Ra mắt album rock lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam, làm phim không lợi nhuận để truyền tình yêu sử đến các bạn trẻ, thiết kế trang phục với những họa tiết gợi nhớ về các nhân vật lịch sử cũng như nghệ thuật truyền thống… Ngày càng có nhiều bạn trẻ đi tìm cảm hứng từ nguồn sử liệu vô cùng phong phú của nước nhà để tạo nên chất riêng trong hoạt động nghệ thuật của mình.
Dự án “Việt sử kiêu hùng” và album “Nam Quốc sử ca” truyền cảm hứng và tình yêu lịch sử tới công chúng.
Những dự án “có lửa”
Ban nhạc AnNam, ban nhạc đoạt giải quán quân cuộc thi Ban nhạc Việt 2018, vừa giới thiệu đến công chúng album đầu tay, khai thác đề tài lịch sử Việt Nam có tên “Nam Quốc sử ca”. Ngay từ cuộc thi Ban nhạc Việt 2018, nhóm nhạc này đã tạo ấn tượng mạnh với công chúng khi khai thác chất sử thi của lịch sử Việt Nam kết hợp trong thể loại symphonic metal. Thành công ở cuộc thi này cùng với những lời động viên của khán giả đã giúp nhóm kiên trì theo đuổi phong cách này. Kết quả là sau 3 năm kể từ cuộc thi, một album gồm 8 ca khúc “nặng ký”: “Nam Quốc sử ca”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Cột đồng Mã Viện”, “Bạch Đằng ca”, “Giao thời ngoại kỷ”, “Anh hùng cờ lau”, “Thí Đinh Đinh” và “Phản thần” đã ra đời. Đây là album đầu tiên tại Việt Nam khai thác hoàn toàn dữ liệu lịch sử Việt Nam, nội dung các ca khúc dựa trên những lát cắt từ bộ sách chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” và sẽ được phát hành dưới dạng album vật lý nhằm gây quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19. Dự kiến 3 tháng sau khi ra mắt, album sẽ tiếp tục phát hành trên các nền tảng nhạc số để tiếp cận đông đảo người nghe. Sau “Nam Quốc sử ca”, ban nhạc AnNam đang ấp ủ thực hiện album thứ hai viết tiếp dòng sử Việt từ đời nhà Lý với những góc nhìn đa diện.
Cũng tháng 12 này, trong Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, nhà thiết kế trẻ Lê Long Dũng đã mang đến cho công chúng bộ sưu tập “Việt Nam rực rỡ gấm hoa” với 35 mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ tuồng cổ. Trước đó, nhà thiết kế này cũng gây ấn tượng với công chúng và tạo được phong cách riêng qua một số thiết kế lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa truyền thống như: Thiết kế quốc phục dành cho Trương Chi Trúc Diễm với ý tưởng về mẹ Âu Cơ và thời Văn Lang – Âu Lạc trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International 2011), hay bộ sưu tập “Ngọc Viễn Đông” lấy cảm hứng từ nghệ thuật cải lương. Về những mẫu thiết kế của mình, Lê Long Dũng chia sẻ: “Tơ dệt nên chỉ, chỉ dệt nên vải, mỗi người chúng ta một màu sẽ dệt nên Việt Nam gấm hoa. Dũng sẽ kể câu chuyện văn hóa từ cổ điển đến hiện đại qua những tà áo dài, trang phục dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp, nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam”.
Biết khó vẫn dấn thân
Việc lấy cảm hứng từ lịch sử, nghệ thuật truyền thống để đưa vào các tác phẩm đương đại đã được các nghệ sĩ Việt thực hiện từ lâu, gặt hái nhiều thành công, tạo nên một dòng riêng trong đời sống nghệ thuật đương đại hiện nay. Tuy nhiên, sự dấn thân của các nghệ sĩ với quyết tâm cho ra những sản phẩm đặc biệt, vẫn cho thấy sự dũng cảm đáng khích lệ bởi những thách thức của mảng đề tài này.
Chẳng hạn, năm 2017, nhóm “Đuốc mồi” bắt tay thực hiện dự án “Việt sử kiêu hùng” với mong muốn truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt. Dự án được thực hiện dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh, những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Để thực hiện dự án phi lợi nhuận dài hơi và công phu này, nhóm đã phải huy động sự đóng góp của cộng đồng. Hay với album “Nam Quốc sử ca” kể trên, ban nhạc AnNam cũng phải mất tới 5 năm nghiên cứu, sáng tác và thực hiện với mức độ đầu tư lớn hơn so với các nhạc phẩm thông thường. Hướng đi của ban nhạc này được đánh giá là quyết định mạo hiểm với một ban nhạc rock mới, vì thể loại symphonic metal kết hợp với chất sử thi là rất “khó chơi”. Nghệ sĩ phải có nền tảng nhất định về trình độ âm nhạc, sử dụng nhạc cụ, trang thiết bị và phòng thu đạt chuẩn.
Tuy biết khó nhưng các nghệ sĩ trẻ đều đặt quyết tâm rất cao với con đường mình đã chọn. Theo ban nhạc AnNam, niềm đam mê của họ hiện nay là đọc sử Việt và viết nhạc về sử Việt. Album “Nam Quốc sử ca” thể hiện tinh thần, niềm kiêu hãnh của nhóm về lịch sử Việt. Còn nhóm những nhà làm phim trẻ “Đuốc mồi” thì gửi gắm mong muốn ngay trong tên nhóm: Dự án sẽ như ngọn lửa mồi, làm bùng lên niềm yêu thích, tự hào đối với lịch sử dân tộc của các bạn trẻ. Rõ ràng, mỗi người một cách làm song với niềm yêu thích lịch sử và văn hóa truyền thống, họ đã tạo được dấu ấn riêng trên con đường nghệ thuật và truyền được cảm hứng tới cộng đồng.
(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)