Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnNền phê bình “dân chủ” ư? Thảm họa

Nền phê bình “dân chủ” ư? Thảm họa

23
Tác giả: Hiền Trang

Người đàn ông với mái tóc xù mì nâng chiếc kèn soprano saxophone hiệu Selmer Mark VI của mình lên, chỉ vài nốt thôi khán đài đã vỗ tay vì nhận ra giai điệu da diết thân quen, chậm rãi ngân vang như một nụ hôn dài. “Going home” – Đi về nhà, một trong những bản khí nhạc có lẽ là nổi tiếng nhất trong vòng 30 năm qua.

Kenny G. Một nghệ danh thật ngắn gọn và dễ nhớ: G là chữ cái đầu trong họ của ông, Gorelick; nhưng bạn cũng có thể nói đó là đại lượng hấp dẫn trong vật lý cũng được, vì âm nhạc Kenny G có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Ngay cả khi người ta xếp nó là “thứ phẩm” của jazz, thì người ta vẫn cứ bị hút vào nó như quả táo không thể nào thôi rơi xuống đất.

Người ta, ý là trừ những phê bình gia. Hẳn bạn còn nhớ 6 năm trước khi Kenny G đến Việt Nam trong một đêm nhạc đặc biệt, có thời điểm giá vé truyền tay nhau đã lên tới 20 triệu đồng một cặp. Không chỉ người Việt Nam yêu ông, mà ở Trung Quốc cũng vậy. Thậm chí “Going home” được coi là bản nhạc tan làm của người Trung Quốc, cứ khoảng 5 giờ chiều, đi đến đâu bạn cũng sẽ nghe thấy bản “Going home” được bật lên trên đường phố.

Nghệ sĩ Kenny G

Ở quê hương mình, nước Mỹ, ông từng là một hiện tượng văn hóa, đến mức được mời biểu diễn quốc ca Mỹ cho lễ bế mạc FIFA World Cup 1994. Ông đã bán được ít nhất là 75 triệu đĩa nhạc. Huyền thoại của một tuổi trẻ nổi loạn Nirvana hay nữ danh ca vĩ đại nhất mọi thời Aretha Franklin cũng chỉ bán được chừng ấy mà thôi. Không một nghệ sĩ khí nhạc (instrumentalist) nào được công chúng yêu hơn ông. Nhưng đồng thời, cũng chẳng có ai bị giới phê bình ghét bỏ như ông.

Họ coi âm nhạc của ông chỉ là một thứ nội thất âm nhạc của thập niên 80. Họ sẽ nghe nó, nhưng không phải trên một chiếc đĩa than trong “giáo đường” âm nhạc của riêng mình, mà chỉ nghe nó khi đang ngồi đợi trong phòng khám nha khoa, đợi tính tiền ở siêu thị, đợi rút tiền ở ngân hàng, khi nhạc của ông tự động phát ra trên hệ thống. Ngoài ra thì họ chẳng còn gì để nói về âm nhạc của ông cả. Đơn giản vì người có gu không ai nghe nhạc Kenny G.

Một trong những ảnh chế nổi tiếng nhất về Kenny G là một cảnh trong đó Robin nói rằng nghệ sĩ Jazz mình thích nhất là Kenny G, và bị Người Dơi (Batman) cho một cú tát trời giáng, nói rằng, đó không phải là Jazz.

Kenny G là vậy đó, là tuổi trẻ của một số người và là trò cười của một số người khác; là huyền thoại của một số người và là hung thủ ám sát Jazz với một số người khác, là âm nhạc đích thực với một số người và là thòng lọng âm nhạc với một số người khác. Nhưng tại sao lại thế nhỉ? Những nhà phê bình âm nhạc là vị quan tòa công tư phân minh hay chỉ là một đám “quý tộc” nghệ thuật kênh kiệu và ngạo mạn?

Dường như, không có cái gọi là “nền dân chủ” trong sự cảm nhận nghệ thuật. Dù đôi khi nói vui với nhau rằng “cúp trong lòng người hâm mộ là chiếc cúp quý giá nhất”, nhưng thành thực thì, sâu trong lòng chúng ta, có ai coi ý kiến bình luận của một người hâm mộ nửa nốt nhạc bẻ đôi không biết có tầm quan trọng ngang hàng với ý kiến của một giáo sư âm nhạc tại, chẳng hạn, học viện Berkelee?

Cứ nói giải thưởng Grammy đã lỗi thời đi, nhưng chẳng qua vì người ta vẫn còn mong chờ được Viện Hàn lâm để mắt tới nên mới cất công bắt lỗi họ đấy thôi. Bán chạy thì tốt rồi, nhưng được những lời tán tụng từ người có thẩm quyền, có kiến thức, có gu thẩm mỹ vẫn tạo nên một kiểu khoái cảm khác.

Từ thẩm quyền rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đang bàn luận riêng trong âm nhạc, nhưng phê bình nghệ thuật nói chung có những nguyên tắc cơ bản giống nhau, và bạn biết đấy, người được gọi là “giáo hoàng văn học Đức” không phải là Thomas Mann cũng chẳng phải là Hermann Hess, mà là một nhà phê bình, Marcel Reich-Ranicki. Nhà phê bình đại diện cho một lãnh chúa nắm trong tay quyền sinh sát trong nghệ thuật.

Lạ là, có một mối ác cảm thường xuyên mà những nhà phê bình âm nhạc dành cho những người được công chúng ngưỡng mộ. Họ mà lập nên Đệ tam đế chế khéo Kenny G sẽ đứng đầu tiên trong danh sách xử bắn. Nhưng Kenny G cũng không phải người duy nhất gây ngứa mắt. Còn những tên tuổi khác như Richard Clayderman này, Yanni này, hay André Rieu.

Thế quái nào mà thời của Nirvana lại có một người như Yanni nổi tiếng được nhỉ, giới phê bình thắc mắc. Nói chung, những người trên đây đều được “người trần mắt thịt” mê đắm nhưng lại bị giới phê bình “nội công thâm hậu” kỳ thị. Mà có khi chính vì được những người phàm kia mê đắm nên họ mới bị giới phê bình kỳ thị cũng nên.

Có người bảo bởi những nhà phê bình này ghen tỵ thành công của họ. Nhưng ghen tỵ điều gì nhỉ? Hãy để ý nhé. Nirvana cũng bán chạy, thế mà giới phê bình có ghét ban nhạc ấy đâu. Hay những nghệ sĩ đại chúng bán cả tỷ đĩa nhạc như The Beatles, Queen, The Rolling Stones, Michael Jackson cũng không bị ghét.

Cùng lắm họ bị ghét thời kỳ đầu, nhưng rất nhanh chóng, giới phê bình sửa sai. Còn những “tội đồ” trên kia thì đã bị kết tội chung thân luôn rồi. Sự khác biệt giữa hai nhóm nghệ sĩ ăn khách nằm ở chỗ, The Beatles, Nirvana hay Michael Jackson ngay từ đầu đã làm nhạc đại chúng – pop, rock, punk, dance. Queen cũng có đưa opera vào âm nhạc của mình đấy, nhưng về cơ bản nó vẫn là rock, và Freddie Mercury không “cạnh tranh” gì với Luciano Pavarotti hay Enrico Caruso cả.

Còn những người kia thì khác. Cứ hỏi một khán giả bất kỳ xem nghệ sĩ saxophone nổi tiếng nhất là ai, nhiều khả năng họ sẽ trả lời Kenny G chứ chẳng phải Charlie Parker hay John Coltrane. Còn nghệ sĩ piano được nghe nhiều nhất thế giới ấy hả? Richard Clayderman chứ còn gì nữa, được mấy ai biết Artur Rubinstein nào?

Có chút gì thật ấm ức và bất công khi hào quang chói lòa của Kenny G khiến cho Kenny G trở thành một từ đồng nghĩa với Jazz hay Richard Clayderman trở thành chuẩn mực về ngón đàn piano với nhiều người. Để hiểu được điều này, bạn hãy thử nghĩ về vận động viên quần vợt người Iran Mansour Bahrami. Ông nổi tiếng trong giới quần vợt và thường được mời thi đấu biểu diễn chẳng phải vì ông từng ở vị trí số 1 thế giới hay vô địch giải Grand Slam nào, mà vì ông rất hài hước!

André Rieu, người biến âm nhạc cổ điển thành những màn tạp kỹ

Trong những cuộc đấu, ông hay bày ra đủ trò như giao bóng giả hay bắt chước một pha bóng tua chậm. Ông rất được đám đông yêu thích vì sự giải trí của mình, điều đó chẳng có gì là sai cả. Nhưng sẽ ra sao nếu thế giới bỗng đột nhiên coi ông là tay vợt vĩ đại nhất của họ chứ không phải Federer hay Nadal? Sẽ ra sao nếu Bahrami mới là biểu tượng của làng banh nỉ? Trường hợp của những nghệ sĩ âm nhạc kia cũng thế. Một thứ âm nhạc xoa dịu và dễ nghe xứng đáng được đám đông yêu mến, nhưng yêu mến đến mức quên đi nguồn cội của jazz, của nhạc cổ điển – những loại hình âm nhạc phức tạp không thỏa hiệp với sự dễ dãi hay lợi nhuận, thì quả là cay đắng.

Không thể phủ nhận vai trò của Clayderman hay Kenny G trong việc giới thiệu nhiều người tới với cổ điển hay jazz. Tin chắc rằng số người vì Clayderman mà học piano nhiều hơn so với vì Rubinstein mà chơi piano. Họ xứng đáng được ngợi ca vì điều ấy. Tôi vẫn còn nhớ giây phút khi tôi nghe Rêveries, chiếc đĩa nổi tiếng nhất của Clayderman, đến một bản nhạc mang tên “Liebestraum” xinh xắn như một hộp quà. “Piano là một nhạc cụ thật thú vị”, tôi đã tự nhủ mình. Mãi về sau, tôi mới biết “Liebestraum” có nghĩa là Giấc mơ tình yêu, một bản nhạc của Lizst, và khi nghe nó dưới ngón đàn của Artur Rubinstein, tôi bàng hoàng nhận ra những gì tôi biết về bản nhạc trước nay chỉ là một cái bóng mờ. Clayderman đã bỏ đi tất cả những phân đoạn chạy ngón tinh tế của bản nhạc, giản lược những hợp âm ở cả tay phải và tay trái, trong khi phối thêm một phần nhạc nền đều đặn dễ chịu theo cách hoàn toàn công nghiệp. Trong khi đó, phiên bản mà Rubinstein chơi, bất chấp chất lượng thu âm lè rè của thập niên 50, như kể một chuyện tình ngọt ngào nhất thế gian mà cũng buồn bã nhất thế gian. Một thứ âm nhạc với những vực xoáy, những run rẩy, những cuồng nhiệt, những rụt rè, những tàn phai. So nó với bản của Richard Clayderman giống như là so một chiếc bình gốm được tạo tác thủ công bởi một nghệ nhân với một chiếc bình nhựa nhợt nhạt buồn tẻ đến từ nhà máy.

Khoảnh khắc chạm vào Rubinstein một cách rất riêng tư ấy khiến tôi chợt nhận ra rằng, những lý luận đại loại như, không cần chia ranh giới cao thấp trong âm nhạc, thị hiếu khán giả là điều quyết định cuối cùng, là một sự cào bằng tàn khốc và tàn nhẫn. Tàn khốc với niềm kiêu hãnh của cái đẹp thuần túy trong âm nhạc. Tàn nhẫn với đôi tai của chính chúng ta. Và tôi cũng nhận ra dẫu cho những nhà phê bình đôi khi có thái độ thật kẻ cả và ra vẻ, dẫu cho đôi khi ta cứ mặc xác họ can ngăn và cứ nghe thứ âm nhạc mà ta thích vì đời được mấy tí, nhưng thực ra họ vẫn nên có mặt và đáng được tôn trọng, bởi, gu thẩm mỹ không phải chỉ là một trò xảo biện của giới tinh hoa, gu thẩm mỹ không phải một kiểu “chủng tộc thượng đẳng” hay “thuyết ưu sinh” được bịa ra để tôn vinh người này và giẫm đạp người kia, gu thẩm mỹ có thật. Còn một nền dân chủ nghệ thuật trong đó nhận định của tất cả mọi người đều có giá trị ngang nhau ư? Tốt hơn là không nên như vậy. Sẽ là một thảm họa mất thôi!

(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN