnh Xô Viết là thành công. Nhưng người ta thấy là xem “Vua Lia” trên sân khấu vẫn thích hơn xem phim cùng tên.

Cũng như vậy, xem phim “Chiến tranh và hoà bình” của đạo diễn Bônđasúc không thoả mãn bằng đọc bộ tiểu thuyết cùng tên vĩ đại nhất mọi thời đại của Léptônstôi, mặc dù đây là một bộ phim được thực hiện bằng rất nhiều nghệ sĩ lừng danh nhất của điện ảnh Liên Xô (cũ).

Ở nước ta, công chúng không nhớ lâu những phim “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Số đỏ”, “Giông tố”, “Bỉ vỏ” … bởi họ đã quá thích thú với các tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng …

Trở lại với vấn đề phổ thơ, có lẽ cách tốt nhất là nhạc sĩ hãy tìm đến những bài thơ có ý, tứ phù hợp với ý định sáng tác của mình mặc dù có thể bài thơ chưa hẳn đã đặc sắc, hoàn chỉnh. Sự đồng điệu nào đó về cảm xúc trong ý tứ, tư tưởng của tác phẩm sẽ giúp người nhạc sĩ tạo nên bài hát hay.

Và thực tế, từ thành công của những bài hát phổ thơ đã chứng minh điều đó. Nếu gặp bài thơ hay nhưng dài hoặc có nhiều câu không phù hợp với tổ chức kết cấu bài hát thì phải lược bỏ. Ở trường hợp này, các tác giả thơ cần thông cảm cho việc cắt xén này tuy đó có thể là những câu thơ hay nếu tồn tại độc lập.

Cũng chính vì một thực tế như đã thấy mà có lẽ chẳng ai minh định giá trị một nhà thơ lại căn cứ vào việc nhà thơ ấy có được nhiều hay ít bài thơ được phổ nhạc. Có những nhà thơ lớn, tác phẩm của họ là một kho báu của quốc gia mà hầu như chẳng có bài thơ nào được phổ nhạc. Ngược lại, có những người đã có tới cả trăm bài thơ trở thành ca từ bài hát nhưng vẫn không có bài thơ nào thực sự hay.

Thơ hay có thể ngắn, có thể dài, miễn gây được ấn tượng cho người đọc và người ta không thấy mệt khi đọc hết bài. Nhưng ca khúc thì khác hoàn toàn. Toàn bộ giai điệu (một lần) chỉ vang lên trong vài phút. Còn khi trình diễn, ca sỹ hát đi hát lại nhiều lần lại là chuyện khác. Dẫu hay đến mấy mà dài dòng cũng trở nên nhàm, khiến người nghe kém hứng thú thưởng thức.

Vậy nên một bài thơ hay có thể châm chước yếu tố kết cấu miễn không lặp lại ý tứ, điệp từ, điệp ngữ. Còn ca khúc thì bắt buộc phải đặc biệt lưu ý đến điều này – gọi là khúc thức. Vậy nên, có lẽ lối phỏng thơ (không phổ hết từng câu từng chữ) sẽ là biện pháp tốt nhất khi xử lý việc chuyển bài thơ thành ca khúc.

(Nguồn: http://congan.dienbien.gov.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN