Với chủ đề “Chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và tình yêu quê hương đất nước”, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu 14 tác phẩm âm nhạc trong tháng 4. Sự kiện diễn ra sáng ngày 15/4/2023 tại hội trường Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Đến với buổi giới thiệu tác phẩm mới là sự có mặt của đại diện Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội và các nhạc sĩ hội viên cũng như người yêu nhạc.
Thay mặt Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội – nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh gửi lời tri ân sâu sắc tới các nhạc sĩ lão thành có nhiều đóng góp với Hội Âm nhạc Hà Nội. Anh cũng nhắc tới vai trò cùng những tên tuổi nhạc sĩ gắn liền với các giai đoạn lịch sử nước nhà.
Trong phần giới thiệu tác phẩm mới, 14 ca khúc của các nhạc sĩ được giới thiệu gồm có: Tiến lên toàn thắng ắt về ta của nhạc sĩ Võ Vang phổ thơ Hồ Chí Minh; Lính đặc công hát của nhạc sĩ Đỗ Anh Quân; Có những tấm lòng của nhạc sĩ Trọng Lưu; Tinh hoa ngành y của Đỗ Sơn Hà; Chim lạc của Minh Đoàn, phổ thơ Nguyễn Bá Thắng; Ngày xa của Hoàng Trọng, phổ thơ Khúc Quốc Ân; Cô gái làng thêu của Nguyễn Quốc Tuấn; Tình em và biển của Mạnh Hồ; Đăk Nông nỗi nhớ của Minh Đức; Biển chiều nay vắng em của Đinh Văn Bình, phổ thơ Nguyễn Ngọc Dung; Tôi hát phổ thơ Ánh Minh; Về quê mình Đa Hội của Đường Minh Giang; Rạng danh đất Tổ Hùng Vương của Nguyên Giang; Giai điệu mùa xuân của Xích Long.
Các tác phẩm đã được thu âm sẵn, chuẩn bị kỹ lưỡng với các giọng ca chuyên nghiệp. Trong đó, ấn tượng là màn biểu diễn hợp ca nam nữ cho tác phẩm Tiến lên toàn thắng ắt về ta của nhạc sĩ Võ Vang và màn biểu diễn trực tiếp của nghệ sĩ Đường Minh Giang với ca khúc Về quê mình Đa Hội mang đậm chất dân gian, âm hưởng quan họ.
Chia sẻ cảm nhận về 14 ca khúc được giới thiệu, nhạc sĩ Cát Vận nhận định: Ngoài việc mỗi tác phẩm đều có một ưu điểm riêng thì thật vui vì các tác phẩm được giới thiệu hôm nay đều đa dạng về đề tài (sông, biển, núi rừng, tình yêu…). Đáng mừng hơn là giai điệu các tác phẩm đều xuất phát từ dân gian, có chút hơi thở của tân nhạc Việt Nam, mang nhiều màu sắc dân tộc. Ông cũng đề xuất trong các buổi giao lưu, các tác giả – nhạc sĩ nên cùng nhau chia sẻ cảm nhận, phát biểu đánh giá của cá nhân về một tác phẩm để giúp nâng cao khả năng thẩm định của mình.
Nhạc sĩ Vũ Thiết chia sẻ: Trong ca khúc phổ thơ, điều quan trọng và cần thiết nhất là nhạc sĩ phải biết làm sao để tác phẩm của mình thoát khỏi thơ, để phần nhạc được trội hơn. Có không ít tác phẩm nhạc phổ thơ nhưng khi nghe lên mới có phần âm chứ chưa có tính nhạc, cũng giống như có nhiều tác phẩm hòa âm nghe rất hoành tráng nhưng ấn tượng thực sự về nhạc thì chưa có gì.
Đồng tình với nhạc sĩ Vũ Thiết, nhạc sĩ Thanh Tùng đề cập đến việc có những bài hát nghe xong không biết đang nói về cái gì vì sự lan man, không có điểm nhấn. Và ông cũng nhắc tới câu chuyện có nhiều tác phẩm được giải nhưng lại ít được xuất hiện phổ biến ngoài xã hội hoặc không có ca sĩ nào tìm hát. Điều đó cho thấy một tác phẩm có sống được hay không dựa trên việc có ai tìm hát hay không chứ không dựa trên những giải thưởng. Qua đó, ông cũng khuyến khích sự dấn thân và sự tự tin của các tác giả trẻ, khuyến khích sự tìm mới tránh lặp lại những giai điệu quen thuộc nhàm chán.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đồng ý với các ý kiến cho rằng việc mời ca sĩ và tổ chức dàn nhạc để thu âm trọn vẹn một ca khúc thực sự cầu kỳ và cần nhiều dụng công, dụng tâm. Theo ông, chất lượng một tác phẩm sẽ trọn vẹn hơn nếu có điều kiện lựa chọn được ca sĩ phù hợp. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là ca sĩ chuyên nghiệp hay Sao Mai, vì có những ca khúc gặp đúng người hát, chỉ với cây đàn mộc thôi cũng đủ làm nên tác phẩm hay. Ông nhấn mạnh sự quan trọng của việc trao đổi, chia sẻ kiến thức giữa các thế hệ, đồng nghiệp và hi vọng sự mở lòng của mọi người trong quá trình sáng tác để tác phẩm hoàn thiện hơn./.
Tại buổi giới thiệu ca khúc mới tháng 4, nhạc sĩ Trọng Lưu (con trai của cố nhạc sĩ Trọng Loan) đã thay mặt gia đình gửi tặng Hội Âm nhạc Hà Nội ấn phẩm “Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ Trọng Loan”. Cuốn sách gồm hai phần, là những hồi ức và hơn 200 tác phẩm của cố nhạc sĩ Trọng Loan từ năm 1945 đến năm 2000 được gia đình tập hợp để xuất bản.