Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Trang chủLý LuậnY Phôn "Đôi chân trần": Có lửa trong tim và nỗi buồn...

Y Phôn “Đôi chân trần”: Có lửa trong tim và nỗi buồn trong mắt!

10
Tôi tin nếu thấm đủ Tây Nguyên thì người ta sẽ nghe nhạc Y Phôn. Nếu thấm đủ Tây Nguyên thì sẽ thấy nhạc Y Phôn là con người Tây Nguyên.

Một năm đã rất lâu, Y Phôn Ksor đến cơ quan tôi chơi, ngồi dưới sảnh. Người đàn ông này dáng nhỏ, đen, trông chất phác, có thể lẫn vào bất cứ đám đông nào, trên khuôn mặt nổi nhất là đôi mắt to thăm thẳm. Ai đó mang đến một cây guitar. Y Phôn ôm đàn, hát về một người đàn ông. Anh hát thong thả, như thì thầm. Lần đầu tiên tôi nghe “Đôi chân trần”, và từ đó tôi chỉ thích nghe bài hát này do chính Y Phôn hát.

Y Phôn Ksor kể: “Sau khi viết bài ‘Đi tìm thần mặt trời’, một chuyến đi ở Krông Ana, thấy ông già, đang đi trên đường mùa tháng Tư, quần đùi ngắn cụt, một chiếc gùi, đôi chân trần, đầu trần. Trời chiều khoảng 4h, nắng chang chang. Người ông lem luốc toàn mùi dọn rẫy, tội nghiệp ghê nhỉ. Gọi ‘ông già ơi vào uống nước với con tí’, giả vờ là xin bật lửa của ông để hút thuốc. Nhìn chân tay ổng rất tội, anh mới chợt nhớ ra bố mình ở nhà có khác gì đâu.

Trên đường về, bài hát tự nó bật ra. Về đến đoàn, ngồi trong phòng ôm guitar hát, hát câu đầu rơi nước mắt. Thả cái đàn ra cũng không được vì có cái gì đấy như xuất thần. Câu thứ hai cũng rơi nước mắt. Câu thứ ba… Mỹ Thanh, nguyên là trưởng đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Nông, thấy Phôn sao lạ lạ. Chị mới gõ cửa. Tôi mới bảo, chị ơi, em có bài này chị nghe. Vừa hát xong, Mỹ Thanh khóc luôn: ‘Phôn ơi, bài này chị nhớ bố chị quá’. Đến ngày hôm sau, ông Y Moan phát hiện: ‘Trời ôi, đưa bài này cho anh tập’. Sáng sớm, vừa uống cà phê vừa tập hát. Nguyễn Cường vào với Vũ Lân, khóc luôn. Sau đó đi dự lớp tập huấn sáng tác viết văn trẻ các dân tộc thiểu số ở Hà Nội. Có cô ở Hà Nội ghiền bài này kinh khủng lắm…”.

Tôi muốn quên đi/ tháng với ngày/ cha đi lượm quả ngọt rừng/ cho con ngủ qua đêm/ Tôi muốn quên đi/ đôi chân trần/ cha đi lượm từng hạt thóc/ cho con một bữa cơm chiều/

ôi ngày tháng/ ôi vai gầy/ run run/ tựa vào hàng cây

ôi thời gian/ hãy quên đi đôi chân cồng kềnh/ đi giữa rừng hoang vu

lưng cha gội nắng gầy/ ôi tóc bạc tựa trăng soi/ cả một đời và cả cuộc đời/ đôi chân trần…

Nếu đã từng nhìn thấy những đôi chân đàn ông không bao giờ biết đến giày dép, những bàn chân thô, to bè, choãi ngón, dẫm băng băng lên cỏ gai, đá nhọn, mặt đất bỏng rát mùa khô, sẽ không còn thắc mắc tại sao lại là đôi chân “cồng kềnh”.

Người Tây Nguyên có câu “đàn ông là thú đực đi hoang”. Anh đi là không mong ngày về. Bước ra khỏi nhà, thế giới của người đàn ông là ở khắp nơi. Ở đâu, phụ nữ nào cũng có thể cột đàn ông lại. Nhưng đàn ông – người cha, thì khác. Chỉ cần nhìn đôi chân “cồng kềnh” là hình dung đủ cực nhọc đắng cay mà một người đàn ông – người cha đã trải. Tôi phục Y Phôn ở cách sử dụng tiếng Việt, một ngôn ngữ là ngoại ngữ đối với anh.

Y Phôn nói: “Ra Hà Nội, nhờ bài hát đó mà “sống sót” được. Y Phôn đi giao lưu các cơ quan, các trường đại học, là phải hát bài đó. Họ biết đến bài hát rồi, nhưng người thì họ chưa biết. Họ đưa phong bì cho mình, nhưng mình tiết kiệm, không dám ăn, gửi về cho vợ mua đất đấy” .

Y Phôn Ksor là học sinh khóa đầu tiên khoa thanh nhạc của trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk (1983-1987). Năm 1992, anh viết bài hát đầu tiên “Chim Phí bay về cội nguồn”. Giai đoạn khoảng 4-5 năm đó, Y Phôn viết được những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình: “Chim Phí bay về cội nguồn”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Hoang sơ lời khan”, “Đôi chân trần”, “Hai dòng sông”. “Hai dòng sông” ít người biết vì chưa có lời tiếng phổ thông. Trong những bài hát này, anh thường viết phần lời bằng tiếng Ê đê, sau đó chuyển sang tiếng Việt. Riêng bài “Đôi chân trần” lại được viết lời bằng tiếng Việt trước, trong khi xúc cảm đậm đặc chất Ê đê. Nói dịch cũng không đúng hẳn, vì Y Phôn không chuyển lời theo kiểu “word by word”, mà anh chỉ chuyển ý. Phôn thường hát cho bạn bè nghe bài hát của mình bằng cả hai lời, và anh cứ tiếc nhiều ca sĩ, kể cả ca sĩ người Ê đê, thường bỏ quên phần lời Ê đê khi trình diễn bài hát của anh. “Như mất một nửa phần hồn” – anh nói vậy.

Y Phôn họ Ksor. Vật tổ của họ Ksor là con chim Phí. Có người đi làm rẫy nhận ra rằng có một loại cây khá cao, lá nhỏ, rất dẻo dai trước ngọn gió to. Cây ấy thường mọc đầu nguồn nước. Loài chim phí bay đâu thì bay, nhưng thường tụ tập về cái cây ấy.

Phôn có một người bạn gái đã tốt nghiệp đại học dược, đi Mỹ diện HO theo bố mẹ. “Thấy buồn quá. Cho dù em đi đâu nhưng em phải nhớ về cội nguồn. Trước khi đi, cô ấy nói Phôn ơi, em học ở đây từ lớp 1 đến khi em tốt nghiệp đại học, em chưa nói được tiếng Việt bao nhiêu đâu, huống chi em qua bên kia, làm sao em nói được bằng người ta…”. Vậy nên Phôn viết bài hát Chim Phí bay về cội nguồn. Như một lời nhắn gửi bạn. Nhưng Phôn không nói cho ai về điều đó, cho đến khi ngồi cùng chúng tôi hơn 15 năm sau khi bài hát ra đời. Có lẽ Phôn cũng nhủ mình bằng bài hát ấy, Phôn muốn mình là con chim Phí bay ngang qua bầu trời, bay ngang qua mặt trời, bay về cội nguồn.

Tôi đi qua những khu nhà mồ, được đẽo nhiều nhất, phổ biến nhất là dáng tượng ngồi ôm mặt đầy trầm tư. Tôi gặp rất nhiều người dân tộc thiểu số, ấn tượng nhất là những đôi mắt sâu thăm thẳm, đầy một nỗi hoang hoải không thể cắt nghĩa.

Y Phôn, người nhạc sĩ dân tộc Ê đê mang cái họ Gia rai, thì viết những bài hát tìm về ký ức, bằng hồi ức từ những biểu tượng văn hóa của dân tộc mình. Những bài hát của một người đậm đặc Tây Nguyên lại không có tí Tây Nguyên nào như kiểu người ta vẫn nghĩ về một Tây Nguyên sôi sùng sục, ồn ào, nhiệt náo.

Lê Vĩnh Tài viết :

Y Phôn Ksơr

Chàng  trai của núi

nheo như nắng

cười như gió

đôi chân trần lan man như cỏ

cỏ của rừng

rừng đã rừng hoang

cỏ của đất

đất thành đất khát

cỏ một mình ngơ ngác đi tìm lời ru

Tây Nguyên trong anh rất chật

những giai điệu thực thường không ồn ào

trái tim đập vỡ tung ngực áo

chỉ lời ca hư ảo

cho mặt trời bay lên

bỏ Phôn một mình trong đêm

lang thang hát

Phôn ơi

mình nhớ Phôn hai con mắt

thương  Phôn rượu say

thương  Phôn nằm ngủ

mình nhớ Phôn hát không bao giờ hú

hoang dã tự hồn người…

nên nước mắt cứ rơi.

Cả Phôn và Tài, đều là những người đặc biệt của Tây Nguyên.

Y Phôn từng bảo: “Mình ước mình biết viết tình ca. Chứ vừa rồi Phôn viết một bài nằm ở đâu đâu, nó đến khoảng lưng chừng rồi quay về làng, không tán được câu nào. Y Phôn rành Tây Nguyên chứ không phải Hà Nội. 3 năm ở Hà Nội mà chưa biết đường”…

Tôi tin nếu thấm đủ Tây Nguyên thì người ta sẽ nghe nhạc Y Phôn. Nếu thấm đủ Tây Nguyên thì sẽ thấy nhạc Y Phôn là con người Tây Nguyên. Có lửa trong tim và nỗi buồn trong mắt./.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN