Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩLá thư âm nhạc: Hát nhép & giấc mơ hoàn hảo

Lá thư âm nhạc: Hát nhép & giấc mơ hoàn hảo

18
Tác giả: Hiền Trang

Mọi nền công nghiệp trên thế giới này đều bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Không ai muốn một cái đinh cong, một chiếc máy tính xước, một cuốn sách bị móp ở góc. Vậy thì nền công nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp cũng thế thôi?

Mariah Carey hát nhép trong buổi biểu diễn vào đêm giao thừa 2017 tại quảng trường Thời Đại ở New York – Ảnh: ABC

1. Quảng trường Thời Đại ở New York (Mỹ) vào đêm giao thừa năm 2017, trước hàng ngàn người, nữ danh ca Mariah Carey kiêu kỳ bước lên sân khấu.

Cô có màn biểu diễn Auld Lang Syne hoàn hảo, nhưng đến bản Emotions gắn liền với tên tuổi của mình thì phần ghi âm sẵn gặp trục trặc kỹ thuật, khiến Mariah Carey không thể hát theo, và để chữa thẹn, cô vờ dạo vòng quanh và liên tục nói… quên chưa kiểm tra trước âm thanh, trong khi tiếng nhạc đệm và vài đoạn nốt cao huyền thoại của cô vẫn réo lên đằng sau.

Đúng thế, Mariah Carey đã hát nhép. Và nếu như đến Mariah Carey với chất giọng cao vút mà những giọng ca soprano chuyên nghiệp phải ngợi ca rằng “có thể biểu diễn hoàn hảo cả đoạn aria của Nữ hoàng Bóng Đêm trong vở Cây sáo thần của Mozart” còn phải hát nhép, thế thì ai sẽ không hát nhép.

Whitney Houston, Madonna, Beyoncé, Britney Spears, Shakira đều từng lộ hát nhép. Người ta còn kháo nhau Michael Jackson đã hát nhép trong phần lớn tour diễn vòng quanh thế giới History. Nếu vậy thật thì chẳng khác nào MJ đã “lừa dối” cả địa cầu.

Nhưng cũng đừng trách những ca sĩ nhạc pop bị nền công nghiệp biểu diễn “nuông chiều làm hỏng”, những tên tuổi lừng danh của nhạc cổ điển như nghệ sĩ violin Itzhak Perlman và nghệ sĩ cello Yo-yo Ma đều đã từng chơi đàn “nhép”.

2. Câu hỏi là, điều đó có khiến những màn biểu diễn của họ thiếu đi lương tâm nghề nghiệp? Thoạt nhiên, câu trả lời là có, đương nhiên, khán giả trả tiền để được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt và nghe âm nhạc thực thụ chứ không phải nghe một cỗ máy.

Đó là lý do năm 1992, Đài BBC đòi danh ca opera Luciano Pavarotti – “vị hoàng đế của những nốt đô cao” – trả lại tiền họ đã bỏ ra để mua bản quyền buổi hòa nhạc ở Ý của ông, vì hóa ra ông rặt… hát nhép.

Nhưng bạn hãy thử nhớ lại cái giây phút khi Pavarotti trong chiếc áo choàng đen như một quý tộc thời xưa khiến tất cả cùng lặng đi khi cất tiếng hát bản aria Nessun Dorma của Puccini trong đêm khai mạc Olympic mùa đông 2006.

Đó là lần cuối cùng Pavarotti đứng trước khán giả, ông mất không bao lâu sau, và với rất nhiều người, đó là một trong những phép mầu diệu kỳ nhất mà âm nhạc có thể đem lại. Sau này, vị nhạc trưởng hôm ấy tiết lộ rằng đó thực chất là một màn hát nhép hoàn hảo, với cả dàn nhạc cùng chơi nhép, bởi sức khỏe Pavarotti đã quá yếu để hát trực tiếp.

Nhưng rõ ràng chúng ta đã cảm động biết bao khi chứng kiến màn biểu diễn ấy. Hát có thể là giả, nhưng cảm xúc thì không thể giả. Thử hỏi nếu như đó là một ca sĩ khác, không phải Pavarotti, một người hát thật và hát hay không kém, liệu chúng ta có rung động tới thế?

Chắc chắn là không. Bởi cái khiến ta chảy nước mắt không chỉ là đoạn “Vincerò” mở giọng đến vô cùng như lướt qua toàn bộ chiều dài vũ trụ hay chất giọng tenor diễm lệ như mặt trời mọc của ông, mà còn là biết bao năm tháng tung hoành, biết bao hào quang ngời sáng và sự hồi sinh tinh thần “khai sáng” châu Âu gói gọn trong chính cái tên ấy, trong chính hình tượng ấy, trong chính con người ấy.

Và ông đã hát nhép không phải vì thiếu lương tâm nghề nghiệp, mà vì ông có lương tâm nghề nghiệp nên ông hát nhép. Rất nhiều nghệ sĩ đôi khi lựa chọn hát nhép để đảm bảo “sự hoàn hảo”.

Mọi nền công nghiệp trên thế giới này đều bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, không ai muốn một cái đinh cong, một chiếc máy tính xước, một cuốn sách bị móp ở góc, vậy thì nền công nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp cũng thế thôi, bởi xét cho cùng một màn biểu diễn cũng là một sản phẩm cần phải rao bán, và nó cũng được kỳ vọng phải hoàn hảo.

3. Và nếu có gì đó có vấn đề, thì đó là ở giấc mơ hoàn hảo của con người vào một thứ không cần thiết phải hoàn hảo và không nên được “lường trước” như âm nhạc.

Chẳng phải rằng, bản Are you lonesome tonight? mà Elvis Presley đã hát tại Las Vegas một đêm năm 1969 còn sống mãi không phải vì nó được hát một cách tròn trịa, mà vì Elvis đã không thể hát hẳn hoi, ông cứ vừa hát vừa cười khúc kha khúc khích.

Nhưng biết sao được, ngày nay chúng ta đã lựa chọn sự hoàn hảo thay vì những tiếng cười như thế.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN