Nhiều khi, rong ruổi trên những con phố ở TPHCM bất chợt lại thấy một tiệm băng đĩa ven đường. Không còn cảnh tấp nập bán buôn âu cũng là lẽ thường tình, nhưng trong tâm tưởng của nhiều người sao vẫn cứ thấy trống vắng.
Ngã tư Nguyễn Oanh – Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) có đến 2 tiệm băng đĩa nằm chéo nhau ở hai bên đường. Nay, một tiệm đã thông báo dời địa điểm. Tiệm còn lại ít ỏi những cuốn băng đĩa nằm khép mình trên kệ, phủ bụi thời gian. Không gian mặt tiền giờ nhường chỗ cho việc bán buôn đủ thứ mặt hàng. Kệ trưng bày băng đĩa xưa cũng được trưng dụng tối đa. Phải là khách quen, nhìn kỹ lắm mới nhận ra số ít cuốn băng còn sót lại. Không phải quá xa, chừng 2-3 năm về trước, cả hai tiệm này vẫn hoạt động và thường xuyên giới thiệu những cuốn băng mới, đặc biệt ở thị trường hải ngoại. Ngoài bán và cho thuê băng đĩa, còn có dịch vụ chuyển băng video sang đĩa, USB, thẻ nhớ và nhiều dịch vụ về băng đĩa khác…
Những kệ bày bán băng đĩa như thế này ngày càng thưa vắng
Đó là câu chuyện của những tiệm băng đĩa nhỏ. Ngay cả phố băng đĩa đình đám bậc nhất một thời – Huỳnh Thúc Kháng, đến nay cũng chỉ còn sót lại vài tiệm. Những gian hàng trưng bày băng đĩa cũng chỉ xuất hiện ở số ít các nhà sách lớn, mỗi năm dần thưa vắng, thu hẹp đi. Hội chợ băng đĩa Phương Nam từng là thương hiệu đình đám một thời, mấy năm nay cũng đứt đoạn. Lý do, không cần nói ai cũng hiểu.
Thời hoàng kim, băng đĩa là một phần không thể thiếu trong nhịp sống Sài Gòn – TPHCM. Những mùa cao điểm trong năm, đặc biệt dịp Giáng sinh, tết, không khí sôi động khắp nơi, những chiếc đĩa nhựa với những khúc xuân ca góp phần mang đến không khí rộn ràng. Nhiều ca sĩ phát hành đĩa, dòng người hâm mộ xếp hàng để nhanh tay sở hữu sản phẩm thần tượng của mình. Nếu may mắn có được chữ ký của chủ nhân, sẽ càng giá trị hơn.
Ai cũng hiểu, khi nhạc số phát triển, tất yếu băng đĩa truyền thống phải lui về sân sau. Đó là quy luật vận động của thị trường. Cả đơn vị sản xuất và cửa hàng phân phối băng đĩa dần vắng bóng trên các con phố quen. Các ca sĩ giờ đầu tư làm MV phát hành trên YouTube hay các sản phẩm ghi âm trên nền tảng số nhiều hơn là ra mắt CD truyền thống. Hiếm hoi lắm mới thấy những đĩa CD mới được ra mắt trên thị trường. Nếu bất chợt gặp hình ảnh người nghệ sĩ ngồi ký tặng đĩa cho bạn bè, người hâm mộ ở một quán cà phê hay không gian giữa đường sách, cảm giác lạ mà quen, thậm chí xa xỉ.
Nhịp sống chuyển mình, những người yêu băng đĩa truyền thống cũng bắt nhịp xu hướng mới. Khi các cửa hàng vắng bóng dần, thu hẹp quy mô là lúc các chợ online hoạt động sôi nổi hơn. Đại diện Phương Nam Phim từng chia sẻ, khách hàng giờ ít đến mua băng đĩa tại nhà sách mà chủ yếu đặt hàng qua website và Fanpage. Những người còn luyến lưu với băng đĩa giờ tìm đến “chợ mạng” với đủ các hội nhóm từ công khai đến riêng tư. Nhiều cuốn băng đĩa cũ, đôi khi đã xuất hiện những vết xước, cũng được chào bán. Khi thị trường băng đĩa nước ngoài vẫn sôi động, rất nhiều người yêu nhạc vẫn còn giữ thói quen đặt mua đĩa mới phát hành của các ca sĩ quốc tế thông qua các trang web bán hàng trực tuyến. Nó dường như đã trở thành thói quen và một gu thưởng thức bất biến theo thời gian.
Đến một lúc nào đó, phố phường thành phố sẽ bặt tăm các cửa hàng băng đĩa. Nhưng giữa hối hả của nhịp sống đô thị, những cuốn băng đĩa chắc chắn vẫn sẽ hiện hữu, trong không gian trưng bày riêng hay vài quán cà phê. Bởi những âm thanh đôi khi hơi rè rè, đứt quãng phát ra từ chiếc máy phát vẫn là một phần không thể thiếu của hồn cốt đô thị này.
(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)