BÀI HÁT VIỆT NAM
DẤU ẤN HÀNH TRÌNH DÂN TỘC-HIỆN ĐẠI
Cát Vận
Trong những năm 30 của thế kỷ XX, sự ra đời của Tân nhạc Việt Nam là một sự kiện trọng đại của âm nhạc nước nhà, mở ra một cơ hội lớn để âm nhạc Việt Nam bắt đầu con đường hội nhập với âm nhạc phương Tây và thế giới, tạo điều kiện đưa âm nhạc truyền thống phát triển với dáng vẻ mới, ngôn ngữ mới. Sự phát triển này gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đ/c Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2 năm 1943 với 3 nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng ngọn lửa Yêu nước-Sáng tạo đối với văn nghệ sĩ nước nhà để từ đó trong hành trình của Văn nghệ cách mạng yếu tố dân tộc hóa được đặt lên hàng đầu.
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, các nhạc sĩ Việt Nam đã tạo nên những thành tựu vô cùng to lớn để chúng ta hôm nay tự hào có những tác phẩm tiêu biểu, điển hình mang dấu ấn Dân tộc-Hiện đại. Trong tham luận này, chúng tôi chỉ đề cập đến hình thức sáng tác bài hát và đưa ra những tác phẩm và tác giả nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Từ buổi đầu của Tân nhạc, phần lớn các nhạc sĩ đã sớm nhận thức và hòa mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo nên nền móng của âm nhạc cách mạng Việt Nam với những bài hát thuần Việt trong ngôn ngữ âm nhạc và nội dung lời ca hoàn toàn mới mà trước đó chưa hề có. Cho đến nay, hơn nửa hế kỷ đã qua, chúng ta không thể nào quên được bản Hành khúc đâù tiên mang hơi thở Việt Nam được viết bằng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc trên điệu thức 5 cung Hành quân xa sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đó cũng là bản hành khúc một đoạn, ngắn nhất, độc đáo nhất trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bài hát này cùng với các bài hát Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên tạo nên chùm bài hát chiến thắng Tây Bắc được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác trong chiến dịch Đông Xuân năm 1954 với âm hưởng dân tộc tràn đầy. Chúng ta cũng không thể quên được Văn Chung một trong những nhạc sĩ đầu tiên đã dành cả cuộc đời viết bài hát cho nông dân, nông thôn và làng quê Việt Nam với những âm điệu dân gian, thôn dã, đặc biệt là Chèo. Từ bài hát đầu tay Tiếng sáo chăn trâu viết năm 1935 đến Hò Dân cày viết năm 1954 và tiếp đó là Quê tôi giải phóng, Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng, Tính hẹn cùng Tình và những bài hát thiếu nhi mang tính đồng dao sáng tạo như Lỳ và Sáo, Lượn tròn lượn khéo, Đếm sao, Ếch ộp….khẳng định Văn Chung là người duy nhất sử dụng ngôn ngữ dân gian, dân tộc làm nên sự nghiệp âm nhạc của đời mình.Chúng ta cũng không thể quên được Người anh cả, Cánh chim đầu đàn của Âm nhạc mới Việt Nam là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát người mà cả đời mình trăn trở với việc đưa âm nhạc dân gian, truyền thống vào đời sống xã hội và hội nhập thế giới. Cùng với các công trình lý luận, các bài báo, các tham luận, các bài nói chuyện về âm nhạc dân tộc là các bài hát mang hơi thở của âm nhạc truyền thống được ông thể hiện theo phong cách hát đồng dao như một minh chứng qua những bài ca tiêu biểu như Con voi,Thằng Bờm, Con cò mà đi ăn đêm…bên cạnh các bài hát mang tính học thuật, có sự tìm tòi trên cơ sở âm nhạc phương Tây như Bình minh (phổ thơ Thế Lữ), Màu thời gian (phổ thơ Đoàn Phú Tứ), Tiếng chuông nhà thờ…Và còn biết bao tên tuổi khác nữa làm nên những âm hưởng Việt, tâm hồn Việt trong việc tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới như Lưu Hữu Phước,Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Lê Yên, Lê Lôi, Nguyễn Đức Toàn ….Đó là những dấu ấn đầu tiên của cuộc hành trình thể nghiệm sáng tạo bài hát Việt trong những thập niên đầu của Âm nhạc cách mạng Việt Nam. Dấu ấn ấy càng đậm nét khí Tính dân tộc, tính hiện đại được duy trì và phát huy trong giai đoạn miền Bắc xây dựng XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà. Có thể tạm chia giai đoạn này thành hai dấu mốc lớn: Từ năm 1955 đến 1975 và từ những năm thời kỳ Đổi Mới đến âm nhạc đương đại hôm nay. Đây có thể là những vấn đề rất lớn mà trong tham luận nhỏ này không dám đề cập tới, tôi chỉ đưa ra những thí dụ mang tính điển hình, minh họa cho ý kiến của mình qua những Bài ca đi cùng năm tháng mang đậm dấu ấn Dân gian-Dân tộc.
Trước hết, ở giai đoạn đầu thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, lần đầu tiên chúng ta được nghe những những bài hát mới mang âm điệu từ các vùng miền phía nam sông Bến Hải trở vào như Câu hò trên bến Hiền Lương sáng tác của Hoàng Hiệp (thơ Đằng Giao), Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục, đặc biệt những câu hò điệu lý Nam Bộ vang lên trong âm hưởng những bài ca như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người sáng tác của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ, Qua sông của Phạm Minh Tuấn, Những cô gái đồng bằng Cửu Long của Huỳnh Thơ rồi những âm điệu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng xuất hện trong những bài ca mới như Mơnông Tipri của nhạc sĩ Nhật Lai, Tây nguyên bất khuất của nhạc sĩ Văn Ký, Hát mừng anh hùng Núp của Trần Quý, Em nhớ mùa xuân Tây Nguyên của Văn Tấn và Trần Quang Huy, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác của Doãn Nho, Em là Hoa Pơ Lang của Đức Minh rồi sau này là Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên của Lê Lôi và tiếp đó là các bài ca mang tính học thuật cao, phát triển ngôn ngữ âm nhạc mang đậm những đặc trưng âm nhạc địa phương như Hà Nội-Huế-Sài Gòn, Quảng Bình quê ta, của Hoàng Vân, Quân reo quê mẹ, Quảng Trị anh hùng của Trọng Loan, Tiếng đàn Ta-lư của Huy Thục, Sông Đakrong mùa xuân về của Tố Hải…Tất cả những dấu ấn đó góp phần tạo nên tuyến đề tài ca ngợi các vùng quê hương bằng chính ngôn ngữ âm nhạc dân gian của địa phương đó, tạo nên hiệu quả đồng bộ giữa nội dung ca từ và ngôn ngữ âm nhạc. để những bài ca đó có sức sống cùng thời gian năm tháng. Và từ sự khai thác đa sắc màu của dân ca các vùng miền. chúng ta cùng chiêm nghiệm, nhìn lại; riêng chỉ từ góc độ khai thác dân ca các dân tộc vùng cao phía Bắc, chúng ta đã có những thành công như Tiếng hát giữa rùng Pác Pó, Lời ca gửi noong của Nguyễn Tài Tuệ, Việt Băc nhớ Bác Hồ của Phạm Tuyên, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh ( thơ Cẩm Giàng).. và chỉ riêng trong việc khai thác chất liệu dân ca Mông, dân ca Tày, Nùng nhiều nhạc sĩ đã có những thành công như Thanh Phúc với Hà Giang quê hương tôi, Nguyên Nhung với Từ trên đỉnh núi và đặc biệt Hoàng Vân với Nổi trống lên Rừng núi ơi rồi Bài ca trên núi (viết cho phim Vợ chồng A Phủ) của Nguyễn Văn Thương và Văn Ký với Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi đầy tính học thuật với bút pháp phóng túng, hiện đại… Một minh chứng khác trong việc khai thác, sử dụng chất liệu dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh chúng ta đã có những tác giả, tác phẩm tiêu biểu như Nguyễn Văn Tý với Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh rồi Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Dặm của Trần Hoàn (phổ thơ Lê Quý Doãn), An Thuyên với Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê, Ca dao Em và Tôi,Thuận Yến với Miền Trung nhớ Bác…Một thí dụ khác về khai thác chất liệu Ca trù từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước, chúng ta đã có nhiều tác giả thành công như Nguyễn Cường với Một nét Ca trù ngày Xuân,Trương Ngọc Ninh với Hạt mưa mùa xuân và nổi bật lên là Đất nước lời ru của Văn Thành Nho..Cũng từ đây, chúng ta có thể tìm thấy nhiều bài hát khác thuộc dạng thức này, Nhân đây, tôi muốn nói đến Phó đức Phương người mà hầu như thành công nhất với những khúc hát gắn liền âm hưởng dân gian và âm nhạc truyền thống tạo ra sự bất hủ, tính đương đại trong những bài hát Những cô gái Quan họ, Huyền thoại Hồ Núi Cốc,Trên đỉnh Phù Vân, Về quê,Một thoáng Tây Hồ…Và cũng vậy, với Trần Tiến để có Tiếng trống Pa ra nưng, Tùy hứng lý qua cầu, Mưa bay Tháp cổ..là sự thăng hoa của những vùng dân ca anh qua, rồi Nguyễn Cường thành công với những khúc ca nồng cháy tâm hồn cao nguyên như Hơ-zen lên dẫy,Ơi Madrak, Ly cà phê Ban Mê… Tiếp đó, biêt bao bài ca trở thành di sản cho mỗi địa phương, mỗi miền đất để trỏ thành bất tử với Tiếng hò Sông Mã trong Hát mừng các cụ dân quân của Đỗ Nhuận, Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao hay âm điệu dân ca Stiêng Bình Phước trong Tiếng chày trên Sóc Bom Bo của Xuân Hồng và những âm điệu dân ca Nam Bộ trong Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý, Tình đất đỏ Miền Đông (Trần Long Ẩn), chất Huế trong Huế tình yêu của tôi của Trương Tuyết Mai (thơ Đỗ Thanh Bình), chất dân ca NamTrung bộ trong Đi tìm người hát Lý Thương nhau của Vĩnh An, ông cũng là người thành công trong việc khai thác chất liệu dân ca các vùng miền xây dựng tác phẩm của minh qua những bài hát nổi tiếng Dấu chân trên rừng, Bà mẹ Quảng Bình, Nắng ấm quê hương…
Giờ đây, chúng ta có thể nói, tất cả những chất liệu âm nhạc dân gian phía Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên dân ca Nam Bộ rồi các loại hình âm nhạc truyền thống như Chèo, Ca Trù, Ca Huế, Bài Chòi, Cải lương, dân ca các dân tộc thiểu số đều được các thế hệ nhạc sĩ tìm tòi,khai thác theo hướng đưa vào đó những yếu tố học thuật và hơi thở thời đại. Tiếp nối thế hệ đi trước, chúng ta băt găp những gương mặt trẻ, nhiệt huyết, sung sức như Lê Minh Sơn với Ôi quê tôi, Bên bờ ao nhà mình, Giếng làng; Nguyễn Vĩnh Tiến với Bà tôi Giọt sương bay lên, Trai làng tôi..vv. Gần đây, các nhạc sĩ trẻ đã cố gắng khai thác các đề tài trong văn học dân gian hoặc lấy những nhân tố âm nhạc truyền thống làm cơ sở xây dựng tác phẩm của mình, kể cả việc đưa các nhạc cụ dân tộc vào các bản phối để tạo âm sắc Việt trong nỗ lực dân tộc hóa âm nhạc Việt đương đại. Đó là những tín hiệu đáng mừng và chúng ta đang chờ đón những thành công của các nhạc sĩ trẻ.
Với tham luận này, tuy chỉ là phác thảo về bức tranh âm thanh đa dạng, đa màu sắc của bài hát Việt Nam trong hành trình Dân tộc-Hiện đại để từ đó, chúng ta cùng cảm nhận và tự hào bước tiếp trên con đường sáng tạo mới với những tác phẩm mang Tâm hồn Việt, dấu ấn Việt.
Hà Nội, chủ nhật 6/11/2022