Trong đời sống sinh hoạt của người Dao Đỏ ở Sa Pa – Lào Cai không thể thiếu được chiếc trống. Đặc biệt trong những ngày đầu xuân, tiếng trống còn biểu thị cho tín hiệu tình cảm của đồng bào đối với thần linh.
Theo phong tục của đồng bào Dao đỏ Lào Cai, mỗi gia đình ai cũng đều phải có một bộ gồm: trống, chiêng, chũm chọe và kèn để phục vụ những ngày lễ tết, cưới xin, cấp sắc… Và nghề làm trống là một nghề truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều gia đình, dòng họ ở thị xã Sa Pa.
Anh Lý Cuổi Quáng ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, một người trẻ được ông nội và cha mình truyền dạy đã và đang tiếp tục đam mê, gìn giữ nghề làm trống truyền thống của gia đình cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm trống từ lâu lắm rồi. Tôi được ông, cha truyền dạy và tiếp tục gìn giữ, duy trì nghề của cha ông”.
Trống được làm bằng phương pháp thủ công rất kỳ công.
Người Dao đỏ làm trống chủ yếu bằng phương pháp thủ công nhưng rất kỳ công. Mặt trống được lựa chọn từ da bò, trâu, sơn dương nhưng phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng làm trống được. Sau đó đem phơi nắng hoặc treo gác bếp chừng nửa tháng rồi mới có thể làm trống. Tang trống được làm từ gỗ tốt, khoét rỗng bên trong, sau đó đẽo, bào bóng xung quang, làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Da mặt trống được giữ bằng cách dùng các dây mây nhỏ nối lại hai mặt trống. Người thợ trống sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều gọi là nêm đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào với nhau để da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Các thanh gỗ găm tròn xung quanh tang trống như những cánh hoa chính là nét độc đáo trên chiếc trống của người Dao Đỏ nơi đây.
Theo anh Lý Láo Tả, cũng một người dân yêu thích nghề làm trống ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn: Người Làm trống ngoài đôi bàn tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế để nghe và chỉnh âm thanh của trống. Một chiếc trống đạt chuẩn, khi đánh lên, người ở xa nghe vẫn âm vang, người ở gần không thấy chói tai, như vậy mới là một chiếc trống tốt. Bởi thế, kỹ năng nghe và thẩm định chất lượng âm thanh không chỉ truyền dạy bằng sách vở mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và năng khiếu:
“Người Dao Đỏ còn có cả sách dạy đánh trống. Trống này biết đánh thì vui như hội, không biết đánh thì buồn như người đi rừng một mình. Ngày trước tôi theo học làm trống từ bố của anh Lý Cuổi Quáng là nghệ nhân giỏi của thôn. Giờ tôi đã biết làm được trống để bán để có thêm thu nhập cho gia đình. Chúng tôi trong thôn thường tập trung, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để vừa làm ra cái trống đẹp hơn vừa bảo tồn được văn hóa của dân tộc mình”.
Ngày nay, trống của người Dao Đỏ ở thôn Tà Chải không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thôn, mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút được nhiều du khách, nhà hàng, khách sạn, homestay đặt mua để trưng bày.
Những chiếc trống này tùy theo từng loại kích cỡ mà có giá bán khác nhau. Trống có kích thước 20-30 cm thì có giá bán 400-500.000/đồng, trống to có kích thước 1m có giá bán 9 triệu đến 10 triệu đồng. Mỗi tháng, trống của bà con trong thôn làm ra được bán ra thị trường từ 100-150 chiếc. Nhờ vậy mà thu nhập của người làm trống truyền thống ở đây ngày càng ổn định hơn.
Anh Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: “Nghề làm trống ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn đã xây dựng thương hiệu quảng bá ra thị trường. Để duy trì, phát huy, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục có chính sách hỗ trợ, bảo tồn giá trị nghề làm trống của người Dao”.
Nghề làm trống của người Dao Đỏ ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào tháng 11 năm 2020. Đây là điều kiện để Sa Pa xây dựng thương hiệu trống trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo cho địa phương, góp phần bảo tồn nét văn hóa riêng có của người Dao Đỏ nơi đây./.
(Nguồn: https://vov.vn/)