Sáng ngày 15/6/2023, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu những ca khúc mới viết về/ viết cho thiếu nhi. Với chủ đề “Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi”, các ca khúc được khai thác dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung, đề tài.
Phát biểu tại buổi giới thiệu tác phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn cho biết: Trong danh sách giới thiệu ca khúc tháng 6 lần này, có 25 tác phẩm của 25 tác giả. Song vì một số lý do về kỹ thuật, thu âm nên chỉ có 14 ca khúc được giới thiệu.
Đó là các tác phẩm: Đi đâu mà vội mà vàng của Vũ Hạnh; Cầu vồng của Đỗ Anh Quân; Chú mèo lười của Văn Đình Công; Chú gà gọi xuân của Tiến Hùng; Đôi bàn tay bé của Tiến Đoàn phổ thơ Lâm Thắng; Cháu tự xúc ăn của Lê Ngọc Nam; Chào ông chào bà của Lê Gia Hiếu; Rồi em sẽ lớn của Ngọc Khuê; Cây bút của Ánh Minh phổ thơ Lê Hồng Thiện; Mái trường mùa thu của Đặng Hoàng Long; Em ước mong sao của Trần Văn Hùng; Trường tiểu học Tế Tiêu thân yêu của Đặng Tài Tuệ; Chồng nụ chồng hoa của Ngọc Hòa phổ thờ Nguyễn Khắc Hào; Hà Nội Thủ đô em mến yêu của Thúy My; Em yêu trường mầm non Tân Hội A (B) của Lân Cường; Dung dăng dung dẻ của Minh Đức phổ thơ Bảo Ngọc; Tự hào trường tiểu học Lê Danh Phương của Bảo Trung; Em ơi đừng khóc của Đặng Nhất Mai; Ước gì của Kim Chùy.
Với chủ đề “Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi”, nội dung của các ca khúc là những câu chuyện, các mối quan hệ cũng như góc nhìn rất đỗi giản dị, quen thuộc trong thế giới trẻ thơ.
Cựu Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Ủy viên BCH Hội – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bày tỏ niềm vui vì các ca khúc được giới thiệu hôm nay đều có ngôn ngữ trong sáng đúng với cảm xúc của thiếu nhi và dành cho thiếu nhi. Ông cho rằng: Sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi và về thiếu nhi là không dễ, nhất là khi các nhạc sĩ đều là người lớn.
Là người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc với sự nghiệp đồ sộ có đến hơn 500 ca khúc, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: Đối với các sáng tác theo định hướng chủ đề, đề tài, nhạc sĩ cần để ý trau chuốt thêm cả tính nghệ thuật của tác phẩm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, trẻ em dù chưa kịp đến trường học chữ nhưng đã biết vào các kênh YouTube để tìm và xem các video âm nhạc. Vì thế các nhạc sĩ cần lưu ý tính thời đại của âm nhạc. Như hiện nay, các video âm nhạc thiếu nhi với tiết tấu nhanh và hiện đại trên các kênh như YouTube rất thu hút trẻ và thực tế là các cháu đều rất thích. Và ông nhận định, không chỉ nội dung/ đề tài mà tiết tấu là yếu tố cần thiết mà các nhạc sĩ phải lưu tâm khi viết cho thiếu nhi bây giờ./.
(Nguồn: https://nguoihanoi.com.vn/)