Thứ Hai, Tháng Mười Một 25, 2024
Trang chủLý LuậnSách “Mozart” – viết về cuộc đời để soi chiếu âm nhạc

Sách “Mozart” – viết về cuộc đời để soi chiếu âm nhạc

17

Tác giả: Mai Đức Hạnh

Trong vòng 8 tháng của năm 2020, sau khi Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời của Lewis Lockwood ra mắt, người yêu nhạc Việt Nam lại được đón nhận cuốn sách mới, cũng là sách về một nhà soạn nhạc vĩ đại: Mozart của Maynard Solomon.

Tựa đề gốc của cuốn Mozart là Mozart, a life, xuất bản năm 1995, là cuốn sách từng được đề cử giải Pulitzer cho hạng mục tiểu sử và tự truyện. Đây là một cuốn sách có uy tín trên thị trường sách thế giới nhiều năm qua, có lẽ bởi những thông tin chất lượng về một nhân vật đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa, nghệ thuật Tây phương, và cách truyền tải khéo léo, hấp dẫn của tác giả.

Trong các dòng sách mang tính phản ánh lịch sử, thời cuộc, dòng sách tiểu sử không chỉ cung cấp cho người đọc chân dung một cá nhân hay một thời kỳ nhất định, mà còn đóng vai trò là tấm gương phản chiếu chính thời đại mà sách được viết. Điều này càng thể hiện rõ đối với các tiểu sử của các nghệ sĩ danh tiếng, bởi ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thế hệ nghiên cứu lại có những người đưa ra những góc nhìn khác biệt đối với nhân vật được đề cập. Sự biến thiên trong cách đánh giá, nhìn nhận một hiện tượng, nhân vật lịch sử cũng chính là thước đo cho quá trình phát triển mức độ nhận thức của nhân loại. Đôi khi các học giả đào sâu một khía cạnh tưởng như không thể sâu thêm nữa, đôi khi người ta tạm gác những yếu tố mang tính “kinh điển” để thử nhìn vào mặt khác của vấn đề… Qua hành trình đó, nhân vật lịch sử được đặt vào lăng kính khách quan hơn, từ đó được tôn trọng hơn hoặc bớt phần “thánh hóa” hơn, được thông cảm hơn hoặc được xem xét nghiêm cẩn hơn. Và Mozart, có lẽ hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác, là đối tượng rất được quan tâm trong dòng sách tiểu sử. Những cuốn tiểu sử ban đầu có xu hướng thần thoại hóa nhà soạn nhạc, dẫn đến những bức chân dung rõ ràng mà đôi khi rất mâu thuẫn. Có người miêu tả Mozart như một đứa trẻ ngây thơ, non dại, thế giới quan chật hẹp và dễ bị thao túng, trong khi những người khác miêu tả ông như một gã Don Juan vô độ, là kẻ hủy hoại tình cảm và tài chính của gia đình.

Đã có nhiều nhà viết tiểu sử cố gắng giải mã nhà soạn nhạc huyền thoại này, ví dụ như Wolfgang Hildesheimer với cuốn Mozart viết năm 1982, hay William Stafford với The Mozart Myths: A Critical Reassessment (Những huyền thoại về Mozart: đánh giá phê bình lại) viết năm 1991. Năm 1995, chúng ta có thêm cuốn tiểu sử của nhà âm nhạc học Maynard Solomon về Mozart. Đây là một cuốn tiểu sử đồ sộ, chứa đựng nhiều chi tiết không chỉ đến từ riêng Mozart, mà còn tập hợp nhiều nguồn tin từ các văn kiện, chứng tích lịch sử của nhiều nhân vật cùng thời. Tất cả được hệ thống một cách hợp lý, đi theo nguyên tắc phân tích tâm lý của Freud.

Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, vì vậy, để làm rõ về nhân cách, tính cách, tinh thần, tư tưởng một vĩ nhân, người ta không thể chỉ dựa vào tác phẩm mà vị ấy để lại cho hậu thế, mà còn phải tìm hiểu về những cá nhân, tập thể mà người đó gắn kết trong suốt cả cuộc đời. Theo góc nhìn của Solomon, trong số những người Mozart từng gắn bó trong đời, có những nhân vật đặc biệt quan trọng hơn cả, đó là bố ruột, vợ, và Hội Tam Điểm. Riêng về quan hệ của Mozart với bố, ông Leopold Mozart, Solomon dành phần quan tâm rất lớn: quan hệ cha – con là khía cạnh đóng vai trò trung tâm trong đời Mozart, và cũng là đề tài chiếm phần trung tâm xuyên suốt cuốn sách. Tác giả coi đó là vấn đề mấu chốt giải thích đời sống tình cảm và sáng tạo của Mozart.

Chân dung Leopold Mozart (1719-1787)

Ở những trang đầu của cuốn sách, sau khi viết đôi trang Khúc dẫn để dẫn dắt độc giả khám phá Huyền thoại về đứa trẻ vĩnh cửu, Solomon đã dành cho bố Mozart một chương riêng: Leopold Mozart, trong đó ông cố gắng khách quan nêu ra tất cả ưu điểm, nhược điểm của nhân vật này khi tạc nên chân dung của một người đàn ông giàu trí tuệ, học vấn nhưng bên trong lại tiềm ẩn những vấn đề tâm lý khó lường. Có lẽ, để giải thích cho độc giả hiểu tại sao họ lại đang đọc về bố Mozart ngay từ chương 1, Solomon đã viết rõ: “Việc hiểu được con đường giáo dục của Leopold Mozart là một điều quan trọng vì ông là người chỉ dạy chính cho con trai của mình trong hầu hết các ngành học”. Cùng với đó, Solomon còn trích dẫn chính bút tích của Leopold viết cho Mozart: “Con trai, hãy nhớ kỹ, đề tìm được một người trong ngàn người là bạn thực sự của con với những động cơ không ích kỷ, cũng giống như đi tìm một kỳ quan vĩ đại của thế giới này”, đây là chi tiết thể hiện tác động mạnh mẽ của người cha đến nhân vật được viết tiểu sử. Nỗi bất an bên trong âm nhạc của Mozart đến từ tâm trí Mozart, và nguồn cơn sâu xa của nó có lẽ đã nhen nhóm từ người cha, người quan trọng thứ hai sau Chúa, mà Mozart vẫn tâm niệm: “Tiếp sau Chúa, là Papa”.

Bắt đầu từ chương 2 Những ngày đầu, cuốn sách bắt đầu hành trình của cậu bé Wolfgang Amadeus Mozart từ những lần đầu của cậu: lần đầu mò mẫm cây đàn, lần đầu “tìm ra một chồng âm quãng ba và tấu kêu lên”, lần đầu “soạn ra một bản nhạc mà cậu gọi là concerto”… Chương sách khắc họa nét tính cách tinh nghịch, rồi “từ khi khám phá ra âm nhạc, sự quan tâm đến mọi việc khác như đã chết, và ngay cả những trò chơi của trẻ em cũng phải có nhạc đệm mới khiến cậu thích thú”. Từ những ngày đầu này, Leopold hiểu được tài năng phi thường của con trai mình và nhận ra ý nghĩa của thứ thiên tư đó với tương lai của cả nhà. Bản thân Mozart bẩm sinh đã là một tài năng, nhưng nếu tài năng ấy không được bồi đắp, tạo dựng môi trường để củng cố và phát triển thì có lẽ hơn hai trăm năm qua nhân loại không thể có được tượng đài âm nhạc vĩ đại đến thế. Ý thức được ý nghĩa đó, Solomon đã cố gắng giúp người đọc hiểu được vai trò to lớn của người đã hy sinh tất cả cho Mozart. Tuy nhiên – bất cứ điều gì có mặt phải thì cũng có mặt trái – sự hy sinh của Leopold không đơn thuần chỉ xuất phát từ động cơ si mê con cái, mà còn được cấu thành từ thói tham vật chất, từ lòng sân hận đối với gia đình ông từng thuộc về, từ ham muốn chứng tỏ bản thân, rằng mình cũng có thể có được thành công, vinh quang, để không còn bị ruồng rãy, coi thường như từng phải chịu đựng trong quãng thời gian còn trẻ.

Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy thời lượng Solomon dành cho nhân vật Leopold Mozart choán rất nhiều trong cả phần Khởi đầu, thậm chí tác giả còn tỉ mẩn đo tính lượng tiền thu chi của cả nhà trong chương 4 Kho báu của gia đình, qua Hành trình vĩ đại (chương 3), con người Leopold càng được mô tả kỹ càng trong khoảng thời gian gia đình Mozart Tạm trú ở Vienna (chương 5), khi cha con ông thực hiện Những hành trình trên nước Ý (chương 6); nhưng sau tất cả những mô tả kỹ lưỡng về khung cảnh đầu đời của nhà soạn nhạc thiên tài, người đọc có thể nhận ra: công của Leopold đối với con trai là to lớn, tội của ông với Mozart còn lớn hơn, chính hai điều này còn gây ra tổn thương khó bù đắp cho nhà soạn nhạc. Mozart xuất sắc không chỉ bởi âm nhạc, mà còn bởi tình cảm gia đình bên trong ông, và cách ông vượt qua nỗi đau do người thân gây ra, cùng những trắc trở, mâu thuẫn với các mối quan hệ xã hội để vươn tới đỉnh cao cuộc đời. Sự xuất sắc ấy được Solomon khắc họa rõ nét ở các ba phần còn lại của cuốn sách.

Phần thứ hai được Solomon đặt tên theo thành phố nơi Mozart sinh ra và còn ở cho đến năm 1781, khi ông tròn 25 tuổi: Salzburg. Có thể coi đây là giai đoạn đầu đời của nhà soạn nhạc. Ở phần này, độc giả có thể thấy rõ cả vinh quang và tủi nhục mà Mozart mang trong vòng tay của quê hương, gia đình, trong đó mỗi chương mô tả một khía cạnh: môi trường sống, sự nghiệp, ý chí, tình yêu, và liên hệ với song thân.

Bắt đầu từ chương 7 Đứa con trai được yêu quý tác giả sách đã mô tả tỉ mỉ bối cảnh sống của Mozart khi còn ở quê nhà, trong đó đưa ra tất cả những ưu đãi mà thành phố đã tạo điều kiện cho nhạc sĩ, và cả những mặt hạn chế khiến ông chưa thể phát huy hết thế mạnh. Cũng từ đây, những mầm mống mâu thuẫn giữa hai cha con Leopold và Mozart đã bắt đầu, bởi Leopold thì bị chính quyền kìm chân không thể đi đâu nữa, còn Mozart đã có ý hướng về những chân trời mới đầy hứa hẹn cho một tương lai tự do.

Chương 8 Giọng của nhà soạn nhạc thể hiện rõ hơn những nấc thang quan trọng trong con đường sáng tác của Mozart, khi ông dần dần có những biến chuyển trong phong cách sáng tác của mình; đây cũng là một trong những chương chứa đựng những phân tích sâu về chuyên môn âm nhạc. Trong giai đoạn giao thời giữa niên thiếu và trưởng thành của Mozart, từ những manh mối rất đỗi mơ hồ trong các sáng tác ở nhiều thể loại, Solomon “thấy rằng không có điểm cố định nào xác định được điều đó [phong cách riêng của Mozart], không có tác phẩm hay cụm tác phẩm nào thể hiện sự cắt đứt về nhận thức của Mozart với một quá khứ chuyên bắt chước và cho thấy sự mài giũa bản sắc cá nhân của ông. Thay vì một đường phân chia rõ ràng, chúng ta thấy một quá trình đã từ lâu ẩn trong bóng tối”.

Đến chương 9 – Việc làm vô nghĩa, độc giả đã có thể dự cùng chuyến phiêu lưu thực sự của Mozart, chứng kiến lần đầu chàng trai trẻ nỗ lực trốn thoát khỏi vòng tay sắt của người cha và cả sự nghèo nàn của Salzburg. Thêm vào đó, trong chương này Solomon cũng kể qua về chuyện tình giữa Mozart và Aloysia Weber, là một trong số những mối tình quan trọng của nhà soạn nhạc. Ấy nhưng mọi thứ đều như cái tên của chương sách: tất cả công sức để khởi tạo sự nghiệp lâu dài và cả ước vọng xây dựng gia đình với mối duyên chớm nở đều tan thành mây khỏi, tất cả đều là những việc làm vô nghĩa, bởi Leopold đã tìm mọi cách để “giăng lưới” bắt cậu con bướng bỉnh quay về, kể cả kế hèn mọn nhất: liệt kê số tiền ông đã chi để nuôi dạy con, và ràng buộc con. Bằng quan sát tâm lý, Solomon chỉ ra rằng, lúc này quan hệ giữa hai cha con Mozart đã trở thành quan hệ chủ nợ – con nợ. Đây là bước chuyển đen tối, và cũng là mắt xích quan trọng trong câu chuyện cuộc đời nhà soạn nhạc và cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, cũng như âm nhạc của Mozart sau này. Thêm vào đó, một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng nặng nề đến Mozart là việc ông bị cha mình cấm cản cả chuyện yêu đương – những chuyện sẽ được kể chi tiết trong chương 10 của cuốn sách.

Có lẽ, trong mọi đề tài, chuyện tình cảm của các bậc danh nhân vẫn là khía cạnh gây tò mò mạnh mẽ đối với hậu thế. Những chuyện tình trong đời các danh nhân không chỉ là để thỏa mãn tính hiếu kỳ bình thường, mà cũng có thể là nguồn tham khảo riêng biệt để các sử gia, các nhà nghiên cứu bóc tách, phân tích về tinh thần nhân vật. Trong chương 10, Solomon đã mô tả về Mozart trong tình yêu một cách duyên dáng, hóm hỉnh. Thâu tóm các chi tiết trong những thư tay riêng tư của Mozart với người tình, Solomon đã khiến cho người đọc hình dung rõ hơn về nhà soạn nhạc đặc biệt trong lịch sử: trong đó Mozart vừa bộc lộ phần ‘con’, vừa thể hiện phần ‘người’. Từ hai mối tình thời thanh niên của Mozart, dẫu mỗi nàng thơ lại được Mozart đối xử khác nhau, song cả hai đều có điểm chung như Solomon nhận định: “Aloysia và Bäsle đại diện cho hai con đường khác nhau để thoát khỏi Salzburg”.

Mối liên hệ của Mozart với mẹ không được dành phần diễn tả nhiều như với cha, tất cả gần như tập trung trong chương 11, với tiêu đề u buồn: Cái chết của mẹ. Việc chứng kiến mẹ mất đã đủ khiến bất cứ đứa con nào cũng phải đau đớn tột cùng, và có lẽ đó là biến động lớn đầu tiên xảy đến với chàng nhạc sĩ đang tuổi đôi mươi. Từ trong đau thương, con người ta mới ngỡ ngàng bởi hiện thực vô thường, và có lẽ đó cũng là một cột mốc đánh dấu biến động trong chặng đường phát triển tâm lý của Mozart. Lần sâu vào bút tích, thư từ giữa hai cha con, Solomon cho người đọc thấy: Mozart không những phải tự trấn an bản thân để vượt qua nỗi mất mát, mà còn phải đối phó với ông bố còn mang dấu hiệu bất ổn tâm lý hơn nhiều lần.

Ta vẫn thường hay quen với nhận định chung cho rằng âm nhạc của Mozart tựa suối nguồn mùa xuân, và nhiều người luôn gắn chặt ông cũng như âm nhạc của ông với hình tượng tươi vui, vô tư lự. Tuy nhiên, trong chương 12, Solomon đã đi sâu vào các tác phẩm của Mozart, đặc biệt là những chương nhạc chậm adagio, andante, và dùng những phân tích sắc bén của mình để chỉ ra một Mozart mang đầy Nỗi lo âu nơi thiên đường. Khi quan sát một số ví dụ, như chương Andante cantabile con espressione của Sonata La thứ K.310/300d, chương Andante của Serenate K.203/189b, chương Adagio Soanta Fa trưởng K.280/189e, hay chương Adagio của Quintett Si giáng trưởng K.174, Solomon nhận ra những chi tiết thể hiện sự bất ổn bên trong tâm lý tác giả. Đây là một điểm đặc biệt của cuốn tiểu sử này, bởi không phải nhà âm nhạc học nào cũng đủ dũng cảm đưa ra quan sát độc đáo như vậy. Cảm xúc, tâm lý, trạng thái… đều là những yếu tố cảm tính: người ta có thể nói “tôi cảm thấy bản nhạc này vui”, hoặc “tác phẩm này cảm giác rất buồn”, hay thanh thảntuyệt vọngđau đớn mà chẳng thể gọi tên được yếu tố nào để xác thực những cảm giác mang tính trừu tượng đó. Nhưng Solomon có thể “nhặt” ra những tiểu tiết ở cách Mozart tiến hành giai điệu, cách vận dụng thủ pháp chuyển điệu trong xây dựng hòa thanh, đặc biệt là về cấu trúc – hình thức chương nhạc… Solomon đã tìm thấy trong âm nhạc của Mozart từ những tháng năm còn ở Salzburg đã có mẫu hình chương adagio/andante, là kiểu mẫu mà nhà soạn nhạc đã thiết lập để thể hiện tình cảm sâu sắc: chương nhạc ban đầu được bắt đầu bởi âm điệu mang phong thái bình tĩnh, chiêm nghiệm, sau đấy tiến đến giữa chừng là một trạng thái rối loạn đầy giông tố, và cuối cùng được khôi phục. Solomon lập luận rằng âm nhạc là phương tiện chính của Mozart để sửa chữa một thực tế không vui. Có thể nói rằng, Solomon đã có đủ bằng chứng thuyết phục để làm rõ cách Mozart thể hiện nỗi bất an, căng thẳng nằm sâu trong con người rồi tự giải quyết như thế nào ngay trong âm nhạc của ông.

Chương 13 Những cuộc đời song hành nêu lên những nét tương đồng giữa cuộc đời của Mozart cha và con theo góc nhìn của tác giả. Solomon đã kỳ công khắc họa con người Leopold – tức Mozart cha – từ khi còn là một chàng thanh niên ương bướng đối đầu với ý nguyện của mẹ, để từ đó ông chỉ ra sự lặp lại ở cuộc đời Mozart con. Điểm nối kết giữa hai con người nằm ở tài năng, tham vọng, hoài bão và tình cảm cha con. Đọc tới đây, độc giả có thể hiểu ra: chính vì Mozart thừa hưởng từ người cha ý chí tự do và lòng ham hiểu biết, mong muốn phát triển bản thân, nên ông lại muốn bứt ra khỏi vòng tay gia đình, giống như cha mình từng cương quyết đi theo con đường riêng. Nếu một cuốn tiểu sử chỉ thuần là liệt kê những cột mốc trong cuộc đời danh nhân, có lẽ độ hấp dẫn sẽ hao hụt đi phần nào, vậy nên, người đọc có thể “nương theo” cách nhìn nhận của người viết như một cách tham khảo khi đến bên nhân vật đối tượng. Trong cuốn sách, chương 13 thể hiện sâu sắc những phân tích của tác giả sách về ràng buộc cha con Mozart khi nhà soạn nhạc còn trẻ, dụng ý làm rõ về đời sống tinh thần của ông những năm tháng sau này.

 Chương 14 Tạm biệt Salzburg ghi lại những tháng ngày cuối cùng ở thành phố quê hương của Mozart, cũng như phản ứng của Mozart trước những nỗ lực kìm giữ con trai của cha. Trong khi Leopold nài nỉ Mozart “nên chiều theo khẩu vị” người nghe, “mục tiêu của con là tự tạo danh tiếng cho mình và kiếm tiền”, thì Mozart khăng khăng bảo vệ thẩm mỹ nghệ thuật mới mình tự tạo nên: “nếu không hài lòng thì con cũng không coi đó là bất hạnh gì to tát. Và Mozart đã chinh phục được khán giả của mình bởi họ phản hồi đầy xúc động: “khi nghe nó, những giọt nước mắt của niềm vui và sự thanh thản từ mắt anh đã rơi, và tất cả những người biểu diễn đều cho rằng đầy là thứ âm nhạc đẹp nhất họ từng nghe, rằng tất cả đều thật mới mẻ và lạ lẫm…” Đối với những người hoạt động âm nhạc hậu thế, đây vẫn còn là một vấn đề cần được nghiền ngẫm: âm nhạc là để lót đường cho danh tiếng và công cụ kiếm tiền, hay âm nhạc còn ở vị trí cao hơn thế ?

Phần thứ hai của cuốn sách dẫn dắt độc giả theo hành trình của Mozart khi đã là một con người trưởng thành, tự quyết định và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Đây cũng là những trang viết hấp dẫn, sinh động bởi góc nhìn sắc sảo của tác giả đối với phần đời sôi nổi nhất của nhạc sĩ tài hoa. Nếu như ở phần trước, suy nghĩ cá nhân của Mozart chưa được thể hiện rõ, thì từ phần hai trở đi, tâm tư của ông đã được nêu bật, được khai thác, phân tích với nhiều góc độ. Chương 15 Đến nơi thể hiện sự kháng cự sức ép từ cha của Mozart về vấn đề độc lập trong sự nghiệp, thì chương 16 Constanze lại thể hiện ý chí bảo vệ hạnh phúc lứa đôi của nhà soạn nhạc. Chương 17 nối tiếp, khắc họa vết rạn nứt giữa Hai gia đình, song cũng làm rõ mối liên kết giữa Mozart với gia đình mới là nhà vợ.

Chương 18 Adam là một chương độc đáo, bởi Solomon tìm hiểu tính cách, tâm lý ẩn sâu bên trong con người Mozart qua cách nhạc sĩ chơi đùa với các kiểu dùng tên khác nhau của mình: “tất cả những dấu hiệu cho thấy sự sùng bái của Mozart đối với các kiểu cách giả trang – mối bận tâm của Mozart với mọi kiểu biến hóa, tạo ra các câu đố, chơi đùa với những cái tên và ký hiệu, việc che giấu chứng nhận rửa tội – đều xoay quanh những vấn đề về nhận dạng; tất cả những điều này đều thể hiện chung một câu hỏi đơn giản: Tôi là ai ?”.

Trả lời cho câu hỏi ấy có vô cùng đáp án, và chương 19 đưa ra một đáp án khả dĩ: Mozart là một Ông bầu. Đối lập với chương trước thể hiện thế giới nội tâm trừu tượng cực kỳ nhạy cảm, phức tạp, chương này thể hiện một con người Mozart đầy tỉnh táo, thức thời tùy vào từng hoàn cảnh thực tế khi bước chân ra ngoài xã hội thượng vàng hạ cám.

Chương 20 tổng kết tất cả những khía cạnh về con người Mozart, để vẽ nên tấm Chân dung một nhà soạn nhạc: về dung mạo, thói quen sinh hoạt, tác phong làm việc, các mối quan hệ với xã hội, bạn bè thân-sơ, học trò, tiền bối Haydn, người lên dây đàn, cô hầu, vật cưng, và cả sở thích đối với những thứ nhỏ bé thường nhật.

Chương 21 đề cập đến liên hệ của Mozart với Hội Tam điểm, trong đó ghi nhận tác động tích cực của hội đối với đời sống tinh thần của nhà soạn nhạc và nêu ý nghĩa các sáng tác của ông dành riêng cho hội.

Chương 22 đưa ra Những câu đố Zoroaster mà Mozart từng viết, giúp chúng ta hiểu thêm đôi phần về tính cách, khả năng sáng tạo của ông, và cũng khiến ta phân tích tâm lý nhạc sĩ rõ nét hơn. Qua các chương 18 – 22, ta đã thấy ở Mozart một số đặc điểm điển hình của một người cấp tiến, một kẻ dị giáo hay thậm chí là một nhà cách mạng: ông bị cuốn vào niềm đam mê tìm kiếm sự công bằng và căm phẫn những kẻ lạm quyền, không chỉ ở những người khác với nhau mà còn ảnh hưởng của một số người tới cuộc sống của ông. Trong Mozart tồn tại cuộc co kéo giữa thịnh nộ và kiềm chế, kiêu hãnh và thuần phục, thói phá phách và ứng xử đúng mực… Những mâu thuẫn ấy tạo nên một con người đa chiều, phức tạp và có xu hướng giấu ẩn những nhân cách khác nhau trong bộ cánh giả trang.

Điều này được Solomon đi sâu phân tích trong chương 23 Những khía cạnh giả trang. Từ sự phức tạp nội tâm này, mà những sản phẩm sáng tạo của nhạc sĩ cũng bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng ấy được phơi bày trong chương 24 Những sự cân xứng đáng sợ, với những phân tích về đường nét giai điệu, hòa thanh… để làm rõ cái đẹp trong âm nhạc của Mozart: đó là sự tổng hòa giữa cả sự cân xứng và sự bất cân xứng, giữa cảm giác hài lòng với nỗi khao khát, giữa tròn đầy với thiếu thốn.

Phần Kết thúc thuật lại 10 năm cuối đời của Mozart và liên hệ của ông với gia đình. Chương 25 mang tên Leopold bé, kể câu chuyện về con của chị gái Mozart – đứa cháu mà Leopold Mozart kỳ vọng nuôi dạy thành tài như ông đã nuôi dạy con trai mình. Đứa bé đã trở thành một chướng ngại giữa hai cha con, tạo thêm rào cản tâm lý cho Mozart với viễn cảnh bị thay thế.

Chương 26 Chị gái thân yêu nhất của em kể về người chị ruột của Mozart, bắt đầu từ “trong những năm đầu đời, Mozart và chị gái, Marianne, như chung một thân thể, một linh hồn… sống và làm việc cùng nhau vì những mục tiêu chung trong doanh nghiệp gia đình, họ học tập, đi khăp nơi lưu diễn như những thành viên cộng sinh của một sinh thể duy nhất, cùng chia sẻ mọi trải nghiệm sống, từ những sự kiện chiến thắng cho đến khi chứng kiến nhau ở mấp mé bờ vực cái chết”; cho đến khi họ mâu thuẫn nhau vì Mozart tách rời khỏi khối cộng sinh ấy để tìm đường phát triển bản thân, vì tình thương lệch lạc của cha dành cho hai con không cân xứng, đến mức trong những dòng thư cuối cùng Mozart đã phải chào chị gái mình “một ngàn lời từ biệt”. Bằng cách nhìn sâu vào tâm lý của người phụ nữ tài hoa để có nhận định công tâm nhất, Solomon đã có lý khi chỉ ra rằng “cuộc cãi vã giữa Mozart và Marianne đã không thực sự là về tiền, mà là về việc ai sẽ sở hữu những di sản còn lại của cha, nghĩa là, ký ức về tình yêu, sự bảo vệ của ông, sự ưu ái của ông”.

Chương 27 kể về hành trình của Mozart tới Prague và xa hơn nữa, ghi nhận những năm tháng suy giảm năng lực kinh doanh và sa sút về tái chính, khiến nhạc sĩ phải tính đến Hành trình tới Berlin mà Solomon kể tiếp trong chương 28. Tưởng như Berlin có thể cho Mozart cơ hội giành lại vận may, nhưng có điều gì đó đã cản ông lại, chẳng thể thực hiện trung thực những gì ông đã kể một cách tự hào trong những bức thư gửi về cho vợ.

Chương 29 của cuốn sách miêu tả một Mozart mà ít người ngờ đến: một Mozart chìm sâu vào Một nỗi buồn triền miên. Cơn trầm cảm của ông có lẽ từ mâu thuẫn lớn nhất cuộc đời mình: Mozart đã đạt được mọi thứ mà mình mơ ước – danh tiếng, gia đình, tình yêu, tình bạn, cảm giác trở thành một phần kết cấu xã hội, Mozart hiểu được rằng sự sáng tạo của mình là vô song…- và cuối cùng những điều đó vẫn không đủ để đối chọi với nỗi mất mát gia đình, nơi Mozart được sinh ra. Từ những sự kiện mất mát: cha và nhiều bạn bè qua đời, khủng hoảng sự nghiệp… Solomon phân tích mối liên kết tinh thần với các tác phẩm giai đoạn cuối đời của Mozart. Lúc này Mozart đã là một con người thực sự trưởng thành, có vốn sống phong phú, từng trải nhiều thăng trầm, có biến động nội tâm sâu sắc; đồng thời ông cũng đã qua nhiều năm tháng dùi mài bút pháp sáng tác, có chính kiến nghệ thuật đủ để bảo vệ cá tính sáng tác của mình. Qua cách diễn giải, kể chuyện của Solomon, người đọc có thể cảm nhận được sự biến đổi mạnh mẽ bên trong con người Mozart để lý giải được sự vượt trội trong các tác phẩm cuối đời của nhạc sĩ.

Chương 30 diễn tả Năm cuối cùng của Mozart, từ những tháng ngày cuối cùng ông làm việc với tốc độ khủng khiếp, kháng cự áp lực từ ngoại cảnh, cảm giác cay đắng và thất vọng…

Chương 31 Hành trình cuối cùng bắt đầu từ thỏa thuận viết tác phẩm trứ danh Requiem. Solomon đã nhận ra tất cả khó khăn quanh nhạc sĩ: bị bao vây bởi những điều cấm đoán, bị truy đuổi bởi bóng người ẩn danh, chịu những nỗi buồn triền miên bao trùm, chỉ một thời gian Mozart đã gần như tới kề bờ vực im lặng. Nhưng bằng cách nào đó Mozart đã xoay sở để khai thác sức sáng tạo của mình… Chương sách này được tác giả miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết về cơn bệnh của nhạc sĩ, những nỗ lực cuối cùng và cảm giác “viết bản Requiem này cho chính mình” mà chính Mozart nói ra, cả khung cảnh u buồn khi ông xa lìa thế giới. Solomon chứng minh khả năng tìm tòi, nghiên cứu bậc thầy khi tổng hợp, đối chiếu các thông tin về bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, với những lời tả về hậu sự cho Mozart… Ông giải đáp được thắc mắc về tình cảnh chôn cất Mozart, cách người dân thời bấy giờ tưởng nhớ đến Mozart.

Cuốn Mozart thể hiện một góc nhìn riêng của Maynard Solomon về cuộc đời nhà soạn nhạc thiên tài, khác biệt với khá nhiều nhà nghiên cứu khác. Trong khi một số nhà phê bình nhấn mạnh chủ nghĩa cổ điển và tính hợp lý trong âm nhạc của Mozart, Solomon lại tập trung sâu sắc vào những chủ đề đen tối, bi thảm, những chủ đề nảy sinh từ những mất mát và thất vọng trong cuộc đời ngắn ngủi của ông.

5.2021

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN