Thứ Hai, Tháng Mười Một 25, 2024
Trang chủLý LuậnCảm nhận về cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời...

Cảm nhận về cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh

19
Tác giả: Nhạc sĩ, nhà báo: Nguyễn Tiến Mạnh

TS Lê Y Linh, NS Quốc Trung, NS Nguyễn Tiến Mạnh, nhà văn Trương Quý

Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều bài báo, các chương trình âm nhạc giới thiệu về quãng đời hoạt động âm nhạc của ông, hoặt một số công trình lý luận, nghiên cứu về bút pháp sáng tác của ông…Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào đầu năm 2022 mới thực sự là cuốn sách tư liệu đầy đủ và công phu nhất.

Trong cuốn sách này TS Y Linh đã tập hợp rất nhiều nguồn thông tin, tư liệu, báo chí, luận văn, các công trình nghiên cứu âm nhạc về nhạc sĩ Hoàng Vân. Bằng sự sắp xếp theo hệ thống một cách khoa học về tiến trình thời gian và lịch sử, dựa trên những băng tư liệu phỏng vấn, phân tích kỹ lưỡng và lưu giữ lại những dòng cảm nhận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ về nhạc sĩ Hoàng Vân để hoàn thành cuốn sách.

Khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể thấy rõ được những giá trị quý báu mà tác giả của nó đã dày công biên tập để hoàn thành.

1. Giá trị về mặt tư liệu

Đây là nguồn dữ liệu hết sức cần thiết cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam, những nhà lý luận, phê bình âm nhạc. Mặt khác, nó cũng là những thông tin đầy thú vị và cụ thể dành cho những người làm công tác biên tập âm nhạc ở các cơ quan truyền thông khi giới thiệu về nhạc sĩ Hoàng Vân. Trước đây, nhiều chương trình âm nhạc khi giới thiệu về ông hoặc khi giới thiệu những tác phẩm của ông thì chỉ thường nói chung chung vì chưa có 1 nguồn tư liệu mang tính chính thống và đầy đủ như cuốn sách này.

2. Giá trị về mặt bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc

– Dành cho các ca sĩ, nghệ sĩ

Khi các ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của ông về cả mảng thanh nhạc và khí nhạc, nếu có được những thông tin về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh đời sống xã hội trong thời điểm lịch sử đó thì họ sẽ hiểu thêm được về những thông điệp mà nhạc sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Điều này là yếu tố cần thiết cho các ca sĩ, nghệ sĩ có thể hiểu thêm về quá trình hình thành tác phẩm, hiểu sâu hơn về nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của tác phẩm. Qua đó các nghệ sĩ có thể tìm được sự đồng cảm với nhạc sĩ sáng tác và quan trọng hơn nữa là tạo nguồn cảm hứng và sự thăng hoa để thể hiện tác phẩm tốt hơn.

– Dành cho công chúng yêu nhạc

Ở góc độ của những công chúng yêu nhạc cũng vậy. Nếu có trong tay cuốn sách này với những thông tin về những tác phẩm được yêu thích của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ giúp người nghe tiếp cận một cách gần gũi hơn nữa và thêm hiểu về giá trị của tác phẩm, tạo nên nhịp cầu nối gần gũi giữa người thưởng thức âm nhạc với nhạc sĩ sáng tác. Mặt khác, gía trị về bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc cho các lớp công chúng cũng luôn là yếu tố cần thiết ở mọi thời đại.

3. Giá trị về giáo dục và đào tạo âm nhạc

– Về giáo dục

Cuốn sách đã phác họa bức chân dung với khuôn mặt đa diện và đầy tài năng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Những thông tin về ông đã được TS Y Linh kiểm chứng, xác thực một cách khách quan dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu khoa học. Những nguồn tư liệu đã tái hiện tương đối chính xác về quá trình hoạt động âm nhạc của ông, miêu tả rõ tính cách trong những tác phẩm có giá trị mà nhạc sĩ đã để lại cho thế hệ sau. Qua đó độc giả cũng thấy được hình ảnh của người nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã luôn vượt lên mọi khó khăn để chắt lọc những mạch nguồn cảm xúc trong sáng tạo âm nhạc. Hình ảnh của ông là tấm gương mẫu mực của một công dân Việt Nam với tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, ông sinh năm 1930 trong gia đình có truyền thống Nho học, thế hệ cha và ông nội là những người thông thạo cả “Cầm – Kì – Thi – Họa”. Chàng thanh niên Lê Văn Ngọ ở phố cổ Hàng Thùng – Hà Nội đã tham gia kháng chiến, năm 1947 lấy bút danh là Hoàng Vân, từ chiến sĩ trở thành nhạc sĩ với “Hò kéo pháo” gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Từ đó, từng bước trưởng thành với nhiều tác phẩm viết cho cả mảng khí nhạc và thanh nhạc, đồng hành cùng những sự kiện trọng đại của đất nước, gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình cho cuộc sống. Hình ảnh của nhạc sĩ Hoàng Vân thông qua những tác phẩm âm nhạc và cả trong cuộc sống đời thường giản dị của ông đã được nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ và công chúng yêu mến. Ông đã trở thành một tấm gương cho các thế hệ trẻ sau này, đặc biệt là những người có đam mê về con đường âm nhạc…

– Về mặt đào tạo âm nhạc

Trong các môi trường đào tạo âm nhạc thì cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là nguồn tư liệu âm nhạc phong phú. Các giảng viên và sinh viên âm nhạc có thể khai thác những thông tin trong cuốn sách để bổ sung trong những giáo án giảng dạy và học tập, nghiên cứu.

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Vân đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Với hơn 700 tác phẩm âm nhạc ông đã để lại “cho muôn đời sau”, có sức sống vượt không gian, vượt thời gian trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, kết nối tới trái tim của đông đảo công chúng yêu nhạc trong nước và nước ngoài.

4. Một vài cảm nhận cá nhân

Cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân cho muôn đời sau” của TS âm nhạc Lê Y Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là bức chân dung được phác họa một cách chân thật về cuộc đời và những hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Về mảng thanh nhạc, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng, từ những ca khúc thiếu nhi như: “Mùa hoa phượng nở”; “Em yêu trường em”; “Con chim vành khuyên”… cho tới những ca khúc dành cho người lớn với nhiều đề tài khác nhau, như: “Tình yêu Hà Nội”; “Tôi là người thợ lò”; “Bài ca xây dựng”; “Bài ca người giáo viên nhân dân”; “Người chiến sĩ ấy”; “Quảng Bình quê ta ơi”…

Bên cạnh đó ông còn có một gia tài về mảng khí nhạc. Ngay từ năm 1960 ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên xây dựng nền âm nhạc Giao hưởng Việt Nam với tác phẩm Giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ Quốc”. Có thể nhắc tới những tác phẩm tiêu biểu khác như: “Rondo” cho Flute và Piano; “Tiếng khèn ngày chợ phiên cho Oboë và Piano; “Hòa tấu viết cho Violon và dàn nhạc dây”; “Voi kéo gỗ trên lâm trường” cho Fagotte và Piano; Concertino cho violon và dàn nhạc “Tuổi trẻ và tình yêu”… Những tác phẩm thuộc thể loại Thanh – Khí nhạc hay còn gọi là Hợp xướng mà trong đó dàn nhạc Giao hưởng không phải là để giữ vai trò đệm cho hát mà là yếu tố song hành, mang tính chất độc lập như: Giao hưởng hợp xướng “Hồi tưởng”; “Điện Biên Phủ – Trên chiến trường không bao giờ quên”… Thể loại viết cho vũ kịch hay còn gọi là Ballet cũng được ông dành tâm huyết như vũ kịch “Chị sứ”… Ngoài ra ông còn sáng tác âm nhạc cho nhiều bộ phim, trong đó nổi bật là âm nhạc cho phim “Con chim vành khuyên”…

Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân là người đa diện và tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại rất khiêm tốn – những người uyên bác thường ẩn mình sau vẻ mặt khiêm nhường. Âm nhạc của ông đã tiếp cận mọi mặt trong đời sống, các ngành nghề, tỉnh, thành phố, những miền quê hương đất nước và những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, từ những ca khúc dành cho thiếu nhi và cho cả người lớn… Mỗi đề tài đều có những tác phẩm để đời, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

Mặt khác, ông còn là người say mê hội họa mang tâm hồn lãng mạn của chàng trai nơi phố cổ, đặc biệt là qua những bức chân dung tự họa rất độc đáo. Là người yêu thư pháp, luyện chữ, luyện tâm để đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Với đời sống nội tâm phong phú nhưng cuộc sống đời thường lại rất giản dị: thích sưu tập đồ cổ, dạo chơi chợ hoa ngày tết trên phố cổ Hàng Lược, chơi cây cảnh, chơi chim Gáy… và luôn miệt mài lao động sáng tạo.

Ông là nhạc sĩ có khả năng thẩm âm tốt, có thể xướng âm chính xác cao độ và định vị các vị trí nốt nhạc trên đàn Piano mà không cần thanh mẫu, nên khi sáng tác ông viết thẳng vào bản nhạc mà không cần bất cứ nhạc cụ nào để định âm.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là người có công lớn trong việc xây dựng Đoàn Ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN) từ năm 1960 – 1970, với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, sáng tác, phối khí, dàn dựng, thu thanh nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ từ mọi miền đất nước gửi về, hiện vẫn được lưu trữ và sử dụng tại Đài TNVN.

Có lẽ những tác phẩm âm nhạc của ông có được sự thành công và đông đảo công chúng đón nhận, ngoài tài năng về sáng tạo âm nhạc thì còn có những yếu tố đã được kết tinh từ những thú vui tao nhã để chuyển hóa thành những cung bậc thanh âm, hình thành nên một phong cách âm nhạc riêng – phong cách Hoàng Vân….

*Nguồn ảnh: NXB Kim Đồng

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN